banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 1DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 2DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM BẢN BỔ SUNG

Linh Chi (Ganoderma) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
Linh chi

Tên khác: Nấm lim, Nấm trường thọ

Thể quả hóa gỗ đã phơi hay sấy khô của Linh chi [Ganoderma lucidum (Leyss. ex Fr.) Karst.], họ Nấm lim (Ganodermataceae).

Mô tả

Thể quả dạng hình thận, hình tròn hay hình quạt, hóa gỗ, cứng, đường kính 5 cm đến 18 cm, dày 1 cm đến 2 cm.  Mặt trên màu nâu vàng đến nâu đỏ, bóng loáng như đánh vecni, có những vòng đồng tâm và nếp nhăn tỏa ra, nếp mỏng, nhẵn, hơi lượn sóng. Mặt dưới màu vàng nâu đến nâu nhạt với các lỗ nhỏ li ti. Phần trong xốp, màu trắng đến nâu nhạt. Cuống hình trụ, đính lệch, có khi phân nhánh, dài 6 cm đến 10 cm, đường kính 1 cm đến 3,5 cm, màu nâu đỏ đến nâu đen. Mùi thơm nhẹ, vị đắng.

Bột

Bột màu vàng nâu. Soi bột dưới kính hiển vi thấy: Sợi  nấm rải rác hoặc tụ thành đám, không màu hoặc nâu nhạt, mảnh, hơi cong, phân nhánh, đường kính 2,5 µm đến 6 µm. Bào tử hình trứng, màu nâu, đứng riêng lẻ hay tụ thành từng đám, dài 8 µm đến 12 µm, rộng 5 µm đến 8 µm, đỉnh trơn nhẵn, lớp vỏ ngoài không màu, lớp vỏ trong có nhiều chỗ lồi ra.

Xem thêm: Dành Dành (Quả) (Fructus Gardeniae) – Dược Điển Việt Nam 5

Định tính

A.Lấy 2 g bột dược liệu, thêm 20 ml ethanol 96 % (TT), đun sôi hồi lưu 1 h, lọc. Nhỏ vài giọt dịch lọc lên tờ giấy lọc, sấy nhẹ cho khô, phun hỗn hợp dung dịch sắt (III) clorid 0,9 % (TT)dung dịch kali fericyanid 0,6 % (TT)  theo tỷ lệ (1 : 1), sẽ có màu xanh lơ.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Ether dầu hỏa (60 °C đến 90 °C) –  ether ethylicacid formic (15 :5 :1 ) .
Dung dịch thử: Lấy 2g bột thô dược liệu, thêm 30 ml  methanol (TT), đun hồi lưu trong 30 min, lọc. Bốc hơi dịch lọc trên cách thủy đến cạn. Hòa cắn trong 2 ml methanol (TT).
Dung dịch đối chiếu: Lấy 2 g bột thô Linh chi (mẫu chuẩn) tiến hành chiết như mẫu thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 µl mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được 10 cm đến 12 cm, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí, quan sát dưới sáng tử ngoại ở bước sóng 366 nm.

Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (có ít nhất 4 vết phát quang màu vàng ánh xanh, trong đó có vết thứ hai từ trên xuống có cường độ đậm hơn nhiều so với các vết khác).

Độ ẩm

Không quá 17,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g; 100 °C; 5 h).

Tro toàn phần

Không quá 3,0 % (Phụ lục 9.8).

Xem thêm: Dạ Cẩm (Herba Hedyotidis capitellatae) – Dược Điển Việt Nam 5

Tro không tan trong acid

Không quá 0,5 % (Phụ lục 9.7).

Chất chiết được trong dược liệu

Không ít hơn 3,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.

Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10). Dùng ethanol 95% (TT) làm dung môi.

Chế biến

Thu hái quanh năm, lúc trời khô ráo, loại bỏ tạp chất, phơi  khô trong râm hay sấy ở 40 °C đến 50 °C đến khô.

Bào chế

Đem phần thể quả phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ 50 °C  đến 60 °C đồ cho mềm rồi thái phiến dài 5 cm đến 7 cm,  dày 2 mm đến 3 mm, phơi hoặc sấy cho khô.

Bảo quản

Trong bao bì kín, để nơi khô ráo, tránh mốc mọt, sâu bọ.

Tính vị, quy kinh

Vị hơi đắng, ngọt. Tính ôn, bình, không độc. Vào kinh can, thận.

Công năng, chủ trị

Hành khí, hoạt huyết, tư bổ chính khí. Chủ trị: Hư lao (sức  đề kháng giảm, tiêu hóa kém, mỡ máu cao, khí huyết hư), khí huyết ứ trệ (bệnh mạch vành, tăng huyết áp, thống  phong thấp khớp).

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 2 g đến 5 g, dưới dạng sắc hoặc thuốc bột, hoặc dạng chè tan. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với Nhân sâm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *