Mang thai 3 tháng đầu cần lưu ý những gì?
Mang thai 3 tháng đầu là giai đoạn khó khăn nhất của mẹ trong khi mang thai bởi cơ thể mẹ bắt đầu thay đổi. Vậy có những lưu ý gì trong giai đoạn này không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những điều nên và không nên trong 3 tháng đầu thai kỳ, đặc biệt là những mẹ mang thai lần đầu tiên nhé.
I. Lịch khám thai ba tháng đầu
Một thai kỳ thường kéo dài khoảng 40 tuần được chia thành 3 giai đoạn được gọi là ba tam cá nguyệt. Ba tháng đầu tiên là khoảng thời gian giữa sự thụ tinh của trứng và tinh trùng đến tuần thứ 12 của thai ký.
Lúc này có thể bắt đầu trải qua nhiều sự thay đổi nhất. Cơ thể tiết ra hormone ảnh hưởng tới hầu hết mọi cơ quan. Dấu hiệu đầu tiên của quá trình mang thai là trễ kinh. Ngoài ra, họ còn gặp tình trạng mệt mỏi, đau bụng, tâm trạng thay đổi bất thường, đau đầu, tăng cân…
Thai nhi bắt đầu phát triển não, tủy sống và các cơ quan khác bắt đầu hình thành. Tim thai cũng sẽ bắt đầu đập trong 3 tháng đầu. Cánh tay và chân bắt đầu nhú trong vài tuần đầu đến cuối tuần thứ 8, ngón chân và tay bắt đầu hình thành. Vào cuối tam cá nguyệt thứ nhất, các cơ quan sinh dục của bé bắt đầu hình thành. Thai nhi dài khoảng 5,4cm và nặng gần 14g.
1. Khám thai lần đầu tiên
Ngày đầu tiên của thai kỳ là ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối. Khoảng 10-14 ngày sau, trứng được phóng thích kết hợp với tinh trùng, xảy ra quá trình thụ thai. Em bé sẽ phát triển nhanh trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Sau khi có những dấu hiệu trên, mẹ nên đi khám lần đầu tiên ở tuần thứ 5 đến thứ 8 để chắc chắn mình có thai hay không.
Những xét nghiệm được thực hiện bao gồm: đo nồng độ hCG, làm xét nghiệm nước tiểu, máu, siêu âm, đo huyết áp, chiều cao, cân nặng… để xác định được tuổi thai chính xác.
Khám thai định kỳ để kiểm tra sự phát triển của thai nhi
2. Khám thai lần hai
Lần thứ hai mẹ bầu nên đi khám là tuần thai thứ 8 để kiểm tra sức khỏe toàn diện hơn.
Kiểm tra phôi thai, tim thai và làm những xét nghiệm cơ bản khác như khám lần đầu tiên.
3. Khám thai lần ba
Lần này, mẹ bầu nên tiến hành thăm khám khi thai nhi được 12 – 13 tuần tuổi. Khoảng thời gian này là thời điểm chính xác nhất để xác định thai nhi có dị tật
II. Những điều lưu ý khi mang thai ba tháng đầu
Trong ba tháng đầu, mẹ thường có những thay đổi bất thường như khó tiêu, ợ nóng, đau bụng, chóng mặt… Vậy đâu là dấu hiệu bình thường, đâu là bất thường cần phải đi khám?
1. Những biểu hiện thai nhi phát triển tốt
Các mẹ có thể yên tâm khi có những dấu hiệu sau:
– Khó tiêu, ợ nóng: Đây là triệu chứng bình thường trong thai kỳ các hormone hoạt động bình thường nên có thể cản trở đến việc tiêu hóa.
– Đau nhức cơ thể: Thai nhi đang lớn dần nên cơ thể mẹ sẽ bị đau nhức vùng lưng hoặc vùng chân, tay.
– Ốm nghén: Điều này khiến các mẹ vô cùng khó chịu nhưng là dấu hiệu bình thường chứng tỏ thai nhi vẫn khỏe mạnh.
– Tăng cân đều: Theo đúng chuẩn thai kỳ việc tăng cân 0,5kg/tuần là bình thường.
– Huyết áp và lượng đường ổn định: Khi khám định kỳ các thông số này ổn định có nghĩa là mẹ yên tâm tránh xa được nguy cơ tiền sản giật.
Ốm nghén là một trong những biểu hiện điển khi khi mang thai 3 tháng đầu
2. Những dấu hiệu bất thường nên đi khám
Khi có những triệu chứng sau, mẹ nên thông báo cho bác sĩ theo dõi để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi:
– Nghén nặng: Ốm nghén nhẹ và trung bình có thể là dấu hiệu tốt, tuy nhiên mẹ nôn quá nhiều, cơ thể mệt mỏi thì có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi.
– Đau bụng và ra máu: Việc đau bụng và ra máu trong khi mang thai có thể là dấu hiệu của việc mang thai ngoài tử cung, động thai. Nếu chỉ bị đau bụng và không ra máu thì cũng cần thông báo cho bác sĩ, đồng thời nghỉ ngơi, tránh vận động quá mạnh.
– Viêm âm đạo ra khí hư và ngứa âm đạo: Ra dịch màu trắng là biểu hiện bình thường ở mẹ bầu. Giữ cho vùng kín sạch sẽ, là một trong những việc cần thiết trong khi mang thai. Dù không nguy hiểm nhưng nếu bệnh nặng, khí hư ra nhiều kèm mùi hôi khó chịu, đau rát âm đạo, kéo dài thì có nguy cơ sẩy thai, sinh non.
Mẹ bầu cần chú ý đến việc dịch tiết quá nhiều, có mùi hôi
– Tiểu buốt, tiểu rắt: Trong ba tháng đầu, triệu chứng này có thể là dấu hiệu của viêm đường tiết niệu. Cần vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
– Tiêu chảy: Những nguyên nhân tiêu chảy ở mẹ bầu là do nhạy cảm với thực phẩm vì trong giai đoạn này mẹ cần bổ sung nhiều loại thực phẩm cần thiết, điều này có thể gây lạ bụng khiến mẹ tiêu chảy. Hoặc do không dung nạp đường lactose trong sữa, thay đổi hormone… Trong trường hợp nhẹ, mẹ có thể tự cải thiện ở nhà, tuy nhiên trường hợp nặng nên đi thăm khác bác sĩ.
III. Chế độ ăn khi mang thai ba tháng đầu
Chế độ dinh dưỡng là một trong những điều quan trọng nhất mà các mẹ cần bổ sung trong ba tháng đầu của thai kỳ. Dù giai đoạn này khiến mẹ bầu bị ốm nghén nhưng cũng cần cung cấp đầy đủ rau xanh, thịt, cá, canxi, protein…
1. Nên ăn gì?
Mẹ bầu nên ăn những thực phẩm gi?
Mẹ bầu nên lựa chọn những thực phẩm giàu dinh dưỡng, đảm bảo cung cấp vitamin và chất dinh dưỡng thiết yếu:
– Thịt nạc: Đây là nguồn cung cấp protein chính cho cơ thể như thịt lợn, thịt gà, thịt bò… Những loại thịt đỏ như thịt bò cung cấp sắt, choline và các vitamin nhóm B cho cơ thể. Đây đều cần thiết cho sự phát triển của thai nhi.
– Trứng: Là nguồn bổ sung choline cho cơ thể giúp thai nhi phát triển trí não. Đồng thời ngăn ngừa các bất thường ở não và cột sống.
– Khoai lang: Đây là loại củ phổ biến ở Việt Nam nhưng mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cao. Chúng chứa beta-caroten là tiền chất của vitamin A, từ đó đảm bảo vitamin A tự nhiên cho thai nhi hình thành và phát triển khỏe mạnh.
– Các loại rau xanh: Việc thay đổi hormon trong cơ thể khiến nhiều mẹ bầu gặp tình trạng táo bón, trĩ vì vậy việc bổ sung nhiều loại rau xanh cho cơ thể là điều cần thiết. Có một số loại tốt cho mẹ bầu như rau sẫm màu, bông cải xanh, rau khoai lang… chứa nhiều vitamin và khoáng chất, chất xơ… hỗ trợ tiêu hóa hiệu quả.
– Các loại trái cây: Một số loại trái cây rất tốt cho mẹ bầu như cam, ổi, dâu tây… Chúng chứa nhiều vitamin C giúp xương và mô ở thai nhi phát triển. Đồng thời, giúp tăng cường hấp thu sắt từ thực phẩm trong bữa ăn.
2. Kiêng ăn gì?
Mẹ bầu 3 tháng không nên ăn đu đủ xanh
Bên cạnh những thực phẩm nên bổ sung hàng ngày thì mẹ bầu cũng nên hạn chế tiêu thụ những món dưới đây:
– Dưa muối xổi: Đây là món khoái khẩu của nhiều người dân Việt Nam, tuy nhiên nó không thích hợp với mẹ bầu.
– Khoai tây: Trong khoai tây có chứa một loại độc tố là solanine – chất kiềm sinh vật. Nếu bổ sung quá nhiều có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là phụ nữ mang thai.
– Rau ngót, đu đủ xanh, dứa… là một trong những thực phẩm gây co thắt tử cung, nguy cơ dẫn đến sảy thai. Vì vậy, mẹ bầu nên ăn với lượng vừa đủ để bảo vệ sức khỏe cho bé.
IV. Những điều cần tránh trong khi mang thai 3 tháng đầu
Bên cạnh những thực phẩm cần phải hạn chế trong khi mang thai, đặc biệt là trong ba tháng đầu, mẹ bầu cũng cần chú ý những điều dưới đây để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé:
– Không sơn móng tay: Trong sơn móng tay có hóa chất phthalates làm ảnh hưởng tới chỉ số thông minh của trẻ, do đó không nên sử dụng.
– Không tẩy trắng răng: Trong giai đoạn đầu phát triển của thai nhi, nướu của mẹ cũng nhạy cảm hơn bình thường nên việc làm nó bị tổn thương có thể không an toàn cho mẹ bầu và thai nhi.
– Không dùng thuốc nếu chưa được bác sĩ chỉ định: Các loại thuốc tây y hoặc thảo dược thường có tác dụng phụ đi kèm nên tham khảo bác sĩ trước khi sử dụng với thuốc không kê đơn và chỉ dùng khi được bác sĩ chỉ định với thuốc kê đơn.
– Không quan hệ: Ba tháng đầu là giai đoạn cần thiết để ổn định thai nhi, do đó, để tránh tổn thương ở tử cung, bố mẹ không nên quan hệ để tránh động thai gây sảy thai.
Không nên quan hệ trong ba tháng đầu thai kỳ
– Không hoạt động mạnh và hoạt động quá sức: Không chỉ trong ba tháng đầu, trong suốt thai kỳ, người mẹ chỉ nên hoạt động vừa phải, không được hoạt động quá sức gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.
– Không hút thuốc lá: Nhiều bà mẹ có thói quen hút thuốc trước khi mang thai, tuy nhiên thuốc lá như chúng ta đã biết có chứa nicotin và những chất độc hại khác có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh hay các bệnh lý khác ở trẻ.
– Cẩn thận với môi trường xung quanh: Với những công việc phải tiếp xúc với hóa chất như chụp x-quang, thuốc sâu… người mẹ nên đặc biệt chú ý, chuyển sang những công việc khá để tránh ảnh hưởng tới thai kỳ. Phụ nữ mang thai cũng không nên tiếp xúc với phân mèo vì chúng có chứa khuẩn toxoplasmosis nguy cơ tác động đến thai nhi.
Ba tháng đầu là giai đoạn mà người mẹ cần đặc biệt chú ý. Trên đây là những điều cần lưu ý trong ba tháng đầu của thai kỳ. Mong rằng có thể giúp ích được cho bạn. Chúc mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh.