15 dấu hiệu phổ biến cảnh báo ung thư

Cần phát hiện sớm ung thư để có biện pháp điều trị sớm

Chìa khóa vàng trong điều trị ung thư là phát hiện ra bệnh sớm, có phương pháp điều trị đúng. Yếu tố phát hiện bệnh sớm cực kỳ quan trọng đối với bệnh nhân ung thư. Phải làm gì khi bị bệnh ung thư? Các dấu hiệu cảnh báo ung thư? Tìm hiểu ngay với chúng tôi qua bài viết sau đây!

I. Ung thư là gì?

Với người khỏe mạnh, quá trình hình thành các tế bào mới bắt đầu từ việc tế bào phát triển rồi phân chia. Sau đó, những tế bào bị lão hóa hay hư hỏng sẽ chết đi và biến mất.

Bên cạnh đó, một số tế bào bất thường vẫn tồn tại không cần thiết và số lượng của chúng tăng nhanh không kiểm soát được. Sau đó, những tế bào bất thường này sẽ lan vào các mô xung quanh và tạo thành khối u. Có 2 loại khối u:

– Khối u lành tính: Đa số các khối u dạng này không đáng lo, chúng không gây ảnh hưởng hoặc di căn đến những cơ quan khác. Một số loại hay gặp như u xơ tử cung, u xơ dây thanh, u tuyến, u xương sụn,… Tuy nhiên, một số khối u hình thành ở gần mạch máu hoặc dây thần kinh có thể gây nguy hiểm.

– Khối u ác tính: Đây chính là ung thư. Một số khối u ác tính thường thấy như ung thư lá lách, ung thư gan, ung thư phổi, ung thư cổ tử cung,… Khối u dạng này có khả năng di căn tới cơ quan khác và tốc độ phát triển nhanh hơn rất nhiều so với khối u lành tính.

II. Nguyên nhân dẫn đến ung thư

Qua các nghiên cứu cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư. Trong đó, chia làm 4 nhóm nguyên nhân chính như sau:

1. Thói quen sinh hoạt không lành mạnh

Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư là do thói quen sinh hoạt không lành mạnh, bao gồm:

– Hút thuốc lá: Đây chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư phổi. Ngoài ra, việc hút thuốc còn làm tăng nguy cơ dẫn đến ung thư thanh quản, ung thư bàng quang, ung thư thực quản,…

– Chế độ ăn uống hàng ngày: Hiện nay thói quen ăn đồ ăn nhanh, thức ăn đóng hộp, đồ ăn cháy khét, nước ngọt có ga,… là nguyên nhân lớn làm phát triển bệnh ung thư.

– Đồ uống chứa cồn: Các loại thức uống này có thể làm phá hủy một số tế bào, ảnh hưởng đến chuyển hóa các hormon của cơ thể, giảm khả năng hấp thu folate,… Do đó, chúng cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư như ung thư gan, ung thư đại tràng, ung thư tuyến tụy,…

– Tia UV từ ánh nắng mặt trời nguy cơ dẫn tới ung thư da.

Hút thuốc lá - nguyên nhân gây ung thư phổi

Hút thuốc lá – nguyên nhân gây ung thư phổi

2. Ảnh hưởng của môi trường

Việc sinh sống, làm việc trong môi trường có chứa các hóa chất độc hại cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

– Nicotine: Là thành phần chính của khói thuốc lá. Đây cũng chính là tác nhân dẫn đến các bệnh ung thư như ung thư phổi, ung thư đại tràng,…

– Asen: Đây là nguyên tố tự nhiên dễ bị nhiễm vào trong nước, không khí, đất có độc tính cao. Một số ngành công nghiệp sản xuất gỗ, thủy tinh thường sử dụng Asen và hợp chất chứa nó để bảo quản sản phẩm. Do đó, công nhân làm việc ở các xưởng sản xuất này sẽ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn người bình thường.

– Formaldehyd: Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, chất này có thể gây bệnh ung thư vòm họng.

– BPA (Bisphenol A): Đây là loại hóa chất công nghiệp dùng để sản xuất ra các bình nước, hộp đựng đồ ăn,… Nó có thể gây rối loạn nội tiết tố, ảnh hưởng đến Estrogen và một số hormone khác trong cơ thể nên dẫn tới bệnh ung thư vú.

– Khí thải diesel: Có nguồn gốc từ dầu thô có trong các phương tiện như xe máy, xe lửa, tàu thủy, xe buýt, xe tải,… Khí thải từ các loại phương tiện này có chứa các chất độc hại làm ảnh hưởng tới hệ hô hấp và là nguyên nhân gây ung thư phổi.

3. Di truyền

Một trong những nguyên nhân gây ra ung thư phải kể đến là do di truyền từ thế hệ trước. Như đã biết gen là một đoạn trong phân tử axit nucleic quyết định các thuộc tính di truyền. Do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra đột biến gen di truyền và trở thành nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư thế hệ sau. Ở trường hợp này, đa số các dấu hiệu ung thư sẽ xuất hiện khá sớm.

4. Nhiễm virus và vi khuẩn gây bệnh

Virus là tác nhân trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến bệnh ung thư. Trong đó, có những loại virus tác động trực tiếp lên DNA để gây bệnh. Ngoài ra, còn một số loại virus có thể gây ung thư như:

– HBV, HCV: Đây là loại virus gây ra bệnh viêm gan, nhiễm trùng gan và ung thư gan. Chúng có thể dễ dàng lây qua các con đường như dùng chung kim tiêm, quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ hay tiếp xúc với máu của người bệnh.

– HPV: Tác nhân gây ra bệnh ung thư cổ tử cung và lây nhiễm qua đường tình dục.

– Herpesvirus: Nguyên nhân chính gây ra KSHV – ung thư mạch máu ác tính, chúng lây chủ yếu qua máu, nước bọt và quan hệ tình dục.

III. 15 dấu hiệu nhận biết ung thư

Nhiều trường hợp khi phát hiện ung thư thường đã ở giai đoạn cuối do chủ quan, không cẩn thận, bỏ qua các dấu hiệu của bệnh ung thư. Có thể kể đến một số dấu hiệu của căn bệnh ác tính này.

1. Ho dai dẳng, kéo dài

Ho là tình trạng hay gặp, nguyên nhân chủ yếu do chảy dịch sau mũi, trào ngược thực quản, hen suyễn,… Do đó, mọi người thường có suy nghĩ chủ quan không nghĩ đến việc ung thư. Tuy nhiên, nếu là người thường xuyên hút thuốc hay tình trạng ho kéo dài, điều trị không thuyên giảm, ho ra máu thì hãy đến gặp bác sĩ, để được tiến hành cấy đờm, làm các xét nghiệm,… để rà soát ung thư phổi.

Ho dai dẳng, kéo dài - dấu hiệu ung thư phổi

Ho dai dẳng, kéo dài – dấu hiệu ung thư phổi

2. Biến đổi bất thường ở vùng vú

Một số bất thường ở vùng vú hay gặp như: Cứng, đau, có vệt đỏ hoặc dày lên, chảy dịch, xuất hiện u cục, chảy máu ở núm vú,… Đây là các dấu hiệu cảnh báo ung thư vú vô cùng quan trọng. Nếu có một trong số các triệu chứng kể trên hãy đến các bệnh viện uy tín chụp nhũ ảnh, MRI hay sinh thiết để được rà soát bệnh ung thư vú sớm.

Bệnh nhân bị ung thư vú

Bệnh nhân bị ung thư vú

3. Đầy hơi, trướng bụng

Đây là triệu chứng rất hay gặp, nguyên nhân có thể do hệ tiêu hóa đang bị rối loạn, căng thẳng, chế độ ăn uống không hợp lý. Tuy nhiên, nếu liên tục bị đầy bụng trong thời gian dài kèm theo cơ thể mệt mỏi, đau lưng thì hãy đi kiểm tra sức khỏe ngay. Ở phụ nữ, dấu hiệu này có thể cảnh báo bệnh ung thư buồng trứng, hãy đi khám để tìm ra nguyên nhân.

4. Bất thường trên da

Vùng da đột nhiên xuất hiện các đốm mọc bất thường cả về hình dáng, kích thước hay màu sắc mà trước đó cơ thể chưa từng có thì hãy thận trọng. Nếu các đốm mọc một thời gian mà không mất hoặc càng ngày càng nhiều thì nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để tiến hành các biện pháp như sinh thiết da, khám tầm soát ung thư da để có hướng điều trị thích hợp

5. Tiểu tiện bất thường

Đặc biệt ở nam giới có tuổi thường gặp các vấn đề đường tiết niệu như đi tiểu lắt nhắt, bí tiểu, tiểu nhiều lần,… Đây là dấu hiệu của phì đại tiền liệt tuyến, nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến tiền liệt. Do vậy, hãy đi khám và bác sĩ có thể chỉ định làm PSA test – xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu với tiền liệt tuyến, giúp phát hiện bệnh sớm.

Đối với trường hợp đi tiểu ra máu có thể do bị bệnh trĩ nhưng cũng không loại trừ khả năng đó là ung thư ruột kết. Ngoài ra, đây cũng là dấu hiệu cảnh báo ung thư thận, ung thư bàng quang.

6. Xuất hiện các hạch to

Một trong những dấu hiệu thường gặp nhất ở những bệnh nhân ung thư đó là nổi các hạch nhỏ cứng, hình hạt đậu, sưng trên cổ, nách hoặc một cơ quan nào đó của cơ thể. Do đó, cần phải thăm khám để kiểm soát bệnh.

Bệnh nhân xuất hiện các hạch to trên cơ thể

Bệnh nhân xuất hiện các hạch to trên cơ thể

7. Tinh hoàn bất thường

Nam giới khi phát hiện thấy tinh hoàn có khối u hoặc sưng lên thì cần chú ý. Thông thường, các trường hợp bị ung thư tinh hoàn sẽ xuất hiện các khối u nhô lên không đau, người bệnh có cảm giác nặng ở bụng dưới hoặc bìu. Khi thăm khám bác sĩ sẽ chụp cắt lớp để chẩn đoán bệnh.

8. Khó nuốt

Thông thường, ở một số bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản do tăng tiết dịch vị hay uống thuốc sẽ xảy ra tình trạng khó nuốt, vướng vùng hầu họng. Tuy nhiên, nếu vấn đề này tiếp diễn trong một thời gian dài dù đã được điều trị bằng các thuốc Antacid thì nên đi khám. Dấu hiệu khó nuốt có thể cảnh báo ung thư vòm họng, ung thư thực quản,…

9. Xuất huyết âm đạo bất thường

Đối với phụ nữ không phải chu kỳ kinh nguyệt mà lại ra máu bất thường ở âm đạo, ra máu sau khi quan hệ tình dục hay dịch âm đạo có máu,…thì có thể do u xơ tử cung hay tác dụng phụ của thuốc ngừa thai. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu cảnh báo ung thư tử cung, âm đạo.

Đặc biệt, phụ nữ đã mãn kinh nhưng vẫn xuất huyết âm đạo bất thường thì hãy đến bệnh viện khám ngay.

10. Mệt mỏi, suy nhược kéo dài

Căng thẳng do áp lực công việc, gia đình khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược nhưng vấn đề này có thể điều chỉnh bằng cách thay đổi cách sống, nghỉ ngơi, thư giãn.

Còn một số trường hợp thường xuyên mệt mỏi, cơ thể suy nhược trầm trọng dù đã nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý thì hãy đến các cơ sở y tế, nơi đó bác sĩ sẽ tư vấn và có biện pháp điều trị.

Dấu hiệu này kéo dài cũng có thể cảnh báo bệnh bạch cầu, ung thư đại tràng, ung thư dạ dày,… Các bệnh này khiến cơ thể mất máu nên rất mệt mỏi.

Mệt mỏi thường xuyên là dấu hiệu cảnh báo ung thư

Mệt mỏi thường xuyên là dấu hiệu cảnh báo ung thư

11. Mảng trắng, đỏ ở miệng

Khi xuất hiện những mảng trắng, đỏ và đau ở miệng mà sau 2 tuần vẫn chưa thấy lành, đặc biệt là người hút thuốc thì hãy đi khám để chẩn đoán bệnh. Đây có thể là dấu hiệu để nghi ngờ mắc ung thư họng. Ngoài ra, cũng cần thận trọng với các khối u nổi lên bên trong má, cử động hàm khó khăn và đau.

12. Sụt cân trên 5kg/tháng không rõ nguyên nhân

Việc sụt cân có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm: Đang ăn theo chế độ để giảm cân, tập luyện vất vả hay mắc phải bệnh lý khác như bướu cổ,…

Riêng với trường hợp bệnh nhân bị sụt khoảng 5kg/tháng mà không xác định được nguyên nhân thì nên đi khám. Vì đây có thể là dấu hiệu khởi phát của ung thư tụy hoặc ung thư phổi, ung thư dạ dày, thực quản.

Bệnh nhân sụt cân 5kg/tháng không rõ nguyên nhân

Bệnh nhân sụt cân 5kg/tháng không rõ nguyên nhân

13. Sốt không đáp ứng với điều trị thông thường

Sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể để chống lại một nhiễm khuẩn nào đó hoặc do tác dụng phụ khi dùng thuốc. Tuy nhiên, đối với các trường hợp sốt cao, không có dấu hiệu thuyên giảm, không xác định được nguyên nhân thì có thể nghĩ đến tình huống xấu nhất là ung thư máu như bệnh bạch cầu hay ung thư hạch bạch huyết.

14. Nóng rát vùng thượng vị, khó tiêu

Khó tiêu, nóng rát vùng thượng vị là triệu chứng mà bất kỳ ai cũng đã từng trải qua ít nhất một lần, nguyên nhân là do chế độ ăn uống, stress,… Mặc dù đã cải thiện chế độ sinh hoạt, ăn uống mà các biểu hiện trên vẫn không thuyên giảm thì nên thăm khám để tìm ra nguyên nhân, có thể là dấu hiệu đầu tiên của ung thư dạ dày.

15. Đau

Nếu cơ thể thường xuyên bị đau nhức, kéo dài trên một tháng không xác định được lí do thì có thể là triệu chứng ban đầu của bệnh ung thư xương, não hay một loại ung thư khác.

IV. Lời khuyên của chuyên gia

Với nguyên tắc phòng bệnh hơn chữa bệnh, các chuyên gia khuyến cáo nên thực hiện các việc sau để kiểm soát được bệnh tật, đặc biệt là ung thư:

– Đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện ra bệnh kịp thời và tăng khả năng điều trị thành công.

– Tiêm vacxin phòng ngừa ung thư.Trong đó, 2 loại tiêm phòng phải thực hiện bắt buộc:

+ Viêm gan B: Giúp phòng ngừa và làm giảm nguy cơ mắc ung thư gan.

+ HPV: Đây là loại virus có khả năng lây qua đường tình dục và dẫn đến ung thư cổ tử cung hay cơ quan sinh dục khác.

– Thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, hạn chế ăn đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, tăng cường tập luyện thể dục thể thao ít nhất 30 phút/ ngày.

– Duy trì cân nặng khỏe mạnh có thể làm giảm nguy cơ mắc các loại ung thư khác nhau, bao gồm ung thư vú, tuyến tiền liệt, phổi, đại tràng và thận.

– Không hút thuốc lá.

Đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị kị thời ung thư

Đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị kị thời ung thư

15 dấu hiệu trên đây là những dấu hiệu phổ biến liên quan đến ung thư. Bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều dấu hiệu ung thư khác. Khi phát hiện cơ thể có ra những bất thường một thời gian dài, hãy nhanh chóng đi khám ngay. Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn chăm sóc hiệu quả sức khỏe của mình.

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *