SẸO: Giải mã mọi bí mật liên quan

Sẹo trên da sau chấn thương

Sẹo trên da sau chấn thương

Da là một cơ quan liền mạch, như một tấm vải mịn bảo vệ những bộ phận bên trong của cơ thể. Là hàng rào đầu tiên ngăn cản vi khuẩn, virus gây bệnh xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, bất cứ tổn thương nào cũng có thể làm da biến đổi bất thường để lại sẹo, không chỉ gây ảnh hưởng cấu trúc bên trong của da mà còn ảnh hưởng tới tâm lý, làm mất sự tự tin của bản thân.

Có nhiều loại sẹo khác nhau như sẹo lồi, sẹo rỗ, sẹo lõm… Hãy cùng Dược Điển Việt Nam giải mã mọi bí mật về sẹo qua bài viết dưới đây.

1. Da bình thường khác da sẹo như thế nào?

Đầu tiên, chúng ta cần hiểu rõ hơn về cấu tạo và chức năng của làn da. Làn da bao gồm 3 lớp chính từ ngoài vào trong bao gồm biểu bì, trung bì và hạ bì. Các thành phần phụ như các nang lông, tuyến mồ hôi cũng có ý nghĩa khác nhau trong tổng thể của da.

– Lớp biểu bì: Là lớp ngoài cùng của da mà chúng ta có thể nhìn và chạm vào được. Lớp này ngăn cản vi khuẩn, độc tố xâm nhập vào trong cơ thể, đồng thời tránh mất các chất lỏng cần thiết.

– Trung bì: Là lớp da dày, đàn hồi, gồm 2 lớp. Lớp lưới có hình uốn lượn sóng, tiếp giáp ở dưới biểu bì. Lớp dày là vùng rộng và dày, trên lớp mô dưới da. Cấu trúc chính của lớp này gồm sợi collagen, sợi đàn hồi giúp làn da linh hoạt, khỏe mạnh và các mô liên kết giúp nhanh chóng làm lành vết thương.

– Lớp mô dưới da (Hạ bì): Lớp da phía trong cùng gồm các tế bào mỡ, sợi collagen đặc biệt, mạch máu. Collagen là một protein chiếm 70% trong cấu trúc của da, ảnh hưởng lớn đến việc hình thành sẹo.

Sẹo là khu vực khi các mô đã bị xơ hóa thay thế da bình thường. Thay vì việc hình thành ngẫu nhiên các mô sợi, thì các xơ hóa Collagen khi bị sẹo liên kết chéo nhau, khiến chức năng của da kém hơn so với bình thường. Đồng thời tuyến mồ hôi, nang lông không phát triển trở lại sau khi bị sẹo.

Biến đổi cấu trúc da của sẹo

Biến đổi cấu trúc da của sẹo

2. Vai trò của làn da và ảnh hưởng của sẹo da đối với cơ thể

Làn da không chỉ giữ vai trò quan trọng đối với sức khỏe mà còn cả với tinh thần của chúng ta. Nó giúp:

– Bảo vệ cơ thể khỏi sự tác động của môi trường, hạn chế những thay đổi nóng, lạnh, tia bức xạ. Đồng thời tránh được sự mất nước, giúp làn da mềm mại, đàn hồi.

– Như là một lớp đệm giảm va chạm, bảo vệ các mô, cơ quan trong cơ thể, tránh lực tối đa tác động trực tiếp vào những cơ quan này, đồng thời giúp phục hồi các vết thương.

– Cảm nhận được các yếu tố nóng, lạnh, nỗi đau,…

– Da cũng giữ một vai trò quan trọng về tâm lý. Tình trạng da ảnh hưởng đến cách người khác cảm nhận ban đầu về chúng ta và cảm nhận về chính bản thân. Khi làn da khỏe mạnh, không gặp bất cứ vấn đề gì khiến bản thân tự tin, thoải mái hơn.

Da có vai vô cùng quan trọng, chính vì vậy khi bị sẹo da, nó ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của con người:

– Trên vùng da sẹo, cấu trúc da không được sắp xếp giống vùng da bình thường của cơ thể, mất khả năng bảo vệ của lớp biểu bì dẫn đến chức năng chống lại tia cực tím giảm đi so với bình thường.

– Đồng thời da mất độ đàn hồi, không cảm nhận được độ nóng độ lạnh,… Tuyến mồ hôi và nang lông không được hoạt động, không tiết được mồ hôi. Đặc biệt, những tổn thương sẹo trong cơ tim có thể dẫn đến mất sức mạnh cơ bắp, dẫn đến suy tim.

3. Quá trình hình thành sẹo

Quá trình lành vết thương để lại sẹo

Quá trình lành vết thương để lại sẹo

Khi bất kỳ tổ chức, cơ quan nào bị thương cũng sẽ diễn ra quá trình hồi phục và sẹo là kết quả tất yếu của quá trình này. Quá trình liền vết thương diễn ra qua 3 giai đoạn như sau:

– Giai đoạn phản ứng viêm: Các tế bào miễn dịch của cơ thể hoạt động, tiêu diệt các chất trung gian hóa học gây viêm và vi khuẩn có hại,…

– Giai đoạn tăng sinh: Các tế bào mới hình thành, bao gồm các mô liên kết, mạch máu, sợi collagen,..

– Giai đoạn tái tạo tế bào, sửa chữa lại tổ chức: Quá trình này thường diễn ra trong 3 – 6 tháng, bất kỳ yếu tố tác động nào cũng đều có thể ảnh hưởng tới chất lượng của sẹo.

Tùy theo mức độ của tổn thương, tình trạng nhiễm khuẩn, vết thương lành theo một trong ba cách sau:

– Liền sẹo kỳ đầu: Vết mổ và các vết thương gọn, sạch, được khâu kín ngay,…

– Liền sẹo kỳ hai: Vết thương nhiễm trùng, dập nát, không thể khâu kín,…

– Liền sẹo kỳ ba: Các vết thương bị dập nát, những ca nhiễm trùng được cắt lọc, thay băng cho đến khi vết thương sạch sẽ (được cắt lọc lại) hoặc những vết tương tự kỳ 2 nhưng có thể khâu kín.

Các vết thương khác nhau có thể để lại các sẹo khác nhau:

– Sẹo bình thường.

– Sẹo bệnh lý.

Sẹo bình thường là vùng sẹo bằng ngang với tổ chức da xung quanh, mềm mại, trắng hồng, không bị kéo dãn, không còn bất kỳ phản ứng viêm, nhiễm trùng nào. Các sẹo còn lại là sẹo không bình thường (sẹo bệnh lý) rất được quan tâm do ảnh hưởng đến chức năng vùng da, đặc biệt là tính thẩm mỹ như vết sẹo lồi, vết sẹo do mụn trứng cá trên mặt,…

Có một sự thật là sẹo không bao giờ biến mất hoàn toàn, không có bất kỳ biện pháp nào có thể làm hết sẹo. Mục đích của việc điều trị sẹo là biến một sẹo bệnh lý thành sẹo bình thường, biến 1 sẹo không đẹp về mặt thẩm mỹ thành một sẹo đẹp hơn.

4. Đặc điểm của làn da ảnh hưởng đến sự hình thành sẹo

Tùy thuộc vào một số yếu tố khác nhau như vị trí, khả năng cung cấp máu… mà ảnh hưởng tới khả năng cơ thể bảo vệ một cách tự nhiên.

4.1 Khả năng cung cấp máu của da

Khả năng liền sẹo phụ thuộc chủ yếu vào sự tăng sinh Elastin và Collagen ở lớp hạ bì. Tuy nhiên chức năng liên kết của mô lại với nhau giúp da đàn hồi tốt lại phụ thuộc vào khả năng cung cấp máu dưới da, nếu tuần hoàn không tốt sẽ khó lấp đầy được sẹo.

4.2 Vị trí của tổn thương

Những vùng da của cơ thể có độ dày mỏng khác nhau tùy từng vị trí, do đó với cùng một tổn thương nhưng ở những vị trí khác nhau có thể để lại mức độ, tính chất sẹo hoàn toàn khác nhau. Như dái tai hay để lại sẹo lồi, ở mặt thường xuất hiện sẹo lõm,… Chúng liên quan đến cấu trúc cơ bản của lớp trung bì và tổ chức dưới da.

4.3 Tuổi tác

Mức độ tăng sinh Collagen giảm dần theo thời gian. Khi còn trẻ, da sản xuất Collagen mạnh mẽ, đồng thời yếu tố tăng trưởng trong huyết thanh cũng cao, dễ dẫn đến sẹo phì đại. Ở người già, mức tăng sinh giảm đi, nguy cơ hình thành sẹo sẽ giảm đi nhiều.

5. Phân loại sẹo da cần được quan tâm

Một số loại sẹo bệnh lý ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ cao như sau:

5.1 Sẹo lồi (Keloid)

Khi da bị tổn thương, mô sợi hình thành trên vết thương để sửa chữa và bảo vệ vết thương. Trong các trường hợp đặc biệt, mô này phát triển quá mức tạo thành khối nhẵn, cứng được gọi là sẹo lồi. Sẹo lồi chủ yếu do chấn thương da như mụn, thủy đậu, bỏng, vết mổ phẫu thuật, xỏ lỗ khuyên tai,…

Nguyên nhân của sẹo lồi do quá trình tổng hợp của sợi Collagen ở trung bì phát triển vượt trội so với quá trình phân hủy Collagen xảy ra trong khi liền sẹo ở giai đoạn thứ ba. 

Đặc điểm bệnh lý của sẹo lồi:

– Sẹo lồi có thể lớn hơn rất nhiều so với vết thương ban đầu của nó. Sẹo phát triển liên tục, gây xâm lấn sang vùng da xung quanh. Loại sẹo này có thời điểm tạm dừng phát triển nhưng không hoàn toàn thoái lui.

– Thường xuất hiện nhiều nhất ở ngực (do phẫu thuật), vai và lưng (do mụn trứng cá), dái tai (do xỏ khuyên), má,… Vùng gan tay, lòng bàn tay hầu như không xuất hiện loại sẹo này dù cho bất kỳ loại tổn thương nào.

– Sẹo lồi xuất hiện nhiều hơn ở nữ giới, ở những người có tông màu da sẫm hơn. Ngoài ra, tỷ lệ tuổi gặp sẹo lồi cao nhất từ 10 – 30 tuổi (giai đoạn phát triển mạnh của cơ thể).

– Yếu tố di truyền cũng góp phần phát triển sẹo lồi, liên quan đến 1 gen là gen AHNAK: Những người có gen này thường dễ bị sẹo lồi hơn ở những người không có.

– Các phẫu thuật sửa sẹo bao gồm cả phẫu thuật tạo hình thường làm sẹo nặng nề hơn.

Muốn điều trị sẹo lồi hiệu quả cần đến những cơ sở y tế (phòng khám uy tín, bệnh viện) để được bác sĩ chuyên môn lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất. Để tìm hiểu phương pháp điều trị sẹo lồi mời bạn tham khảo thêm bài viết: Phẫu thuật sẹo lồi liệu có thể PHỤC HỒI LÀN DA.

Sẹo lồi

Hình ảnh sẹo lồi

5.2 Sẹo phì đại (Hypertrophic scar)

Sẹo phì đại cũng là sẹo bệnh lý của da, tuy nhiên nó có tiên lượng tốt hơn nhiều so với sẹo lồi. Sự hình thành của sẹo cũng được chứng minh do sự mất cân bằng của quá trình tổng hợp và phân hủy mô sợi, nhưng hiện tượng này chỉ là tạm thời và chỉ biến đổi ở giai đoạn thứ hai của quá trình liền sẹo. Trong giai đoạn thứ 3 sẽ giúp sửa chữa, sẹo sau đó sẽ thoái lui và xu hướng hình thành sẹo bình thường.

Nguồn gốc chủ yếu gây sẹo phì đại là lực căng cơ học trên các vết thương gây ra bởi chấn thương bỏng, khi xỏ khuyên, vết cắt, thậm chí mụn trứng cá.

Ban đầu, sẹo có thể gây đau, ngứa, khó chịu, khó phân biệt với sẹo lồi. Tuy nhiên nó có những đặc điểm riêng như:

– Chỉ phát triển trong một giai đoạn nhất định, không tác động vào những phần da xung quanh. Nó có thể to lên về kích thước nhưng không hề xâm lấn sang vùng da lành.

– Thời gian để sẹo thoái lui và ngừng phát triển trong khoảng 12 – 18 tháng.

– Chúng có thể xảy ra ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, không bị ảnh hưởng bởi yếu tố gia đình, cơ địa, giới tính.

– Nếu điều trị sẹo đúng cách sẽ cho kết quả tốt về mặt thẩm mỹ.

Sẹo phì đại

Hình ảnh sẹo phì đại

5.3 Sẹo lõm (Atrophic scar)

Sẹo lõm hay còn gọi là sẹo teo, có hình thể, cấu trúc ngược với sẹo phì đại, sẹo lồi. Nguyên nhân là do sự mất hoặc thiếu hụt cấu trúc cơ bản của lớp trung bì ở da, đó có thể là tổ chức mỡ, mô sợi,… trong quá trình hồi phục những tổn thương của da.

Sẹo lõm thường là kết quả để lại của bệnh thủy đậu nặng, mụn trứng cá, hoặc hình thành sau khi tẩy nốt ruồi.

Đặc điểm của sẹo lõm:

– Không gây ra các phản ứng tại chỗ sẹo như ngứa, đau, co kéo da,… nhưng lại ảnh hưởng khá lớn đến thẩm lý, đặc biệt là vùng mặt. Ngoài ra nó còn tạo các hang, túi chứa đựng chất bã nhờn, bụi bẩn, vi khuẩn,… tạo thành ổ viêm nhiễm cho vùng da mới.

– Điều trị sẹo có thể cải thiện sẹo rất tốt, giúp giảm các vết lõm trên da.

Sẹo lõm

Sẹo lõm

5.4 Sẹo giãn (Stretch marks)

Sẹo giãn có thể xuất hiện tại vị trí mà trước đó không hề có tổn thương da hoặc có thể chuyển từ sẹo phì đại đã thoái lui hoặc sẹo lồi đã được điều trị ổn định.

Dạng phổ biến nhất của sẹo giãn là các vết rạn, dưới dạng những dải đường thẳng song song trên da. Những đường này có màu sắc, kết cấu khác với làn da bình thường. Khi dùng ngón tay cảm nhận có thể thấy hơi gồ hoặc lõm. 

Nguyên nhân chủ yếu hình thành sẹo giãn do dự kéo căng da quá mức trong một thời gian nhất định như rạn da trong quá trình mang thai, tăng cân hoặc giảm cân quá mức, hormon Corticosteroid tăng cao đột ngột,… Có xu hướng xảy ra ở thanh thiếu niên đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng.

Đặc điểm của sẹo giãn:

– Có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, nhưng thường phổ biến ở bụng, bắp tay, ngực, đùi và mông.

– Hầu hết các vết rạn da đều tồn tại vĩnh viễn, không thể biến mất hoàn toàn. Có thể khắc phục để mờ đi, cải thiện tốt sau phẫu thuật tạo hình.

Sẹo giãn

Sẹo giãn

Xem thêm: enlightenedMột số thảo dược thiên nhiên giúp sẹo, thâm.

Trên đây, có thể là một số thông tin giúp bạn hiểu hơn về làn da và cách hình thành sẹo của mình. Hãy chủ động bảo vệ làn da của mình tránh hình thành sẹo. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe.

Các bài viết của Dược Điển Việt Nam chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị.

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *