Đừng chủ quan nếu mất ngủ – Mỗi nguy hiểm chớ coi thường

Bạn đã phải đếm bao nhiêu trang trại cừu mới đi ngủ được?

mất ngủ

Đếm cừu có trị được mất ngủ?

Mất ngủ trước đây vốn được xem là bệnh tuổi già nhưng hiện nay, tỷ lệ người bị mất ngủ lại có xu hướng trẻ hóa, gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống, hiệu quả công việc. Vậy liệu mất ngủ chỉ đơn giản là giảm thời gian đi ngủ xuống hay là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó? Phải làm sao để điều trị và phòng ngừa mất ngủ hiệu quả nhất. Hãy tham khảo bài viết dưới đât để có câu trả lời thích hợp. 

I. Triệu chứng của bệnh mất ngủ

Đầu tiên chúng ta phải hiểu: Bệnh mất ngủ là gì? Khi nào thì mất ngủ được coi như một bệnh lý? 

Đó là khi việc mất ngủ gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, kết quả công việc, học tập. Tinh thần và trí lực của bạn đều bị giảm sút.

Để chẩn đoán và đánh giá được mức độ của bệnh mất ngủ chúng ta có thể dựa trên 2 tiêu chí là tổng thời gian ngủ và chất lượng của giấc ngủ.

1. Thời gian ngủ

Đối với người trưởng thành, thời gian ngủ trung bình 1 ngày là 7-8 tiếng. Với bằng đấy thời gian sẽ giúp đảm bảo cơ thể có được sự hồi phục và sự thư giãn cần thiết cho các cơ quan, giúp duy trì sức khỏe ổn định. Đối với người dưới 18 tuổi, đặc biệt là ở độ tuổi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì thời gian cần thiết cho giấc ngủ được khuyến cáo là dài hơn. Còn ở ở người cao tuổi thì thời gian cho giấc ngủ lại ít hơn.

Khi tổng thời gian ngủ trong ngày ít hơn thời gian khuyến cáo thì bị xem là mất ngủ, nhưng để gọi là bệnh mất ngủ thì phải xem xét đến lý do mất ngủ đến từ đâu. 

– Khi điều kiện cho phép người đó ngủ nhưng không thể nào đi vào giấc ngủ được. Hay giấc ngủ không được sâu, người luôn trong trạng thái lờ đờ, lừ đừ, buồn ngủ nhưng không ngủ được. Đây được gọi là bệnh mất ngủ.

– Còn nếu do công việc hoặc học tập, dù rất buồn ngủ nhưng phải cố thức để hoàn thành dẫn đến thời gian ngủ ít. Đây vẫn được coi là mất ngủ nhưng không gọi là bệnh mất ngủ.

thời gian ngủ của người mất ngủ

Thời gian ngủ của người bị mất ngủ

2. Chất lượng của giấc ngủ

Khi mất ngủ, điều dễ nhận thấy nhất là khi bạn thức dậy sau một giấc ngủ là cơ thể cảm thấy mệt mỏi, không được sảng khoái, cơ thể di chuyển lừ đừ, thiếu minh mẫn đầu óc.

– Giấc ngủ không được sâu, thường xuyên bị thức giấc trong quá trình ngủ, đặc biệt là nửa đêm (khoảng 3-4 giờ sáng) sau đó lại rất khó để ngủ lại, có thể thức tới sáng hoặc ngủ lại rất lâu, sau đó đến lúc sáng cần dậy đi làm, đi học lại không muốn dậy.

– Gặp nhiều ảo mộng trong khi ngủ, các giấc mơ thường lộn xộn đôi khi là ác mộng khiến tinh thần mệt mỏi, ngủ dậy lại có cảm giác như mới đi bộ cả chặng đường dài.

– Ngủ hay bị giật mình, xong vẫn có thể tiếp tục giấc ngủ.

– Rối loạn giấc ngủ: Khó ngủ vào ban đêm, thức dậy quá sớm, ban ngày lại ngủ gà ngủ gật không tập trung được vào công việc, học tập.

II. Nguyên nhân dẫn đến bệnh mất ngủ

Một số nguyên nhân mất ngủ thường được kể đến như là:

1. Nguyên nhân mất ngủ khách quan đến từ tuổi già

mất ngủ do tuổi già

Mất ngủ do tuổi già

Theo thời gian, khi bước vào tuổi trung niên các tế bào, các cơ quan phải đối mặt với sự lão hóa dần là điều không thể tránh khỏi. Trong đó các tế bào thần kinh cũng không phải ngoại lệ, sự suy giảm chức năng, cũng như bị phá hủy đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giấc ngủ. Người già thường ngủ ít hơn và giấc ngủ cũng không ngon, hay trằn trọc suốt đêm.

2. Nguyên nhân gây mất ngủ phổ biến khác

Chế độ sinh hoạt ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động của cơ thể, trong đó có sinh lý của giấc ngủ. Chính vì vậy các nguyên nhân dẫn đến mất ngủ có thể là do sự mất cân bằng trong tâm lý hay lối sống không khoa học…

– Mât ngủ do yếu tố tâm lý.

Không tạo được sự thoải mái trước khi bắt đầu giấc ngủ, do áp lực từ công việc, trường lớp, tài chính và rất nhiều vấn đề phải lo khác trong cuộc sống… Đây là nguyên nhân gây bệnh mất ngủ phổ biến nhất ở đối tượng người đi làm hoặc học sinh cuối cấp chuẩn bị bước vào kỳ thi. Khi phải suy nghĩ quá nhiều về các vấn đề này não bộ luôn phải hoạt động và sẽ không thể đạt đến trạng thái thư giãn để đi vào giấc ngủ được và dẫn đến mất ngủ.

– Thói quen sinh hoạt:

+ Lịch đi ngủ không đều (hôm ngủ sớm, hôm ngủ muộn, hôm lại thức xuyên đêm ngủ ngày) điều này hay gặp ở đối tượng các bạn sinh viên có lối sống không khoa học, không có sự kiểm soát nhắc nhở của người khác.

+ Sử dụng các chất gây kích thích thần kinh trước giờ ngủ như thức ăn, đồ uống chứa thành phần cà phê, trà,..

+ Sử dụng máy tính, điện thoại để chơi game online cũng gây kích thích thần kinh, khó có thể đi vào giấc ngủ sau đó.

+ Ít hoạt động thể chất cũng có thể khiến chất lượng giấc ngủ của bạn suy giảm.

+ Chế độ ăn uống không hợp lý.

+ Ăn quá no vào buổi tối khiến hệ tiêu hóa vẫn phải hoạt động với năng suất cao, không được nghỉ ngơi, dẫn đến các cơ quan khác cũng phải hoạt động đi kèm. Đối với nhiều người còn có thể gây cảm giác khó chịu khi nằm, ợ nóng, trào ngược dạ dày thực quản.

+ Ăn quá ít hoặc bỏ bữa tối sẽ gây cảm giác cồn cào cũng không thể ngủ được.

– Thay đổi nhịp sinh học của cơ thể: Do đi du lịch hay công tác ở nơi có múi giờ lệch với nơi mình đang sống làm thay đổi chu kỳ ngủ của cơ thể (giờ đi ngủ thường nhật lại là giờ cần tỉnh táo để làm việc và ngược lại).

3. Nguyên nhân mất ngủ do bệnh lý – thuốc

Nguyên nhân gây bệnh mất ngủ

Nguyên nhân gây bệnh mất ngủ

– Rối loạn sức khỏe tâm thần: Có thể gặp ở đối tượng sau chấn thương, phẫu thuật gây rối loạn căng thẳng ảnh hưởng đến giấc ngủ.

– Bệnh trầm cảm gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng giấc ngủ và cũng khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ.

– Bệnh lý mạn tính.

+ Bệnh hen thường có cơn hen khó thở khởi phát vào đêm và rạng sáng gây tỉnh giấc.

+ Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Acid dạ dày trào ngược vào thực quản gây bỏng rát, đau tức thực quản kèm ợ nóng, trớ. Gián tiếp gây mất ngủ do kích thích thần kinh hầu họng gây ho.

+ Đau mạn tính cơ xương khớp như gút, đau lưng (do lao động nặng, quá sức).

+ Các bệnh lý về hệ tiết niệu: Thận hư, thận yếu gây chứng tiểu đêm làm thức giấc gây ngắt quãng giấc ngủ.

– Tuyến giáp hoạt động quá mức: Dẫn đến tăng cường sự hoạt động của tim (tăng nhịp tim, tăng lưu lượng máu trong cơ thể), tăng tốc độ trao đổi chất của hầu hết các mô trong cơ thể, khiến khó đi vào giấc ngủ sinh lý.

– Bệnh Parkinson và bệnh Alzheimer là bệnh lý liên quan đến việc thiếu hụt các chất dẫn truyền kinh (phổ biến gặp ở đối tượng người cao tuổi).

– Dùng các thuốc có hoạt tính gây kích thích thần kinh trung ương như: Cafein, nicotin,…

III. Tác hại của bệnh mất ngủ

tác hại của mất ngủ

Tác hại của bệnh mất ngủ

Ngủ là khoảng thời gian mà nhiều cơ quan được nghỉ ngơi và hồi phục lại chức năng sau một ngày hoạt động. Vì vậy việc mất ngủ sẽ để lại nhiều hậu quả nguy hiểm.

– Tăng nguy cơ mắc một số bệnh:

+ Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng: Việc thức khuya gây tăng tiết axit dạ dày, là yếu tố nguy cơ gây nên các ổ viêm loét trên niêm mạc dạ dày, tá tràng.

+ Tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường type 2.

– Rối loạn tâm thần:

+ Thiếu ngủ có thể gây ra những ảo giác, gây nguy hại cho cuộc sống thường ngày đặc biệt là khi tham gia giao thông, rất dễ gây tai nạn.

+ Khiến bản thân trở nên khó tính hơn, khó kiểm soát cảm xúc, dễ cáu kỉnh và khó chịu với người xung quanh.

+ Người lờ đờ, phản ứng chậm với sự việc diễn ra xung quanh.

+ Dễ bị trầm cảm.

– Hệ miễn dịch bị suy yếu do không được sửa chữa, hồi phục.

– Gây ảnh hưởng tới vẻ bề ngoài.

+ Da sớm bị lão hóa, có nhiều nếp nhăn hơn, làn da thường bị xám, mất đi độ đàn hồi.

+ Mắt để lại quầng thâm.

– Sự thiếu tỉnh táo khi thức dậy, đầu óc kém minh mẫn ảnh hưởng tới chất lượng kết quả công việc, học tập, thi cử.

mất ngủ gây quầng thâm trên mắt

Bệnh mất ngủ để lại quầng thâm trên mắt

IV. Mất ngủ là dấu hiệu của bệnh gì?

Từ việc phân tích nguyên nhân và tác hại của chứng mất ngủ, có thể thấy việc mất ngủ giống như một bản lề trung gian phản ánh tình trạng sức khỏe của cơ thể. Nó vừa là hệ lụy đi kèm của một bệnh lý vừa là điểm khởi đầu cho một bệnh mới mà cơ thể sắp sửa gặp phải.

1. Sự cảnh báo về bệnh đã mắc phải

Mất ngủ chính là hệ lụy khi chúng ta mắc các bệnh như:

– Bệnh lý về tim mạch.

– Rối loạn tâm thần.

– Bệnh lý tiêu hóa, trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

– Bệnh lý đường tiết niệu, thận hư thận yếu, viêm đường tiết niệu, bàng quang.

– Bệnh lý tuyến giáp cường giáp.

– Bệnh lý tuổi già do sự mất cân bằng nội tiết tố hormon (hay gặp ở phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh).

– Bệnh cơ xương khớp gây đau nhức mỏi mãn tính đặc biệt khi thay đổi thời tiết.

2. Sự cảnh báo về bệnh có nguy cơ mắc phải

Khi bị mất ngủ lâu dài cơ thể của chúng ta sẽ phải đối mặt với những nguy cơ như:

– Suy nhược cơ thể, suy giảm hệ thống miễn dịch.

– Rối loạn tâm thần, sinh lực, bệnh ảo giác.

– Các bệnh lý tuổi già sẽ đến sớm hơn.

V. Cách điều trị bệnh mất ngủ

Khó ngủ phải làm sao? Thực sự là câu hỏi đã gây ra rất nhiều thách thức với những ai trong hoàn cảnh đấy. Có rất nhiều bí quyết được chia sẻ nhưng không phải ai cũng có thể áp dụng hay áp dụng mà vẫn không thu lại được kết quả tích cực. Có thể tham khảo việc điều trị mất ngủ bằng các bài thuốc cổ truyền trong dân gian hay sử dụng thuốc ngủ.

1. Cách điều trị mất ngủ không dùng thuốc

Từ việc hiểu biết về nguyên nhân dẫn đến mất ngủ thì chúng ta sẽ dễ dàng tìm hơn trong việc tìm phương pháp điều trị:

– Đối với điều trị mất ngủ cho người trẻ, nguyên nhân thường là do chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu hợp lý thì giải pháp đưa ra như sau:

+ Bữa ăn tối không nên ăn quá muộn và quá no.

+ Trước giờ đi ngủ phải tránh xa các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, TV,..tạo một không gian yên tĩnh, tránh sự ồn ào, kích động.

+ Có thể đọc sách thư giãn hoặc nghe bản nhạc nhẹ nhàng trước khi đi ngủ.

+ Tránh hoặc hạn chế giấc ngủ trưa quá dài, giấc ngủ trưa được khuyến cáo nên là từ 30 phút-1 tiếng là tốt nhất.

+ Thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao tiêu hao nhiều năng lượng như chạy bộ, bóng đá, bơi lội,…

+ Duy trì thời gian ngủ và dậy theo chu kỳ nhất định, nên ngủ trước 23 giờ đêm và thức giấc vào 6 giờ sáng.

không dùng điện thoại trước khi đi ngủ

Không dùng điện thoại trước khi đi ngủ

– Đối với điều trị mất ngủ cho người già thì nguyên nhân dẫn đến mất ngủ thường là do bệnh lý tuổi già, có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản trước khi phải dùng đến thuốc:

+ Tập thể dục dưỡng sinh, giúp khí huyết lưu thông, vừa nâng cao sức khỏe, vừa cải thiện chất lượng chất ngủ.

+ Chế độ ăn uống cũng nên lựa chọn các thực phẩm dễ hấp thu và chia thành các bữa nhỏ do sự suy giảm chức năng của bộ máy tiêu hóa.

tập dưỡng sinh điều trị mất ngủ ở người già

Tập dưỡng sinh hỗ trợ điều trị mất ngủ ở ngươi già

2. Cách điều trị mất ngủ dùng thuốc

Chỉ dùng thuốc điều trị mất ngủ đối với trường hợp nặng, khi thất bại với các liệu pháp không dùng thuốc. Có thể lựa chọn dùng thuốc tây y hay các bài thuốc dân gian dựa theo tư vấn cảu bác sĩ.

– Một trong những nguyên nhân phổ biến nhưng lại ít được mọi người chú ý đến đó là sự kém lưu thông của tuần hoàn máu trong đó có tuần hoàn máu não đặc biệt là đối với với tuổi già. Do đó có thể sử dụng các thuốc giúp tăng cường lưu thông máu như hoạt huyết dưỡng não, thuốc bổ máu trước khi sử dụng đến các thuốc điều trị kích thích thần kinh trung ương khác.

– Liệu pháp cuối cùng đó là sử dụng các thuốc an thần gây ngủ. Đây là nhóm thuốc thuộc nhóm kiểm soát đặc biệt, để được sử dụng thuốc này thì cần phải đi khám và có chỉ định kê đơn của bác sĩ mới được phép sử dụng.

Giấc ngủ sinh lý tự nhiên còn quý giá hơn rất nhiều so với việc bạn uống thuốc bổ hàng ngày. Việc có được một trí lực minh mẫn, một nguồn năng lượng dồi dào là điều ai cũng muốn mỗi khi mở mắt đón ngày mới. Vậy nên đừng để cho tình trạng mất ngủ kéo dài và cũng đừng xem thường các cảnh báo bệnh lý nguy hiểm từ việc mất ngủ.

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *