Rong kinh – Cảnh báo nguy hiểm, chớ nên chủ quan

Rong kinh thường gặp ở phụ nữ do rối loạn nội tiết tố

Rong kinh là tình trạng sức khỏe thường gặp ở phụ nữ do rối loạn nội tiết tố. Đây cũng là dấu hiệu cảnh báo của nhiều căn bệnh nguy hiểm như u xơ tử cung, rối loạn đông máu di truyền… Tìm hiểu ngay với chúng tôi qua bài viết sau đây để có những thông tin cơ bản về nguyên nhân, dấu hiệu của rong kinh và những biện pháp điều trị hiệu quả giúp cải thiện nhanh hiện tượng này.

1. Rong kinh là gì?

Thông thường, một chu kỳ kinh kéo dài khoảng 28 – 32 ngày, những ngày “đèn đỏ” trung bình 3-5 ngày và mất khoảng 50 – 80ml máu. Khi bị rong kinh, kinh nguyệt ra nhiều, cần thay băng liên tục hoặc kỳ kinh kéo dài trên 7 ngày. Rong kinh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và gây bất tiện trong cuộc sống hàng ngày của chị em.

Khi xuất hiện tình trạng này, có thể gây thiếu máu, mệt mỏi, suy nhược. Rong kinh cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo cho một vấn đề sức khỏe khác. 

2. Biểu hiện của rong kinh

Phụ nữ bị rong kinh thường có những dấu hiệu sau:

– Thời gian hành kinh kéo dài trên 7 ngày, lượng máu vượt quá 80ml/chu kỳ kinh.

– Máu ra nhiều trong kỳ kinh nguyệt, có thể phải sử dụng 2 hay nhiều băng vệ sinh cùng lúc hoặc cần thay băng liên tục kể cả ban đêm do chảy máu nhiều và trong nhiều ngày.

– Mệt mỏi, thở dốc, có biểu hiện thiếu máu khi rong kinh kèm theo cường kinh.

– Máu kinh nhiều, đông vón thành từng cục.

– Đau bụng dưới, thậm chí là đau dữ dội trong kỳ kinh.

Kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày là rong kinh

Kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày là rong kinh

3. Nguyên nhân

Khi nhận thấy những triệu chứng của rong kinh, các chị em đừng ngai ngần vấn đề khó nói này, hãy nhanh chóng thăm khám xác định nguyên nhân gây rong kinh. Một số nguyên nhân có thể kể đến như sau:

Rong kinh cơ năng

Thường gặp ở thời điểm bé gái tuổi dậy thì, mới bắt đầu có kinh nguyệt, phụ nữ sau sinh hay phụ nữ tiền mãn kinh do các nguyên nhân như:

– Sự mất cân bằng hormone:

+ Trong một chu kỳ kinh nguyệt, hormone Estrogen và Progesterone điều chỉnh sự tích tụ của niêm mạc tử cung, khi trứng không được thụ tinh, các lớp này bị bong ra tạo nên kỳ kinh nguyệt.

+ Nếu mất cân bằng giữa 2 hormon này, nội mạc tử cung bị bong ra quá mức do chảy máu kinh nguyệt nặng. 

+ Một số yếu tố gây mất cân bằng Hormone khác: Hội chứng buồng trứng đa nang, thừa cân, béo phì, kháng insulin và các vấn đề tuyến giáp. 

Rối loạn chức năng buồng trứng: Trứng không rụng trong kỳ kinh nguyệt, cơ thể không sản xuất hormon Progesterone như bình thường. Tình trạng này làm mất cân bằng hormon và tăng nguy cơ rong kinh.

Mất cân bằng nội tiết tố là một trong những nguyên nhân dẫn đến rong kinh

Mất cân bằng nội tiết tố là một trong những nguyên nhân dẫn đến rong kinh

Rong kinh thực thể (rong kinh do bệnh lý)

Kỳ kinh kéo dài nhiều ngày do các tổn thương ở cổ tử cung, tử cung và buồng trứng, có thể kể đến các tổn thương như sau:

U xơ tử cung: Những khối u lành tính có thể xuất hiện trong độ tuổi sinh sản của phụ nữ. U xơ tử cung tuy lành tính, không gây ung thư nhưng làm tăng nguy cơ rối loạn kinh nguyệt, mất kinh, rong kinh.

– Polyp tử cung: là sự phát triển quá mức của các tế bào ở nội mạc tử cung. Polyp có kích thước vài mm cho đến vài cm, thường lành tính không gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chị em. Tuy nhiên, Polyp tử cung có thể gây chảy máu giữa kỳ kinh, rong kinh, rong huyết, do đó cần chú ý điều trị.

– Lạc nội mạc tử cung: Xảy ra khi các tế bào vốn được sinh ra ở nội mạc tử cung lại xuất hiện ở các cơ quan bên ngoài như ống dẫn trứng, bàng quang, buồng trứng… Lạc nội mạc tử cung có thể làm kéo dài chu kỳ kinh, rong kinh, rong huyết.

Dụng cụ tử cung: Khi sử dụng các dụng cụ tử cung không có nội tiết tố nhằm mục đích tránh thai có thể dẫn đến rong kinh.

Biến chứng thai kỳ: Xuất huyết ở vùng kín khi mang thai có thể là dấu hiệu cảnh báo của nguy cơ sảy thai hoặc thai nhi nằm ở vị trí bất thường. 

Ung thư: Ung thư cổ tử cung và ung thư tử cung có thể gây chảy máu kinh nguyệt bất thường, máu chảy rất nhiều trong kỳ kinh, đông vón cục… đặc biệt là ở phụ nữ mãn kinh hoặc xét nghiệm PAP cho kết quả bất thường trước đó. 

Ung thư cổ tử cung có thể gây rong kinh

Ung thư cổ tử cung có thể gây rong kinh

Rối loạn chảy máu do di truyền: Một số bệnh như bệnh von Willebrand có thể gây chảy máu kinh nguyệt bất thường.

Tác dụng phụ của thuốc Tây y:

+ Các thuốc chống viêm, thuốc bổ sung nội tiết tố Estrogen và Progestin, thuốc chống đông máu như Warfarin, Enoxaparin gây chảy máu kinh nguyệt nặng hoặc kéo dài, dẫn đến rong kinh.

+ Thuốc tránh thai, đặc biệt là thuốc tránh thai khẩn cấp có thể dẫn đến rong kinh.

– Rong kinh do các bệnh lý khác: Tỉ lệ mắc phải tình trạng này tăng lên ở người mắc các bệnh gan, thận, người béo phì, sinh con nhiều lần, hút thuốc, tiểu đường, suy giáp, rối loạn đông máu, lupus ban đỏ

4. Rong kinh có thể tự khỏi không?

Về cơ bản, không có bệnh lý nào có thể tự khỏi được. Rong kinh cũng vậy, cần nhanh chóng xác định nguyên nhân gây ra tình trạng này để có biện pháp can thiệp phù hợp, tránh để bệnh kéo dài gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe. 

Mặt khác, nếu nguyên nhân gây rong kinh là do bệnh lý phụ khoa, không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng tới các cơ quan khác. Điều này không chỉ gây khó khăn trong điều trị mà còn đe dọa tới sức khỏe sinh sản, nguy cơ khiến chị em mất đi thiên chức làm mẹ.

5. Hậu quả của rong kinh kéo dài

Khi rong kinh kéo dài mà không được điều trị kịp thời hoặc đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng khác như:

– Vô sinh: Máu chảy nhiều, kéo dài khiến lớp niêm mạc tử cung bị bong tróc, điều này làm cản trở quá trình thụ tinh, trứng được thụ tinh cũng khó bám vào thành tử cung để làm tổ.

– Tăng tỉ lệ mắc các bệnh phụ khoa: Rong kinh dài ngày gây ẩm ướt, khó chịu  ở vùng kín, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn, nấm, tăng nguy cơ viêm nhiễm vùng kín.

– Thiếu máu:

+ Thông thường mỗi kỳ kinh nguyệt chỉ mất khoảng 50 – 80 ml máu và cơ thể hoàn toàn có thể bù đắp được lượng máu thiếu hụt này. Tuy nhiên nếu chảy máu quá nhiều, có thể dẫn đến giảm số lượng hồng cầu gây thiếu máu.

+ Rong kinh có khả năng làm giảm nồng độ sắt, tăng nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt.

+ Người bị thiếu máu có thể xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng như da nhợt nhạt, xanh xao, cơ thể mệt mỏi, ốm yếu. Mặc dù chế độ ăn đầy đủ giúp bổ sung sắt và các vi chất khác giúp ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt, nhưng sẽ không đáp ứng đủ khi rong kinh, rong huyết.

Rong kinh kéo dài làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh phụ khoa

Rong kinh kéo dài làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh phụ khoa

Đau dữ dội: Khi kinh nguyệt nặng, máu chảy nhiều, khả năng bị đau bụng kinh là rất cao.

Ngoài ra, cũng có báo cáo về tình trạng chuột rút do rong kinh, vì vậy khi bị rong kinh, chị em cần chú ý các dấu hiệu này và nhanh chóng đi khám để ngăn ngừa bệnh chuyển biến nặng.

6. Chẩn đoán

Để chẩn đoán nguyên nhân gây ra rong kinh, các bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm như sau:

– Xét nghiệm máu: Đánh giá tình trạng thiếu sắt của cơ thể, chức năng tuyến giáp, các chỉ số đông máu.

– Xét nghiệm Pap: Mẫu thu thập là các tế bào cổ tử cung, đánh giá nhiễm trùng, viêm, tìm kiếm các tế bào ung thư.

– Sinh thiết nội mạc tử cung: Các kỹ thuật viên lấy mẫu mô bên trong tử cung để thực hiện giải phẫu bệnh.

– Siêu âm: Kiểm tra các bất thường ở vùng xương chậu, tử cung và buồng trứng.

7. Điều trị rong kinh

7.1. Chế độ sinh hoạt khoa học

Một chế độ sinh hoạt hợp lý, khoa học sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, cải thiện tình trạng rong kinh. Chị em cần lưu ý một số vấn đề sau:

– Nghỉ ngơi, tránh các động tác vận động mạnh, tập thể dục hàng ngày, không tập quá sức: Vận động mạnh khi đang đèn đỏ sẽ làm tăng nguy cơ “vỡ đê”. Hạn chế làm việc nặng trong khoảng thời gian này.

– Đi ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc.

– Uống đủ nước giúp cải thiện lưu thông máu, tăng cường trao đổi chất cho cơ thể.

– Giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, tránh lo âu, căng thẳng, stress.

– Thường xuyên vệ sinh vùng kín, thay băng vệ sinh đều đặn: Kỳ kinh nguyệt thường gây “ướt át”, khó chịu cho chị em, thường xuyên vệ sinh vùng kín sẽ giúp ngăn ngừa vi khuẩn phát triển.

7.2. Ăn uống hợp lý

Chế độ ăn uống hợp lý giúp bổ sung các chất cho cơ thể, cải thiện tình trạng thiếu máu do mất máu quá nhiều. Ngoài ra giúp tăng cường miễn dịch, phục hồi năng lượng cho cơ thể, cải thiện tình trạng rong kinh dài ngày.

– Hoa quả, rau xanh giúp bổ sung một lượng lớn vitamin cho cơ thể, điều hòa đường huyết, giảm mỡ máu, cân bằng nội tiết tố, giảm nguy cơ rối loạn kinh nguyệt, đặc biệt là ở phụ nữ tiền mãn kinh hay bé gái tuổi dậy thì.

– Ngũ cốc có khả năng điều hòa nội tiết tố và giảm rong kinh.

– Cá biển và các loại cá giàu Omega 3, 6, 9 giúp giảm đau, kháng viêm hiệu quả.

– Không nên ăn quá nhiều thịt, chất béo, cần bổ sung thêm thức ăn giàu magie, kẽm, sắt, vitamin để giảm nguy cơ thiếu máu, ổn định hệ thần kinh, kiểm soát lượng đường trong máu.

– Hạn chế các đồ uống chứa chất kích thích thần kinh trung ương như cà phê, rượu cũng như một số gia vị cay trong những ngày “đèn đỏ”.

Ăn uống khoa học giúp cải thiện nhanh chóng tình trạng rong kinh

Ăn uống khoa học giúp cải thiện nhanh chóng tình trạng rong kinh

– Ngoài ra, chị em có thể sử dụng một số thảo dược theo kinh nghiệm dân gian được truyền lại như ngải cứu, ích mẫu, gừng, nghệ… giúp giảm đau bụng kinh, điều hòa kinh nguyệt, ngăn ngừa rong kinh hiệu quả.

7.3. Thăm khám bác sĩ

Đi khám bác sĩ sản phụ khoa để xác định nguyên nhân rong kinh là điều vô cùng cần thiết để có hướng điều trị hiệu quả, tránh để bệnh kéo dài. Chị em cần lựa chọn các phòng khám, bệnh viện uy tín, không nên vì tâm lý e ngại do bị bệnh vùng kín mà khám ở các cơ sở nhỏ, mức độ uy tín thấp, có thể chẩn đoán sai và từ đó, đưa ra phương pháp điều trị không phù hợp.

– Trường hợp rong kinh nhẹ và mới xảy ra trong thời gian ngắn, chị em có thể không cần sử dụng thuốc, chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống đầy đủ, kết hợp nghỉ ngơi hợp lý như đã nói ở trên để cải thiện tình trạng này.

– Khi rong kinh nhẹ nhưng không thuyên giảm nhờ vào chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc điều hòa nội tiết.

– Trường hợp thiếu máu do rong kinh kéo dài, nên dùng thuốc tránh thai chứa estrogen và progesterone để điều hòa kinh nguyệt.

– Nếu rong kinh nặng do bệnh lý, tùy theo nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp với từng đối tượng. Có thể dùng thuốc cầm máu, ngăn ngừa chảy máu quá nhiều, giảm đau bằng Acid tranexamic, sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc dụng cụ tử cung.

– Khi được chỉ định dùng thuốc, chị em nên thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế, không được tự ý tăng giảm liều lượng dùng.

Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về rong kinh. Mong rằng, qua bài viết này, phái đẹp sẽ có cho mình cái nhìn chính xác nhất, nhằm ngăn ngừa rong kinh kéo dài, từ đó phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *