Tiểu đường tuýp 2: Tất cả những điều cần biết

Bệnh tiểu đường tuýp 2 là gì?

Bệnh tiểu đường tuýp 2 là gì?

Trong đái tháo đường tỉ lệ mắc tiểu đường tuýp 2 cao hơn và ở giai đoạn đầu bệnh tiến triển khá thầm lặng nên khó phát hiện. Đó cũng là lý do người mắc tiểu đường tuýp 2 có những biến chứng nặng hơn. Để tìm hiểu thêm hãy cùng chúng tôi tham khảo bài viết dưới đây.

Tiểu đường (đái tháo đường) là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, đặc trưng bởi lượng đường trong máu tăng cao. Đường không được chuyển hóa bị tích tụ lâu ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các cơ quan như tim, mạch máu, thần kinh, mắt, thận,…

Tiểu đường gồm 2 loại: tiểu đường tuýp 1 do sự thiếu hụt Insulin, tiểu đường tuýp 2 do cơ thể sử dụng Insulin không đúng cách, đề kháng với Insulin. Điều này kích thích tuyến tụy sản sinh ra Insulin để bù đắp, tuy nhiên, theo thời gian tuyến tụy hoạt động quá sức, không tiết đủ Insulin để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, khiến cho đường huyết tăng và gây bệnh đái tháo đường.

1. Yếu tố nguy cơ

– Yếu tố di truyền: Theo Hiệp hội tiểu đường ở Hoa Kỳ, nghiên cứu ở các cặp song sinh cho thấy di truyền là một trong các nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2.

– Yếu tố môi trường là nhóm yếu tố mà có thể tác động vào để giảm bớt các nguy cơ gây bệnh, đó là:

– Lối sống ít vận động, chế độ ăn uống giàu tinh bột, ít chất xơ gây dư thừa năng lượng.

– Thực phẩm: ăn nhiều các loại thực phẩm chứa carbohydrate hấp thu nhanh (bánh kẹo, nước ngọt,…) sẽ làm tăng đột ngột lượng đường trong máu khiến tụy phải tiết nhiều Insulin hơn để điều hòa.

– Stress trong cuộc sống.

– Tuổi già: tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.

– Bệnh lý của tụy ngoại tiết.

– Nguyên nhân do thuốc và các hóa chất khác.

– Suy giảm chức năng bẩm sinh ở tế bào beta.

Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tuýp 2

Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tuýp 2

2. Đối tượng nào dễ mắc tiểu đường tuýp 2?

Bệnh sẽ thường gặp phải ở những đối tượng sau:

– Tiền sử gia đình có người mắc tiểu đường.

– Huyết áp cao (≥ 140/85mmHg).

– Tiền sử đái tháo đường thai kỳ.

– Người cao tuổi (> 45 tuổi).

– Ít hoạt động thể lực.

– Thừa cân, béo phì.

– Rối loạn lipid máu.

– Rối loạn dung nạp glucose.

Tương tự như đái tháo đường nói chung người bệnh đái tháo đường tuýp 2 cũng gặp biến chứng cấp và mạn tính.

1. Biến chứng cấp tính

– Hạ glucose huyết: dùng thuốc hạ đường huyết quá mức sẽ gây ra biến chứng này. Triệu chứng bao gồm: lời nói, cử chỉ chậm chạp, cơ thể luôn ở trạng thái mệt mỏi, buồn ngủ. Ngoài ra, còn có thể có run, vã mồ hôi,…

– Tăng glucose máu quá cao: người bệnh cảm thấy khát nước, tiểu nhiều, yếu cơ, chuột rút,…Nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến hôn mê.

2. Biến chứng mạn tính

Glucose huyết tăng cao có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như sau:

– Biến chứng tim mạch:

Đây là biến chứng nguy hiểm, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gây ra các bệnh lý về mạch vành, huyết áp cao, cholesterol cao,…và góp phần làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

– Biến chứng thận:

Lượng đường huyết tăng cao trong thời gian dài gây tổn thương các mạch máu ở thận, dẫn tới nguy cơ suy giảm chức năng thận. Đặc biệt ở những người có tiền sử mắc bệnh thận, khả năng suy thận sẽ cao hơn. Vì vậy, việc duy trì huyết áp và glucose máu ở mức bình thường đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh thận.

– Biến chứng thần kinh ngoại vi:

Bệnh tiểu đường có thể gây ảnh hưởng xấu tới thần kinh toàn cơ thể nhưng khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là thần kinh ngoại vi, đặc biệt là bàn chân. Tổn thương ở bàn chân có thể dẫn đến đau, ngứa và mất cảm giác. Khi bệnh nhân bị mất cảm giác ở bàn chân, họ không cảm nhận được sự tác động do các chấn thương gây ra, điều này dẫn đến các nhiễm trùng nặng và có thể phải cắt cụt chi. Tỷ lệ những người mắc đái tháo đường tuýp 2 có nguy cơ cắt cụt chi cao gấp 25 lần sao với người bình thường.

Biến chứng bệnh đái tháo đường tuýp 2

Biến chứng bệnh đái tháo đường tuýp 2

– Biến chứng về mắt:

Đa số những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 sẽ phát triển các bệnh lý về mắt như mù lòa hay giảm thị lực. Do vậy, nếu người bệnh có dấu hiệu mờ mắt, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để kiểm tra, chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Giữ huyết áp và đường huyết ở mức ổn định là cách tốt nhất để ngăn ngừa biến chứng này.

– Biến chứng thai kỳ:

Trong quá trình mang thai, người mẹ bị mắc bệnh tiểu đường (tiểu đường thai kỳ) có thể dẫn đến tình trạng thai nhi bị quá cân. Khi sinh nở, cũng dễ dẫn đến các tai biến gây tổn thương cho mẹ và bé. Yếu tố di truyền từ người mẹ khiến trẻ có nguy cơ bị tiểu đường cao hơn những trẻ khác.

1. Bệnh tiểu đường tuýp 2 nên ăn gì?

Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới đưa ra khuyến nghị về chế độ ăn uống cho bệnh nhân bị tiểu đường như sau:

– Quản lý cân nặng.

– Hạn chế tối đa việc sử dụng nước ép trái cây có đường hay các loại nước ngọt khác, thay vào đó sẽ ưu tiên uống nước, trà hoặc cà phê.

– Tích cực ăn rau và trái cây tươi: ít nhất 3 suất rau/ngày và tối đa 3 suất trái cây/ngày.

– Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn.

– Sử dụng các loại thịt như thịt nạc trắng, thịt gia cầm thay cho thịt đỏ, thịt chế biến sẵn.

– Chọn các loại bánh mì, gạo nguyên cám.

– Sử dụng các loại chất béo không no (dầu hướng dương, dầu oliu, dầu ngô) thay thế cho chất béo bão hòa (bơ, dầu động vật, dầu dừa, dầu cọ).

2. Chế độ luyện tập như thế nào?

Để có thể phòng ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2 một cách hiệu quả nhất, cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa chế độ ăn uống và chế độ luyện tập hợp lý để giảm cân cũng như giúp chuyển hóa cơ thể diễn ra trơn tru. Cụ thể:

– Đi bộ: các chuyên gia khuyến nghị mỗi người nên đi bộ 150 phút mỗi tuần, liên tục các ngày trong tuần, không nên ngừng tập 2 ngày liên tiếp.

– Tập kháng lực (nâng tạ): người già và người bị đau khớp có thể tập nhiều lần trong ngày, người trẻ nên tập 60 phút mỗi lần, 2 – 3 lần mỗi tuần.

– Chú ý theo dõi các biến chứng trên mắt, thần kinh, tim mạch, bàn chân,…trước khi luyện tập. Lưu ý không tập gắng sức khi glucose huyết tương > 250-270 mg/dL và ceton niệu dương tính.

Đi bộ mỗi ngày để phòng ngừa đái tháo đường hiệu quả

Đi bộ mỗi ngày để phòng ngừa đái tháo đường hiệu quả

Để có thể kiểm soát đường huyết ở mức ổn định trong ngưỡng cho phép, bạn nên tích cực luyện tập thể thao kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh.

Tiểu đường tuýp 2 là một bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến những biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng. Việc xét nghiệm sàng lọc, điều trị cũng như các biện pháp phòng ngừa cần được thực hiện càng sớm càng tốt để cho hiệu quả tốt nhất.

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *