Vị trí đau bụng cảnh báo bệnh gì?

Vị trí đau bụng cảnh báo bệnh gì?

Vị trí đau bụng cảnh báo bệnh gì?

Nhìn-sờ-gõ-nghe là 4 bước thăm khám cơ bản trong y khoa. Trong đó “nhìn” (hay xác định chính xác vị trí đau) có ý nghĩa mang tính định hướng quan trọng cho các chẩn đoán tiếp theo. Từ việc xác định vị trí đau, chúng ta có thể biết được cơ quan nào đang gặp phải vẫn đề bất thường. Vậy vị trí đau bụng cảnh báo bệnh gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

I. Vị trí các cơ quan trong ổ bụng

Khoang bụng là phần thân dưới cơ thể được ngăn cách với thân trên (khoang ngực) bởi cơ hoành và kéo dài đến vùng đáy chậu. Gồm hai phần:

– Cơ quan ở trong (nội tạng): Dạ dày, tụy, đại tràng (ruột già), lách, ruột thừa, gan, túi mật, tá tràng (ruột non), thận.

– Các màng của ổ bụng (phúc mạc):

+ Lá thành: Bao phủ ổ bụng.

+ Lá tạng: Là sự tiếp nối của lá thành, gấp lại và bao phủ bề mặt bên ngoài của các cơ quan bụng.

Mặt cắt ngang của ổ bụng

Mặt cắt ngang của ổ bụng

Các cơ quan trong ổ bụng dưới đây được sắp xếp theo hệ cơ quan tiêu hóa và tiết niệu.

1. Hệ tiêu hóa

Đường ống tiêu hóa

Vị trí dạ dày

Dạ dày có hình chữ J, là đoạn phình to nhất của ống tiêu hóa, nối giữa thực quản và tá tràng, nằm sát dưới vòm hoành trái. Phần lớn dạ dày nằm ở bên trái của đường chính giữa bụng (phần hạ sườn trái), chỉ một phần ứng với vùng thượng vị và hạ sườn phải.

Vị trí của dạ dày

Vị trí của dạ dày

Vị trí ruột non

Ruột non chiếm phần lớn diện tích ổ bụng, phân bố đều 2 bên của đường chính giữa bụng. Là đoạn tiếp nối giữa dạ dày với ruột già (đại tràng), có chiều dài khoảng 5-6 mét gồm các đoạn tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng được gấp khúc nằm gọn trong trung tâm của khoang bụng, trải dài từ phía dưới của xương đến phía trong của khung chậu.

Vị trí của tá tràng

Vị trí của tá tràng

Vị trí ruột già (đại tràng)

Ruột già là đoạn cuối cùng của ống tiêu hóa, dài từ 1,4-1,8 mét, tạo thành khung chữ U bao vây quanh ruột non, gồm 4 phần là manh tràng, đại tràng, trực tràng và ống hậu môn.

– Manh tràng nằm ở hố chậu phải có gắn ruột thừa. Chiều dài ruột thừa mỗi người là không giống nhau, có đầu gắn với manh tràng còn phần đuôi có thể ở nhiều vị trí trong ổ bụng.

– Đại tràng chiếm phần lớn chiều dài của ruột già (đôi khi người dân gọi luôn đại tràng là ruột già) được chia làm 4 đoạn:

+ Đại tràng lên: Từ manh tràng chếch lên trên và ra sau dọc bên phải ổ phúc mạc đến mặt dưới gan.

+ Đại tràng ngang: Đi từ góc gan sang trái đến phía dưới dạ dày, cong xuống dưới tạo nên góc đại tràng trái.

+ Đại tràng xuống: Đi từ góc đại tràng trái chạy dọc bên trái ổ phúc mạc xuống đến mào chậu, cong lõm sang bên phải đến bờ trong cơ thắt lưng.

+ Đại tràng sigma: Đi từ bờ trong cơ thắt lưng trái đến phía trước đốt sống cùng 3. Thường thường nằm trong hố xương chậu nhưng vì có thể di động nên đôi khi lạc ở một nơi khác của ổ bụng.

– Trực tràng: Là đoạn nối giữa đại tràng và ống hậu môn, nằm ở giữa của hố xương chậu.

Vị trí của đại tràng

Vị trí của đại tràng

Cơ quan tham gia tiết dịch tiêu hóa

Vị trí gan

Gan nằm ở tầng trên mạc treo đại tràng ngang, trong ô dưới hoành phải, nhưng lấn sang ô dưới hoành trái và ô thượng vị. Mặt trên của gan lên tới khoang gian sườn IV, trên đường vú phải đến sụn sườn trái VII bên trái. Bờ dưới gan chạy dọc bờ sườn phải, vì vậy ở người lớn không sờ thấy gan. Khi gan to do bệnh lý có thể sờ thấy bờ này ở thành bụng trước, dưới bờ sườn phải.

Vị trí của gan

Vị trí của gan

Vị trí túi mật

Túi mật hình quả lê dài 8cm nằm ở giao điểm giữa bờ sườn phải và bờ cơ thẳng bụng bên phải, ở mặt sau của gan.

Vị trí túi mật

Vị trí túi mật

Vị trí tụy

Tuyến tụy nằm vắt ngang trước cột sống thắt lưng, chếch lên trên sang trái, phần lớn tụy nằm ở tầng trên mạc treo đại tràng ngang, một phần nhỏ ở dưới mạc treo này.

Vị trí tuyến tụy (phía sau của khoang bụng)

Vị trí tuyến tụy (phía sau của khoang bụng)

2.2 Hệ tiết niệu

Vị trí thận

Nằm sau phúc mạc, dọc hai bên các đốt sống từ ngực XI tới thắt lưng III; đầu trên thận trái ở ngang bờ dưới xương sườn XI, đầu trên thận phải ở ngang bờ dưới xương sườn XI, tức là thận phải nằm thấp hơn thận trái một bề ngang xương sườn.

Vị trí niệu quản

Niệu quản là 2 đường ống nhỏ chạy dọc 2 bên sống lưng.

Vị trí bàng quang

Nằm trong phần trước của vùng hố chậu, ngay sau khớp mu.

Vị trí của thận, niệu quản và bàng quang

Vị trí của thận, niệu quản và bàng quang

II. Vị trí đau bụng

Một số nguyên nhân dưới đây có thể tác động đến hệ cơ quan trong ổ bụng và gây ra các cơn đau bụng:

– Do tạng rỗng bị căng dãn đột ngột.

– Nhu động co bóp tăng lên quá mức.

– Màng bụng bị đụng chạm, kích thích.

– Những kích thích bệnh lý lên thần kinh.

Vị trí đau bụng

Vị trí đau bụng

Vị trí đau bụng là một trong những tiêu chí quan trọng trên thăm khám lâm sàng để chẩn đoán bệnh. Tuy không thể chỉ ra chính xác cơ quan đang bị tổn thương nhưng vị trí đau cũng là một gợi ý để nhanh chóng xác định nguyên nhân gây đau, từ đó hạn chế đi các xét nghiệm, chụp chiếu không cần thiết giúp người bệnh tiết kiệm được cả thời gian lẫn tiền bạc của mình. Với từng vị trí đau có thể gợi ý về tình trạng mà bệnh nhân đang mắc như sau: 

1. Trên vùng thấp nhất của xương sườn

Hạ sườn trái

– Loét dạ dày.

– Loét tá tràng.

– Viêm tụy.

Thượng vị

– Loét dạ dày.

– Viêm tụy, sỏi mật.

– Thoát vị vùng thượng vị.

Hạ sườn phải

– Bệnh lý của gan: Viêm gan B, viêm gan C, tổn thương mạn tính chức năng gan (xơ gan, ung thư gan,…)

– Bệnh túi mật: Sỏi mật, giun chui cuống mật,…

Viêm đại tràng.

2. Đường ngang với thắt lưng

Thắt lưng trái

– Bệnh lý của thận: Sỏi thận, viêm cầu thận,…

– Bệnh đại tràng: Viêm loét đại tràng, táo bón (các khối phân rắn cọ vào thành đại tràng gây đau).

Quanh rốn

– Viêm tụy.

– Loét dạ dày – tá tràng.

– Viêm ruột.

– Thoát vị rốn.

Thắt lưng phải

– Sỏi thận, nhiễm trùng đường tiểu.

– Táo bón, viêm đại tràng.

3. Dưới đường thẳng ngang qua hai mào chậu

Hố chậu trái

– Viêm đại tràng, táo bón,…

– Thoát vị bẹn.

Hạ vị

– Nhiễm trùng đường tiểu: Viêm niệu quản, bàng quang,…

– Viêm ruột.

– Viêm ruột thừa.

– Hội chứng ruột kích thích.

Hố chậu phải

– Viêm ruột thừa, thường là vị trí chính giữa của đoạn thẳng nối rốn và mỏm xương chậu.

– Táo bón.

– Thoát vị bẹn

Chú ý: Ruột thừa có đầu gắn vào manh tràng nằm ở hố chậu phải, nhưng phần đuôi của nó có chiều dài ở mỗi người là khác nhau và không cố định ở một điểm nào. Vì vậy với bất kỳ cơn đau ở vị trí nào trên bụng cũng không thể loại bỏ khả năng của viêm ruột thừa.

III. Một số vị trí đau bụng có liên quan đến giới tính

1. Đau bụng ở nữ giới

Đau bụng kinh: Đây là trường hợp đau bụng sinh lý. Cơn đau khởi phát ở bụng dưới sau có xu hướng lan tỏa ra xung quanh.

– Đau ở cơ quan sinh sản của phụ nữ

+ Vị trí đau của u xơ tử cung: Đau vùng bụng dưới (vùng hạ vị) trong vùng xương chậu

+ U nang buồng trứng: Vị trí đau có thể bên phải hoặc bên trái của khung xương chậu tùy vào vị trí khối u.

+ Có thai ngoài tử cung: Đau ở phần bụng dưới, đau có tính chất âm ỉ và ở một bên. Thường thì giai đoạn đầu sẽ khó phân biệt được giữa có thai ngoài tử cung với có thai bình thường, nhưng khi khối thai phát triển lên thì các dấu hiệu trở nên rõ hơn.

Đau bụng dưới rốn của phụ nữ

Đau bụng dưới rốn của phụ nữ

2. Đau bụng ở nam giới

U xơ tiền liệt tuyến: Trường hợp này triệu chứng đau xuất hiện ở vùng bụng dưới, hướng lan xuống bẹn, quanh vùng xương mu. Có thể đau ra ngoài khoang bụng đến tinh hoàn hay quanh dương vật.

IV. Tính chất của đau bụng

Đau là phản ứng chức năng điển hình của cơ thể, giúp nhận biết được cơ quan nào đang gặp vấn đề bệnh lý. Tuy nhiên đó lại là một cảm giác chủ quan, không phản ánh được hoàn toàn tình trạng của bệnh. Vì vậy việc phân loại được tính chất đau như thế nào sẽ giúp bạn đưa ra giải pháp khi nào cần dùng thuốc, khi nào cần tới cơ sở y tế và sự thăm khám của bác sĩ, hay có thể điều trị tại nhà. Các loại đau bụng có thể kể đến là đau âm ỉ hoặc cơn đau bụng quặn.

1. Đau bụng âm ỉ

Cảm giác cơn đau ở ngưỡng trung bình (có thể vẫn chịu được), thi thoảng có cơn đau nhói thoáng qua. Một số bệnh lý có tính chất đau âm ỉ là:

– Viêm đại tràng mãn tính.

– Viêm tụy mãn tính.

– Viêm loét dạ dày-tá tràng mức độ nhẹ.

– Lao ruột.

– Viêm buồng trứng hay viêm phần phụ.

– Đau bụng kinh.

Đau âm ỉ vùng bụng

Đau âm ỉ vùng bụng

2. Đau bụng quặn

Là cơn đau ở ngưỡng cao (cần thiết phải có sự can thiệp y khoa). Tập chung mạnh ở một điểm, rồi có chiều hướng lan rộng không giống nhau. Một số bệnh có kèm theo đau bụng quặn như là:

– Viêm tuyến tiền liệt (nhiễm khuẩn).

– Hội chứng ruột kích thích do viêm đại tràng.

– Đau dạ dày cấp, có thể kèm theo biến chứng xuất huyết tiêu hóa hoặc thủng dạ dày.

– Bệnh lý gan mật: Cơn áp xe gan, sỏi mật, giun chui cuống mật,…

Viêm ruột thừa: Chỉ định phẫu thuật, nếu không có thể dẫn đến tử vong.

Các cơn đau kể cả đau âm ỉ hay đau quặn xuất hiện khởi phát tại cơ quan bị tổn thương trên vùng bụng và sau đó sẽ có các hướng lan khác nhau. Tuy nhiên việc cảm nhận tính chất cơn đau của mỗi người là sự chủ quan cá nhân nên có sự khác biệt với chung một bệnh lý.

Đau quặn vùng bụng

Đau quặn vùng bụng

Việc nhận biết xác định vị trí đau bụng là rất cần thiết, là bước đầu để hướng bệnh nhân tìm kiếm các thông tin tiếp theo về tính chất của một bệnh lý cụ thể. Từ đó giúp người bệnh nhận biết rõ hơn tình trạng sức khỏe của mình, và đánh giá ít nhiều mức độ nguy hiểm của bệnh lý đang mắc phải và giúp bác sĩ tư vấn và đưa ra hướng điều trị hiệu quả nhất.

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *