Viêm amidan – Căn bệnh nguy hiểm chớ chủ quan

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây

viem_amidan_la_gi

Viêm amidan là gì?

Viêm amidan là bệnh lý hô hấp thường gặp ở cả trẻ em lẫn người lớn. Bệnh thường hay bị nhầm lẫn với viêm họng cấp, dẫn đến điều trị không đúng cách làm cho bệnh không dứt điểm, tái phát nhiều lần gây ra tổn thương tại chỗ và nguy hiểm hơn là biến chứng toàn thể. Vậy làm thế nào để nhận biết được viêm amidan và điều trị như thế nào là đúng cách. Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu qua bài viết dưới đây để biết thêm thông tin hữu ích.

I. Viêm amidan là gì?

Amidan là bộ phận được tạo bởi các mô Lympho, ở hai bên họng, ngay sau khoang miệng. Giữ vai trò như hàng rào miễn dịch ở hầu họng, đặc biệt ở độ tuổi từ 4-10 tuổi.

Viêm amidan là cách gọi tắt của viêm amidan khẩu cái (còn gọi là amidan hàm ếch). Với tỷ lệ mắc khác cao, viêm amidan là vấn đề được giới y học quan tâm không chỉ vì bệnh tại chỗ mà còn vì các biến chứng liên quan đến toàn thân . Là tình trạng sưng viêm kèm đau rát và nhiều biểu hiện khác của viêm.

II. Nguyên nhân – Triệu chứng của bệnh viêm amidan

Viêm amidan được phân loại thành nhiều thể khác nhau như viêm amidan cấp và mạn tính, đặc hiệu hoặc không đặc hiệu. Tùy từng loại mà có nguyên nhân và triệu chứng khác nhau:

1. Viêm amidan cấp tính không đặc hiệu

viem_amidan_cap_tinh

Viêm amidan cấp tính

Là tình trạng viêm tập trung khu trú ở khẩu cái thay vì toàn bộ họng trong viêm họng cấp nên dễ bị nhầm lẫn và đôi khi vẫn được gọi là viêm họng cấp.

Nguyên nhân gây viêm chủ yếu do virus, về sau có thể có bội nhiễm do vi khuẩn.

– Virus: Thường gây ra bởi virus cúm A, B, C, virus hợp bào đường thở, nhóm virus hecpet, virus đường ruột.

– Vi khuẩn: Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae là 2 vi khuẩn hay gặp nhất trong viêm amidan. Tuy nhiên, liên cầu tan huyết nhóm A cũng cần quan tâm vì nguy cơ gây biến chứng viêm cầu thận cấp và thấp tim. Ngoài ra có thể gặp tụ cầu vàng Staphylococcus aureus.  

2. Viêm amidan đặc hiệu

– Viêm amidan có màng giả (giả mạc):

Thường gặp ở trẻ em, có thời gian ủ bệnh từ 2-5 ngày. Biểu hiện nhiễm khuẩn toàn thân như môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi thối, kèm sốt và mệt mỏi, da xanh, đau họng, sưng tấy hạch cổ. Hai amidan viêm có màng giả màu trắng xám bám chặt vào mô ở dưới, nếu bóc ra khiến chảy máu và dễ hình thành trở lại.

– Viêm amidan Vincent do cộng sinh vi khuẩn thoi xoắn:

Hay gặp ở người thể trạng yếu suy giảm miễn dịch, thường không có dấu hiệu toàn thân, tổn thương một bên amidan, có phủ một lớp bựa dày màu trắng xám.

3. Viêm amidan mãn tính

viem_amidan_man_tinh

Viêm amidan mạn tính.

– Nguyên nhân:

Ứ đọng chất vụn bong tróc biểu mô, sự tích tụ các lympho bào và vi sinh vật trong các hốc từ đó biến thành các chất thối rữa trắng ngà hoặc ngà vàng. Các vi sinh vật đủ loại: Liên cầu, tụ cầu, phế cầu, trực khuẩn B. catarrhalis, khuẩn thoi-xoắn.

– Triệu chứng:

Triệu chứng tại chỗ: Cảm giác khó chịu, đau rát, vướng mắc khi nuốt như có dị vật. Có thể đau xuyên lên tai. Hơi thở thường hôi, khám họng thấy amidan có nhiều kích thước khác nhau. Trụ trước của amidan thường đỏ, trụ sau dày phồng.

III. Viêm amidan có nguy hiểm không?

Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh có thể để lại một số biến chứng nguy hiểm dưới đây:

1. Biến chứng tại chỗ

bien_chung_viem_amidan

Biến chứng viêm amidan.

– Viêm tấy quanh amidan.

Do điều trị viêm amidan không dứt điểm khiến bệnh kéo dài, thường gặp ở người trưởng thành. Có thể áp-xe amidan ổ viêm mưng mủ hay được gọi là viêm amidan hốc mủ, người bệnh có triệu chứng đau họng, cơn đau có thể giảm đi sau một thời gian điều trị nhưng sau lại bùng lên và dữ dội ở một bên, đau xuyên lên tai, nước miếng ứa ra.

Có hạch dưới góc hàm ở cổ hoặc có hiện tượng đóng bánh, sờ vào rất đau, khó há miệng.

– Viêm tấy hạch bên họng (áp-xe bên họng).

– Thường xuất hiện sau viêm amidan nặng có nguyên nhân từ liên cầu. Hạch bị viêm tấy thuộc chuỗi hạch cảnh.

– Vẹo cổ dữ dội, đầu phải nghiêng sang một bên.

– Cổ sưng do viêm quanh hạch.

– Thành họng bên trong sưng dẫn đến eo họng mất cân đối, đau rát khó nuốt.

– Sau 7-8 ngày mủ vỡ ra ngoài, phía trước hoặc phía sau cơ ức đòn chũm. Nếu không được dẫn lưu, mủ có thể dẫn dọc theo các mạch máu lớn gây loét động mạch cảnh họng lên, tắc tĩnh mạch cảnh và có thể lan xuống phía dưới cổ  và trung thất.

– Viêm mô-tế bào lan tỏa ở cổ.

bien_chung_viem_mo_te_bao_lan_toa_o_co

Biến chứng viêm mô tế bào lan tỏa do viêm amidan

– Tiến triển sau một nhiễm khuẩn ở ngã tư đường hô hấp-tiêu hóa trên hoặc sau viêm tấy quanh amidan. Nguyên nhân thường do liên cầu kết hợp với các vi khuẩn kị khí hoặc liên cầu kị khí tùy tiện.

– Bệnh tiến triển nhanh, trầm trọng, cổ sưng to toàn bộ, trong 1-2 ngày có thể lan xuống dưới cổ trung thất và trước ngực.

– Triệu chứng thực thể rất nặng: Nhiệt độ thất thượng hoặc hạ thấp, mạch nhỏ, huyết áp giảm, khó thở, bồn chồn, lo lắng, nhiễm độc, suy tim, biến chứng phổi và trung thất.

– Trường hợp tối cấp bệnh nhân có thể tử vong trong 24-48 giờ, một số khác có thể bị nhiễm khuẩn huyết nếu không được điều trị kịp thời. Cần theo dõi, điều trị hồi sức tích cực, kháng sinh liều cao, chống suy hô hấp, trợ tim.

2. Biến chứng toàn thể

– Viêm cầu thận cấp:

Nhiễm khuẩn có nguyên nhân do liên cầu tan huyết beta nhóm A rất dễ gây ra biến chứng viêm cầu thận cấp. Phù rất nặng đặc biệt là các tổ chức lỏng lẻo như mi mắt hoặc mắt cá chân nên rất dễ nhận biết, sốt cao và đau ngang vùng thắt lưng. Xét nghiệm nước tiểu có Protein niệu, huyết niệu, trụ niệu.

– Thấp khớp cấp:

Có thể để lại di chứng van tim, thường gặp ở lứa tuổi 5-16 tuổi nhiều nhất là khoảng 8 tuổi. Triệu chứng đa dạng, thường có sốt và viêm khớp.

– Hội chứng thở khi ngủ và ngáy to:

Thường gặp ở trẻ em vì amidan quá to và VA lớn làm giảm thiểu chức năng hô hấp. Trẻ bị thiếu oxy, khi ngủ ngáy to hay giật mình, có những đợt ngạt thở ngắn khoảng 10 giây. Khi trẻ thức giấc thường la hét, đái dầm.

IV. Mức độ nguy hiểm của viêm amidan

Viêm amidan có nhiều dạng và theo đó cũng sẽ có nhiều mức độ nguy hiểm khác nhau. Với các dạng viêm nhẹ, nếu được phát hiện sớm và điều trị dứt điểm, bệnh sẽ nhanh chóng được kiểm soát và không để lại biến chứng. Tuy nhiên, do triệu chứng ban đầu của viêm amidan rất dễ nhầm lẫn với viêm họng cấp, nên nhiều người có tâm lý chủ quan, tự dùng thuốc và các phương pháp điều trị tại nhà khác khiến bệnh tái phát nhiều lần và có nguy cơ gây ra các biến chứng như ở trên.

Viêm amidan do vi khuẩn gây bệnh có thể lan họng, tai gây viêm tai giữa, lan xuống đường hô hấp dưới như viêm phổi… Những đối tượng dễ gây biến chứng nguy hiểm nay là trẻ em, do đó cần đặc biệt chú ý ở viêm amidan ở trẻ nhỏ.

muc_do_nguy_hiem_viem_amidan

Mức độ nguy hiểm của viêm amidan

Có những biến chứng nguy hiểm như viêm cầu thận cấp, viêm mô-tế bào lan tỏa ở cổ có thể gây đe dọa tính mạng.

Việc đi khám sớm, xác định nguyên nhân gây bệnh và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ là cách tốt nhất để hạn chế những nguy hiểm khó lường mà viêm amidan gây ra.

V. Cách điều trị viêm amidan an toàn?

phuong_phap_dieu_tri_viem_amidan

Phương pháp điều trị viêm amidan

Để có được phương pháp điều trị viêm amidan hiệu quả, trước tiên cần xác định được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh bằng các biện pháp chuyên khoa.

– Kháng sinh chỉ nên dùng khi nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn hay do virus nhưng có bội nhiễm vi khuẩn, không nên sử dụng tùy tiện.

– Điều trị triệu chứng kèm các hỗ trợ tích cực đối với các biến chứng nguy hiểm.

– Sử dụng các bài thuốc dân gian như: rau diếp cá, lá húng chanh, tỏi, lá hẹ… Xem thêm: Những bài thuốc dân giải để cải thiện tình trạng viêm amidan.

Khi nào thì phẫu thuật? Phẫu thuật cắt bỏ amidan sẽ là phương pháp hữu hiệu đối với các đối tượng viêm nặng có kèm biến chứng. Việc cắt bỏ amidan sẽ được các bác sĩ đánh giá, suy xét cẩn thận trước khi tiến hành được thực hiện bởi bệnh viện, phòng khám uy tín. Bởi vì amidan còn có tác dụng như hàng rào miễn dịch vùng hầu họng. Ngày nay có một số phương pháp mới ứng dụng công nghệ mới như căt amidan bằng dao plasma với ưu điểm là an toàn, dành cho cả trẻ nhỏ mắc bệnh.

Tuy nhiên sau khi cắt bỏ amidan người bệnh cần được chăm sóc tốt để ngăn ngừa chúng phát triển trở lại. Bạn có thể xem thêm: enlightenedNhững thông tin cần lưu ý sau khi cắt amidan

– Cần giữ gìn vệ sinh hầu họng, tránh để các tổn thương làm điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây bệnh. Kết hợp với chế độ ăn uống tốt cho người bị viêm amidan để bệnh nhanh khỏi.

VI. Phòng tránh viêm amidan như thế nào?

Viêm amidan có thể lại biến chứng nguy hiểm nên việc phòng ngừa là vô cùng quan trọng. Nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ, hạn chế thực phẩm kích ứng hầu họng cho vào thực đơn như đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ…

Như vậy, có thể thấy viêm amidan không phải là một bệnh lý hô hấp có thể xem nhẹ và chủ quan trong điều trị. Cần có hiểu biết về bệnh để kịp thời xử trí, tránh để lại những biến chứng, hậu quả khôn lường.

Các bài viết của Dược Điển Việt Nam chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *