Viêm đại tràng: Những điều cần biết đầy đủ nhất

viêm đại tràng

Viêm đại tràng nếu không được điều trị dứt điểm sẽ gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Bệnh gây ra những cơn đau rất khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống. Cùng tìm hiểu ngay với chúng tôi những thông tin cơ bản qua bài viết sau đây để hiểu thêm về bệnh!

1. Thế nào là viêm đại tràng?

Viêm đại tràng là bệnh về tiêu hóa gặp ở rất nhiều đối tượng khác nhau với các biểu hiện phức tạp. Đa số bệnh nhân thường có cảm giác đau tức vùng bụng dưới, phân không thành khuôn, đại tiện bất thường, hay bị sôi bụng, đầy hơi, chướng bụng.

Viêm đại tràng được hiểu là tình trạng viêm ở niêm mạc đại tràng gây ra những tổn thương với mức độ khác nhau. Trong trường hợp nhẹ thì niêm mạc sẽ dễ chảy máu, còn khi bệnh nặng hơn sẽ xuất hiện các vết loét, xung huyết, thậm chí là có ổ áp – xe nhỏ.

Viêm đại tràng cấp gây giãn hoặc thủng, ung thư đại tràng. Tình trạng này nếu không được điều trị kịp thời, đúng phương pháp sẽ làm tổn thương trên lớp niêm mạc lan rộng ra, lâu ngày trở thành viêm đại tràng mãn tính. Trong trường hợp xấu nhất có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm, rất khó điều trị.

Chính vì vậy, bệnh gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và công việc của bệnh nhân.

2. Triệu chứng của bệnh viêm đại tràng

Tùy theo các giai đoạn cấp tính hay mãn tính mà viêm đại tràng có những biểu hiện khác nhau.

2.1. Viêm đại tràng cấp tính

Các triệu chứng ở giai đoạn này thường xuất hiện đột ngột, với các biểu hiện điển hình sau đây:

– Đau bụng: Đây là biểu hiện đặc trưng của bệnh viêm đại tràng cấp. Thông thường, bệnh nhân sẽ gặp các cơn đau quặn ở bụng dưới, đôi khi là đau dọc đại tràng. Ngoài ra, còn kèm theo cứng bụng, tức bụng, đầy hơi.

– Tiêu chảy:

+ Tần suất đi đại tiện của bệnh nhân tăng lên nhiều lần, có trường hợp đi đến vài chục lần mỗi ngày. Sau khi đi xong vẫn thấy khó chịu và muốn đi đại tiện tiếp.

+ Phân nát, không thành khuôn hoặc toàn nước, đôi khi có lẫn máu.

+ Đặc biệt, khi ăn các đồ sống, tái, đồ ăn lạ, cay nóng, hải sản thì các triệu chứng này càng rõ rệt.

Đau bụng - triệu chứng điển hình của viêm đại tràng

Đau bụng – triệu chứng điển hình của viêm đại tràng

– Chán ăn: Đa số bệnh nhân cảm thấy cơ thể mệt mỏi, ngại ăn, lười vận động, trí nhớ giảm sút, một số trường hợp còn sốt nhẹ.

Tùy theo nguyên nhân mà bệnh nhân viêm đại tràng có những triệu chứng khác nhau:

– Viêm đại tràng do lỵ amip: Xuất hiện những cơn đau quặn dọc theo khung đại tràng, đặc biệt là đại tràng Sigma. Phân thường lẫn chất nhầy, mủ, thậm chí có máu thẫm. Cảm giác mót rặn phải đi đại tiện ngay.

– Viêm đại tràng cấp do lỵ Shigella: Cảm giác đau rát hậu môn, phân lỏng. Khi bệnh chuyển biến nặng sẽ xuất hiện các biểu hiện như đau quặn bụng, phân lẫn máu hay một số triệu chứng của nhiễm trùng bao gồm sốt cao, rối loạn nước, điện giải,…

Viêm đại tràng cấp tính nhìn chung có khả năng tái phát rất cao, khi không được điều trị kịp thời và dứt điểm sẽ trở thành mãn tính. Thậm chí, nguy hiểm hơn có thể gây trụy tim và áp xe gan.

2.2. Viêm đại tràng mãn tính

Khác với trường hợp cấp tính, bệnh viêm đại tràng mãn tính thường khởi phát chậm và kéo dài dai dẳng.

– Đau bụng kéo dài: Các cơn đau âm ỉ, đôi lúc quặn nhiều lần, kéo dài trong nhiều ngày. Vị trí xuất hiện của cơn đau là dọc khung đại tràng và hai hố chậu. Tuy nhiên, mức độ đau sẽ giảm sau mỗi lần đi đại tiện và sẽ tiếp tục đau ở những lần đi vệ sinh sau đó.

– Đại tiện rối loạn: Tần suất đi đại tiện vẫn nhiều hơn bình thường khoảng 4 đến 5 lần/ngày. Bệnh nhân có thể bị táo bón hoặc tiêu chảy, đôi khi cả hai tình trạng này xen kẽ nhau. Hình dạng phân không ổn định, lỏng nát, có lẫn máu và chất nhầy, mùi khó chịu,…

– Suy nhược cơ thể: Do các triệu chứng của bệnh kéo dài làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng và hệ tiêu hóa bị rối loạn. Vì vậy, đa số các bệnh nhân viêm đại tràng mạn đều trong tình trạng mệt mỏi, cơ thể suy dinh dưỡng, chán ăn, sụt cân,…

– Những triệu chứng này có thể dễ nhầm lẫn với Hội chứng ruột kích thích nên thường phảo tiến hành nội soi để chẩn đoán bệnh. Khi nội soi đại tràng,hình ảnh niêm mạc sẽ quan sát thấy có lớp nhầy trắng phủ lên trên, kèm theo các ổ áp xe nhỏ. Đây chính là hậu quả của các tổn thương để lại. Ngoài ra, xét nghiệm phân sẽ phát hiện được hồng cầu (do xuất huyết), ký sinh trùng, nấm,…

3. Nguyên nhân gây viêm đại tràng

3.1. Nhiễm khuẩn đường ruột

Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn đường ruột là do ăn uống không hợp vệ sinh, đồ ăn chưa được nấu chín, thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, nguồn nước uống bị ô nhiễm.

Bên cạnh đó, một số loại vi khuẩn như E.coli, Shigella, lỵ amip, sán, nấm xâm nhập vào cơ thể, sau đó tiết ra các loại độc tố gây tổn thương niêm mạc ở đại tràng.

3.2. Bệnh Crohn

Đây là bệnh với đặc trưng là tổn thương khu trú ở từng vùng của đại tràng. Bệnh diễn biến chậm và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, ví dụ như thủng ruột, tắc ruột, xuất huyết,…

3.3. Bệnh lao

Người bị bệnh lao thường có nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng cao hơn người khỏe mạnh. Nguyên nhân là do các vi khuẩn lao có khả năng xâm nhập vào đường ruột gây viêm nhiễm. Vì vậy, khi không được điều trị có thể dẫn đến tắc ruột hoặc trở thành bệnh mãn tính.

3.4. Sử dụng thuốc tây không hợp lý

Do sử dụng các thuốc kháng sinh trong thời gian quá dài khiến các vi khuẩn có lợi trong hệ tiêu hóa bị tiêu diệt, dẫn đến sự mất cân bằng hệ vi sinh. Đó là cơ hội thuận lợi cho các vi khuẩn có hại phát triển và gây tổn thương cho đại tràng.

Tình trạng nhờn thuốc, kháng thuốc cũng là lý do khiến đại tràng ngày càng yếu đi và rất dễ bị viêm nhiễm.

3.5. Các nguyên nhân khác

Một số nguyên nhân khác có thể gây ra viêm đại tràng bao gồm:

Táo bón kéo dài: Các triệu chứng đi ngoài ra máu, đau bụng âm ỉ trong táo bón kéo dài cũng là tác nhân gây bệnh viêm đại tràng cấp tính.

– Stress: Người thường xuyên bị căng thẳng, áp lực, ăn uống không điều độ, cũng có thể bị viêm đại tràng.

– Nhiễm độc chì, thuốc trừ sâu,…

– Bệnh lý đường ruột khác như viêm ruột, tắc ruột,… cũng là nguyên nhân gây bệnh.

Các nguyên nhân chính gây viêm đại tràng

Các nguyên nhân chính gây viêm đại tràng

4. Bệnh viêm đại tràng có nguy hiểm không?

Tuy mức độ nguy hiểm của bệnh viêm đại tràng không quá cao nhưng nếu chủ quan, không điều trị thì bệnh có thể nặng hơn, các triệu chứng không được cải thiện mà còn có xu hướng gia tăng, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm sau đây:

– Xuất huyết đại tràng: Thường xuất hiện khi niêm mạc đại tràng đã bị tổn thương nghiêm trọng. Nguyên nhân là do việc lạm dụng kháng sinh, ăn uống không vệ sinh hay dùng các chất kích thích khiến lớp nhung mao của đại tràng bị trơ trụi. Do đó, làm mất lớp bảo vệ, tác nhân gây bệnh sẽ tấn công vào đại tràng.

– Thủng đại tràng: Khi các lợi khuẩn trong đường ruột bị tiêu diệt, mất lớp lông nhung, các vết loét trở nên trầm trọng, niêm mạc đại tràng bị tổn thương, lâu ngày sẽ làm thủng đại tràng. Trong trường hợp không được cấp cứu kịp thời có khả năng sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

– Giãn đại tràng cấp, suy giảm chức năng hệ tiêu hóa, các tổn thương trên đại tràng càng trầm trọng hơn. Người bệnh sẽ có các dấu hiệu như chướng bụng, thậm chí là hôn mê hoặc tử vong.

– Ung thư đại tràng: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất. Hiện nay, tình trạng ung thư đại tràng ngày càng tăng cao, khoảng 20% số người bị viêm đại tràng sẽ chuyển biến sang ung thư. Theo thống kê của WHO, mỗi năm trên thế giới ghi nhận khoảng 11 triệu ca mắc mới và tới 7 triệu ca tử vong do ung thư đại tràng. Vì vậy, phải đi khám để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Biến chứng của viêm đại tràng

Biến chứng của viêm đại tràng

5. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng cao

Ngày nay, dân số Việt Nam mắc bệnh viêm đại tràng có xu hương gia tăng về tỉ lệ, căn bệnh này thường gặp ở những đối tượng sau:

– Người ăn uống thiếu khoa học: Đa số viêm đại tràng thường xảy ra ở người có thói quen hút thuốc lá, hay sử dụng các đồ uống có cồn, ăn thức ăn nhanh, đồ ăn chưa nấu chín, không hợp vệ sinh, nguồn nước uống bị ô nhiễm,…

– Hay bị căng thẳng, stress: Nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn ở những đối tượng thường xuyên phải chịu áp lực cao từ công việc, gia đình.

– Tuổi: Bệnh thường gặp ở người cao tuổi.

– Lạm dụng thuốc Tây: Việc sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng do làm rối loạn hệ vi sinh.

– Người bị táo bón kéo dài, tiêu chảy, viêm ruột,…

6. Phương pháp điều trị bệnh viêm đại tràng hiệu quả

6.1. Nguyên tắc điều trị viêm đại tràng

Phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây để đảm bảo việc chữa trị có hiệu quả:

– Ngay sau khi phát hiện bệnh phải điều trị càng sớm càng tốt.

– Lựa chọn phác đồ điều trị dựa trên nguyên nhân gây ra bệnh.

– Thực hiện chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, khoa học.

– Điều trị nội khoa kết hợp ngoại khoa tùy theo chỉ định của bác sĩ.

6.2. Điều trị nội khoa

Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại kháng sinh, kháng nấm, thuốc chống ký sinh trùng để điều trị tình trạng viêm nhiễm. Ngoài ra sẽ sử dụng các thuốc khác để điều trị triệu chứng như:

– Thuốc giảm đau, chống co thắt.

– Thuốc điều trị tiêu chảy.

– Bù nước và chất điện giải.

– Men vi sinh.

Không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

6.3. Điều trị viêm đại tràng bằng phương pháp dân gian

Bên cạnh sử dụng thuốc tây y có thể gây ra một số tác dụng ngoài ý muốn thì sử dụng các mẹo dân gian từ thảo dược cũng được ưa chuộng hơn vì an toàn.

Một số bài thuốc được áp dụng như: sử dụng mật ong và nghệ, nha đam, lá vối…

6.4. Điều trị ngoại khoa

Trong trường hợp các biện pháp điều trị nội khoa không mang lại kết quả thì phẫu thuật cắt bỏ đại tràng sẽ được chỉ định.

Phương pháp này cũng có thể được áp dụng khi bị ung thư hoặc polyp đại tràng. Tuy nhiên, cắt bỏ đại tràng sẽ không tránh khỏi việc ảnh hưởng đến chức năng hệ tiêu hóa và tâm lý của bệnh nhân.

Trước khi quyết định phẫu thuật, cần lựa chọn bệnh viện, phòng khám uy tín để yên tâm chữa trị, tránh các biến chứng nguy hiểm hậu phẫu.

6.5. Chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý

Bên cạnh các biện pháp điều trị nội khoa và ngoại khoa, bệnh nhân nên thực hiện lối sống, sinh hoạt lành mạnh để việc điều trị mang lại kết quả tốt hơn.

– Hạn chế các đồ ăn cứng, cay nóng, nên ăn thức ăn nhẹ nhàng, dễ tiêu hóa, giảm hoạt động của đại tràng.

– Đối với người bị táo bón phải giảm đồ ăn nhiều chất béo, bổ sung rau xanh, hoa quả vào các bữa ăn và chia thành các bữa nhỏ trong ngày.

Chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân viêm đại tràng

Bổ sung rau xanh, hoa quả vào bữa ăn

– Khi bị tiêu chảy, phải hạn chế chất xơ, đồ ăn sống, trái cây tươi để thành ruột không bị tổn thương, nên ăn đồ ăn nấu nhừ, xay.

– Ghi lại những thực phẩm đã sử dụng theo ngày để giúp kiểm soát tốt việc ăn uống của bản thân.

– Kết hợp nghỉ ngơi, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng để cơ thể được thoải mái. Đồng thời, nên vận động, thể dục nhẹ nhàng giúp tăng cường sức khỏe.

– Tránh chất kích thích: cà phê, sô cô la, trà,…

– Sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung Vitamin và khoáng chất khi được sự đồng ý của bác sĩ. Do bệnh nhân viêm đại tràng thường thiếu các loại vitamin như B, C,…

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có một chế độ ăn hợp lý, phù hợp với tình trạng của cơ thể và giúp đẩy lùi bệnh viêm đại tràng.

Xem thêm: enlightenedViêm đại tràng nên ăn gì và kiêng ăn gì?

7. Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm đại tràng

– Đảm bảo ăn chín uống sôi, vệ sinh an toàn thực phẩm thật tốt. Tránh các loại thực phẩm sống, đặc biệt là rau sống, các món gỏi, tiết canh – tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cao.

– Nếu trong gia đình có người mắc bệnh về đường tiêu hóa thì nên luộc sôi hoặc dùng máy tiệt trùng để làm sạch dụng cụ nấu bếp.

– Sử dụng hố xí tự hoại, cách xa khu vực bếp ăn, hạn chế tối đa tình trạng phân người bệnh bị vương vãi ra các khu vực có chứa đồ ăn.

– Rèn thói quen rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

– Tẩy giun sán theo khuyến cáo của Bộ Y tế 6 tháng/lần.

– Thư giãn, nghỉ ngơi sau những giờ làm việc căng thẳng. Mỗi người nên dành ra một khoảng thời gian nhất định trong ngày để nghỉ ngơi, xem phim, nghe nhạc,…

– Tập thể thao thường xuyên để cải thiện sức khỏe.

– Tránh việc lạm dụng các loại kháng sinh.

– Hạn chế các chất kích thích như rượu, thuốc lá, cà phê.

– Nên chia nhỏ các bữa ăn và giảm khẩu phần vào buổi tối.

– Các thực phẩm nên ăn bao gồm khoai tây, hoa quả, chuối, đu đủ, rau xanh,…

– Đồng thời, hạn chế ăn trứng, sữa, mỡ, đồ chiên, cay, hành sống,…

– Bổ sung đủ nước, muối khoáng và những loại vitamin cần thiết.

Hy vọng những kiến thức mà chúng tôi cung cấp trong bài viết này đã giúp bạn đọc nắm rõ về bệnh viêm đại tràng, tránh nhầm lẫn với các bệnh lý trên đường tiêu hóa khác. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp và tư vấn. Chúc bạn đọc luôn khỏe mạnh.

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *