Bị nấc cụt thì phải làm sao?
Bị nấc cụt liên tục gây khó chịu và và mệt mỏi cho con người. Hiện tượng này không chỉ có ở người lớn mà còn có ở trẻ em. Vậy khi bị nấc cụt thì phải làm sao để khỏi. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra những mẹo đơn giản giúp giảm nấc cụt nhanh mà hiệu quả.
1. Nguyên nhân gây nấc cụt
Cơ hoành nằm ở vị trí giữa ngực – bụng, đóng vai trò quan trọng trong điều hòa sự thở. Nấc cụt là hiện tượng thường xuyên xảy ra khi cơ hoành bị co thắt đột ngột, quá mức.
Khi cơ hoành co thắt đột ngột quá, dây thanh âm cũng đóng lại nhanh trong vòng chưa đến một giây, sau đó bất ngờ phát ra tiếng “hực” đặc trưng.
1.1 Nấc cụt dưới 48 giờ
Nấc cụt kéo dài dưới 48 giờ có thể diễn ra do một số tác nhân sau:
– Uống đồ uống có ga.
– Uống quá nhiều rượu.
– Ăn quá nhiều.
– Kích động hoặc căng thẳng cảm xúc.
– Thay đổi nhiệt độ đột ngột.
– Nuốt không khí bằng kẹo cao su hoặc ngậm kẹo.
1.2 Nấc cụt trên 48 giờ
Nấc cụt kéo dài hơn 48 giờ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể được nhóm lại thành các loại sau:
Tổn thương hoặc kích ứng dây thần kinh
Nguyên nhân gây ra nấc cụt kéo dài là do tổn thương hoặc kích thích dây thần kinh phế vị hoặc dây thần kinh phrenic. Các yếu tố có thể là nguyên nhân dẫn đến tổn thương hoặc kích thích các dây thần kinh này bao gồm:
– Dị vật dính trong tai tác động đến màng nhĩ.
– Một khối u ở vùng cổ, có thể là bướu cổ hoặc u nang.
– Trào ngược dạ dày thực quản.
– Đau họng hoặc viêm thanh quản.
Rối loạn hệ thần kinh trung ương
Một khối u hoặc nhiễm trùng, tổn thương trong hệ thống thần kinh trung ương có thể phá vỡ sự kiểm soát bình thường của cơ thể đối với phản xạ nấc. Bao gồm:
– Viêm não.
– Viêm màng não.
– Bệnh đa xơ cứng.
– Đột quỵ.
– Chấn thương sọ não.
– Khối u.
Rối loạn chuyển hóa và thuốc
Đôi khi, nấc lâu dài có thể được kích hoạt bởi:
– Nghiện rượu.
– Gây tê.
– Thuốc an thần.
– Bệnh tiểu đường.
– Mất cân bằng điện giải.
– Bệnh thận.
– Thuốc thuộc nhóm Steroid.
2. Mẹo trị nấc cụt nhanh, hiệu quả cho người lớn
Dân gian thường truyền tai nhau những mẹo trị nấc cụt ngay. Những mẹo này không phải là không có cơ sở vì nó giúp điều chỉnh lại cơ hoành đang co thắt đột ngột. Dưới đây là một số phương pháp có thể áp dụng ngay khi bị nấc cụt để cải thiện nhanh chóng tình trạng bệnh.
2.1 Bịt tai 20-30 giây
Mẹo bịt tai chữa nấc cụt
Khi bịt tai, dây thần kinh phế vị sẽ được kích thích và được đáp ứng lại bằng việc thư giãn tạm thời. Bịt tai 20-30 giây sẽ giúp loại bỏ được cơn nấc cụt thành công.
2.2 Uống nước
Uống từng ngụm nước nhỏ giúp chữa nấc cụt
Uống một ly nước bằng cách chia thành nhiều ngụm nhỏ, uống liên tục và nín thở khi uống. Khi nín thở lâu như vậy, nồng độ CO2 trong máu sẽ tăng, gián tiếp đẩy lùi cơn nấc cụt.
2.3 Lè lưỡi
Tương tự bịt tai, lè lưỡi ra sẽ kích thích thần kinh phế vị. Từ đó, cơ hoành giảm co thắt, cơn nấc cụt cũng được đẩy lùi. Vì vậy, hãy đưa lưỡi ra ngoài hết cỡ khi bị nấc cụt để nhanh khỏi.
2.4 Hít sâu và thở ra từ từ
Hít sâu giúp căng cơ hoành, giúp cơ hoành giảm co thắt. Khi hít vào, cơ hoành không thể co lại được nữa nên cũng không còn bị nấc cụt nữa.
2.5 Nuốt một thìa đường
Khi ngậm một thìa đường trong miệng, vị ngọt sẽ xoa dịu, giúp các xung thần kinh được ổn định, từ đó cơ hoành giảm co thắt, giảm nấc cụt nhanh chóng.
3. Mẹo trị nấc cụt cho trẻ em
Nấc cụt ở trẻ thường xuất hiện sau khi trẻ bú bình, nhiệt độ thay đổi đột ngột hoặc có hiện tượng trào ngược dạ dày. Thường nấc cụt chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, không nguy hiểm nhưng lại khiến bé khó chịu, có thể nôn trớ, quấy khóc. Dưới đây là những cách chữa nấc cụt mà các mẹ có thể tham khảo.
3.1 Cho trẻ uống nước hoặc bú sữa
Trẻ bị nấc cụt thường do ăn quá no hoặc vừa ăn vừa chơi đùa. Biện pháp giúp giảm nấc cụt là cho trẻ tiếp tục bú sữa đối với trẻ sơ sinh. Hoặc cho trẻ uống nước từng chút một, liên tục. Nếu trẻ lớn hơn một chút có thể kết hợp với hít thở sâu để cho hiệu quả nhanh hơn.
3.2 Dùng ngón tay bịt lỗ tai hoặc hai cánh mũi
Tương tự như với người lớn, bịt lỗ tai 20-30 giây giúp giảm co thắt cơ hoành và trị nấc cụt. Mẹ giúp bé bịt tai 20-30 giây. Hoặc mẹ bóp 2 cánh mũi bé lại đồng thời giữ miệng bé để bé nín thở khoảng 5 giây rồi thả ra, thực hiện khoảng 15-20 lần. Bé có thể khóc vì khó chịu nhưng cơn khóc có thể giúp đánh bật được cơn nấc cụt.
3.3 Vuốt và vỗ nhẹ lưng cho bé
Vỗ lưng nhẹ nhàng giúp chữa nấc cụt
Một cách trị nấc cũng rất hiệu quả được áp dụng đó là vỗ vào lưng bé. Mẹ thao tác nhẹ nhàng, vỗ nhẹ nhàng vào lưng bé một cách dứt khoát. thao tác vỗ như vậy giúp giảm nấc cụt do ợ hơi, trào ngược dạ dày ở trẻ.
3.4. Cho trẻ ăn đường
Cách này chỉ dùng đối với trẻ đã ăn dặm. Cho trẻ nếm một chút đường để giúp ổn định hệ thần kinh thực quản, góp phần giảm cơn nấc.
3.5. Thay đổi tư thế bú cho bé
Tư thế bú sữa có thể gây nấc cụt
Trong quá trình bú bình, nếu lượng khí mà trẻ bú vào cùng lượng sữa nhiều thì dễ dẫn đến tình trạng nấc cụt. Vì vậy, mẹ nên để dốc bình lên khi cho bé bú và kiểm tra bình sữa, núm vú có bị rách hay không.
3.6. Mẹo dân gian chữa nấc cụt cho trẻ
Các mẹ truyền tai nhau cách chữa nấc cho bé bằng việc dán cuống chiếu hoặc mẩu giấy lên trán bé, giữa hai lông mày. Kết quả mang lại cũng khá bất ngờ nên các mẹ có thể thử nếu bé bị nấc cụt.
Với những trẻ nhỏ hơn như trẻ sơ sinh lại có những biện pháp riêng để giảm ngay cơn nấc như sử dụng núm vú giả, thay đổi tư thế….
Mong rằng, sau khi áp dụng những mẹo ở trên, bạn sẽ nhanh chóng đánh bay cơn nấc cụt. Tuy nhiên nếu mức độ và tần suất xuất hiện quá nhiều, áp dụng những mẹo này cũng không khỏi thì nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe.