Nấm da chân là một căn bệnh phổ biến ở chân, có thể gặp ở nam hay nữ và ở bất kỳ độ tuổi nào. Khi nhận thấy nấm chân, người bệnh cần thăm khám bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời. Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu ngay những thông tin cơ bản về nấm chân qua bài viết sau đây.
1. Nấm da chân là gì?
Nấm chân là một bệnh ngoài da phổ biến, có đến hơn 70% dân số bị mắc căn bệnh này ít nhất 1 lần trong đời. Nấm chân có thể gặp ở bất kỳ đối tượng, độ tuổi nào. Nấm da chân chủ yếu do một loại nấm tên là Dermatophytes gây ra, chúng sinh sôi và phát triển mạnh mẽ ở những môi trường nóng ẩm như phòng tắm, nhà vệ sinh, giày và tất ẩm ướt, bàn chân ra nhiều mồ hôi.
Các tế bào nấm xâm nhập vào lớp sừng thượng bì của da. Thông thường nhiễm nấm chỉ giới hạn ở lớp này, không thấy sự có mặt của nấm ở các lớp da sâu hơn. Tế bào nấm có chứa chất ức chế phản ứng miễn dịch của cơ thể, do đó chúng tồn tại và phát triển được ở trên da, gây ảnh hưởng tới các hoạt động sinh hoạt thường ngày và nhiều bất cập khác.
Có đến 70% dân số có thể nhiễm nấm chân ít nhất 1 lần trong đời
Nấm da chân không phải là căn bệnh nguy hiểm, tuy nhiên chúng gây khó chịu và có nguy cơ lây lan sang các vùng da khác. Do đó, chúng ta cần tìm hiểu kỹ về các triệu chứng của nấm da chân cũng như nguyên nhân, yếu tố nguy cơ gây ra để có cách phòng và điều trị hiệu quả.
2. Nguyên nhân gây nấm da chân
Nấm da chân đa phần là do nấm Trichophyton rubrum, Trichophyton interdigitale hoặc Epidermophyton floccosum gây ra, một phần nhỏ là do nấm Candida gây ra.
Bã nhờn được cho là có khả năng ức chế sự phát triển của các tế bào nấm. Bàn chân là nơi không có tuyến bã nhờn phát triển, do đó nguy cơ nhiễm nấm da ở chân cao hơn so với các vị trí khác trong cơ thể rất nhiều.
Nấm chân thường do Trichophyton rubrum gây ra
Một số yếu tố nguy cơ khác gây ra tình trạng nấm chân có thể kể đến như:
– Môi trường sống không sạch sẽ, ẩm ướt, bụi bặm, đi chân trần ở những nơi công cộng như phòng tắm hơi, hồ bơi, phòng tắm chung, phòng thay đồ…
– Dùng chung quần áo, giày dép, thảm, khăn trải giường, chăn chiếu với người bị nhiễm nấm da chân.
– Thường xuyên sử dụng các loại giày dép bịt kín, không thoáng khí.
– Đổ mồ hôi chân quá nhiều.
– Người đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hay các thuốc chống viêm Corticoid.
– Suy giảm miễn dịch tiềm ẩn hoặc đang mắc bệnh tiểu đường.
– Tuần hoàn ngoại vi kém, phù bạch huyết.
Ở nước ta, do điều kiện thời tiết ẩm ướt, nhiều người ra mồ hôi chân cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ gây nhiễm nấm da chân.
3. Triệu chứng nấm da chân
Khi bị nhiễm nấm da chân, ngón chân, lòng hoặc mu bàn chân thường xuất hiện các dấu hiệu như sau:
– Hồng, đỏ da ở lòng bàn chân với mức độ đỏ khác nhau.
– Có nhiều lớp da bị bong ra, như vẩy trắng. Chúng bong từng đám nhỏ hoặc lan rộng ra toàn bộ bàn chân.
– Các kẽ chân, thường là kẽ chân giữa các ngón chân thứ 3, 4, 5 thường bị nấm, xuất hiện tình trạng viêm, da mủn có vảy trắng, tiết dịch.
– Ngứa ở kẽ chân hoặc lòng bàn chân kèm theo đau nhẹ.
Nấm chân gây ngứa, hồng đỏ ở kẽ ngón chân, mu bàn chân
– Các mụn nước do nấm gây ra có kích thước vừa và nhỏ, có thể gây chảy nước và loét hay mụn mủ giữa các ngón chân.
– Chân có mùi khó chịu, thậm chí là có mùi hôi nặng.
Nấm da chân nghiêm trọng có thể xảy ra khi bị cả nhiễm khuẩn, thường xảy ra nhiều ở người bị tiểu đường và người suy giảm hệ miễn dịch do sức đề kháng, phòng bệnh kém. Các vết mụn nước bị loét, lở gây mụn mủ, đau đớn cho người bị mắc phải. Do đó, khi nhận thấy các biểu hiện của nấm chân, cần phải đến bệnh viện, phòng khám chuyên khoa da liễu uy tín để được theo dõi và điều trị kịp thời.
4. Điều trị nấm da chân như nào cho hiệu quả?
Nấm da chân có thể được điều trị khỏi bằng các loại kem bôi ngoài da chống nấm. Tuy nhiên trước khi sử dụng bất kỳ loại sản phẩm nào, người bệnh cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ để có giải pháp đúng đắn, tránh trường hợp điều trị sai khiến bệnh càng nặng hơn.
Có thể bôi các loại kem chống nắng chứa các hoạt chất kháng nấm như Terbinafine, Miconazole, Clotrimazole… vào vị trí bị nấm đều đặn trong khoảng 2 tuần. Nếu sau 2 tuần điều trị, tình trạng nấm chân không được cải thiện, cần thăm khám lại để có sự điều chỉnh phù hợp.
Có thể điều trị nấm chân bằng các loại kem trị nấm
Ngoài ra, một số kem, dung dịch thuốc bôi khác có thể được sử dụng nếu có sự đồng ý của bác sĩ như:
– Thuốc kháng Histamin: Giảm ngứa do vi khuẩn gây ra.
– Các loại thuốc bôi có chứa kháng sinh: Phòng ngừa và điều trị nhiễm khuẩn.
– Dung dịch/kem bôi có chứa Nhôm clorua: Giảm tiết mồ hôi chân, cải thiện tình trạng nhiễm nấm, ngăn ngừa nấm tái phát.
– Thuốc bôi chứa Ure, Axit salicylic hoặc Axit lactic: Làm mềm vảy sừng, giảm vảy sừng, giúp kem trị nấm thấm sâu vào trong da, mang lại hiệu quả cao hơn.
5. Chăm sóc chân khi bị nấm và cách phòng ngừa
Để phòng ngừa nấm phát triển và hỗ trợ điều trị nấm chân có hiệu quả nhanh chóng, người bệnh nên chú ý một số biện pháp điều trị sau đây:
– Giữ cho chân khô ráo, thoáng khí, rửa chân hàng ngày và lau khô cẩn thận.
– Dùng khăn riêng để lau chân, không lau lên các bộ phận khác của cơ thể cũng như dùng chung với người khác.
– Nếu môi trường làm việc yêu cầu phải thường xuyên đi giày, tất, cần lựa chọn những loại tất có khả năng thấm hút tốt, thay đổi 1-2 lần/ngày, có thể thay tất thường xuyên hơn nếu tất bị ẩm ướt.
– Trong thời gian bị nấm, hạn chế tối đa việc đi giày.
– Nếu đến các nơi như phòng tắm chung, phòng tắm hơi, hồ bơi…, cần đi dép để bảo vệ chân.
– Trường hợp nấm tái phát, nên bôi kem/bột chống nấm vào chân, có thể rắc bột chống nấm vào bên trong đôi giàu để tăng hiệu quả chống nấm.
Giữ chân luôn khô ráo để phòng ngừa nấm chân hiệu quả
Trên đây là những thông tin cơ bản về nấm da chân. Khi nhận thấy bản thân hay những người xung quanh bị nhiễm nấm chân, chúng ta không nên chủ quan tự điều trị, cần đến những cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn điều trị tốt nhất, giúp bệnh nhanh khỏi.