Tên khác: Đỏ ngọn, Co kín lang
Lá phơi hay sấy khô của cây Ngành ngạnh (Cratoxylum pruniflorum Kurtz), họ Ban (Hypericaceae).
Mô tả
Lá hình mác hoặc bầu dục, gốc thuôn, đầu nhọn, dài 6 cm đến 11 cm, rộng 2,5 cm đến 3,5 cm, mặt trên có lông nhỏ, dày hơn ở mặt dưới; cuống lá ngắn
Vi phẫu
Gân lá: Mặt trên lõm, mặt dưới lồi. Biểu bì trên và biểu bì dưới gồm 1 hàng tế bào thành dày mang lông che chở đa bao. Mô mềm gồm các tế bào hình đa giác, thành mỏng. Libe-gỗ xếp thành hình cung sát mô mềm. Bao quanh bó libe-gỗ là các bó sợi xếp thành hình vòng cung. Nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai rải rác trong mô mềm.
Phiến lá: Biểu bì trên và biểu bì dưới gồm 1 hàng tế bào mang nhiều lông che chở đa bào. Mô giậu gồm 1 lớp tế bào hình chữ nhật, xếp vuông góc với biểu bì.
Bột
Bột màu nâu vàng, mùi thơm, vị hơi chua chát. Soi kinh hiển vi thấy: Mảnh biểu bì gồm những tế bào hình chữ nhật mang lông che chở và nhiều lỗ khí kiểu song bào đứng riêng lẻ. Rải rác có lông che chở đa bào. Sợi dài, thành dày, tập trung thành từng bó. Mảnh mô mềm gồm các tế bào hình đa giác thành mỏng. Các tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Mảnh mạch xoắn, mạch vạch.
Xem thêm: Cỏ Mần Trầu (Herba Eleusinis indicae) – Dược Điển Việt Nam 5
Định tính
A.Lấy khoảng 10 g bột dược liệu, đun hồi lưu trên cách thủy với 30 ml ether (TT) khoảng 5 min, lọc, loại dịch chiết ether. Bã dược liệu để bay hết ether ở nhiệt độ phòng, thêm 30 ml ethanol (TT), đun sôi trên cách thủy 10 min, lọc, dịch lọc dùng làm các phản ứng sau:
Lấy 1 ml dịch lọc cho vào ống nghiệm, thêm một ít bột magnesi (TT), 3 giọt acid hydroclonc (TT), đun nóng nhẹ, dung dịch chuyển từ vàng sang nâu đỏ.
Lấy 1 ml dịch lọc vào ống nghiệm, thêm 3 giọt dung dịch sắt (III) clorid 5 % (TT), xuất hiện màu xanh đen.
Lấy 1 ml dịch lọc, thêm 3 giọt dung dịch natri hydroxyd 10 % (TT), xuất hiện tủa màu vàng. Thêm 1 ml nước tủa tan, màu vàng của dung dịch tăng lên.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)
Bản mỏng: Silica gel GF254.
Dung môi khai triển: Toluen – ethyl acetat – acid formic (5 :4 :1 ) .
Dung dịch thử: Lấy khoảng 10 g bột dược liệu cho vào túi giấy lọc, đặt túi vào bình Soxhlet, chiết bằng 50 ml n-hexan (TT) đến khi dịch chiết không màu. Loại bỏ dịch chiết n-hexan, lấy bã dược liệu để bay hơi hết dung môi, chiết tiếp bằng 50 ml methanol (TT) trong 1 h. Lấy dịch chiết methanol, cất thu hồi dung môi đến cắn. Hòa tan cắn vào 20 ml nước cất, đun nóng cách thủy cho tan hết, lọc qua giấy lọc. Chiết dịch lọc bằng ethyl acetat (TT) 3 lần, mỗi lần 20 ml. Gộp dịch chiết, cẩt thu hồi ethyl acetat đến cắn. Hòa tan cắn bằng 5 ml dung dịch natri hydroxyd 0,1 M (TT), lọc, acid hóa dịch lọc đến pH 3 bằng dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT), lọc thu tủa. Để tủa khô ở nhiệt độ phòng rồi hòa tan trong 10 ml methanol (TT).
Dung dịch đối chiếu: Lấy khoảng 10 g bột nửa thô lá Ngành ngạnh (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 µl mỗi dung dịch trên. Sau triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra để khô ở nhiệt độ phòng, hiện màu bằng hơi amoniac (TT). Quan sát dưới ánh sáng thường. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết có cùng giá trị Rf và cùng màu sắc với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (6 vết màu vàng đến vàng nâu, trong đó các vết 2, 3 có màu vàng đậm nhất).
Xem thêm: Cỏ Cứt Lợn (Herba Agerati conyzoides) – Dược Điển Việt Nam 5
Độ ẩm
Không được quá 12.0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 105°C, 4 h).
Tro toàn phần
Không được quá 5,0 % (Phụ lục 9.8).
Tỉ lệ vụn nát
Qua rây có kích thước mắt rây 4 mm:
Không quá 3,0 % (Phụ lục 12.12).
Tạp chất
Không quá 1 % (Phụ lục 12.11).
Chất chiết được trong dược liệu
Không ít hơn 20,0 % tính theo dược liệu khô kiệt. Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10), dùng ethanol 96 % (TT) làm dung môi.
Chế biến
Lá thu hái quanh năm, ủ, rồi phơi hay sấy khô.
Bảo quản
Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mốc.
Tính vị, quy kinh
Vị đắng chát, tính mát.
Công năng, chủ trị
Thanh nhiệt, giải độc, lợi tiêu hóa.
Chủ trị: sốt, ra mô hôi trộm, chân tay mỏi; cảm sốt, viêm ruột, tiêu chảy, khan cổ, ho mất tiếng.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng từ 15 g đến 30 g, dạng thuốc sắc.Thường phối hợp với một số vị thuốc khác.