Ngộ độc thực phẩm – Thực trạng xảy ra phổ biến
Trên báo đài, truyền hình vẫn thường hay đưa tin thường xuyên về các vụ ngộ độc thực phẩm. Theo thống kê của Bộ Y Tế chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2020 trên cả nước ghi nhận 48 vụ ngộ độc thực phẩm làm 824 người nhập viện điều trị và 22 người tử vong. Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm là gì? Các triệu chứng cũng như cách xử trí tình trạng này hiệu quả nhất. Hãy cùng chúng tôi giải đáp trong bài viết dưới đây.
1. Ngộ độc thực phẩm là gì? Nguyên nhân do đâu?
Ngộ độc thực phẩm hay ngộ độc thức ăn, trúng thực là tình trạng cơ thể bị trúng độc do ăn phải các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn, ôi thiu, chứa nhiều độc tố vượt quá hàm lượng cho phép…Có thể người bệnh chỉ bị ngộ độc ở mức nhẹ với các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy. Tuy nhiên nhiều trường hợp nặng có thể gây co giật, rối loạn thần kinh, tim mạch và thậm chí tử vong rất nhanh sau đó.
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng ngộ độc thực phẩm như:
– Bản chất thực phẩm đã chứa sẵn độc tố như: độc từ cá nóc, mật cá trắm, hạt hạnh nhân đắng, sắn, nấm độc…
Thức ăn nhiễm khuẩn, nấm mốc gây ngộ độc thực phẩm
– Thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nấm mốc:
+ Độc tố tụ cầu Staphylococcus thường có trong các loại sữa, thịt gia cầm..
+ Độc tố từ vi khuẩn Clostridium botulinum từ các loại thực phẩm sống bị ôi thiu gây phá hủy hệ thần kinh trung ương…
+ Vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn.
+ Độc tố Aflatoxin trên các loại nấm mốc phát triển trên các loại hạt đậu nành, lạc, ngô, điều…để lâu.
+ Các loại sán, virus viêm gan A bám trên các loại rau sống, các loại gỏi cá sống, trong các động vật nhuyễn thể như ốc, hến, ngao, sò…
– Thực phẩm bị nhiễm nhiều kim loại nặng như chì, selen, asen, thủy ngân…
– Thực phẩm còn tồn dư nhiều thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản hay sử dụng các chất bị cấm trong công nghệ thực phẩm.
2. Triệu chứng khi bị ngộ độc thực phẩm
Các biểu hiện khi bị ngộ độc có thể xuất hiện ngay sau khi ăn chỉ vài phút hoặc vài giờ nhưng cũng có khi phải đến 1-2 ngày sau mới có triệu chứng. Nếu gặp các trường hợp sau bạn nên nghĩ ngay đến ngộ độc thực phẩm:
– Nhiều người cùng có một biểu hiện khác thường giống nhau sau khi ăn cùng một loại thực phẩm.
– Kiểm tra thực ăn thấy có mùi ươn, ôi thiu hoặc nhìn thấy màu sắc khác lạ, thậm chí có thể nhìn thấy cả sán.
– Tự nhiên cảm thấy đau bụng dữ dội, nôn mửa và tiêu chảy.
Triệu chứng đặc trưng nhất của ngộ độc thực phẩm là gây rối loạn tiêu hóa. Ngay sau khi chất độc vào cơ thể bệnh nhân sẽ có phản ứng lại bằng việc buồn nôn hoặc nôn những thực phẩm vừa ăn vào. Thậm chí sau đó vẫn bị nôn khan dù trong bụng không còn gì. Đau bụng và tiêu chảy kéo dài 2-3 ngày sau đó nhưng có thể dài hơn ở đối tượng nhạy cảm là người già, trẻ nhỏ…Tiêu chảy, nôn khiến cơ thể rơi vào tình trạng mất nước.
Các triệu chứng thường gặp của ngộ độc thực phẩm
Trong trường hợp nặng hơn, bệnh nhân còn xuất hiện thêm các triệu chứng:
– Sốt cao lên đến 40 độ C, đau mỏi toàn thân.
– Rối loạn thần kinh: Nhìn mờ, khó nói, tê liệt, co giật, chóng mặt, đau đầu…
– Rối loạn tim mạch: Khó thở, tụt huyết áp, loạn nhịp tim, tức ngực…
Tùy vào từng nguyên nhân mà triệu chứng của ngộ độc thực phẩm khác nhau:
– Nếu ăn phải các loại thực phẩm vốn có chất độc thì các biểu hiện sẽ xuất hiện ngay sau ăn.
– Nếu ngộ độc do hóa chất độc hại các triệu chứng không chỉ ở đường tiêu hóa mà còn ảnh hưởng hệ thần kinh (gây đau đầu, chóng mặt), tim mạch.
– Nếu ngộ độc do vi sinh vật bệnh nhân thường có tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng cùng các biểu hiện khác như sốt cao liên tục, vật vã, các biểu hiện mất nước (khô miệng, khát nước)…
– Trường hợp nguy hiểm nhất bệnh nhân có thể bị tử vong chỉ sau khoảng thời gian ngắn.
3. Cách xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm
Dù bị ngộ độc mức độ nặng hay nhẹ thì đều gây tổn hại đến sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Đặc biệt nếu ngộ độc xảy ra ở trẻ em, người già, người suy giảm miễn dịch, người đang có bệnh lý nền như tim mạch, gan, viêm loét đường tiêu hóa…thì hậu quả để lại càng nghiêm trọng hơn. Do đó để bảo vệ cho bản thân mình cũng như người thân, mọi người cần trang bị kiến thức các bước sơ cứu kịp thời khi bị ngộ độc thực phẩm.
Gây nôn (khi bệnh nhân không có biểu hiện nôn):
– Đây là bước sơ cứu đầu tiên kích thích bệnh nhân tống thức ăn từ dạ dày ra bên ngoài để hạn chế độc tố hấp thụ vào cơ thể. Bệnh nhân cần nôn được càng nhiều thức ăn càng tốt.
– Có thể sử dụng ngón tay trỏ sạch ấn vào gốc lưỡi để tạo cảm giác buồn nôn cho bệnh nhân. Khi gây nôn nên để bệnh nhân nằm nghiêng, phần đầu được kê cao hơn để tránh thức ăn gây sặc, ngạt thở khi đi ra hoặc chất độc bị trào ngược vào phổi. Ở trẻ nhỏ không nên làm quá mạnh tránh gây xước cổ họng trẻ.
– Tuy nhiên nếu bệnh nhân không còn tỉnh táo, rơi vào trạng thái hôn mê thì không nên gây nôn vì sẽ gây tắc đường thở.
Kích thích gây nôn để tống thức ăn ra ngoài
Bù nước và để bệnh nhân nghỉ ngơi:
– Khi nôn nhiều kết hợp cùng tiêu chảy sẽ khiến cơ thể người bệnh bị mất nước nghiêm trọng. Chính vì vậy cần cho bệnh nhân nghỉ ngơi cùng với uống nhiều nước lọc hoặc uống nước gạo rang, nước oresol…
– Nếu sử dụng oresol cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để pha đúng nồng độ, và cho bệnh nhân sử dụng đúng liều lượng, thời gian để việc bù nước hiệu quả nhất.
– Nên để dạ dày được nghỉ ngơi và hạn chế ăn uống trong vài giờ. Khi ăn lại nên ăn nhạt, chọn các loại thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa, ít chất béo.
Uống oresol bù nước và điện giải
Đưa ngay bệnh nhân đi cấp cứu tại các cơ sở y tế:
– Trong trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc nặng bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như co giật, hôn mê, rối loạn ý thức.. cần đưa ngay bệnh nhân đến các cơ sở y tế để có các biện pháp xử trí kịp thời, tránh gây các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
– Kể cả khi bệnh nhân chỉ có biểu hiện nhẹ như tiêu chảy hay nôn thì vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các biến chứng bất thường. Chính vì vậy vẫn cần đưa bệnh nhân đến kiểm tra tại các cơ sở y tế để đảm bảo an toàn.
Đưa bệnh nhân đi cấp cứu khi bị ngộ độc thực phẩm
4. Phòng tránh ngộ độc thực phẩm bằng những cách nào?
Để tránh bị ngộ độc thực phẩm cũng như hạn chế tối đa các biến chứng khó lường xảy ra thì việc vệ sinh an toàn thực phẩm cần được đặt lên hàng đầu.
– Lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được nuôi trồng theo quy định và có kiểm định chất lượng rõ ràng.
Lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn
– Không nên ăn các loại thực phẩm mang độc tố tự nhiên mà không chắc chắn có thể loại bỏ được khi sơ chế thông thường như cá nóc, sắn, khoai tây mọc mầm…
– Bảo quản thực phẩm đúng cách tránh để ôi thiu, hư hỏng, bị nấm mốc. Không sử dụng khi thực phẩm quá hạn sử dụng.
– Khi chế biến thức ăn cần rửa tay sạch bằng xà phòng, sơ chế thực phẩm cẩn thận, vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ ăn uống để tránh nhiễm khuẩn.
– Đảm bảo nguyên tắc ăn chín uống sôi, hạn chế ăn các thực phẩm sống chưa qua chế biến.
Hạn chế ăn các thực phẩm chưa qua chế biến
– Dọn dẹp vệ sinh khu vực nhà bếp, tránh ẩm thấp, bụi bẩn tạo điều kiện cho nấm mốc hay vi khuẩn phát triển.
Hy vọng những thông tin cung cấp từ bài viết có thể giúp bạn và gia đình phòng tránh được nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm cũng như có cách xử trí kịp thời để hạn chế tối đa các hậu quả nguy hiểm cho người bệnh.