Nhược thị là hiện tượng suy giảm thị lực nhưng không thể cải thiện được bằng các phương pháp thông thường như đeo kính, dùng kính áp tròng. Nhược thị có thể xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn. Vậy nhược thị là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết? Có điều trị được không? Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu ngay những thông tin sau đây để biết thêm chi tiết!
1. Nhược thị là gì?
Nhược thị là tình trạng thị lực của một bên mắt bị giảm sút do hoạt động không ăn khớp với não. Theo thống kê, có khoảng 3% trẻ em dưới 6 tuổi bị nhược thị. Trẻ em bị nhược thị có thị lực kém ở một hoặc cả hai bên mắt nhưng có thể trị khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Nhược thị được chia thành 2 loại:
– Nhược thị chức năng: Có thể phục hồi được bằng điều trị.
– Nhược thị thực thể: Không thể phục hồi được.
Hầu hết các trường hợp giảm thị lực do nhược thị đều có thể phòng ngừa hoặc phục hồi nếu được can thiệp bằng những biện pháp tập mắt, kích thích thị giác thích hợp trước năm 12 tuổi. Sau độ tuổi này, não hệ thần kinh thị giác đã ổn định dần, các biện pháp điều trị sau đó thường không mang lại hiệu quả cao. Do đó cha mẹ cần quan tâm đến con trẻ, phát hiện sớm trẻ bị nhược thị để có biện pháp can thiệp kịp thời tránh biến chứng nặng nề.
2. Dấu hiệu nhận biết nhược thị
Khi bị nhược thị, trẻ thường có những biểu hiện như:
– Nheo mắt, nghiêng đầu vẹo cổ khi nhìn, xem ti vi, đôi khi cảm thấy nhức đầu, nhức mắt khi mắt phải hoạt động quá lâu.
– Trẻ bị lác hoặc có các bất thường ở mắt như sụp mi, đục thủy tinh thể, sẹo mờ đục giác mạc…
– Đôi khi, trẻ có thể cảm thấy nhìn mờ khi xem tivi, đọc sách hoặc viết ở khoảng cách gần.
Bệnh nhược thị có thể ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt của trẻ, do đó, cần phát hiện bệnh sớm và có giải pháp điều trị kịp thời.
3. Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh nhược thị thường gặp nhất có thể kể đến như:
– Lác mắt: Có thể bị lác ở một mắt, hai mắt hoặc lác luân phiên. Thống kê cho thấy, có đến 50% số trẻ em bị lác đồng thời bị nhược thị.
Lác mắt có thể là nguyên nhân gây nhược thị
– Tật khúc xạ: Nhược thị do các tật khúc xạ có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt. Nhược thị do khúc xạ xuất hiện ở trẻ do không điều trị kịp thời các bệnh về mắt như cận thị, viễn thị, loạn thị bằng việc đeo kính, gây cản trở việc phát triển thị lực ở trẻ.
– Môi trường trong suốt của mắt bị che khuất: Ánh sáng truyền tới võng mạc bị ngăn cản, gây cản trở việc nhận biết các thông tin hình ảnh của mắt. Nguyên nhân chủ yếu là do các vấn đề về mắt như sụp mí mắt, đục thủy tinh thể bẩm sinh hoặc xuất hiện từ khi còn nhỏ, sẹo giác mạc…
+ Sụp mí: Mắt bị sụp mí có thể làm chắn tầm nhìn, gây nhược thị.
+ Đục thủy tinh thể cản trở thị giác của mắt, khiến mắt nhìn mờ. Não từ chối phân tích những hình ảnh bị mờ và không rõ nét dẫn đến nhược thị.
+ Khúc xạ của 2 mắt không đều, làm giảm khả năng nhìn xa.
4. Chẩn đoán nhược thị
Nhược thị có thể được chẩn đoán bằng cách khám mắt và đo thị lực. Có thể dùng nhiều kỹ thuật khác nhau để đo thị lực tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ. Ngoài ra, những trẻ bị lác nên được theo dõi cẩn thận xem tình trạng nhược thị có xuất hiện hay không.
Do nhược thị thường xảy ra ở một mắt nên chúng ta khó nhận ra. Có rất nhiều bậc cha mẹ không đưa trẻ đi khám mắt đầy đủ, dẫn đến nhiều trẻ bị nhược thị nhưng không được phát hiện sớm cho đến khi được các bác sĩ nhãn khoa khám mắt lúc đã lớn.
Khám mắt để chẩn đoán nhược thị
Phương pháp chẩn đoán thường dùng nhất là test đo độ sắc của thị giác, bảng đo này khác với bảng đo thị lực 20/20 thường dùng ở trường học, các phòng khám mắt. Có thể nhỏ thuốc gây liệt cơ thể mi tạm thời để phát hiện bệnh ở trẻ.
5. Phương pháp điều trị
Điều trị nhược thị được tiến hành càng sớm càng tốt. Điều trị thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự hiểu biết và phối hợp của các bậc phụ huynh, độ tuổi mắc bệnh, mức độ nhược thị cũng như các bệnh mắt kèm theo.
– Phương pháp chủ yếu là kích thích sử dụng mắt nhược thị bằng cách: Đeo kính, bịt mắt lành, tập chỉnh quang hay phẫu thuật còn tùy theo sự chỉ định của bác sĩ với từng trường hợp cụ thể.
– Nếu giảm thị lực ở mức độ nhẹ, có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt Atropin hoặc kính đặc chế để làm mờ mắt còn tốt thay vì dùng băng dán để bắt trẻ sử dụng mắt bị nhược thị nhiều hơn. Ngoài ra, cha mẹ có thể cùng trẻ chơi những trò chơi về thị giác, yêu cầu phải sử dụng mắt bị nhược thị nhiều.
– Trường hợp trẻ mắc tật lác mắt, hai mắt không thể di chuyển cùng nhau, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật trên cơ mắt.
Các bài tập dành cho mắt nhược thị
Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ tập một số bài tập sau để cải thiện tình trạng nhược thị của mắt:
Tập trung
– Dùng lòng bàn tay che mắt nhìn rõ hơn, sử dụng ngón tay trỏ của bàn tay còn lại đưa ra trước mắt rồi từ từ di chuyển ngón tay ra xa.
– Mắt bị nhược thị nhìn theo sự di chuyển gần – xa của ngón tay trong một thời gian. Nghỉ ngơi 5 phút và làm lại lần nữa.
– Thực hiện 3 lần mỗi ngày để cải thiện nhược thị.
Che mắt
– Dùng lòng bàn tay che một bên mắt nhìn rõ hơn và cố gắng tập trung nhìn mọi thứ xung quanh và miêu tả chúng.
– Kiên trì thực hiện mỗi ngày 6 tháng đến 1 năm, mắt nhược thị sẽ được cải thiện đáng kể.
Thực hiện bài tập che mắt mỗi ngày để điều trị nhược thị
Liệu pháp thị lực: Là phương pháp vật lý tăng hiệu quả của mắt cũng như não bộ, mang lại kết quả điều trị cao cho người bệnh không sẵn sàng thực hiện phẫu thuật. Biện pháp này có thể chữa trị các vấn đề về thị giác như nhược thị, cận thị, lác…
Lưu ý khi điều trị nhược thị
– Thời gian điều trị phụ thuộc vào tuổi của trẻ, phát hiện càng sớm, quá trình điều trị sẽ có hiệu quả nhanh hơn.
– Không nên tự ý điều trị ở nhà, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để có biện pháp phù hợp với từng đối tượng phụ thuộc nguyên nhân gây bệnh, mức độ bệnh và tuổi phát hiện tật nhược thị.
– Nhược thị có thể cần điều trị lâu dài, vài tuần đến vài tháng, thậm chí là vài năm nếu phát hiện muộn (sau 10 – 12 tuổi). Do đó, cần có sự phối hợp giữa gia đình và bệnh viện để quá trình điều trị đạt hiệu quả tốt hơn.
– Nhược thị có thể tái phát, do đó, sau khi tình trạng bệnh được cải thiện, vẫn cần điều trị duy trì và tái khám thường xuyên.
– Trong quá trình điều trị, cần điều chỉnh thói quen sinh hoạt, hạn chế tiếp xúc với ánh đèn Led từ các thiết bị công nghệ như tivi, điện thoại, máy tính… là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ nhược thị.
6. Phòng ngừa nhược thị
Để ngăn ngừa nguy cơ nhược thị và đề phòng bệnh tái phát sau khi điều trị khỏi, cần sử dụng mắt hợp lý để hạn chế nguy cơ suy giảm thị lực:
– Ngồi học, làm việc đúng tư thế: Ngồi thẳng lưng, mắt cách sách vở, máy tính 30cm, bàn ghế phù hợp, nơi học tập, làm việc đủ ánh sáng.
– Không nên xem tivi, chơi game quá hai giờ liên tục, ánh sáng từ các thiết bị điện tử có thể gây ra các vấn đề về mắt như mỏi mắt, khô mắt, nhìn mờ, đau đầu, mắc tật khúc xạ sớm…
– Không nên đọc sách trên tàu xe, khi nằm ngửa hoặc ở những nơi thiếu ánh sáng sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc tật khúc xạ.
– Xây dựng chế độ ăn uống điều độ, nhiều chất xơ và vitamin giúp bảo vệ thị lực cho cả người lớn và trẻ nhỏ.
– Ngủ đủ giấc để mắt được nghỉ ngơi, giảm mỏi mắt, khô mắt.
– Đi khám mắt định kỳ 3- 6 tháng/lần để phát hiện sớm các bệnh về mắt và có giải pháp điều trị kịp thời.
Cho mắt nghỉ ngơi đúng cách để tránh nhược thị
Nhược thị có thể được điều trị khỏi nếu phát hiện sớm. Do đó, chúng ta cần thăm khám mắt định kỳ để phát hiện sớm các tật về mắt, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời.