Điều trị bệnh lao phổi để tránh lây lan
Bệnh lao phổi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do trực khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Bệnh lây truyền từ người này sang người khác qua đường hô hấp. Theo thống kê trong năm 2015 trên thế giới có 1,8 triệu người tử vong do bệnh lao. Nếu không được điều trị khả năng lây lan của bệnh khó có thể kiểm soát được. Vì vậy khi được chẩn đoán xác định người bệnh cần thực hiện việc điều trị càng sớm càng tốt để tránh gây biến chứng và giảm khả năng lây nhiễm ra cộng đồng.
1. Nguyên tắc điều trị bệnh lao phổi
Vi khuẩn lao xâm nhập vào trong cơ thể tồn tại và có thể tồn tại ở dạng hoạt động gây các triệu chứng lâm sàng của bệnh lao hoặc ở thể ngủ (nhiễm lao tiềm tàng). Với những người mắc lao tiềm tàng thì khi hệ miễn dịch suy giảm thì sẽ biểu hiện bệnh lao so vi khuẩn trong cơ thể tái hoạt động hoặc do sự xâm nhập của vi khuẩn bên ngoài. Thuốc điều trị rất khó tiếp cận khi vi khuẩn ở thể ngủ yên. Hơn nữa đã xuất hiện hiện tượng vi khuẩn sinh đề kháng với thuốc, gây khó khăn hơn cho việc điều trị bởi các thuốc cho hiệu quả điều trị còn hạn chế. Vì vậy mục đích của phác đồ điều trị bệnh lao phổi cũng như các bệnh lao ngoài phổi nói chung đều là điều trị khỏi bệnh và hạn chế tối đa xuất hiện lao kháng thuốc.
Tuân thủ điều trị để tránh biến chứng của bệnh lao
Để đạt mục tiêu người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc khi điều trị gồm có:
Dùng kết hợp các thuốc kháng lao:
– Việc phối hợp thuốc sẽ giảm nguy cơ xuất hiện vi khuẩn lao sinh tính kháng do mỗi thuốc kháng lao sẽ tác dụng lên vi khuẩn lao theo các cơ chế khác nhau.
– Do đó nguyên tắc dùng ít nhất 3 thuốc ở giai đoạn tấn công và ít nhất 2 thuốc trong giai đoạn duy trì. Nếu có lao đa kháng cần ít nhất 4 thuốc hàng 2 có hiệu lực trong cả 2 giai đoạn.
Dùng thuốc đủ thời gian:
Mỗi đợt điều trị bệnh lao, người bệnh cần dùng thuốc đủ 2 giai đoạn tấn công và duy trì, kéo dài ít nhất 6 tháng để giảm tái phát.
– Giai đoạn tấn công: Từ 2-3 tháng để tiêu diệt được nhiều nhất các vi khuẩn lao đang hoạt động tại vùng nhiễm lao tránh đề kháng thuốc.
– Giai đoạn duy trì: Từ 4-6 tháng để tiêu diệt triệt để các vi khuẩn lao để tránh tái phát.
– Nếu mắc lao kháng thuốc thì giai đoạn tấn công kéo dài 8 tháng và giai đoạn duy trì kéo dài 12 tháng.
Dùng thuốc đúng liều:
Mỗi thuốc có một nồng độ nhất định để đạt được hiệu quả tốt nhất và phù hợp với từng đối tượng điều trị. Nếu dùng không đủ hàm lượng thì không tiêu diệt được vi khuẩn và dần dẫn đến nhờn thuốc. Còn nếu dùng liều cao hơn sẽ tăng độc tính và các tác dụng không mong muốn.
Dùng thuốc đều đặn:
Các thuốc phải được dùng cùng một thời điểm trong ngày để duy trì được nồng độ ổn định trong máu và dùng xa bữa ăn để có thể hấp thu cao nhất.
2. Các thuốc điều trị bệnh lao phổi
Thật may mắn là người mắc bệnh lao phổi đều có thể điều trị và chữa khỏi bằng thuốc với tỷ lệ rất cao. Trong Chương trình Chống lao Quốc gia bệnh nhân sẽ được cấp phát thuốc đầy đủ, liên tục và miễn phí. Theo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị lao” của Bộ Y Tế năm 2015 chia thuốc điều trị bệnh lao thành thuốc kháng lao hàng 1 – thuốc kháng lao thiết yếu và thuốc kháng lao hàng 2.
Các thuốc kháng lao hàng 1 la lựa chọn đầu tay khi bắt đầu điều trị bệnh lao với các thuốc chính gồm Isoniazid (H), Rifampicin ( R), Pyrazinamid (Z), Ethambutol (E). Các thuốc hàng 2 sẽ được sử dụng khi bệnh nhân có hiện tượng kháng thuốc hoặc không dung nạp được với các thuốc kháng lao hàng 1. Trong đó 2 nhóm quan trọng là các kháng sinh Aminoglycosid dùng đường tiêm và Fluoroquinolon.
5 thuốc trong nhóm chống lao hàng 1
Bảng tóm tắt các thuốc kháng lao được cấp phép hiện nay gồm có:
Nhóm |
Thuốc |
Viết tắt |
Thuốc chống lao hàng 1 |
Streptomycin |
S |
Rifampicin |
R |
|
Isoniazid |
H |
|
Ethambutol |
E |
|
Pyrazinamid |
Z |
|
Rifabutin |
Rfb |
|
Rifapentine |
Rpt |
|
Thuốc chống lao hàng 2 tiêm |
Kanamycin |
Km |
Amikacin |
Am |
|
Capreomycin |
Cm |
|
Thuốc chống lao hàng 2 uống |
Ethionamide |
Eto |
Prothionamide |
Pto |
|
Cycloserine |
Cs |
|
Terizidone |
Trd |
|
Para-aminosalicylic acid |
PAS |
|
Para-aminosalicylate sodium |
PAS-Na |
|
Thuốc chống lao nhóm Fluoroquinolon |
Levofloxacin |
Lfx |
Moxifloxacin |
Mfx |
|
Gatifloxacin |
Gfx |
|
Thuốc chống lao hàng 2 chưa rõ hiệu quả |
Bedaquiline |
Bdq |
Delamanid |
Dlm |
|
Linezolid |
Lzd |
|
Clofazimine |
Cfx |
|
Amoxicilline/Clavulanate |
Amx/Clv |
|
Meropenem |
Mpn |
|
Thioacteazone |
T |
|
Clarithromycin |
Clr |
3. Phác đồ điều trị bệnh lao phổi
Phác đồ điều trị lao tiềm ẩn (nhiễm lao):
– Chỉ định cho đối tượng:
+ Người lớn không mắc bệnh lao nhưng đang nhiễm HIV.
+ Trẻ em < 5 tuổi và từ 0-14 tuổi không mắc bệnh lao nhưng đang nhiễm HIV, đang sống cùng với người mắc bệnh lao.
– Liều điều trị:
+ Người lớn: Dùng hàng ngày Isoniazid trong 9 tháng, đồng thời bổ sung thêm vitamin B6.
+ Trẻ em: Dùng hàng ngày Isoniazid trong 6 tháng (tổng 180 liều isoniazid).
Đối với các trường hợp bệnh lao thông thường sẽ có các phác đồ điều trị lao như sau:
Phác đồ IA: 2RHZE(S)/4RHE
– Chỉ định cho tất cả bệnh nhân người lớn mới phát hiện và điều trị lao lần đầu hoặc đã được điều trị lao nhưng dưới 1 tháng.
– Giai đoạn tấn công trong 2 tháng đầu dùng 4 thuốc isoniazid, pyrazinamid, rifampicin và ethambutol.
– Giai đoạn duy trì trong 4 tháng tiếp theo dùng 3 thuốc rifampicin, ethambutol và isoniazid.
Phác đồ IB: 2RHZE/4RH
– Đây là phác đồ điều trị mọi thể lao cho trẻ em điều trị lao lần đầu hoặc đã được điều trị lao nhưng dưới 1 tháng.
– Trong 2 tháng đầu dùng 4 thuốc isoniazid, pyrazinamid, rifampicin và ethambutol.
– Trong 4 tháng tiếp theo dùng 2 thuốc rifampicin và isoniazid.
Phác đồ II: 2SRHZE/1RHZE/5RHE hoặc 2SRHZE/1RHZE/5R3H3E3
– Chỉ định cho các đối tượng:
+ Lao tái phát: Khi hoàn thành điều trị xét nghiệm đờm AFB âm tính nhưng sau 1 thời gian bệnh xuất hiện lại.
+ Điều trị thất bại: Khi hoàn thành điều trị nhưng xét nghiệm đờm AFB dương tính.
+ Điều trị lại sau khi bỏ điều trị.
+ Trước đó có điều trị với 1 phác đồ khác.
+ Không rõ tiểu sử điều trị mà thể làm xét nghiệm chẩn đoán lao đa kháng nhanh hoặc có kết quả âm tính với lao đa kháng.
– Giai đoạn tấn công: 2 tháng đầu dùng 5 thuốc streptomycin, isoniazid, pyrazinamid, rifampicin và ethambutol. 1 tháng tiếp theo dùng 4 thuốc isoniazid, pyrazinamid, rifampicin và ethambutol.
– Giai đoạn duy trì trong 5 tháng với 3 thuốc isoniazid, rifampicin và ethambutol dùng hang ngày hoặc 3 lần/tuần.
Phác đồ IV: Z E Km(Cm) Lfx Pto Cs (PAS) / Z E Lfx Pto Cs (PAS)
– Đây là phác đồ dành cho bệnh nhân mắc lao kháng thuốc.
– Trong giai đoạn tấn công 8 tháng đầu sẽ sử dụng 6 thuốc Z, E, Km, Lfx, Pto, Cs. Cm sẽ dùng thay cho Km và PAS dùng thay Cs nếu 2 thuốc này không dung nạp với liều hàng ngày.
– Điều trị duy trì trong 12 tháng tiếp theo với 5 thuốc Z, E, Lfx, Pto, Cs. PAS thay thế cho Cs nếu không dung nạp.
Trên đây là 4 phác đồ điều trị bệnh lao phổi cho hầu hết các bệnh nhân. Liều lượng và thời điểm dùng của thuốc được y bác sĩ kê rõ trong từng đơn thuốc. Đối với những trường hợp đặc biệt như phụ nữ đang mang thai và cho con bú, đang dùng thuốc tránh thai, người mắc bệnh lý ở gan, suy giảm chức năng thận, bệnh đái tháo đường hay đồng nhiễm HIV/AIDS thì việc dùng thuốc sẽ được các y bác sĩ điều chỉnh phù hợp theo tường các nhân người bệnh để:
– Không ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc điều trị lao.
– Tránh tương tác với các thuốc đang dùng để điều trị bệnh lý có sẵn.
– Hạn chế tối đa các độc tính của thuốc điều trị lao có thể làm nặng hơn các bệnh nền hoặc gây hại cho thai nhi.
Điều chỉnh phác đồ dùng thuốc điều trị lao để tránh gây hại cho thai nhi
4. Quản lý người bệnh trong điều trị bệnh lao
Các bệnh nhân điều trị lao đều được điều trị theo phương pháp DOT (Directly Observed Treatment, Short – course, Điều trị trong thời gian ngắn có theo dõi trực tiếp). Điều này giúp các cán bộ y tế theo dõi được chặt chẽ việc dùng thuốc của bệnh nhân có tuân thủ theo nguyên tắc không nhằm đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, giảm khả năng lây truyền bệnh, tránh kháng thuốc. Đồng thời xử trí kịp thời các biến chứng, tác dụng phụ trong thời gian điều trị.
– Hầu hết các trường hợp nhiễm lao phổi đều có thể điều trị ngoại trú và được kiểm soát trực tiếp DOT và hướng dẫn chi tiết cách phòng lây nhiễm tại nhà.
– Đối với trường hợp lao kháng thuốc nên điều trị nội trú khoảng 2 tuần để điều trị lao đa kháng rồi sau đó thực hiện điều trị ngoại trú có kiểm soát trực tiếp DOT. Đồng thời trong quá trình điều trị có các biện pháp hỗ trợ tâm lý và điều trị chăm sóc giảm nhẹ.
– Nếu bệnh nhân có bệnh nền nặng, cần có sự cách ly…thì nhập viện điều trị là cần thiết.
Trong quá trình điều trị ngoài việc tuân thủ phác đồ dùng thuốc thì định kỳ người bệnh sẽ được tái khám để các ý bác sĩ đánh giá hiệu quả của việc dùng thuốc. Bệnh nhân sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm, chụp X-quang và một số thăm khám khác.
Hình ảnh X-quang lao phổi
5. Các lưu ý trong khi điều trị bệnh lao phổi
Thời gian điều trị bệnh lao phổi kéo dài nên người bệnh cần kiên trì và thực hiện đầy đủ theo phác đồ được chỉ định. Trong quá trình điều trị bệnh nhân cần ghi nhớ một số chú ý sau:
– Chuẩn bị tâm lý tốt, không quá lo lắng.
– Thực hiện dùng thuốc nghiêm túc theo nguyên tắc điều trị lao.
– Không quên lịch tái khám.
– Giữ gìn vệ sinh, không khạc nhổ đờm rãi bừa bãi để tránh lây lan vi khuẩn lao.
– Có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức khỏe.
– Nếu có bất kỳ hiện tượng nào bất thường trong khi điều trị cần thông báo ngay với cán bộ y tế để được giải quyết.
Điều trị bệnh lao hiệu quả để giảm nguy cơ lây lan
Khi mắc bệnh lao nếu được điều trị đúng, kịp thời và hiệu quả thì thuốc có thể tiêu diệt hết được vi khuẩn lao và người bệnh sẽ khỏi bệnh, có thể quay trở lại cuộc sống bình thường. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết tâm của từng người. Vì vậy nếu thấy có các triệu chứng nghi ngờ thì người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị sớm nhất có thể để hạn chế tối đa trường hợp tử vong và lây lan sang người khác.