Chế độ ăn cho bệnh nhân suy thận
Người suy thận thắc mắc rằng không biết bản thân nên ăn và kiêng thực phẩm nào? Hãy cùng Dược Điển Việt Nam giải đáp đầy đủ chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân suy thận.
I. Hàm lượng dinh dưỡng theo từng giai đoạn suy thận như thế nào?
Sau khi xuất hiện các triệu chứng suy thận, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để khám chữa bệnh. Sau khi được chẩn đoán chắc chắn mắc suy thận, bạn cần xây dựng một chế độ ăn uống để hỗ trợ điều trị bệnh. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nguyên tắc là bệnh nhân suy thận cần đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng theo từng giai đoạn của bệnh. Sau đây là chế độ dinh dưỡng cùng với hàm lượng cụ thể trong từng giai đoạn suy thận.
1. Suy thận cấp (giai đoạn đầu trước lọc thận)
– Năng lượng: Đảm bảo đủ 35 kcal/kg/ngày, hay 1800 – 1900 kcal/ngày. Trong đó, hàm lượng Glucid là 310 – 350 gam/ngày.
– Lipid: Khoảng 40 – 50g/ngày, tương ứng với năng lượng từ Lipid phải đạt từ 20 – 25% tổng năng lượng hàng ngày. Đặc biệt, acid béo chưa no và acid béo no đều phải chiếm 1/3 tổng số lượng Lipid.
– Protein: Dưới 0,6 g/kg cân nặng/ngày tương đương lượng Protein dưới 33g/ngày và tỷ lệ Protein động vật chiếm 60% tổng số Protein hàng ngày.
– Bên cạnh đó, ở trước giai đoạn chạy thận nhân tạo phải đảm bảo sự cân bằng nước và chất điện giải. Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh nhân nên ăn nhạt sao cho lượng Natri dung nạp vào cơ thể dưới 2000mg/ngày. Ngoài ra, cần hạn chế tối đa các thực phẩm giàu Phosphat, không vượt quá 600mg/ngày.
– Không chỉ vậy, lượng nước bổ sung vào cơ thể mỗi ngày cũng cần được chú ý. Theo các bác sĩ, lượng nước hàng ngày cần cung cấp cho sẽ được tính theo công thức sau:
V nước = V nước tiểu + V dịch mất đi ( tiêu chảy, nôn, sốt) + 300 – 500 ml (tùy theo thời tiết).
– Ngoài ra, cần bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cho bệnh nhân, nên chia nhỏ bữa thành 4 – 6 bữa/ngày.
2. Người suy thận mãn tính (giai đoạn 1 và 2)
Ở giai đoạn này, chức năng của thận bị suy giảm mạnh nên chế độ dinh dưỡng cũng có những thay đổi nhất định, cụ thể:
– Năng lượng: Bệnh nhân cần cung cấp đủ 35 kcal/kg/ngày ( tương đương 1800 – 1900 kcal/ngày). Trong đó, lượng Glucid là 313 – 336 gam/ngày.
– Lipid: Năng lượng do Lipid cung cấp chiếm 20-25% tổng năng lượng hàng ngày (tương đương 40-50g/ngày), trong đó bao gồm cả acid béo no và không no.
– Protein: Lượng Protein trong khoảng 0,6 – 0,8 g/kg cân nặng/ngày, không được vượt quá 44g. Trong đó tỷ lệ Protein động vật chiếm trên 60%.
– Natri: Cũng tương tự như giai đoạn cấp, bệnh nhân suy thận lọc máu cần giảm lượng muối cung cấp hàng ngày. Lượng Natri hàng ngày cần duy trì ổn định dưới mức 2000mg.
– Kali: Lượng tối đa cho phép là 2000 – 3000g/ngày. Do vậy, bệnh nhân suy thận cần hạn chế các thực phẩm có chứa hàm lượng Kali cao.
– Ngoài ra, người bị suy thận mãn tính phải đảm bảo cân bằng nước và chất điện giải. Cung cấp đầy đủ nước, các vitamin và khoáng chất cần thiết theo công thức trên.
II. Những thực phẩm người suy thận nên ăn
Một số thực phẩm được các chuyên gia dinh dưỡng nhận định rất tốt cho người suy thận. Đó là nho đỏ, súp lơ, ớt chuông đỏ…
1. Nho đỏ
Nho đỏ là một loại hoa quả rất quen thuộc với bất kỳ ai trong chúng ta. Trong loại quả này có hàm lượng vitamin C tương đối cao và một số Flavonoid có tác dụng chống oxy hóa hiệu quả.
Nho đỏ thật sự là loại thực phẩm bổ thận góp phần đẩy lùi bệnh suy thận, trong 75g nho chỉ chứa:
– Natri: 1,5mg.
– Kali: 144mg.
– Phốt pho: 15mg.
Đây thật sự là một loại quả thân thiện với sức khỏe con người cũng là thành phần của nhiều bài thuốc khác nhau. Trong nho đỏ, người ta còn phát hiện ra có chứa hàm lượng cao Resveratrol cao – một Flavonoid đã được chứng minh có lợi cho sức khỏe tim mạch, tăng khả năng nhận thức và giúp chống bệnh tiểu đường.
2. Súp lơ
Đây là loại rau có nhiều chất dinh dưỡng cũng được áp dụng trong y học. Loại thảo dược phổ biến này chứa vitamin K, vitamin C và vitamin B folate. Nò còn cung cấp nguồn chất xơ dồi dào. Trong 124g súp lơ nấu chín có chứa:
– Natri: 19mg.
– Kali: 176mg.
– Phốt pho: 40mg.
Bệnh nhân có thể sử dụng súp lơ nghiền để ăn thay thế cho khoai tây vì là một món ăn ít Kali.
Suy thận nên ăn súp lơ
3. Ớt chuông đỏ
Do chứa ít Kali nên ớt chuông đỏ là loại thực phẩm phù hợp với người suy thận.
Ớt chuông đỏ là nguồn cung cấp dồi dào các vitamin C và A cũng như vitamin B6. Đồng thời, nó còn cung cấp Lycopene – chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể trước một số tác nhân gây bệnh nhất định.
4. Tổ yến
Rất nhiều người băn khoăn không biết bệnh nhân suy thận có thể ăn tổ yến được hay không?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, lượng protein có trong tổ yến là nguồn khoáng chất thiên nhiên rất tốt đối với những bệnh nhân suy thận. Bên cạnh đó, lượng protein tự nhiên này rất dễ tiêu hóa và dễ dàng trong việc hấp thụ tốt nhất các dưỡng chất.
Đặc biệt, những dưỡng chất như Tyrosine, Threonine, Serine, Valine có trong tổ yến đều có lợi cho tuyến thận, giúp tăng cường sức đề kháng và làm chậm sự phát triển của bệnh hỗ trợ cơ thể trong quá trình hồi phục.
Tổ yến tốt cho bệnh nhân suy thận
5. Tinh bột
Với những người mắc các bệnh lý về thận nên lựa chọn sản phẩm giàu tinh bột và có hàm lượng đường thấp như miến, bột sắn, khoai sọ, gạo,… để bổ sung vào thực đơn mỗi ngày.
Việc sử dụng những loại thực phẩm này góp phần làm giảm bớt gánh nặng đối với hoạt động của thận.
III. Bệnh suy thận kiêng ăn gì?
Để chắc chắn rằng tình trạng suy thận không trở nên trầm trọng, bệnh nhân cần tránh một số thực phẩm sau đây:
1. Đồ ăn chứa nhiều natri (muối)
Ăn nhiều muối làm thận bị sưng phù, tăng huyết áp và gây rối loạn nhịp tim. Để giảm lượng muối nạp vào cơ thể mỗi ngày có thể áp dụng một số cách như:
– Sử dụng những loại gia vị tách muối hoặc thay thế bằng các loại thảo mộc tươi.
– Tránh xa các đồ ăn vặt có vị mặn, đồ ăn đóng hộp như giăm bông, xúc xích (đây là thực phẩm có chứa lượng muối tương đối lớn).
– Không ăn các loại thực phẩm lên men như dưa muối, cà muối, kim chi,…
– Hạn chế dùng các loại sốt như tương ớt, tương cà,… vì trong các loại sốt này có chứa rất nhiều muối.
– Không dùng các loại đồ uống có cồn.
2. Đồ ăn chứa nhiều photpho
Đồ ăn có chứa lượng lớn Photpho là tác nhân gây ức chế thận và tăng mức độ tổn thương cho bộ phận này trong thời gian dài. Do vậy, những bệnh nhân suy thận cần tránh xa các thực phẩm có chứa nhiều Photpho như:
– Lòng đỏ trứng.
– Phomat.
– Cua biển, cá trích, cá sú,…
– Thịt nạc, các loại thịt đỏ như thịt cừu, thịt bò,…
3. Thực phẩm quá nhiều Kali
Ở bệnh nhân suy thận gia đoạn đầu có thể ăn thực phẩm chứa nhiều kali nhưng khi bệnh tiến triển, bác sĩ cần tư vấn sử dụng. Khi suy thận, kali không được đài thải qua nước tiểu dẫn tới ứ đọng trong cơ thể. Nếu hàm lượng Kali trong cơ thể cao sẽ gây rối loạn nhịp tim, nguy cơ tử vong sẽ rất cao. Vì vậy, cần hạn chế tối đa việc dung nạp các thực phẩm giàu Kali vào cơ thể.
– Một số loại quả rất giàu Kali như cam, nho khô, chuối, dưa, quả bơ, hay mận.
– Khoai tây, bí và cà chua.
– Hạt dẻ, hạt điều, socola.
– Loại gạo nâu.
Thực phẩm giàu Kali bệnh nhân suy thận cần tránh
4. Thực phẩm chứa nhiều vitamin C
Theo một số Nghiên cứu tại Viện Karolinska (Stockholm, Thụy Điển) cho thấy “nguy cơ mắc sỏi thận sẽ tăng gấp đôi nếu người bệnh thận bổ sung cho cơ thể quá nhiều thực phẩm giàu vitamin C”. Để phòng ngừa mắc bệnh thì cần hạn chế những thực phẩm này.
Khi vào cơ thể, vitamin C có khả năng chuyển hóa thành dạng Oxalate – thành phần chính của sỏi thận.
Do vậy, người suy thận cần hạn chế các thực phẩm chứa nhiều vitamin C như chanh, quýt, cà chua, dâu tây, đu đủ, dứa, ổi,…
Bệnh nhân suy thận nên hạn chế thực phẩm chứa nhiều vitamin C
IV. Lời khuyên dành cho bệnh nhân suy thận
Chế độ ăn uống của bệnh nhân suy thận cần được kiểm soát cẩn thận. Vì vậy, bên cạnh việc lựa chọn các thực phẩm để bổ sung thì việc thay đổi một số thói quen ăn uống cũng góp phần giúp cho bệnh tình có những tiến triển tốt:
– Nên ăn chậm, nhai kỹ, không nên ăn quá no trong một bữa, có chia thành các bữa ăn nhỏ. Điều này sẽ giúp điều tiết lượng thức ăn đi vào cơ thể.
– Tham khảo ý kiến, lời khuyên từ các chuyên gia dinh dưỡng để có một chế độ ăn đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về mặt hàm lượng và phù hợp với sở thích.
– Hạn chế tối đa lượng Protein dung nạp vào cơ thể vì đây là yêu cầu quan trọng nhất với những bệnh nhân suy thận. Nếu nạp quá dư thừa thì lượng Protein này sẽ chuyển thành những chất thải và khiến cho thận hoạt động vất vả hơn.
– Nên vận động, đi lại nhẹ nhàng trong thời gian điều trị.
Hy vọng những thông tin chúng tôi cung cấp trong bài viết này đã giúp bạn có thêm một số kiến thức hữu ích về vấn đề suy thận nên ăn gì, kiêng gì. Đây là một chìa khóa vô cùng quan trọng để hỗ trợ trong quá trình điều trị bệnh.
Các bài viết của Dược Điển Việt Nam chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị.