Tập thể dục sai cách có thể dẫn đến nhiều tác hại
Tập thể dục là một biện pháp làm tăng sức đề kháng, chống lại các tác nhân gây bệnh vô cùng hiệu quả. Ngày nay, khi mà môi trường sống càng ngày càng ô nhiễm, dịch bệnh thì phức tạp, rèn luyện sức khỏe càng đóng vai trò quan trọng, giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường miễn dịch. Nhưng cùng với đó, cần có chế độ tập hợp lý, phù hợp với mỗi người để có hiệu quả, tránh các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe do tập luyện không đúng cách. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về lợi ích của tập thể dục và tác hại khi tập sai cách.
1. Hệ lụy của tập thể dục sai cách
Nhiều người đặt ra câu hỏi, thắc mắc: Vì sao tôi tập thể dục nhưng không cải thiện được sức khỏe, sức đề kháng vẫn yếu? Chắc phải có bí quyết gì đó trong tập luyện?
Khi vận động cơ thể không phải ai cũng để ý và tránh được những lỗi sai cơ bản trong quá trình tập. Tập sai cách sẽ khiến cơ thể yếu hơn, dễ gây bệnh. Có thể kể đến như tập thể dục quá sức, tập sau khi vừa ăn no, tập quá muộn… Tùy thể trạng mỗi người cũng như mức độ tập luyện mà những tác động xấu cũng khác nhau. Chúng ta có thể kể đến một số tác hại sau đây khi tập luyện sai cách.
1.1 Nhịp tim bất thường
Chắc hẳn nhiều người từng nghe về Cardio cường độ cao và Cardio cường độ thấp. Các bài tập này giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất, đốt cháy mỡ thừa, tăng nhịp tim, tăng cường lưu thông máu.
Tuy nhiên, việc tập với cường độ cao, thời gian quá dài dẫn đến tăng nguy cơ mắc chứng vôi hóa động mạch vành. Đây là hiện tượng lắng đọng Canxi mạch vành, là một trong những giai đoạn tiến triển của xơ vữa động mạch. Làm ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động bình thường của tim mạch.
Tập thể dục sai cách có thể ảnh hưởng tới hoạt động tim mạch
Đi bộ, làm vườn, tập thể dục tại nhà… là các hình thức tập luyện mức độ thấp và trung bình. Các hình thức tập với cường độ cao có thể kể đến như chạy bộ, đá bóng, khiêu vũ… Tùy mức độ đáp ứng của cơ thể mà mỗi người có thể lựa chọn cho mình bài tập phù hợp giúp rèn luyện thân thể, khỏe mạnh mỗi ngày.
1.2 Mất ngủ, khó ngủ
Tập thể dục trước khi đi ngủ giúp người tập đi vào giấc ngủ nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu thực hiện không đúng cách, đây hoàn toàn có thể là nguyên nhân gây mất ngủ, khó ngủ.
Nếu tập thể dục với cường độ mạnh trong vòng một giờ trước khi đi ngủ, thân nhiệt cơ thể tăng lên, nhịp tim tăng và mức độ hưng phấn cũng tăng. Đi ngủ ngay sau đó khiến cơ thể chưa kịp trở về trạng thái bình thường, cùng với đó là nhịp sinh học bị thay đổi ảnh hưởng đến giấc ngủ, dẫn đến làm giảm chất lượng giấc ngủ và tình trạng thức giấc vào ban đêm.
Tập thể dục sai cách cũng là nguyên nhân dẫn đến mất ngủ
Sau một đêm ngủ không ngon giấc, cơ thể sẽ mệt mỏi, ảnh hưởng đến công việc, sức khỏe. Do đó, nên tập các bài thể dục với cường độ nhẹ đến trung bình ít nhất 4 giờ trước khi đi ngủ.
1.3 Tăng nguy cơ mắc bệnh đường tiêu hóa
Nghiên cứu của tác giả Ricardo Costa cho thấy ảnh hưởng lớn của các bài tập mạnh kéo dài có thể dẫn đến giảm chức năng của ruột, dẫn đến rối loạn tiêu hóa, giảm hấp thu chất dinh dưỡng.
Rối loạn tiêu hóa có thể xuất hiện nếu tập với cường độ mạnh
Mặc khác, khi thức ăn được đưa vào cơ thể, máu dần tập trung tới dạ dày và một số cơ quan khác để thực hiện quá trình tiêu hóa thức ăn. Nếu tập thể dục sau khi ăn no có thể gây ra hiện tượng tiêu chảy, đầy hơi, đau bụng… Vận động cao khi đói cũng gây ra tình trạng chóng mặt nặng dẫn đến ngất xỉu. Có thể ăn nhẹ trước khi tập thể dục nhưng cũng không nên ăn no ngay sau khi tập để tránh các ảnh hưởng xấu đến đường tiêu hóa.
1.4 Ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần
Thể dục, thể thao giúp nâng cao sức khỏe thể chất lẫn tinh thần nhưng cũng có thể gây tác dụng ngược trong một số tình huống.
Thường xuyên tập luyện với chế độ không phù hợp sẽ gây tình trạng mất ngủ, dễ kích động. Tập sai cách có thể gây kiệt sức, nhức mỏi cho cơ thể. Nếu tình trạng này kéo dài có thể gây ra các tổn thương trên hệ cơ, xương, khớp. Các cơn đau thực thể kéo dài dai dẳng gây khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý người tập.
Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, trạng thái tinh thần ở những người tập thể dục trên 23 buổi mỗi tháng hoặc mỗi buổi tập kéo dài hơn 90 phút có khi còn tồi tệ hơn người không tập thể dục.
Tập thể dục với chế độ không phù hợp dễ gây kích động, cáu gắt
Ngoài ra, nếu đang tức giận một vấn đề nào đó, bạn cũng không nên đến phòng tập trút giận. Tập luyện các bài tập cường độ cao khi này có thể khiến mạch máu bị hẹp lại, cản trở quá trình lưu thông máu về tim, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
1.5 Tăng nguy cơ chấn thương
Tập thể dục không đúng phương pháp, đặc biệt là sai tư thế, tập với cường độ mạnh rất dễ xảy ra chấn thương nhất là phần sụn khớp, xương dưới sụn, từ đó dẫn đến thoái hóa khớp sớm. Phản ứng viêm tại vị trí này có thể hình thành các Cytokin và Enzyme, là yếu tố tác động đến sự phá hủy sụn khớp và xương dưới sụn.
Nguy cơ chấn thương tăng khi tập sai tư thế
PGS.TS Bùi Hồng Thiên Khanh Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, sau khi tập luyện với cường độ mạnh, các khớp các xương cần có khoảng thời gian để phục hồi. Vì vậy, tập luyện cũng cần kèm nghỉ ngơi theo chế độ hợp lý để tránh tác động xấu đến cơ thể.
2. Lợi ích của tập thể dục đúng cách
Tập thể dục đúng phương pháp, cường độ hoạt động phù hợp sẽ mang lại cho người tập lợi ích không hề nhỏ. Nên ăn nhẹ cũng như kéo giãn cơ thể trước khi tập luyện và có bài tập thích hợp không vượt quá giới hạn của bản thân để có hiệu quả tốt nhất. Bạn có thể tham khảo các lợi ích dưới đây.
2.1 Tăng cường cơ bắp
Trong quá trình tập luyện các Hormone thúc đẩy sự hấp thu Acid amin của cơ bắp. Thông qua đó các bài tập giúp giảm mỡ và săn cơ bắp.
Đặc biệt là đối với độ tuổi từ 30 trở đi, cơ thể bắt đầu mất 3 đến 5% khối lượng cơ mỗi năm. Các bài tập săn chắc cơ bắp 2 lần/tuần và khoảng 30 phút cho mỗi lần tập luyện có thể cải thiện được tình trạng này.
Tăng khối lượng cơ bắp nếu tập luyện đúng cách
Ngoài ra, thể dục thể thao hợp lý hoàn toàn có thể giúp duy trì và tăng khối lượng cơ đem lại độ dẻo dai cùng cơ thể săn chắc.
2.2 Giảm nguy cơ mắc bệnh
Đã có nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra hoạt động thể chất thường xuyên đưa đến tín hiệu tích cực của các Hormone điều chỉnh đường huyết. Từ đó, tốt cho hệ tim mạch cùng các cơ quan khác. Ngoài ra, giúp giảm huyết áp, mỡ máu và giảm nguy cơ tim mạch.
Do đó, nên tập luyện thể dục để tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, cần điều chỉnh cường độ và tần suất sao cho phù hợp với thể trạng và mục đích luyện tập mỗi người.
2.3 Duy trì hệ cơ xương khớp chắc khỏe
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng luyện tập cơ thể giúp xây dựng mật độ xương khi còn trẻ. Chính vì thế, phải thường xuyên luyện tập để tăng cường sự phát triển của xương và sau cùng là phòng ngừa loãng xương sau này. Ngoài ra còn giúp phòng ngừa hoặc chậm quá trình diễn biến xấu của các bệnh lý như viêm khớp, thoái hóa khớp…
Tập thể dục đúng cách mang lại hệ cơ, xương, khớp khỏe mạnh
2.4 Kiểm soát cân nặng hiệu quả
Khi tập thể dục nhất là khi tập với cường độ cao, lượng calo bị đốt cháy rất lớn, nó giúp cơ thể săn chắc giảm đi được lượng mỡ thừa trong cơ thể.
Có thể rất nhiều người cho rằng, tập thể dục chỉ giúp giảm cân mà không thể tăng cân. đây là một ý nghĩ hoàn toàn sai. Thực tế đã chứng minh, khi tiêu hao nhiều calo sẽ làm tăng cảm giác đói, kích thích ăn uống, giúp ích cho quá trình tăng cân. Ngoài ra, có các bài tập riêng để căng cơ theo ý muốn cũng giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả và có thân hình như mong muốn.
Tập thể dục giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả
3. Tập thể dục như thế nào để tăng sức đề kháng?
Hiểu rõ nhưng lợi ích của tập thể dục đúng cách và tai hại nếu tập thể dục sai cách, vậy như thế nào được gọi là tập thể dục đúng cách?
– Lựa chọn các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn thân.
– Nên bắt đầu với những bài tập đơn giản, nhẹ nhàng để cơ thể thích nghi dần.
– Chọn cường độ tập thích hợp, không nên gắng sức khi tập luyện.
– Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn, giữ nhịp độ các buổi tập, tránh bữa tập bữa bỏ không mang lại hiệu quả tăng sức đề kháng.
– Hãy tập luyện với một tình thần thoải mái, lạc quan, nếu có đồng đội cùng tham gia luyện tập càng tốt, giúp kích thích cùng nhau vận động.
– Nên chọn những nơi có điều kiện vệ sinh sạch sẽ để tập luyện.
– Tập thể dục phải kết hợp với chế độ ăn uống đầy đủ, bủ sung đủ nước, vitamin và khoáng chất…
Hãy có chế độ cũng như thói quen tập thể dục đúng đắn và phù hợp với bản thân để bảo vệ và tăng cường sức khỏe. Đồng thời, tránh các phương pháp tập luyện sai để không làm ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Hãy cùng nhau tuyên truyền, khuyến khích mọi người tập thể dục đúng cách để cũng nâng cao sức khỏe, giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi trong cuộc sống.
Hi vọng bài viết trên đây giúp mọi người biết cách lựa chọn cho mình những bài tập phù hợp, hạn chế tập sai gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Chúc quý độc giả luôn mạnh khỏe!