banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 1DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 2DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM BẢN BỔ SUNG

THIÊN NIÊN KIỆN (Thân rễ) (Rhizoma Homalomenae occultae) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
THIÊN NIÊN KIỆN (Thân rễ)

Thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Thiên niên kiện [Homalomena occulta (Lour.) Schott], họ Ráy (Araceae).

Mô tả

Dược liệu là đoạn thẳng hay cong queo, có nhiều xơ, chắc, cứng, dài 10 cm đến 30 cm, đường kính 1 cm đến 1,5 cm, hai đầu đều nhau. Mặt ngoài màu nâu nhạt hay nâu sẫm, có nhiều nếp nhăn dọc hay vết tích của rễ con. Bẻ ngang dược liệu hơi dai, vết bẻ có màu nâu nhạt hay nâu sẫm, có một số sợi màu vàng ngà lởm chởm như bàn chải. Mùi thơm hắc, vị cay.

Vi phẫu

Lớp bần màu vàng nâu. Mô mềm gồm các tế bào tròn, có thành mỏng. Từ ngoài vào trong quan sát thấy: Các đám sợi lớn, thành dày. Các bó libe-gỗ. Sự sắp xếp giữa gỗ và libe cũng có nhiều dạng khác nhau: Những bó libe-gỗ lớn có libe nằm ở giữa, mạch gỗ xếp xung quanh thành một vòng; những bó libe-gỗ nhỏ, mạch gỗ thường không khép kín, nằm ở hai phía đối diện của libe, một phía chỉ có một đến hai mạch gỗ, phía đối diện nhiều mạch tập trung thành hình vòng cung. Những bó libe-gỗ này thường sắp xếp gần với các bó sợi. Trong mô mềm có thể thấy các tế bào chứa tinh dầu, tế bào chứa tinh thể calci oxalat hình kim và hình cầu gai, các khoảng gian bào.

Bột

Màu vàng nâu. Soi kính hiển vi thấy: Nhiều bó sợi gồm các tế bào dài, thành hơi dày, khoang rộng, có ống trao đổi rõ. Tế bào mô cứng có thành hơi dày, khoang hơi rộng, có ống trao đổi rõ. Mảnh tế bào mô mềm gồm những tế bào hình chữ nhật, hình bầu dục hoặc hình tròn, bên trong có chứa tinh thể calci oxalat hình cầu gai hoặc các bó tinh thể hình kim, các tế bào chứa tinh dầu màu vàng đậm, thành mỏng, hình trái xoan. Nhiều mảnh mạch vạch, mạch mạng, mạch xoắn. Hạt tinh bột hình trái xoan. Các tinh thể calci oxalat hình cầu gai và hình kim nằm rải rác bên ngoài.

Định tính

Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 10 ml ether (TT), lắc trong 30 min, lọc. Lấy 1 ml dịch lọc, bốc hơi dung môi ở nhiệt độ phòng đến cắn. Thêm vào cắn 1 giọt đến 2 giọt dung dịch vanilin 1 % trong acid sulfuric (TT). Xuất hiện màu đỏ tía.

Độ ẩm

Không quá 14,0 % (Phụ lục 12.13).

Tro toàn phần

Không quá 4,0 % (Phụ lục 9.8).

Xem thêm: THIÊN MÔN ĐÔNG (Rễ) (Radix Asparagi cochitichinensis) – Dược Điển Việt Nam 5

Định lượng

Tiến hành theo phương pháp “Định lượng tinh dầu trong dược liệu” (Phụ lục 12.7). Dùng bình cầu 1L, 50 g dược liệu đã được tán thành bột thô, 300 ml nước, cất trong 4 h. Hàm lượng tinh dầu trong dược liệu không ít hơn 0,5 % tính theo dược liệu khô kiệt.

Chế biến

Thu hái vào mùa xuân hay mùa thu, thu lấy những thân rễ già, rửa sạch, bóc loại bỏ vỏ ngoài và các rễ con, cắt thành đoạn ngắn 10 cm đến 30 cm, sấy nhanh ở nhiệt độ 50 °C cho khô đều mặt ngoài, bóc bỏ vỏ ngoài và rễ con. Tiếp tục phơi hoặc sấy ở 50 °C đến 60 °C cho đến khô.

Bào chế

Loại bỏ tạp chất, ủ mềm, thái lát, phơi trong bóng râm hay sấy nhẹ đến khô.

Bảo quản

Nơi khô mát, tránh mốc mọt.

Tính vị, quy kinh

Khổ, tân, cam, ôn. Quy vào các kinh can, thận.

Công năng, chủ trị

Công năng: Trừ phong thấp, cường cân cốt.

Chủ trị: Phong hàn thấp gây nên: Thắt lưng và đầu gối lạnh đau, chân co rút tê bại.

Xem thêm: THIÊN MA (Thân rễ) (Rhizoma Gastrodiae elatae) – Dược Điển Việt Nam 5

Cách dùng, liều Iượng

Ngày dùng từ 4,5 g đến 9 g, phối hợp trong các bài thuốc hoặc ngâm rượu.

Dùng ngoài: Thân rễ tươi giã nát, sao nóng, bóp vào chỗ đau nhức, hoặc ngâm Thiên niên kiện khô với rượu xoa bóp chỗ đau nhức, tê bại và phong thấp.

Kiêng kỵ

Không dùng cho người âm hư hỏa vượng, mồm khô, họng đắng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *