Thực đơn cho người thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp – Nỗi ám ảnh không của riêng ai, nó hạn chế vận động và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, chế độ ăn hàng ngày cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả điều trị. Đây là câu hỏi mà nhiều người gửi đến cho Dược Điển Việt Nam người thoái hóa khớp nên ăn và kiêng gì? Sau đây là đáp án trả lời cho chủ đề.
1. Vài trò của chế độ ăn đối với thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là một bệnh mạn tính, gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày do những cơn đau nhức, sưng đỏ tại vị trí ổ khớp. Chúng có thể bao gồm thoái hóa khớp gối, đốt sống cổ, cột sống thắt lưng…
Nguyên tắc quan trọng trong xây dựng chế độ ăn tốt nhất dành cho người thoái hóa khớp là:
– Bổ sung những thực phẩm chống viêm.
– Hạn chế những chế phẩm làm nặng thêm tình trạng của bệnh.
– Chế biến hợp lý như luộc, xào, nướng bọc giấy bạc.., hạn chế chiên, rán sử dụng nhiều dầu mỡ.
Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, một số chất chống oxy hóa tự nhiên có trong các loại thực phẩm góp phần làm chậm quá trình thoái hóa khớp và giảm đau, hỗ trợ chữa bệnh thoái hóa khớp. Chế độ ăn uống hợp lý có thể cải thiện tình trạng thoái hóa khớp theo những cách sau:
1.1 Giảm viêm và ngăn ngừa các tổn thương tại khớp
Các chất chống oxy hóa có trong các loại thực phẩm như vitamin C, A, E, Omega-3… chống lại sự phá hủy của các gốc tự do trên sụn khớp, làm chậm quá trình thoái hóa, ngăn ngừa tổn thương thêm cho khớp.
1.2 Tăng cường chất nhờn trong khớp
Chất nhờn trong ổ khớp giúp bôi trơn và che phủ bề mặt sụn khớp, giúp khớp chuyển động linh hoạt. Thoái hóa khớp làm khô, giảm chất lượng của dịch khớp nên các sụn khớp dễ bị bào mòn hơn, gây cản trở trong vận động. Một số thực phẩm giúp bổ sung, tái tạo dịch khớp, hỗ trợ làm giảm tình trạng đau nhức, khó khăn khi cử động. Một số sản phẩm cũng làm tăng chất nhờn trong khớp, tăng tái tạo sụn khớp như Orthomol arthroplus, DuoVital…
1.3 Duy trì cân nặng hợp lý
Thừa cân sẽ tạo thêm áp lực lên các khớp và việc tích mỡ thừa trong cơ thể sẽ làm tình trạng viêm trở nên nặng hơn. Hơn nữa khi bị thoái hóa khớp, người bệnh sẽ hạn chế vận động, có xu hướng ngồi nhiều hơn dẫn đến việc tăng cân khó kiểm soát.
Chính vì vậy, việc chọn ra chế độ ăn hợp lý cần được thực hiện giúp bệnh nhân vừa cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng vừa cải thiện tình trạng thoái hóa khớp.
Thừa cân gây tăng sức ép lên sụn khớp
2. Người bị thoái hóa khớp nên ăn gì?
Một chế độ ăn hợp lý giúp cải thiện cũng như làm chậm tiến triển của bệnh. Bạn có thể tham khảo những loại thực phẩm dưới đây để xây dựng chế độ ăn hợp lý.
2.1 Rau xanh, trái cây
Trái cây và rau củ là nguồn cung cấp dinh dưỡng lý tưởng cho sức khỏe con người. Trong rau củ, chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất giúp giảm viêm hiệu quả.
– Vitamin C: Giúp ngăn ngừa các gốc oxy hóa tự do, làm giảm phản ứng viêm khớp. Hơn nữa vitamin C hỗ trợ sản sinh collagen và các mô liên kết khớp, làm tăng chất lượng sụn khớp. Những loại quả giàu vitamin C như cam, quýt, dâu tây, kiwi, cà chua, ớt chuông… là lựa chọn giúp bạn bổ sung vitamin C một cách hiệu quả.
– Nấm hương, hành, gừng… có khả năng chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch thích hợp cho người mắc thoái hóa khớp.
– Vitamin K có trong rau cải, bông cải xanh, rau diếp… cũng góp phần ngăn ngừa sự phá hủy sụn khớp.
– Hợp chất beta carotene cũng là một chất chống oxy hóa rất có ích cho cơ thể, giảm tổn thương sụn khớp. Các loại củ như khoai lang, củ cải, măng tây, cà chua, cải bó xôi… là nguồn cung cấp beta carotene mà bạn không thể bỏ qua.
– Trà xanh có khả năng chống oxy hóa giúp giảm các triệu chứng của bệnh.
Ngoài ra, trong hoa quả, trái cây chứa rất nhiều chất xơ tạo cảm giác no lâu, hạn chế cảm giác thèm ăn, giúp bạn giảm cân và duy trì cân nặng phù hợp.
Trong rau xanh, trái cây có nhiều chất chống oxy hóa giảm viêm khớp
2.2 Các loại cá biển
Cá là thực phẩm cung cấp nhiều dưỡng chất cho sức khỏe. Trong cá chứa rất nhiều Acid béo Omega-3, đặc biệt tốt cho thoái hóa khớp và làm giảm phản ứng viêm khác. Tác dụng đó là nhờ ức chế quá trình sản sinh các chất trung gian gây viêm và các enzyme tham gia vào quá trình viêm và phá hủy sụn khớp.
Các loại cá biển như cá trích, cá thu, cá cơm, cá ngừ… và đặc biệt là cá hồi chứa hàm lượng acid béo Omega-3 lý tưởng nhất.
Omega-3 trong cá hồi giúp giảm phá hủy sụn khớp
2.3 Trứng, sữa
Trứng, sữa và các sản phẩm làm từ sữa như sữa chua, pho-mát rất giàu canxi và vitamin D. Theo nhiều kết quả nghiên cứu, vitamin D giúp ngăn ngừa tổn thương và giảm nguy cơ hẹp khớp xương.
– Vitamin D cũng rất cần thiết vào quá trình hấp thụ canxi giúp xương, khớp chắc khỏe.
– Hơn nữa, vitamin D cũng tăng cường hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.
Ngoài ra các loại hải sản như tôm, cua, sò, ốc… có hàm lượng khoáng chất canxi, phosphat, magie… cao tốt cho xương khớp.
Trứng, sữa chứa nhiều canxi tăng chắc khỏe xương
2.4 Dầu thực vật
– Các loại dầu nguyên chất chiết xuất thực vật như dầu ô liu có chứa hàm lượng oleocanthal cao có đặc tính tương tự như thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), hiệu quả tốt giảm phản ứng viêm tại các khớp thoái hóa.
– Dầu thực vật cũng ngăn ngừa nguy cơ tăng Cholesterol gây ra các bệnh lý tim mạch và làm tăng các phản ứng viêm trong cơ thể.
Dầu oliu tốt cho người bệnh thoái hóa khớp
2.5 Các loại đậu
Các loại hạt đậu có thể kể đến như đậu nành, đậu đỏ, đậu đen, đậu xanh là nguồn cung cấp chất, xơ, giàu protein, ít chất béo rất tốt cho sức khỏe và giúp kiểm soát tốt phản ứng viêm.
– Chất xơ trong đậu làm giảm mức độ của Protein phản ứng C (CPR) – chất chỉ điểm cho phản ứng viêm xảy ra. Qua đó hạn chế tình trạng viêm ở mức độ thấp nhất, trong đó có cả viêm sụn khớp.
– Trong đậu nành còn chứa nhiều acid béo Omega-3 giảm viêm khớp và làm dịu cơ đau khớp.
Trong đậu chứa nhiều hoạt chất làm giảm phản ứng viêm khớp
2.6 Hạt hạnh nhân và óc chó
Trong hạnh nhân và óc chó chứa nhiều khoáng chất như canxi, magie, kẽm, vitamin E, chất xơ tốt cho hệ tim mạch và giúp xương chắc khỏe. Chúng cũng chứa nhiều acid Alpha linolenic (ALA) tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Hạt óc chó giúp xương khớp chắc khỏe
2.7 Một số loại gia vị
Một số gia vị nấu ăn hàng ngày cũng có thể giúp bạn cải thiện tình trạng thoái hóa khớp hiệu quả:
– Trong tỏi có chứa Diallyl disulfide có hoạt tính chống lại các enzym trong cơ thể làm mòn sụn khớp.
– Hợp chất Curcumin có trong nghệ giúp ức chế hoạt hóa các chất gây viêm trong cơ thể, do đó có tác dụng rất tốt cho bệnh nhân bị thoái hóa khớp.
Trong tự nhiên có rất nhiều loại thực phẩm tốt giúp tăng cường sức khỏe xương khớp, hỗ trợ làm giảm các tình trạng đau nhức tại vị trí thoái hóa khớp. Hãy bổ sung vào các bữa ăn hàng ngày để nâng cao sức khỏe xương khớp.
3. Những thực phẩm nên tránh khi bị thoái hóa khớp
Thức ăn vừa giúp tăng cường sức khỏe, nhưng đồng thời cũng có thể gây hại nếu như chế độ ăn không hợp lý. Khi bị thoái hóa khớp cũng không nên ăn các nhóm thực phẩm dưới đây:
3.1 Đồ ăn chứa nhiều đường, nhiều muối
– Đường, hay chất tạo ngọt có nhiều trong bánh kẹo, mứt, hoa quả sấy khô, các loại nước ngọt… hoàn toàn không tốt cho hệ xương khớp đang bị tổn thương.
– Chúng có thể thay đổi đáp ứng miễn dịch, thúc đẩy sản sinh nhiều cytokine tăng cường phản ứng gây viêm, cho nên sẽ làm nặng hơn tình trạng viêm khớp và làm hệ xương khớp ngày càng suy yếu.
– Ăn những món chứa nhiều muối khiến xương giòn và dễ gày hơn. Nó cũng làm gia tăng tình trạng viêm gây đau đớn cho người bệnh.
Thức ăn nhiều đường tăng tình trạng viêm khớp
3.2 Thức ăn nhanh, món ăn nhiều dầu mỡ
Chất béo bão hòa có nhiều trong đồ chiên rán như khoai tây chiên, cánh gà rán, hamburger, pizza… người bệnh cần kiêng do chúng có thể làm nặng hơn tình trạng viêm của cơ thể. Thêm vào nữa tiềm ẩn nguy cơ tăng Cholesterol, nguy cơ về bệnh tim mạch và tình trạng thừa cân, điều này làm cho viêm khớp trở nên nghiêm trọng hơn.
Chất béo bão hòa gây tăng cân, béo phì
3.3 Đồ ăn từ tinh bột tinh chế
Các tinh bột có nguồn gốc từ gạo trắng, bánh mì trắng, ngũ cốc đóng sẵn thúc đẩy quá trình sản xuất chất oxy hóa glycation (AGE) kích thích phản ứng viêm của cơ thể. Để cải thiện tình trạng đau khớp nên chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt như lúa mạch nguyên cám, gạo lứt, khoai lang… thay thế cho tinh bột tinh chế.
3.4 Thịt đỏ, nội tạng động vật
Axit Omega-6 có thể gia tăng mức độ viêm trong cơ thể. Vì lý do đó nên hạn chế các sản phẩm từ thịt có màu đỏ như thịt bò, thịt cừu, thịt dê… trong bữa ăn hàng ngày vì chúng không tốt cho người thoái hóa khớp.
3.5 Các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá
Các loại đồ uống (rượu bia, cà phên), thuốc lá… là những chất có hại đến sức khỏe con ngươi nói chung và các vấn đề xương khớp nói riêng. Không những gây phá đến các mô sụn khớp mà các chất độc hại này còn ức chế đến hệ miễn dịch, giảm sức đề kháng của cơ thể trước các tác nhân gây bệnh khác từ bên ngoài.
Hạn chế sử dụng chất kích thích ở bệnh nhân có thoái hóa khớp
Có thể thấy dinh dưỡng đóng vai trò to lớn trong việc hỗ trợ điều trị và phòng ngừa thoái hóa khớp. Cùng với chế độ ăn uống khoa học, chế độ vận động phù hợp sẽ làm tăng hiệu quả điều trị thoái hóa khớp, giúp người bệnh khỏe mạnh hơn. Mong rằng với nội dung trong bài viết tổng quan của chúng tôi có thể giúp bạn có quan điểm đúng đắn để xây dựng chế độ ăn cho người thoái hóa khớp.
Các bài viết của Dược Điển Việt Nam chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị.