THOÁI HÓA KHỚP VAI: Bạn đã thực sự BIẾT về nó?

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây

thoái hóa khớp vai

Thoái hóa khớp đang dần trở nên phổ biến, là nguyên nhân gây tàn tật ảnh hưởng đến 32,8% bệnh nhân từ 60 tuổi trở nên (theo báo cáo ở Mỹ năm 2013). Tuy không phổ biến như thoái hóa khớp háng hay thoái hóa khớp gối nhưng thoái hóa khớp vai ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như khả năng vận động. Đâu là nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp vai? Người bệnh cần làm gì để có thể làm chậm cũng như cải thiện tình trạng bệnh của mình? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Thoái hóa khớp vai là gì?

Thoái hóa khớp vai là một loại của thoái hóa khớp xảy ra khi sụn khớp bao bọc ở đầu các xương bị thoái hóa, bào mòn. Khi đó xương dưới sụn sẽ tái tạo lại làm mất tính hình cầu và độ cứng của nó, dẫn đến hình thành các gai xương ở phần đầu tiếp giáp giữa các xương. Bao khớp cũng dày lên. Chính vì vậy tại vị trí ổ khớp sẽ gặp tình trạng sưng đỏ, đau nhức mỗi khi cử động do hai đầu xương cọ xát với nhau.

Khớp vai được tạo thành từ xương cánh tay, xương đòn và xương bả vai. Trong đó khớp nối giữa xương đòn và xương cùng vai (khớp Acromioclavicular) là nơi dễ xảy ra tình trạng thoái hóa hơn so với các vị trí khác. Tỷ lệ thoái hóa khớp vai tăng lên theo tuổi và nữ giới dễ mắc hơn nam giới.

2. Triệu chứng của thoái hóa khớp vai

Khi các đầu sụn khớp vai bị thoái hóa, bệnh nhân thường có các biểu hiện như:

2.1 Đau khớp vai

Đau là triệu chứng phổ biến dễ nhận thấy nhất ở bệnh nhân thoái hóa khớp vai. Ban đầu là những cơn đau nhỏ, âm ỉ khi bệnh nhân cử động khớp. Khi tình trạng trở nên trầm trọng hơn, cơn đau xuất hiện ngay cả trong trạng thái nghỉ ngơi và cả trong lúc ngủ với mức độ đau tăng dần.

Nếu khớp Acromioclavicular bị ảnh hưởng, cơn đau sẽ tập trung nhiều ở phần đỉnh vai và có thể lan sang một bên cổ. Nếu đau ở khớp nối giữa xương cánh tay và xương bả vai (khớp Glenohumeral), bệnh nhân cảm nhận thấy cơn đau ở đằng sau vai và đau sâu bên trong.

Đau khớp vai - Triệu chứng dễ nhận thấy của bệnh nhân thoái hóa khớp vai

Đau khớp vai – Triệu chứng dễ nhận thấy của bệnh nhân thoái hóa khớp vai

2.2 Sưng khớp vai

Khi các sụn khớp bị phá hủy sẽ dẫn đến viêm màng hoạt dịch, gây ra tình trạng sưng ở khớp bả vai và cảm giác nóng ở phần mô mềm. Người bệnh có thể cảm nhận rõ ràng khi sở vào vùng vai này.

2.3 Hạn chế cử động

Khi mất sự linh hoạt tại các khớp, việc cử động các phần của vai cũng trở nên khó khăn hơn. Giai đoạn đầu, bệnh chưa ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động.

Nhưng khi bệnh tiến triển nặng hơn, bệnh nhân sẽ cảm thấy bị tê cánh tay, cứng khớp, khó thực hiện các động tác thông thường như di chuyển cánh tay, xoay vai, vòng tay qua đầu hay nâng đặt đồ đạc từ trên cao xuống…

2.4 Tiếng kêu khi cử động khớp

Một dấu hiệu đặc trưng dễ nhận thấy của bệnh nhân thoái hóa khớp là phát ra tiếng kêu cót két mỗi khi bệnh nhân di chuyển tay do sự ma sát giữa hai đầu xương tạo ra. 

3. Nguyên nhân gây thoái hóa khớp vai

Thoái hóa khớp có thể là nguyên phát hoặc thứ phát. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp vai đến từ yếu tố con người hay tác động từ môi trường sống xung quanh. 

3.1 Thoái hóa khớp nguyên phát

Thường không có nguyên nhân cụ thể nhưng thường liên quan đến tuổi tác, sự di truyền hay giới tính.

Tuổi tác

Thoái hóa khớp vai thường gặp ở đối tượng người trên 50 tuổi, ít ảnh hưởng đến người trẻ do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo thời gian do các khớp vai bị hao mòn, thoái hóa khiến sụn mỏng hơn và trở nên kém linh hoạt.

Thoái hóa khớp vai chủ yếu gặp ở tuổi già

Thoái hóa khớp vai chủ yếu gặp ở tuổi già

Dị tật bẩm sinh

Do một khiếm khuyết trong quá trình di truyền khiến sự liên kết giữa các xương kém hơn khiến cho một số người dễ xảy ra trật khớp, có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp vai.

3.2 Thoái hóa khớp thứ phát

Một số nguyên nhân chủ yếu gây thoái hóa khớp vai bao gồm:

Chấn thương vai

Những người bị nhiễm trùng, rách vòng bít quay, có tiền sử trật khớp vai, gặp chấn thương ở phần vai do tai nạn hay chơi thể thao nặng…khiến khớp dễ bị tổn thương hơn và tăng nguy cơ xảy ra thoái hóa khớp vai sau này.

Mắc bệnh viêm khớp tự miễn

Khi bị mắc bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp hay bệnh tự miễn phần sụn khớp bị biến dạng nhiều, dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp sau này, trong đó có thoái hóa khớp vai. 

Tính chất công việc

Đối với những người thường xuyên làm công việc mang vác nặng sẽ khiến phần vai mỏi nhức, luôn chịu nhiều áp lực và khiến phần sụn khớp yếu đi, dần dần dẫn đến thoái hóa khớp. Với nhân viên văn phòng, ngồi nhiều, ngồi sai tư thế, hạn chế vận động cũng là nguyên nhân khiến khớp bị khô cứng, hoạt động kém linh hoạt.  

Thường xuyên mang vác nặng trên vai làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp vai

Thường xuyên mang vác nặng trên vai làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp vai

4. Chẩn đoán thoái hóa khớp vai

Để hạn chế những biến chứng nặng nề sau này bệnh nhân thoái hóa khớp vai gặp phải việc chẩn đoán sớm và đúng để tìm ra phương pháp điều trị đúng là việc hết sức cần thiết. Để chẩn đoán thoái hóa khớp vai, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh nhân, thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm đưa ra kết luận chính xác.

4.1 Tiền sử bệnh nhân và thăm khám lâm sàng

– Bác sĩ đặt câu hỏi để người bệnh mô tả về tình trạng đau khớp mà mình đang gặp phải, khai thác về tính chất công việc cũng như các chấn thương trước đây mà bệnh nhân gặp phải.

– Sau đó bác sĩ sẽ kiểm tra phần khớp vai để xem nhận biết các dấu hiệu của biểu hiện sưng đỏ, tình trạng cơ bắp, khả năng cử động khớp tự do của bệnh nhân.

4.2 Các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh

Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm cũng như chiếu chụp phim để chẩn đoán xác định bệnh nhân bị thoái hóa khớp vai cũng như đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

– Chụp X-quang: Cách này để quan sát những thay đổi trong cấu trúc xương của bệnh nhân từ nhỏ chi đến sự phá hủy nặng hơn. Trong thời gian đầu hình ảnh X-quang thường là thu hẹp không gian khớp, u xương, mất sụn khớp…

Chụp X-quang chẩn đoán thoái hóa khớp vai

Chụp X-quang chẩn đoán thoái hóa khớp vai

– Chụp cộng hưởng từ MRI: Phương pháp này sẽ cho thấy các bệnh lý ở phần mô mềm vai (dây chằng, gân và cơ) và những thay đổi tính vi trong sụn khớp mà hình ảnh chụp X-quang bị hạn chế.

– Chụp cắt lớp vi tính: Phương án này có thể thực hiện để thấy rõ cấu trúc bên trong của sụn khớp vai và giúp xác định được vị trí tổn thương của sụn khớp. 

– Xét nghiệm máu để tìm yếu tố dạng thấp trong chẩn đoán viêm khớp dạng thấp cũng như loại trừ các bệnh khác. 

5. Phương pháp điều trị thoái hóa khớp vai

Thoái hóa khớp vai sẽ để lại biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân nếu như không được điều trị đúng, kịp thời và dứt điểm. Tùy vào mức độ nặng của bệnh, từ kết quả của chẩn đoán hình ảnh, tình trạng của bệnh nhân để đưa ra liệu pháp điều trị phù hợp: điều trị bảo tồn hoặc chỉ định phẫu thuật. 

Các lựa chọn không phẫu thuật dành cho bệnh nhân thoái hóa khớp vai nhẹ đến trung bình, có thể là các bài tập điều chỉnh hoạt động cho bệnh nhân, vật lý trị liệu và sử dụng thuốc chống viêm giảm đau. 

5.1 Điều chỉnh hoạt động hợp lý

– Hạn chế các công việc nặng tác động nhiều đến các khớp trên vai, dành thời gian nghỉ ngơi  là bước đầu tiên trong điều trị thoái hóa khớp vai.

– Thực hiện các bài tập hàng ngày giúp vận động nhẹ nhàng, phối hợp các động tác tay vai phục hồi chức năng khớp vai. Điển hình là các bài tập dưới đây:

+ Bài tập kéo giãn cơ khớp, xoay cánh tay, co gập cánh tay di động khớp làm tăng phạm vi hoạt động của khớp vai.

+Thực hiện các bài tập với dụng cụ như với gậy, dây thun… giúp tập sâu cho các nhóm cơ vùng vai, nâng tầm vận động của khớp vai. 

Lưu ý: Cần thực hiện đúng kỹ thuật để đạt hiệu quả tốt nhất.

Các bài tập cho người thoái hóa khớp vai

Các bài tập cho người thoái hóa khớp vai

5.2 Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu cũng là phương pháp được nhiều bệnh nhân lựa chọn để điều trị bệnh thoái hóa khớp vai. Có thể tham khảo nhiều phương pháp như sủ dụng tia hồng ngoại, sóng siêu âm, các điện xung… để giãn cơ, giảm đau, giảm dính khớp.

Lý tưởng nhất nên bắt đầu liệu pháp vật lý trị liệu khi bệnh nhân chưa có biểu hiện teo hoặc co cứng cơ. 

5.3 Điều trị bằng thuốc

Các loại thuốc tây y giảm đau chống viêm được cân nhắc sử dụng làm giảm nhanh các triệu chứng sưng, viêm cho bệnh nhân thoái hóa khớp vai. Thuốc xương khớp thường được sử dụng trong trường hợp này, bao gồm:

– Thuốc chống viêm giảm đau không steroid (NSAIDs): Một số loại thuốc như Ibuprofen hay Aspirin, Paracetamol… được sử dụng hiệu quả để kiểm soát triệu chứng đau của bệnh nhân. Tuy nhiên do thời gian sử dụng thuốc kéo dài phải xem xét đến nguy cơ gia tăng tác dụng phụ của NSAIDs trên tiêu hóa và tim mạch cho bệnh nhân.

–  Tiêm trong khớp cũng được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân thoái hóa khớp vai.

+ Các thuốc chống viêm Corticosteroid thường được sử dụng để tiêm vào ổ khớp giúp giảm nhanh tình trạng sưng vai, cứng và đau nhức. Tuy nhiên do phương pháp chưa có nhiều bằng chứng cho thấy hiệu quả vượt trội nên khuyến cáo không tiêm quá 3 lần/ tuần. 

+ Tiêm chất bôi trơn nhân tạo cho khớp vai, giúp khớp cử động dễ dàng, giảm cọ xát giữa các đầu xương. 

– Một số bài thuốc dân gian gia truyền có thể hiệu quả. Tuy nhiên cần lưu ý là thuốc nam cần được kê đơn bởi chuyên gia y học cổ truyền chuyên sâu giàu kinh nghiệm.

– Ngoài ra có thể sử dụng các thực phẩm chức năng bổ sung Glucosamine, Chrondroitin như Orthomol arthroplus, Jex max, Duo Vital,… để hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp vai, tăng tính linh động, tăng cường tái tạo sụn khớp. 

Orthomol arthroplus giúp tái tạo sụn khớp

Orthomol arthroplus giúp tái tạo sụn khớp

5.4 Phẫu thuật khớp vai

Nếu như sau thời gian điều trị bằng thuốc cũng như các biện pháp điều trị không phẫu thuật khác mà bệnh nhân không đáp ứng thì phẫu thuật khớp vai là biện pháp được xem xét. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào bệnh nhân và đặc điểm của bệnh như: tuổi tác, nghề nghiệp, kích thước tổn thương màng bao khớp cũng như mong muốn mức độ hồi phục….

– Điều trị nội soi khớp:  

+ Phương pháp này ngày càng được chấp nhận là một trong các lựa chọn trong điều trị thoái hóa khớp vai nhờ ít biến chứng. Nó giúp ổn định các tổn thương sụn khớp, loại bỏ và giải phóng các bao sụn bị co cứng, cải thiện chức năng vận động sau phẫu thuật. 

+ Mặc dù can thiệp nội soi không ngăn chặn tiến triển của bệnh thoái hóa khớp nhưng có tác dụng làm chậm để có thời gian cải thiện chức năng khớp và tình trạng đau, trì hoãn cuộc phẫu thuật lớn hơn. 

Phẫu thuật để điều trị thoái hóa khớp vai

Phẫu thuật để điều trị thoái hóa khớp vai

– Phẫu thuật tạo hình khớp:

+ Thay khớp vai toàn phần: thay toàn bộ khớp vai bằng khớp nhân tạo đối với trường hợp thoái hóa khớp vai nặng và cho kết quả khả quan hơn so với thay thế 1 phần khớp vai 

+ Thay thế đầu xương cánh tay trên hoặc cắt bỏ mảnh nhỏ cuối xương đòn (phù hợp với viêm khớp xương vai đòn).

+ Tái tạo bề mặt đầu Humeral: khoét lại phần gần của đầu xương và lắp một nắp hợp kim kim loại lên trên phần còn lại của đầu. Phương pháp này giảm cắt xương và thời gian phẫu thuật ngắn hơn, giảm tỷ lệ gãy xương quanh hàm và khả năng sửa đổi dễ dàng so với thay thế toàn bộ vai thông thường.

Tuy vậy việc can thiệp khớp vai bằng phương pháp phẫu thuật cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người bệnh. 

6. Phòng ngừa thoái hóa khớp vai hiệu quả

Để giảm nguy cơ mắc thoái hóa khớp vai cần điều chỉnh chế độ ăn uống cũng như thói quen hoạt động, lối sống sinh hoạt hàng ngày. 

6.1 Chế độ vận động hợp lý

– Hạn chế các hoạt động mang vác nặng tạo nhiều áp lực lên phần xương khớp vai.

– Tập luyện thể dục thể thao hàng ngày ở mức độ vừa phải, tránh ngồi quá lâu, sai tư thế không chỉ giúp ngăn ngừa thoái hóa khớp vai mà còn cải thiện toàn bộ sức khỏe cơ thể phòng ngừa nhiều bệnh lý tim mạch, đột quỵ có thể gặp phải.

Tập luyện thể dục thường xuyên giảm nguy cơ thoái hóa khớp vai

Tập luyện thể dục thường xuyên giảm nguy cơ thoái hóa khớp vai

6.2 Chế độ dinh dưỡng: người bệnh nên ăn và kiêng gì?

Hạn chế thực phẩm nhiều đường trong phòng thừa thoái hóa khớp vai

Hạn chế thực phẩm nhiều đường trong phòng thừa thoái hóa khớp vai

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa cũng như điều trị thoái hóa khớp vai. Để xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, bạn có thể tham khảo bài viết Thoái hóa khớp nên ăn gì và kiêng ăn gì?

Thoái hóa khớp vai để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ngày nay bệnh không chỉ ở lứa tuổi trung niên mà đang dần trẻ hóa. Chuẩn bị cho mình kiến thức cần thiết, chế độ dinh dưỡng và tập luyện khoa học sẽ giúp bạn và gia đình có một cơ thể khỏe mạnh, hệ xương khớp dẻo dai, phòng ngừa các bệnh liên quan đến thoái hóa khớp vai. Thực đơn cho người thoái hóa khớp vai tương tự cho người thoái hóa khớp. Mong rằng với những nội dung trong bài viết có thể như là cẩm nang giúp ích cho bạn.

Các bài viết của Dược Điển Việt Nam chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *