Sụp mí mắt có nguy hiểm không?

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây

Sụp mí mắt

Sụp mí mắt

Sụp mí mắt không chỉ là vấn đề thẩm mỹ trên khuôn mặt mà còn có thể làm giảm thị lực. Đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh lý khác. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về tình trạng này để biết nguyên nhân gây bệnh cũng như cách khắc phục hiệu quả vấn đề này.

I. Sụp mí mắt là bệnh gì? Biểu hiện như thế nào? 

Sụp mí mắt (blepharoptosis, ptosis, drooping eye) là tình trạng của mí mắt trên sa xuống thấp hơn so với bình thường khi nhìn thẳng, làm che lấp đi một phần của đồng tử. 

Bình thường mí mắt chỉ che phủ 1-2mm cực trên của giác mạc nhưng khi mí mắt bị trễ xuống nhiều hơn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nhìn và thẩm mỹ của người bệnh. Ta có thể gặp sụp mí mắt 1 bên hoặc cả 2 bên, cân xứng hoặc không cân xứng với nhiều mức độ khác nhau. Người bị sụp mí mắt thường thấy lông mi hướng xuống và mất nếp gấp trên mi. 

Nếu như bị sụp mí ta sẽ thấy người bệnh thường có các biểu hiện sau:

– Thường xuyên phải ngửa cổ lên, nhăn trán để có thể nhìn.

– Nếu bị nặng, bệnh nhân đôi khi sẽ nhìn mờ. Để lâu có thể dẫn đến nhược thị, mắt bị lác.

– Sụp mí cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm trên thần kinh, cơ. Nếu không được phát hiện kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người bệnh. 

Sụp mí mắt có thể dẫn đến dẫn đến nhược thị

Sụp mí mắt có thể dẫn đến dẫn đến nhược thị

II. Nguyên nhân gây sụp mí mắt

Sụp mí mắt được chia ra thành 2 nguyên nhân là sụp mí mắt bẩm sinh và sụp mí mắt mắc phải.

1. Sụp mí mắt bẩm sinh (Congenital ptosis) 

Đây là nguyên nhân chủ yếu chiếm đến 55-75% các trường hợp bị sụp mí mắt, trong đó sụp mí mắt bẩm sinh một bên chiếm khoảng 75%. Có 1,8% trẻ sơ sinh gặp phải tình trạng này do bất thường trong sự phát triển cơ nâng mi khi còn trong phôi thai. Có thể là sụp mí mắt bẩm sinh đơn thuần hoặc kết hợp.

Một số cơ chế gây sụp mí mắt bẩm sinh như:

– Sụp mí mắt bẩm sinh do cơ: Là trường hợp hay gặp nhất với biểu hiện nhiều mỡ ở mí trên, mắt mất nếp, có nếp nhăn trên trán. Nguyên nhân là do rối loạn ở tổ chức cơ nâng mi, các sợi cơ nâng mi bị thay thế bởi tổ chức xơ hay mỡ, hạn chế hoạt động co và giãn của cơ mi.

– Sụp mí mắt bẩm sinh do cơ học: Do có những khối u như u dạng bì, u mạch máu…xuất hiện ở hốc mắt hay các vùng lân cận, do dị dạng ở sọ mặt…chèn ép làm phần mí trên của mắt lớn và sụp xuống.

– Sụp mí mắt bẩm sinh do cân cơ: Các nếp mí trên bị nâng cao hơn, biên độ của mi không bị ảnh hưởng nhiều…thường do chấn thương sản khoa gây nên.

– Sụp mí mắt bẩm sinh do thần kinh: Tính trạng này do sự phân bố các dây thần kinh bất thường trong quá trình phát triển phôi thai. 

+ Liệt dây thần kinh sọ số III bẩm sinh.

+ Hội chứng hạn chế nâng 1 mắt hay liệt nâng kép.

+ Hội chứng Horner bẩm sinh: Sụp mí nhẹ do liệt cơ Muller, thụt nhãn cầu, giảm tiết mồ hôi nửa mặt cùng bên. co đồng tử…

+ Hiện tượng Marcus – Gunn: Dấu hiệu xương hàm và mí mắt cùng hoạt động thường đi kèm với nhược thị, lác…

+ Hội chứng chít hẹp mi: Kết hợp các dị tật bẩm sinh mang tính di truyền gồm sụp mí, ngắn khe mi, nếp quạt ngược, sống mũi thấp và 2 mắt xa nhau. 

Sụp mí mắt bẩm sinh

Sụp mí mắt bẩm sinh

Người bị sụp mí mắt bẩm sinh thường sẽ dẫn đến các hậu quả như

– 63,1% người bị sụp mí mắt có kèm theo các tật khúc xạ. 

– 19% người sụp mí mắt bị giảm thị lực nếu mí giảm che diện đồng tử.

– Hạn chế tầm nhìn, bị cong lệch cột sống do phải cố ngước đầu lên để nhìn.

– Cảm giác tự ti về ngoại hình, ngại giao tiếp.

2. Sụp mí mắc phải

Có 25% người bị sụp mí mắt thuộc nhóm nguyên nhân này, có thể phối hợp cùng các tổn thương khác.

– Sụp mí do tuổi già (senile ptosis): Tuổi cao nên da bắt đầu lão hóa, mất tính đàn hồi, chảy xệ, giảm trương lực cơ mí và gây tình trạng da thừa trên mí.

–  Sụp mí mắt do tổn thương thần kinh: Nguyên nhân là do các tổn thương tại cấu trúc thần kinh chi phối cơ nâng mi và cơ Muller. Thường biểu hiện qua các thể:

+ Liệt dây thần kinh sọ số III: Do chấn thương sọ não, khối u chèn ép; do phẫu thuật; do viêm; các bệnh ảnh hưởng đến mạch máu (tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch…)

+ Liệt nhân dây thần kinh sọ số III: Do xuất huyết não, khối u, nhồi máu gây ra các hội chứng cuống não như Weber, Benedick…

+ Liệt trên nhân dây thần kinh vận nhãn.

+ Hội chứng Claude Bernard – Horner mắc phải. 

Sụp mí mắt do chấn thương ở mắt

Sụp mí mắt do chấn thương ở mắt

– Sụp mí mắt do chấn thương, phẫu thuật: Các va đập, chấn thương đâm xuyên vào cân cơ làm mí mắt sụp xuống. Ngoài ra các can thiệp ở mạch máu, phẫu thuật sọ não, hốc mắt cũng có thể ảnh hưởng đến cân cơ.

– Sụp mí mắt do cơ: Cơ nâng mi bị giảm khả năng co giãn (thường kèm theo các triệu chứng của bệnh cơ toàn thân) thường gặp sau tiêm Botulinum toxin hay các bệnh cơ khu trú/lan tỏa khác…

– Sụp mi do thần kinh – cơ trong bệnh nhược cơ nặng (Myasthenia gravis).

– Sụp mi do tác nhân cơ học gây chèn ép lên mí mắt, là trùng da mí…

III. Chẩn đoán sụp mí mắt

Nếu thấy mí mắt bị sụp gây cản trở tầm nhìn người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh cũng như có các biện pháp khắc phục kịp thời. Chẩn đoán sụp mí mắt thường bao gồm các bước sau:

– Hỏi tiền sử gia đình.

– Khai thác bệnh sử của bản thân.

– Khám tổng quát toàn thân.

– Đánh giá tình trạng sụp mí theo 2 tiêu chí: Mức độ ( 3 mức độ theo Mustarde) và biên độ sụp mí (4 nhóm).

– Đánh giá các bệnh liên quan đến cấu trúc ở mắt như hốc mắt, nhãn cầu, tình trạng vận nhãn…

– Thực hiện các xét nghiệm:

+ Phát hiện bệnh nhược cơ.

+ Chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm, chụp Xquang hốc mắt, chụp MRI, chụp mạch máu DSA, chụp cắt lớp CT…

Đi khám để chẩn đoán sụp mí mắt

Đi khám để chẩn đoán sụp mí mắt

IV. Khắc phục khi bị sụp mí mắt

1. Điều trị sụp mí mắt

Khi đã xác định được bệnh nhân bị sụp mí mắt, bệnh nhân cần được chỉ định điều trị với mục tiêu cải thiện vấn đề thẩm mỹ và giải phóng tầm nhìn cùng hạn chế nhiều nhất các biến chứng có thể xảy ra.

Bệnh nhân cần được điều trị toàn diện, phối hợp đồng thời bao gồm:

– Nếu là sụp mí mắt mắc phải có thế điều trị nguyên nhân để giải quyết tình trạng như bệnh nhược cơ, có các khối u chèn ép, bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp…

– Điều trị các biến chứng và tổn thương đi kèm với sụp mí mắt như tổn thương nhãn cầu, nhược thị, cong vẹo cột sống…

– Phẫu thuật mí mắt: Đây đang là cách khắc phục tình trạng sụp mí mắt hiệu quả nhất hiện nay.  

Tùy thuộc từng trường cụ thể của bệnh nhân, cơ chế gây sụp mí, mức độ cũng như các ảnh hưởng liên quan mà bác sĩ tiến hành lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp cũng như chỉ định thời điểm phẫu thuật, Thông thường nếu bị sụp mí bẩm sinh sẽ được phẫu thuật khi trẻ 5-6 tuổi, hoặc có thể sớm hơn từ lúc 1 tuổi nếu sụp mí nặng gây nhược thị, cong vẹo cột sống..Với sụp mí mắc phải sẽ tiến hành phẫu thuật sau khi nguyên nhân và mức độ sụp mí của bệnh nhân ổn định. 

Phẫu thuật sụp mí mắt

Phẫu thuật sụp mí mắt

Có 2 phương pháp phẫu thuật chính là làm ngắn mi trên(cắt ngắn cơ nâng mí) hoặc sử dụng hỗ trợ các cơ lân cận.

– Phẫu thuật làm ngắn mí trên:

+ Áp dụng khi cơ nâng mí trên vẫn còn ở mức tốt hoặc khá. 2 phương pháp thường sử dụng là phương pháp Berke (cắt ngắn cân nâng mi qua da) và phương pháp Fassanella – Servat (cắt sụn – cơ Muller qua kết mạc).

+ Với cách này sẽ thẩm mỹ hơn do vẫn giữ được sự đồng vận của mí mắt và nhãn cầu, giữ nguyên chức năng cơ nâng mi còn lại. Tuy nhiên lại không hiệu quả nếu cơ nâng mi quá yếu và sụp mí mắt nặng và sau phẫu thuật thường dễ bị tái phát lại và mức độ điều chỉnh thường yếu.

– Phẫu thuật dùng sự hỗ trợ của các cơ lân cận:

+ Được chỉ định khi cơ nâng mi quá yếu.  

+ Phương pháp hay dùng nhất là treo mi vào cơ trán.

+ Tuy nhiên bệnh nhân dễ bị hở mi cũng như sẽ mất tính đồng vận của nhãn cầu và mí mắt. 

2. Một số biến chứng có thể gặp khi phẫu thuật sụp mí mắt

Phẫu thuật được coi là phương pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng sụp mí mắt nhưng vẫn có thể gặp nhiều rủi ro:

– Mí mắt không cân xứng. 

– Mí mắt bị sụp trở lại: Thường do can thiệp cắt mí quá ít hoặc chỉ định phương pháp phẫu thuật không phù hợp. Bệnh nhân nên đợi khoảng 6 tháng để có thể phẫu thuật sửa lại.

– Điều chỉnh quá mức làm co mi. Có thể massage mí mắt nếu chỉ ở mức độ nhẹ hoặc phải phẫu thuật lại nếu cắt mí quá ngắn.

– Làm ảnh hưởng hình thái của nếp mi mắt: mất nếp mí, nếp mi quá ngắn, vị trí nếp mi không cân đối 2 bên, lật mi, quặm mi…

– Hở mi dẫn đến nhiễm trùng, viêm kết mạc, nguy cơ mất lông mi, thủng nhãn cầu, rách vết mổ do máu tụ…

Hạn chế các biến chứng khi phẫu thuật sụp mí mắt

Hạn chế các biến chứng khi phẫu thuật sụp mí mắt

Khi phẫu thuật sụp mí mắt các bác sĩ cần cẩn thận, xác định phương pháp phẫu thuật phù hợp với tình trạng sụp mí của bệnh nhân để vừa điều trị hiệu quả nhưng cũng đảm bảo được sự thẩm mỹ, đôi mắt được tự nhiên nhất. Tốt nhất bệnh nhân nên tìm đến bệnh viện và các cơ sở y tế uy tín, chất lượng cao để thực hiện phẫu thuật để tránh gặp các rủi ro sau này. 

Sụp mí mắt không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ khiến người bệnh có mặc cảm tự ti mà có thể gây giảm thị lực hoặc các biến chứng trầm trọng khác. Hãy đi khám sớm và điều trị  ngay nếu như bạn hoặc người thân có những biểu hiện bất thường trên mắt. Hãy chăm sóc bà bảo vệ mắt cẩn thận vì ‘’đôi mắt là cửa sổ tâm hồn’’.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *