Viêm bàng quang là bệnh nhiễm trùng tiết niệu khá phổ biến và đang có dấu hiệu gia tăng. Viêm bàng quang có nguy hiểm không? Nguyên nhân, cách nhận biết, phòng và điều trị ra sao? Đừng bỏ lỡ những thông tin dưới đây để biết thêm chi tiết!
I. Viêm bàng quang là gì?
Viêm bàng quang là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn cư trú trong bàng quang gây ra. Đây là căn bệnh khá phổ biến, chiếm tới hơn 50% trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu. Trong một số trường hợp, viêm bàng quang cũng có thể do một số loại thuốc, xạ trị hoặc biến chứng của bệnh khác gây ra.
Khi phát hiện sớm và được điều trị kịp thời, bệnh sẽ không gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe và được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, nếu không tích cực điều trị, bệnh có thể trở thành mãn tính và ảnh hưởng đến thận. Do đó, cần sớm nhận biết bệnh và tìm ra nguyên nhân để có hướng xử trí đúng.
Viêm bàng quang là bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu khá phổ biến
II. Nguyên nhân gây viêm bàng quang
Viêm bàng quang có thể hình thành do một số nguyên nhân sau:
– Do vi khuẩn: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm bàng quang. Hầu hết nhiễm trùng bàng quang là do E.Coli gây ra. E.Coli sống trong ruột là chủ yếu, khi nó xâm nhập vào đường tiết niệu có thể gây ra viêm bàng quang.
– Những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục cũng có thể là nguyên nhân gây viêm niệu đạo, viêm bàng quang.
– Thường xuyên nhịn tiểu, uống ít nước, tiểu không hết khiến nước tiểu cô đặc, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi mạnh mẽ trong đường tiết niệu, gây viêm bàng quang.
– Do vệ sinh cá nhân không tốt, đặc biệt là nữ giới do niệu đạo của nữ giới ngắn hơn nam giới, lỗ tiểu lại gần hậu môn, rất dễ gây nhiễm khuẩn.
– Một số bệnh như sỏi thận, sỏi bàng quang, tiểu đường, viêm tiền liệt tuyến, u xơ tiền liệt tuyến không được điều trị triệt để dẫn đến các biến chứng, trong đó có viêm bàng quang.
Sỏi thận, sỏi bàng quang là nguyên nhân dẫn đến ứ đọng nước tiểu, gây viêm
– Tổn thương hoặc kích ứng trên đường tiết niệu do các thao tác y tế nội soi thăm dò bàng quang, dẫn lưu bàng quang, tán sỏi bàng quang… có thể đưa đến viêm nhiễm khi mà các dụng cụ y tế không đảm bảo vô trùng.
– Viêm do tác động của một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc hóa trị.
– Viêm do bệnh nhân điều trị xạ trị ở vùng xương chậu, có thể gây ra viêm bàng quang.
– Viêm do hóa chất: Sữa tắm, xà phòng, dung dịch vệ sinh không phù hợp, gây kích ứng cho người dùng, ban đầu là viêm âm đạo và có thể dẫn đến vi khuẩn xâm nhập vào sâu bên trong, gây viêm bàng quang.
Xem thêm: Tại sao nữ giới dễ bị viêm bàng quang?
III. Dấu hiệu viêm bàng quang
Khi bị viêm bàng quang, người bệnh thường có những biểu hiện như sau:
– Khó tiểu, đau buốt khi tiểu. Đây là một triệu chứng điển hình của bệnh viêm bàng quang.
– Đi tiểu thường xuyên, nhiều lần trong ngày nhưng mỗi lần ra không nhiều nước tiểu. Nếu tiểu nhiều hơn 8 lần/ngày và tiểu đêm nhiều thì rất có thể bạn đã bị viêm bàng quang.
– Buồn đi tiểu, muốn được “xả” ngay lập tức vì rất khó nhịn. Triệu chứng này thường xuất hiện kèm theo tình trạng đi tiểu nhiều lần.
– Xuất hiện tình trạng đau bụng dưới và lưng. Viêm bàng quang có thể gây đau ở phần bụng dưới, cảm giác này thường có khi đi tiểu.
– Tiểu ra máu: Khi các tế bào hồng cầu rỉ ra từ thận hay những vị trí khác trong đường tiết niệu, nước tiểu có màu đỏ hoặc sẫm màu, nhẹ thì có màu hồng nhạt, ở mức độ nhiều nước tiểu sẽ có màu đỏ thẫm hoặc máu cục.
Khi đi tiểu ra máu, rất có thể bạn đã bị viêm bàng quang
– Nước tiểu nặng mùi, có mùi hôi. Đây cũng là một trong những dấu hiệu dễ nhận biết của bệnh.
– Nước tiểu màu đục: Ở người có sức khỏe tốt, không bị các bệnh về tiết niệu, nước tiểu có màu vàng nhạt, thường trong còn khi bị viêm bàng quang hay viêm ở các cơ quan khác trong hệ tiết niệu, nước tiểu thường bị đục do chứa mủ bao gồm vi khuẩn và tế bào bạch cầu.
IV. Viêm bàng quang thường gặp ở đối tượng nào?
Viêm bàng quang thường gặp ở nữ giới hơn so với nam giới, đặc biệt là những người có một số yếu tố như sau:
– Có quan hệ tình dục.
– Sử dụng các biện pháp tránh thai như màng cao su, thuốc tránh thai.
– Phụ nữ trải qua kỳ mãn kinh.
– Không vệ sinh, vệ sinh kém sạch sẽ khiến các vi khuẩn sinh sôi nhanh hơn, đặc biệt trong các kỳ kinh nguyệt. Ít thay băng vệ sinh cũng dễ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm.
– Dùng vòi hoa sen xịt trực tiếp vào âm đạo, gây tác động đến hệ vi sinh âm đạo, cũng là nguyên nhân gây viêm bàng quang.
– Đang mang thai: Do khi mang thai, thai phụ gặp khó khăn khi vệ sinh vùng kín, hormon nội tiết thay đổi, sức đề kháng kém, làm dễ bị nhiễm khuẩn tiết niệu hơn.
Phụ nữ mang thai có nguy cơ viêm bàng quang cao hơn
Các yếu tố nguy cơ khác làm tăng khả năng viêm ở cả nam và nữ:
– Người bị tiểu đường, đang điều trị ung thư, có sỏi trong đường tiết niệu, phì đại tiền liệt tuyến.
– Sử dụng ống thông nước tiểu dài ngày.
– Tuổi tác: Người cao tuổi có sức đề kháng kém, nguy cơ viêm bàng quang tăng dần theo thời gian.
V. Biến chứng viêm bàng quang
Viêm bàng quang có những dấu hiệu khá rõ rệt, nếu phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể chữa khỏi nhanh chóng và loại bỏ triệu chứng. Nếu phát hiện muộn hoặc không điều trị đúng cách, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như sau:
Nhiễm trùng thận và suy thận
Vi khuẩn phát triển mạnh mẽ mà không kịp thời ngăn cản có thể lan đến thận. Nhiễm trùng thận càng kéo dài thì tổn thương ở thận càng lớn, người bệnh phải thăm khám cẩn thận và điều trị theo liệu trình phù hợp.
Nhiễm trùng thận nếu điều trị tích cực bằng kháng sinh đúng cách thì có thể mau chóng khỏi bệnh. Nếu điều trị không tốt có thể gây tái phát, suy thận và nhiễm trùng mạn tính khiến bệnh nhân tử vong.
Vô sinh, hiếm muộn
Viêm bàng quang ở nam giới gây cản trở đến đường xuất tinh, có thể lây nhiễm cho cơ quan sinh dục, dẫn đến hiếm muộn, vô sinh.
Khi gặp các biến chứng này, người bệnh cần đến phòng khám, bệnh viện uy tín để được khám và xác nhận đúng bệnh cũng như nguyên nhân gây bệnh để có hướng điều trị phù hợp.
Viêm bàng quang xuất huyết
Viêm bàng quang nặng có thể gây rỉ máu, các tế bào hồng cầu xuất hiện trong nước tiểu khiến nước tiểu sẫm màu, có màu hồng nhạt. Nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể gây thiếu máu.
Viêm bàng quang nặng có thể dẫn đến Viêm bàng quang xuất huyết
Nếu thấy những bất thường về nước tiểu và các biểu hiện khác như sốt, mệt mỏi, da xanh, tiểu nhiều… cần thăm khám ngay để được xử trí kịp thời. Điều trị viêm bàng quang xuất huyết cần cầm máu thông qua nội soi, kết hợp dùng kháng sinh theo đúng phác đồ.
Ung thư bàng quang
Chưa có nghiên cứu làm rõ mối liên hệ giữa viêm bàng quang và ung thư bàng quang. Tuy nhiên, người bị viêm nhiễm bàng quang kéo dài có nguy cơ ung thư bàng quang cao hơn người bình thường.
Nếu không phát hiện sớm và điều trị tốt, các biến chứng của bệnh hoàn toàn có thể xảy ra, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng người bệnh. Do đó cần không được chủ quan trước những cảnh báo của bệnh.
VI. Chẩn đoán viêm bàng quang
Để xác định chính xác bệnh nhân có bị viêm bàng quang hay không, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm sau:
– Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra các thành phần bất thường có mặt trong nước tiểu như vi khuẩn, máu, bạch cầu hay các chất khác.
– Nội soi bàng quang: Ống nội soi luồn qua niệu đạo, đi vào bàng quang để thu được hình ảnh từ bên trong, giúp bác sĩ xác định đúng người bệnh có bị viêm bàng quang hay không.
– Siêu âm, chụp X-quang: Khi không nhận thấy dấu hiệu viêm nhiễm, cần siêu âm, chụp X-quang để chẩn đoán chính xác bệnh và nguyên nhân gây bệnh. Hình ảnh thu được có thể thấy thành bàng quang dày hơn bình thường.
VII. Điều trị viêm bàng quang
Nếu viêm bàng quang do nhiễm khuẩn, lựa chọn thường được sử dụng đầu tiên là thuốc kháng sinh:
– Phụ thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người, có thể dùng kháng sinh trong 3 ngày đến 1 tuần để cải thiện đáng kể tình trạng của bệnh. Kháng sinh dùng trong điều trị viêm bàng quang nhiều nhất là Amoxicillin, Ciprofloxacin, Sulfamethoxazole và Trimethoprim.
– Nếu người bệnh tái nhiễm, có thể cần sử dụng kháng sinh dài ngày hơn, trong khoảng 2-3 tuần.
– Ở phụ nữ mang thai, cần phải điều trị bệnh nhanh chóng, xem xét lựa chọn kháng sinh phù hợp để bệnh nhanh khỏi, phòng ngừa các nguy cơ sảy thai.
Kháng sinh là lựa chọn đầu tay trong điều trị viêm bàng quang
Viêm bàng quang không do vi khuẩn, người bệnh cần chú ý:
– Tránh dùng các hóa chất có thể gây viêm nhiễm, kích ứng để làm giảm các triệu chứng của bệnh, ngăn ngừa bệnh tái phát.
– Viêm bàng quang do xạ trị hoặc do dùng thuốc: Giảm bớt các triệu chứng, nguy cơ gây kích thích bàng quang, hạn chế dùng các thuốc có thể gây viêm nhiễm bàng quang nếu có thể.
– Nếu viêm bàng quang là hậu quả của những căn bệnh khác, người bệnh cần chú ý điều trị nguyên nhân gây bệnh, điều trị bệnh nền để tăng sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tái phát và nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, để hỗ trợ làm giảm các triệu chứng của bệnh, chúng ta có thể thực hiện một số biện pháp sau đây:
– Uống nhiều nước: Làm tăng thải trừ nước tiểu, tăng đào thải các chất ra khỏi cơ thể, tránh làm cô đặc nước tiểu khiến vi khuẩn dễ phát triển.
– Dùng túi chườm nóng, chườm nóng vùng bụng để giảm cảm giác căng tức, đau bàng quang.
– Hạn chế Cafe, thuốc lá, bia rượu, đồ ăn cay nóng… để giảm kích ứng bàng quang.
Xem thêm: Mẹo chữa viêm bàng quang tại nhà
VIII. Phòng ngừa viêm bàng quang
Để phòng ngừa viêm bàng quang và các viêm nhiễm đường tiết niệu khác, nên lưu ý một số vấn đề sau đây trong sinh hoạt hàng ngày:
– Đi tiểu tiện ngay khi cảm thấy buồn tiểu, không nên nhịn tiểu quá lâu gây ứ đọng nước tiểu.
– Uống đủ nước giúp cơ thể bài tiết tốt hơn, tránh tình trạng ứ đọng nước tiểu, hạn chế viêm nhiễm.
Uống nhiều nước để làm giảm nguy cơ viêm bàng quang
– Tránh dùng các loại thực phẩm cay nóng, rượu, bia, trà, cafe… có thể gây kích ứng bàng quang.
– Sau khi đi đại tiện, nên rửa sạch, lau từ trước ra sau, không nên lau từ sau ra trước để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn từ hậu môn đến âm đạo và niệu đạo.
– Không tắm bồn khi bị viêm âm đạo, viêm đường tiết niệu để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn.
– Không sử dụng các loại dung dịch vệ sinh, sữa tắm có chất tẩy rửa mạnh gây kích ứng, viêm bộ phận sinh dục và dễ xâm nhập vào bên trong, gây viêm nhiễm.
– Sau khi quan hệ tình dục, đi vệ sinh càng sớm càng tốt để loại bỏ bớt vi khuẩn ra khỏi cơ thể.
– Thay băng vệ sinh thường xuyên trong thời gian kinh nguyệt.
Trên đây là những thông tin cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng của viêm bàng quang và cách phòng ngừa, điều trị bệnh. Nếu thấy có những dấu hiệu bất thường của bệnh, cần thăm khám càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời.