Viêm xoang nên ăn gì và kiêng ăn gì?
Viêm xoang gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ngoài việc điều trị bằng thuốc, áp dụng các mẹo dân gian thì chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình trị bệnh. Nhiều người đặt câu hỏi viêm xoang nên ăn gì và kiêng ăn gì? Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu qua bài viết dưới đây để có câu trả lời nhé.
I. Thực phẩm người bị viêm xoang nên sử dụng là gì?
Bên cạnh những loại thảo dược như lá trầu không, gừng, lá lốt… có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ điều trị viêm xoang thì cũng có những thực phẩm từ tự nhiên giúp cải thiện triệu chứng bệnh hiệu quả. Chúng hỗ trợ điều trị viêm xoang nhờ đặc tính giảm viêm, từ đó cải thiện được các triệu chứng do viêm xoang gây ra.
1. Nước ấm
Bắt đầu buổi sáng với một cốc nước ấm, thêm chút nghệ sẽ cải thiện triệu chứng viêm xoang. Nước uống này làm dịu cổ họng, thúc đẩy chất nhầy chảy ra bên ngoài, kết hợp với nghệ có khả năng tiêu diệt vi khuẩn.
Đây là cách khắc phục nhanh chóng nhất, giúp cơ thể thoải mái hơn trong khi bị xoang.
Ngoài ra, uống đủ nước lọc còn giúp tế bào bạch cầu hoạt động hiệu quả hơn, tăng cường hệ thống miễn dịch chống lại tình trạng nhiễm khuẩn. Đồng thời, chất lỏng làm loãng dịch nhầy, khiến chúng dễ dàng đào thải ra bên ngoài hơn, giúp thông thoáng đường thở.
Ngoài ra, có thể sử dụng dung dịch nước muối ấm để vệ sinh mũi hàng ngày cũng giúp cải thiện đáng kể triệu chứng của viêm xoang.
Nước ấm giúp làm dịu cổ họng
2. Các loại cá
Loại thực phẩm thức hai mà người viêm nên bổ sung vào bữa ăn là các loại cá. Theo nghiên cứu khoa học, cá hồi, cá ngừ, cá thu… là nguồn cung cấp acid béo omega 3 dồi dào. Khi bị viêm xoang, những hải sản có khả năng chống viêm như omega 3, giúp giảm viêm hiệu quả, từ đó giảm tình trạng đau nhức.
Ngoài cá, một số thực phẩm giàu omega 3 khác như mè, hạt hướng dương… cũng chống sưng, viêm hiệu quả.
3. Dứa
Dứa là loại trái cây đứng đầu bảng trong những thực phẩm tốt nhất cho người bị viêm xoang. Trong dứa chứa men bromelain có đặc tính kháng viêm, chống phù hiệu quả. Nó giúp giảm tiết dịch nhầy ở mũi, cải thiện các triệu chứng khó chịu, ngăn chặn các tác nhân gây bệnh viêm xoang.
Trong dứa còn chứa nhiều vitamin như B1, B2, C và khoáng chất như Fe, Cu, Phospho, Ca, kẽm… cho cơ thể khỏe mạnh, nâng cao hệ miễn dịch chống lại bệnh tật.
Có thể bổ sung loại hoa quả này vào bữa ăn hàng ngày bằng cách ăn trực tiếp, nước ép dứa hoặc chế biến các món ăn khác.
Một điều cần lưu ý là lõi dứa thực tế chứa nhiều lượng bromelain, do đó không nên bỏ phần này, đặc biệt ở người bị viêm xoang.
Dứa có đặc tính kháng viêm, chống phù hiệu quả
4. Gừng cải thiện viêm xoang như thế nào?
Gừng là thảo dược có rất nhiều công dụng khác nhau được vận dụng vào y khoa. Loại củ này chứa nhiều tinh dầu như β – zingiberen, α -curcumen, β – farnesen, các hợp chất alcol như borneol, zingeron, zingerol… Chúng có tác dụng chống oxy hóa và kháng histamin tự nhiên. Ngoài ra còn có khả năng chống viêm, giúp tăng tốc độ chữa lành bệnh, giảm sưng và giảm đau.
Có thể dùng gừng trong gia vị cho món ăn hoặc có thể pha trà gừng để uống như sau:
– Lấy một lượng gừng thích hợp, đem rửa sạch, băm nhuyễn, say nhỏ hoặc thái lát đều được. Với lượng gừng nhiều hơn có thể tạo ra tách trà ngon và giảm viêm hiệu quả hơn.
– Thêm nước sôi đủ lượng cần uống.
– Để yên trong vòng 10 phút.
– Sau đó lọc lấy phần nước bằng một tấm vải mỏng hoặc bộ lọc thích hợp. Hoặc có thể uống luôn.
– Cũng có thể thêm mật ong, chanh. Điều này rất tốt cho người viêm xoang.
Trà nên uống khi còn ấm giúp thư giãn và giảm đau nhức đầu.
Gừng chống viêm, giúp tăng tốc độ chữa lành bệnh
5. Tỏi
Từ lâu, tỏi cũng là một loại thảo dược tự nhiên để chữa bệnh, được đánh giá cao nhờ cả khả năng chống oxy hóa và chống viêm. Thực phẩm này như là kháng sinh tự nhiên có tác dụng kháng khuẩn cũng giúp cơ thể chống lại bệnh nhiễm trùng.
Đặc tính kháng khuẩn do allicin, hợp chất tạo vị hăng của tỏi sống. Việc nấu chín có thể giảm tác dụng của hợp chất này. Tuy nhiên, cũng có một số nghiên cứu cho rằng cần để tỏi băm nghỉ 10 phút trước khi cho nó nấu chín với thức ăn để chống viêm hiệu quả. Nó còn ngăn ngừa hoặc hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp có thể dẫn đến xoang như cảm cúm, cảm lạnh, viêm mũi dị ứng…
Có thể ăn sống để tăng đặc tính kháng khuẩn của tỏi, tuy nhiên mùi vị có thể gây khó chịu với nhiều người. Do đó, có thể sử dụng như một gia vị cho thêm vào các món ăn. Ngoài ra, một số bài thuốc cũng được áp dụng trong dân gian từ lâu để cải thiện chứng viêm xoang như tỏi ngâm dấm, tỏi ngâm mật ong, rượu tỏi.
Sau đây là cách làm tỏi ngâm mật ong chữa viêm xoang:
– Chuẩn bị nguyên liệu: 15g tỏi tươi + 100ml mật ong nguyên chất + 1 hũ thủy tinh. Nên chọn những củ tỏi có tép già, không bị mối mọt.
– Bóc vỏ, cần làm sạch tỏi trước khi ngâm bằng cách chần qua nước nóng. Để ráo, xay nhuyễn, càng nhỏ càng tốt.
– Hũ thủy tinh tráng qua với nước sôi, để khô. Cho tỏi đã xay nhỏ vào hũ. Sau đó đổ ngập mật ong.
– Sau khoảng 2 tuần là có thể sử dụng.
– Chú ý: Sau vài ngày ngâm có thể thấy bong bóng khí trong hũ. Đó là biểu hiện lên men tự nhiên. Trong giai đoạn này nên mở hũ mỗi ngày 1 lần để đuổi lượng carbon dioxide dư thừa.
– Cách dùng: Mỗi ngày lấy 1 thìa tỏi ngâm với mật ong, ngậm trong miệng một lúc sau đó mới nhai nuốt. Nên sử dụng đều đặn mỗi ngày 2 lần. Với cách làm này sẽ giúp giảm triệu chứng của viêm xoang rõ rệt sau vài tuần sử dụng.
Tỏi giúp kháng khuẩn do allicin
6. Củ cải
Khi có những dấu hiệu của bệnh viêm xoang tái phát, có thể sử dụng củ cải trắng và củ cải đỏ để chống nghẹt mũi và giúp xóa bỏ tình trạng tắc nghẽn chất nhầy trong các xoang. Đồng thời giảm các cơn đau đầu do viêm xoang. Chúng còn hỗ trợ chữa cảm lạnh và cảm cúm.
Đặc tính này nhờ hàm lượng cao vitamin C trong củ cải có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn.
Một món ăn đã được nhiều người phản hồi tốt trong điều trị viêm xoang đó là củ cải trắng nấu tôm:
– Nguyên liệu: 150g củ cải + 100g tôm đất + gừng + tỏi + đậu hũ…
– Phi tỏi và gừng vàng thơm, cho củ cải trắng vào đảo đều, sau khoảng 2 phút cho thêm 1 bát nước. Đợi đến khi nước sôi bỏ những nguyên liệu còn lại vào, nêm gia vị cho vừa miệng.
– Có thể sử dụng nhiều ngày trong tuần để thông thoáng đường thở, giảm cơn đau do viêm xoang gây ra.
Ngoài ra còn cách chế biến đơn giản hơn như salad, nấu canh…
7. Rau tươi
Rau quả tươi là nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất cho sức khỏe. Nhất là những rau chứa nhiều vitamin C có khả năng kháng viêm, chống oxy hóa, bảo vệ niêm mạc ở các xoang. Đồng thời làm loãng dịch nhầy giúp đường thở thông thoáng hơn.
– Vitamin A: cà rốt, cần tây…
– Vitamin C: bông cải xanh, xải xoăn…
– Vitamin E: ngô, củ cải đường, bơ…
II. Người bị viêm xoang kiêng ăn gì?
Bên cạnh những sản phẩm tốt cho người bị viêm xoang, bệnh nhân cũng cần tránh hoặc hạn chế bổ sung vào bữa ăn như:
1. Sữa và các sản phẩm từ sữa
Sữa chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh và nâng cao sức đề kháng. Tuy nhiên, sản phẩm này lại không tốt cho người bị viêm xoang.
Nguyên nhân của vấn đề này là do sữa hoặc sản phẩm từ sữa như phô mai, các loại bánh kem… thúc đẩy sản sinh dịch nhầy đáng kể trong mũi, làm nghẽn các xoang. Dịch đờm này gây ứ đọng làm tắc nghẽn đường thở khiến các triệu chứng khó thở ở người bị viêm xoang trầm trọng hơn.
Sữa thúc đẩy sản sinh dịch nhầy đáng kể trong mũi
2. Chất kích thích như đồ uống có gas, rượu, bia, cà phê
Các chất kích thích như rượu, bia, cà phê… ức chế thần kinh trung ương, tác động không tốt đến cơ thể người bệnh, khiến tình trạng viêm nặng hơn.
Đồ uống có cồn còn dễ gây mất nước, làm các chất nhầy trong xoang đặc lại, khó khăn trong việc loại bỏ nó ra bên ngoài. Chính vì vậy, tình trạng bệnh càng ngày càng tồi tệ hơn.
Những chất này còn dễ gây trào ngược dạ dày, gây nôn. Nếu chúng trào ngược lên sẽ ảnh hưởng tới đường tai – mũi – họng gây kích ứng, không tốt cho người viêm xoang.
3. Nước đá hoặc đồ uống lạnh
Khi sử dụng nước đá hoặc những đồ uống lạnh làm thay đổi nhiệt độ đột ngột ở vùng hầu họng. Điều này làm chức năng bảo vệ của hầu họng bị suy giảm tạo điều kiện cho việc xâm nhập các vi khuẩn tấn công vào đường hô hấp, trong đó có viêm xoang.
Nhiệt độ lạnh còn khiến các niêm mạc hô hấp co lại khiến hoạt động sinh lý của chúng giảm đi, dễ tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh hơn. Lượng dịch chảy xuống họng, dễ dẫn đến biến chứng như viêm amidan, xuất hiện nhiều đờm…
Nước đá còn làm tình trạng bệnh nặng hơn, thậm chí xuất huyết niêm mạc mũi. Do nước đá lạnh, kích ứng niêm mạc mũi họng, theo cơ chế phản ứng dị ứng xảy ra bình thường của cơ thể để chống lại tình trạng này.
Đồ uống lạnh gây kích ứng niêm mạc mũi họng
4. Khoai tây chiên hoặc đồ ăn chiên rán khác
Những đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, chế phẩm chế biến sẵn thường thu hút mọi người như khoai tây chiên, xúc xích, lạp xưởng… chứa rất nhiều chất béo. Trong khi đó, chất béo kích thích các xoang tăng tiết chất nhầy, khiến chúng ứ đọng, tắc nghẽn… làm triệu chứng của bệnh nặng hơn, ảnh hưởng tới quá trình điều trị. Nó còn làm tăng nguy cơ tái phát bệnh trong giai đoạn mạn tính.
Cần chú ý đến lượng đồ ăn chiên rán trong khi đang mắc viêm xoang để bảo vệ sức khỏe của bạn.
5. Những thực phẩm gây dị ứng
Dị ứng là một trong những nguyên nhân gây viêm mũi. Khi bị dị ứng sẽ khiến niêm mạc bị sưng lên, xuất hiện tình trạng viêm, càng ảnh hưởng tới tình trạng của người bệnh. Do vậy, nếu đã biết rõ hoặc nghi ngờ vật gì đó có thể gây dị ứng cho bạn cần tránh tiếp xúc.
6. Các loại đường tinh luyện
Đường có trong các loại đồ ngọt đã được tinh chế, nếu dùng với lượng ít thì không có hại. Tuy nhiên khi dư thừa sẽ làm tăng tình trạng viêm. Điều này làm triệu chứng viêm xoang trở lên trầm trọng hơn. Do đó cần tránh sử dụng những món ăn chứa nhiều đường.
Quá nhiều đường gây nên tình trạng viêm
Chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng của bệnh. Ngoài việc sử dụng thuốc điều trị, bệnh nhân cũng cần bổ sung những loại thực phẩm tốt cho bệnh và hạn chế những thực phẩm làm trầm trọng thêm bệnh. Nội dung trên là đáp án của chúng tôi cho câu hỏi viêm xoang nên ăn gì và kiêng gì? Mong rằng có thể giúp ích cho bạn trong việc lựa chọn thức ăn mỗi ngày khi bị mắc viêm xoang. Chúc bạn thành công trong việc điều trị bệnh viêm xoang.