XÁC ĐỊNH GIỚI HẠN TIỂU PHÂN (Phụ lục 11.8) – Dược điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
XÁC ĐỊNH GIỚI HẠN TIỂU PHÂN

A. Xác định giới hạn tiểu phân không nhìn thấy bằng mắt thường

Tiểu phân trong thuốc tiêm và thuốc tiêm truyền là các hạt nhỏ không hòa tan, linh động, không phải là bọt khí, có nguồn gốc ngẫu nhiên từ bên ngoài. Để xác định giới hạn tiểu phân có hai phương pháp mô tả dưới đây, Phương pháp 1 (dùng thiết bị đếm tiểu phân) và
Phương pháp 2 (dùng kính hiển vi). Khi kiểm tra tiểu phân không nhìn thấy bằng mắt thường của thuốc tiêm và thuốc tiêm truyền, thường áp dụng Phương pháp 1. Tuy nhiên, đối với một số chế phẩm, phải áp dụng cả hai phương pháp để đánh giá.
Không phải tất cả các thuốc tiêm và thuốc tiêm truyền đều có thể kiểm tra được giới hạn tiểu phân không nhìn thấy bằng mắt thường bằng một trong hai phương pháp, hay cả hai phương pháp. Các chế phẩm không thật trong, hay có độ nhớt tăng cao, hoặc tạo bọt khí khi để vào thiết bị đem tiểu phân, tiến hành thử theo Phương pháp 2. Nếu độ nhớt của chế phẩm quá cao, cản trở phương pháp kiểm tra, pha loãng với dung môi thích hợp để có thể tiến hành được thử nghiệm.
Kết quả kiểm tra một đơn vị riêng lẻ hay nhóm các đơn vị chế phẩm không có giá trị đương nhiên đối với các đơn vị không được kiểm tra. Bởi vậy, cần xây dựng kế hoạch lấy mẫu dù số lượng thống kê, để từ kết quả kiểm tra có thể đánh giá được giới hạn tiểu phân của cả nhóm lớn các đơn vị chế phẩm.

Phương pháp 1: Dùng thiết bị đếm tiểu phân

Quy định chung

Tiến hành thử nghiệm trong các điều kiện hạn chế được nhiễm tiểu phân, tốt nhất là trong tủ lọc khí vô khuẩn.
Rửa thật cẩn thận dụng cụ thủy tinh và dụng cụ lọc (trừ màng lọc) bằng dung dịch Tẩy rửa ấm, tráng lại bằng nước cho sạch hết chất tẩy. Ngay trước khi dùng, tráng lại các dụng cụ từ trên xuống dưới, bên ngoài, sau đó là bên trong với nước không có tiểu phân (TT).
Tránh tạo bọt khí trong chế phẩm đem thử, đặc biệt là khi rót vào dụng cụ để tiến hành đếm tiểu phân.
Để kiểm tra môi trường có thích hợp cho thử nghiệm, dụng cụ thủy tinh có đủ sạch và nước sử dụng có hết tiểu phân hay không, tiến hành phép thử sau:
Kiểm tra giới hạn tiểu phân của 5 mẫu nước không có tiểu phân (TT), mỗi mẫu 5 ml, theo phương pháp mô tả ở dưới.
Nếu trong cả 25 ml nước thử có trên 25 tiểu phân kích thước bằng 10 μm hay lớn hơn, phải tiến hành lại các bước chuẩn bị cho đến khi môi trường, dụng cụ thủy tinh và nước thích hợp cho thử nghiệm.

Dụng cụ

Sử dụng thiết bị thích hợp hoạt động theo nguyên tắc cần ánh sáng, cho phép tự động xác định kích thước tiểu phân và so lượng tiểu phân theo kích thước đã chọn.
Chuẩn hóa thiết bị bằng các hạt cầu chuẩn kích thước 10 μm đến 25 μm. Phân tán hạt chuẩn trong nước không có tiểu phân (TT). Tránh kết tụ tiểu phân trong quá trình phân tán.

Cách tiến hành

Trộn đều chế phẩm bằng cách lộn đi, lộn lại nhẹ nhàng dụng cụ chứa (đồ đựng) 20 lần liên tiếp. Nếu cần, tháo bỏ phần bảo vệ ngoài nắp đậy. Dùng tia nước không có tiểu phân (TT) rửa bề mặt nắp và cổ dụng cụ chứa (đồ đựng), mở nắp cẩn thận, tránh nhiễm tiểu phân từ bên ngoài. Loại bọt khí bằng cách để yên 2 min hoặc siêu âm. Đối với thuốc tiêm và thuốc tiêm truyền có thể tích từ 25 ml trở lên, tiến hành thử với từng đơn vị. Đối với thuốc tiêm và thuốc tiêm truyền có thể tích nhỏ hơn 25 ml, gộp dung dịch của ít nhất 10 đơn vị trong một cốc sạch cho đủ 25 ml. Khi có chỉ dẫn đặc biệt, lấy dung dịch từ một số đơn vị thích hợp, pha loãng thành 25 ml với nước không có tiểu phân (TT) hoặc với dung môi thích hợp không có tiểu phân, khi nước không có tiểu phân (TT) không thích hợp.
Thuốc bột để pha tiêm được hòa tan trong nước không có tiểu phân (TT) hoặc dung môi thích hợp không có tiểu phân, khi nước không có tiểu phân (TT) không thích hợp.
Số mẫu thử phải đủ lượng thống kê. Đối với thuốc tiêm và thuốc tiêm truyền có thể tích từ 25 ml trở lên, số mẫu thử có thể nhỏ hơn 10, phụ thuộc vào kế hoạch lấy mẫu đã đề ra. Lấy 4 mẫu thử, mỗi mẫu không dưới 5 ml, đưa vào máy đếm tiểu phân theo kích thước bằng 10 μm hay lớn hơn và bằng 25 μm hay lớn hơn.
Loại bỏ kết quả của mẫu đầu tiên. Tính số lượng tiểu phân trung bình của chế phẩm đã thử.

Đánh giá kết quả

Đối với thuốc tiêm và thuốc tiêm truyền có thể tích lớn hơn 100 ml: Chế phẩm đạt yêu cầu phép thử, nếu trung bình trong mỗi ml có không quá 25 tiểu phân kích thước bằng 10 μm hay lớn hơn và không quá 3 tiểu phân kích thước bằng hay lớn hơn 25 μm.
Đối với thuốc tiêm và thuốc tiêm truyền có thể tích nhỏ hơn hoặc bằng 100 ml: Chế phẩm đạt yêu cầu phép thử, liều trung bình trong mỗi đơn vị đã kiểm tra có không quá 6000 tiểu phân kích thước bằng 10 μm hay lớn hơn và không quá 600 tiểu phân kích thước bằng 25 μm hay lớn hơn.
Nếu số lượng tiểu phân trung bình vượt quá giới hạn, kiểm tra chế phẩm bằng Phương pháp 2.

Phương pháp 2: Dùng kính hiển vi

Quy định chung

Tiến hành thử nghiệm trong các điều kiện hạn chế được nhiễm tiểu phân, tốt nhất là trong tủ lọc khí vô khuẩn. Rửa thật cẩn thận dụng cụ thủy tinh và dụng cụ lọc (trừ màng lọc) bằng dung dịch tẩy rửa ấm, tráng lại bằng nước cho sạch hết chất tẩy. Ngay trước khi dùng, tráng lại các dụng cụ từ trên xuống dưới, bên ngoài, sau đó là bên trong với nước không có tiêu phân (TT).
Để kiểm tra môi trường có thích hợp cho thử nghiệm, dụng cụ thủy tinh và màng lọc có đủ sạch, nước sử dụng có hết tiểu phân hay không, tiến hành phép thử sau:
Kiểm tra giới hạn tiểu phân của 50 ml nước không có tiểu phân (TT) theo phương pháp mô tả ở dưới. Nếu có quá 20 tiểu phân kích thước bằng 10 μm hay lớn hơn hoặc có quá 5 tiểu phân kích thước bằng 25 μm hay lớn hơn trên màng lọc, phải tiến hành lại các bước chuẩn bị cho đến khi môi trường, dụng cụ thủy tinh, màng lọc và nước thích hợp cho thử nghiệm.

Dụng cụ

Sử dụng kính hiển vi thích hợp, bộ lọc để lưu giữ các tiểu phân và màng lọc để kiểm tra.
Kính hiển vi có độ phóng đại (100 ± 10) lần, được trang bị một trắc vi thị kính hiệu chỉnh bằng một trắc vi vật kính, một bàn soi có khả năng cố định và xoay quanh toàn bộ diện tích lọc của màng lọc, hai nguồn chiếu thích hợp cấp ánh sáng phản xạ bổ sung cho ánh sáng chếch.
Trắc vi thị kính (Hình 11.8.1) bao gồm một vòng tròn lớn có hình chữ thập chia tư, các vòng đối chiếu trong suốt hay màu đến đường kính 10 μm và 25 μm ở độ phóng đại 100 lần, một thước chia vạch 10 μm đã được kiểm định theo chuẩn quốc gia hoặc quốc tế với sai số tương đối cho phép ±2%.
Vòng tròn lớn được gọi là thị trường phân vạch (TTPV). Trong hai nguồn chiếu sáng, một nguồn cấp trường sáng phản xạ từ trong kính hiển vi và nguồn bên ngoài bổ trợ hội tụ, có khả năng điều chỉnh để rọi sáng khúc xạ chếch ở góc 10° đến 20°.
Bộ lọc để lưu giữ các tiểu phân bao gồm màng lọc thích hợp và để lọc bằng thủy tinh hoặc vật liệu khác thích hợp, nối với máy hút chân không.
Màng lọc kích thước thích hợp màu đen hoặc xám sẫm, với lỗ xốp bằng 1,0 μm hoặc nhỏ hơn.

Cách tiến hành

Trộn đều chế phẩm bằng cách lộn đi, lộn lại nhẹ nhàng dụng cụ chứa 20 lần liên tiếp. Nếu cần, tháo bỏ phần bảo vệ ngoài nắp đậy. Dùng tia nước không có tiểu phân (TT) rửa bề mặt nắp và cổ bình chứa, mở nắp cẩn thận, tránh nhiễm tiểu phân từ bên ngoài.
Đối với thuốc tiêm và thuốc tiêm truyền có thể tích từ 25 ml trở lên, tiến hành thử với từng đơn vị. Đối với thuốc tiêm và thuốc tiêm truyền có thể tích nhỏ hơn 25 ml, gộp dung dịch của ít nhất 10 đơn vị trong một cốc sạch cho đủ 25 ml. Khi có chỉ dẫn đặc biệt, lấy dung dịch từ một số đơn vị thích hợp, pha loãng thành 25 ml với nước không có tiểu phân (TT) hoặc với dung môi thích hợp không có tiểu phân, khi nước không có tiểu phân (TT) không thích hợp.
Thuốc bột để pha tiêm được hòa tan trong nước không có tiểu phân (TT) hoặc dung môi thích hợp không có tiểu phân, khi nước không có tiểu phân (TT) không thích hợp.
Số mẫu thử phải đủ lượng thống kê. Đối với thuốc tiêm và thuốc tiêm truyền có thể tích từ 25 ml trở lên, số mẫu thử có thể nhỏ hơn 10, phụ thuộc vào kế hoạch lấy mẫu đã đề ra.
Dùng vài ml nước không có tiểu phân (TT) làm ẩm bên trong đế lọc đã gắn màng lọc. Chuyển toàn bộ dung dịch thử đã chuẩn bị, hay dung dịch trong một đơn vị, vào phễu lọc và hút chân không. Nếu cần, đổ từng lượng nhỏ vào phễu cho đến khi toàn bộ thể tích dung dịch thử được lọc.

Hình 11.8.1 - Trắc vi thị kính
Hình 11.8.1 – Trắc vi thị kính

Sau lần đổ cuối cùng, bắt đầu dùng tia nước không có tiểu phân (TT) rửa thành bên trong để lọc. Hút chân không cho tới khi bề mặt màng lọc không còn chất lỏng. Đặt màng lọc vào hộp lồng Petri và để khô tự nhiên bằng cách mở hé nắp hộp. Sau khi màng lọc khô, đặt hộp lồng Petri lên bàn soi của kính hiển vi và soi toàn bộ màng lọc dưới ánh sáng phản xạ từ nguồn chiếu. Đếm số tiểu phân bằng 10 μm hay lớn hơn và số tiểu phân bằng 25 μm hay lớn hơn. Hoặc, có thể đếm trên một phần của màng lọc, rồi tính số lượng trên cả màng lọc. Tính số lượng tiểu phân trung bình cho chế phẩm đem thử.
Quá trình phân loại tiểu phân được tiến hành bằng cách so sánh mỗi tiểu phân với các vòng đối chiếu 10 μm và 25 μm.
Đường kính bên trong của các vòng đối chiếu trong suốt dùng để phân loại tiểu phân màu trắng và trong suốt, còn tiểu phân thẫm màu được phân loại bằng đường kính ngoài của các vòng đối chiếu màu đen.
Khi tiến hành kiểm tra theo Phương pháp 2, không phân loại hay liệt kê các chất vô định hình, nửa lỏng hoặc các chất không rõ ràng về hình thái khác, chúng có biểu hiện biến màu hay đổi màu trên màng lọc. Những chất này nhỏ, không biểu hiện rõ ràng, dạng sền sệt hay như có màng. Trong trường hợp này cần kiểm tra bổ sung bằng Phương pháp 1.

Đánh giá kết quả

Đối với thuốc tiêm và thuốc tiêm truyền có thể tích lớn hơn 100 ml: Chế phẩm đạt yêu cầu phép thử, nếu trung bình trong mỗi ml có không quá 12 tiểu phân kích thước bằng 10 μm hay lớn hơn và không quá 2 tiểu phân kích thước bằng 25 μm hay lớn hơn.
Đối với thuốc tiêm và thuốc tiêm truyền có thể tích nhỏ hơn hoặc bằng 100 ml: Chế phẩm đạt yêu cầu phép thử, nếu trung bình trong mỗi đơn vị đã kiểm tra có không quá 3000 tiểu phân kích thước bằng 10 μm hay lớn hơn và không quá 300 tiểu phân kích thước bằng 25 μm hay lớn hơn.

B. Xác định độ trong (Xác định tiểu phân nhìn thấy bằng mắt thường)

Tiểu phân trong thuốc tiêm và thuốc tiêm truyền là các hạt nhỏ không hòa tan, linh động, không phải là bọt khí, có nguồn gốc ngẫu nhiên từ bên ngoài. Phép thử này là qui trình đơn giản để đánh giá độ trong của thuốc tiêm và thuốc tiêm truyền.

Dụng cụ

Thiết bị (Hình 11.8.2) là một bộ dụng cụ để soi bao gồm: Bảng màu đen bề mặt mờ, kích thước thích hợp, gắn thẳng đứng.
Bảng màu trắng không lóa (không bóng), kích thước thích hợp, gần thẳng đứng bên cạnh bảng màu đen.
Hộp đèn có thể điều chỉnh với nguồn ánh sáng trắng được che chắn thích hợp và bộ khuếch tán ánh sáng thích hợp (như nguồn sáng bao gồm hai đèn huỳnh quang 13 w, mỗi ống dài 525 mm). Cường độ chiếu sáng tại vùng soi phải duy trì từ 2000 lux đến 3750 lux. Có thể phải sử dụng cường độ cao hơn đối với đồ chứa là thủy tinh màu hoặc plastic.

Cách tiến hành

Nếu không có chỉ dẫn khác trong chuyên luận riêng, lấy ngẫu nhiên 20 đơn vị. Loại bỏ mọi nhãn mác dán vào đồ chứa, rửa sạch và làm khô bên ngoài. Lắc nhẹ hay lộn đi, lộn lại chậm từng đơn vị, tránh không tạo thành bọt khí và quan sát khoảng 5 s trước bằng màu trắng. Tiến hành lặp lại trước bảng màu đen.

Đánh giá kết quả

Nếu có không quá một đơn vị có tiểu phân nhìn thấy bằng mắt thường, tiến hành kiểm tra lại với 20 đơn vị khác lấy ngẫu nhiên. Chế phẩm đạt yêu cầu phép thử, nếu có không quá một đơn vị trong số 40 đơn vị đem thử có tiểu phân nhìn thấy bằng mắt thường.

Hình 11.8.2 - Dụng cụ để soi độ trong
Hình 11.8.2 – Dụng cụ để soi độ trong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *