Biến chứng xảy ra khi đột quỵ
Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là tình trạng động mạch bị tắc hoặc bị vỡ gây tổn thường não do không cung cấp đủ oxy. Bệnh để lại những biến chứng vô cùng nặng nề mà chúng ta có thể được chứng kiến trực tiếp ngoài thực tế. Chúng là gì? Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như thế nào? Làm gì để cải thiện? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về 5 biến chứng do đột quỵ cần cảnh giác.
1. Co cứng cơ
Biến chứng đầu tiên phải kể đến là co chứng cơ. Các hoạt động của cơ bắp được kiểm soát bởi các tín hiệu não. Nếu phần não gửi tín hiệu bị tổn thương thì cơ sẽ hoạt động quá mức, được gọi là co cứng. Trong số người sống sót sau đột quỵ có khoảng 30% gặp phải tình trạng co cứng. Triệu chứng bao gồm:
– Một bàn tay nắm chặt.
– Đầu gối cứng.
– Khuỷu tay cong hoặc cánh tay ép vào ngực.
– Một bàn chân nhọn.
Cơ chân bị co cứng sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại, gia tăng nguy cơ ngã, khiến cơ thể mệt mỏi tốn nhiều năng lượng hơn. Phương pháp điều trị hiệu quả nhất là tập phục hồi chức năng bằng vật lý trị liệu, vận động trị liệu, phụ thuộc vào vùng bị bệnh hoặc mức độ trầm trọng. Các bài tập lặp đi lặp lại giúp thúc đẩy phần não không bị ảnh hưởng đảm nhận những công việc của vùng bị tổn thương, khôi phục khả năng kiểm soát của não với các cơ. Nếu không vận động, triệu chứng đột quỵ này có thể tồi tệ hơn, chính vì vậy cần di chuyển càng nhiều càng tốt, có thể nhờ bạn bè hoặc gia đình cùng phối hợp thực hiện các động tác.
Với những trường hợp nghiêm trọng có thể phải sử dụng thuốc để điều trị, phổ biến như Botulinum toxin A, thuốc giãn cơ,… theo chỉ định của bác sĩ chuyên gia từ bệnh viện.
Co cứng cơ sau đột quỵ
2. Liệt nửa người
Theo thống kê có khoảng 90% sau đột quỵ bị liệt vận đống (liệt nửa người, liệt các dây thần kinh sọ não, liệt tay chân, tê bì nửa người…). Nghiêm trọng hơn co cứng là liệt nửa người, không thể cử động 1 bên cơ thể, mất khả năng lao động, dẫn đến nằm lâu ngày gây loét, teo cơ, viêm phổi, loãng xương, không vận động được, mất cảm giác,… Để cải thiện tình trạng này có thể tiến hành massage, giữ ấm vùng mặt, tập vận động cả phần chi liệt, không liệt,…
3. Trầm cảm
Theo như nghiên cứu, có 85% người bệnh đột quỵ có thay đổi về cảm giác. Sau cơn đột quỵ, cảm thấy lo lắng hoặc buồn chán là điều bình thường. Tuy nhiên nếu suy sụp, buồn bã, đau khổ trong hơn hai tuần là dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Người đột quỵ có thể không còn hứng thú với những điều mình thường thích, khó ngủ, thiếu năng lượng, cơ thể mệt mỏi, buồn chán.
Bị đột quỵ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, khiến thay đổi cảm nhận về bản thân, lo lắng về tương lai. Đồng thời sự tác động lên não có thể gây ra những thay đổi cảm xúc, tính cách, tâm trạng. Từ đó có thể khiến người bệnh không hợp tác điều trị, làm trầm trọng hơn tình trạng đột quỵ. Vì vậy cần có phương pháp cải thiện tình trạng này. Bao gồm:
– Sử dụng những thuốc chống trầm cảm trong trường hợp vừa và nặng, đồng thời kết hợp với phương pháp điều trị tâm lý.
– Với trầm cảm nhẹ và trung bình, thay đổi lối sống, điều trị tâm lý có thể hữu ích hơn.
+ Liệu pháp nhận thức hành vi: Xác định và thay đổi những suy nghĩ của người bệnh theo hướng tích cực hơn được chứng minh hiệu quả nhất cho bệnh trầm cảm.
+ Liệu pháp hành vi: Thực hiện các hoạt động dễ chịu, bổ ích, giúp hòa hợp với cuộc sống.
+ Liệu pháp giữa các cá nhân: Tập trung cải thiện các mối quan hệ, tiếp xúc và giao tiếp với người khác nhiều hơn.
+ Liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm như thiền, giúp ngăn cản tâm trí suy nghĩ linh tinh, giảm cảm giác buồn bã, tiêu cực.
+ Thay đổi lối sống bằng những hoạt động lành mạnh giúp thoải mái cả về thể chất và tinh thần.
85% người bệnh đột quỵ có thay đổi về cảm giác sau đột quỵ
4. Rối loạn vận động về nhận thức và tư duy
Suy giảm nhận thức tổng quát trầm trọng có thể xảy ra ở 25% người bệnh đột quỵ. Sau cơn tai biến có thể gặp khó khăn với:
– Sự định hướng: Không biết mình đang ở đâu, người xung quanh là ai, bây giờ là mấy giờ,…
– Trí nhớ ngắn hạn: Người bệnh có thể không nhớ những người mình gặp gần đây, những việc mình làm trong thời gian trước đó.
– Dễ bị phân tâm, khó tập trung.
– Khó giải quyết vấn đề và khắc phục sự cố hoặc đưa ra những quyết định không có ý nghĩa.
– Tầm nhìn bị giảm đi, không nhìn thấy hoặc không nhận dạng ra đồ vật, không cảm thấy đau khi có va chạm, nhiệt độ quá nóng, lạnh ở một bên cơ thể.
Suy nghĩ, nhận thức, trí nhớ cũng như bất kỳ di chứng nào sau đột quỵ đều có thể cải thiện khi luyện tập. Lúc này, người bệnh có thể nghỉ ngơi, thư giãn, hạn chế công việc làm cùng một lúc hoặc hoạt động chậm lại, sử dụng sổ ghi chép, báo thức, nhật ký để ghi nhớ những công việc cần thiết, cẩn thận hơn khi lái xe,… giúp khắc phục được những biến chứng do đột quỵ để lại.
Mất trí nhớ có thể xảy ra sau đột quỵ
5. Mất ngôn ngữ
Có khoảng 20-30% số người đột quỵ bị mất ngôn ngữ. Tai biến mạch máu não có thể ảnh hưởng đến các cơ ở cổ họng và trong miệng khiến khó nói chuyện và khó nuốt. Nó kéo dài khiến thay đổi cuộc sống cả cá nhân người bệnh và những người xung quanh.
Ngoài ra còn có thể gây loạn vận ngôn ngữ làm thay đổi rõ rệt chất lượng và âm lượng giọng nói. Những người thân trong gia đình cần phát triển các kỹ năng để cải thiện tối đa khả năng giao tiếp cho người bệnh, đồng thời trong khi nói chuyện không nên cáu gắt, cần khuyến khích người tai biến nói chuyện nhiều hơn.
Tập ngôn ngữ cho người sau đột quỵ
Để hạn chế biến chứng xảy ra, ngay sau khi có dấu hiệu tai biến cần cẩn trọng làm theo những quy trình, chiến lược được Bộ Y tế khuyến cáo mới nhất.
Tham khảo thêm: chế độ ăn tốt để phục hồi nhanh bệnh đột quỵ. Bên cạnh đó, người bệnh cần hạn chế những yếu tố gây đột quỵ tái phát như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia…
Lời kết
Những biến chứng để lại do đột quỵ có thể được cải thiện từ từ, không gây nguy hiểm đến tính mạng nếu kiểm soát tốt. Cả người đột quỵ và người thân trong gia đình cần phối hợp với nhau kiên trì để cải thiện những biến chứng sau tai biến để lại. Trên đây là tài liệu tổng quan, mong rằng nó có thể như là cẩm nang dành cho mọi người có cái nhìn rõ hơn ràng hơn về biến chứng sau đột quỵ.
Các bài viết của Dược Điển Việt Nam chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị.