banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 1DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 2DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM BẢN BỔ SUNG

Râu Mèo (Herba Orthosiphonis spiralis) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
Râu mèo

Thân cành mang lá, hoa đã phơi hoặc sấy khô của cây Râu mèo [Orthosiphonspiralis (Lour.)Merr. {Clerodentranthus spicatus (Thunb.) C.Y. Wu}], họ Bạc hà (Lamiaceae).

Mô tả

Thân non vuông, nhẹ, xốp, dài 20 cm đến 50 cm, đường kính 1 mm đến 3 mm, mặt ngoài màu nâu tím sẫm, có rãnh dọc và có lông trắng nhỏ. Lá nguyên có cuống ngắn, phiến hình mũi mác dài 4 cm đến 6 cm, rộng 2 cm đến 3 cm, mép có răng cưa, đầu lá thuôn nhọn, hai mặt lá màu lục sẫm, phần gân chính có phủ lông mịn. Cụm hoa lá xim co ở ngọn thân và ở đầu cành. Dược liệu có mùi hăng, vị hơi mặn và sau hơi đắng.

Vi phẫu

Lá: Biểu bì trên và dưới mang lông che chở và lông tiết. Lông che chở có nhiều ở phần gân giữa, gồm 2 đến 6 tế bào, mặt lông phủ cutin lởm chởm. Lông tiết có chân ngắn 1 đến 2 tế bào, đầu 2 đến 4 tế bào, chân ngắn một tế bào nằm sâu trong lớp biểu bì. Hai đám mô dày nằm sát biểu bì trên và dưới ở phần gân chính. Bó libe-gỗ xếp hình vòng cung tách đôi nằm giữa phần mô mềm của gân chính. Phần phiến lá có mô dậu gồm một hàng tế bào hình chữ nhật xếp thẳng đứng dưới lớp biểu bì trên. Mô khuyết gồm 4 đến 6 hàng tế bào hình tròn.

Xem thêm: Mộc Qua (Quả) (Fructus Chaenomelis) – Dược Điển Việt Nam 5

Bột

Mảnh biểu bì và lỗ khí kiểu trực bào, lông che chở và lông tiết có dạng như đã mô tả ở phần vi phẫu. Mảnh mạch vạch, mạch xoắn, mạch mạng.

Định tính

Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel GF234.
Dung môi khai triển: Toluen – ethyl acetat – acetan – acid formic ( 5 :2 : 2 : 1).
Dung dịch thử: Ngâm và lắc kỹ 1 g bột dược liệu với 5 ml cloroform (TT) trong khoảng 10 min. Lọc và dùng dịch trong làm dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 1 g Râu mèo (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như mẫu thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 μl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, làm khô bản mỏng và phun hỗn hợp dung dịch acid boric 10 % – dung dịch acid oxalic 10% (2: 1), sau đó sấy ở 105 °C đến khi hiện rõ vết. Quan sát dưới ánh sáng thường. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết có cùng màu và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ờ bước  sóng 366 nm, vết màu vàng cho phát quang màu xanh lá mạ sáng.

Độ ẩm

Không quá 12,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 105 °c, 4 h).

Tro toàn phần

Không quá 12,0 % (Phụ lục 9.8)

Tro không tan trong acid

Không quá 6,0 % (Phụ lục 9.7).

Xem thêm: Mộc Hương (Rễ) (Radix Saussureae lappae) – Dược Điển Việt Nam 5

Tạp chất

Không quá 2,0% (Phụ lục 12.11).

Chất chiết được trong dược liệu

Không ít hơn 20,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.

Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10), Dùng ethanol (TT) làm dung môi.

Chế biến

Thu hái vào tháng 3 đến tháng 4, lúc cây có nụ, trước khi nở hoa. Lấy lá, thân và ngọn có nụ hoa về phơi hoặc sấy khô.

Bảo quản

Để nơi khô mát, tránh ánh sáng.

Tính vị, quy kinh

Cam đạm, vi khổ, lương. Vào các kinh thận, bàng quang.

Công năng, chủ trị

Thanh lợi thấp nhiệt, lợi tiểu. Chủ trị : Viêm thận, viêm bàng quang, sỏi thận, sỏi mật, viêm gan.

Cách dùng, liều dùng

Ngày dùng từ 5 g đến 6 g, dạng hãm hoặc sắc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *