Những đoạn thân, cành và lá đã phơi khô của loài Tầm gửi (Loranthus chinensis DC.) hoặc Loranthus cochinchinensis Lour.), họ Tầm gửi (Loranthaceae) sống kí sinh trên cây gạo, bưởi, mít và một số cây không độc khác.
Mô tả
Những đoạn thân, cành hình trụ dài 3 cm đến 4,5 cm, đường kính 0,2 cm đến 0,5 cm có khi phân nhánh. Mặt ngoài màu nâu xám có nhiều lỗ bì nhỏ, chất cứng chắc. Lá khô nhăn nhúm, nguyên hoặc đã cắt thành từng mảnh. Lá nguyên hình trứng, hơi dày, dài 6 cm đến 8 cm, rộng 2,5 cm đến 4,5 cm, cuống lá 0.5 cm đến1 cm, đỉnh lá nhọn, gân là hình lông chim không rõ.
Vi phẫu
Vi phẫu 2 loài tươmg tự nhau.
Gân lá: Phía trên hơi lồi, phía dưới lồi nhiều. Biểu bì trên và dưới là một hàng tế bào hình chữ nhật nhỏ, xếp đều đặn, phía ngoài phủ lớp cutin mỏng. Sát biểu bì là lớp mô dày. Mô mềm là những tế bào thành mỏng hình đa giác hay hình trứng. Trong mô mềm có các đám mô cũng tạo thành cung rải rác bao quanh các bó libe-gỗ. Có 3 bó libe-gỗ lớn ở 3 gân chính, cung libe phía trên và phía dưới bao quanh bó gỗ, Gỗ cấu tạo bởi các mạch gỗ xếp thành hàng xen kẽ trong nhu mô tạo thành các bó riêng biệt.
Phiến lá: Biểu bì trên và dưới là một hàng tế bào hình chữ nhật tương tự gân lá. Mô giậu không rõ. Trong mô mềm có thể cứng và rải rác có tinh thể calci oxalat hình khối.
Thân: Mặt cắt ngang có thiết diện tròn. Bần gồm nhiều hàng tế bào xếp thành vòng đồng tâm và dãy xuyên tâm, mặt ngoài phủ một lớp cutin mỏng. Mô mềm vỏ là những tế bào hình trứng hay đa giác thành mỏng. Trong mô mềm rải rác có các đám mô cứng. Libe gồm các bó nhỏ, ngoài mỗi bó có bó sợi, tầng phát sinh libe-gỗ không rõ. Phần libe-gỗ rất phát triển, libe phía ngoài, phần gỗ phía trong xếp thành các dài. Trong cùng là mô mềm ruột cấu tạo bởi các tế bào hình tròn hay đa giác có kích thước lớn, thành mỏng, rải rác có chứa các đám tinh thể calci oxalat hình khối.
Xem thêm: Lá Lốt (Herba Piperis lolot) – Dược Điển Việt Nam 5
Bột
Cả hai loài đều có đặc điểm tương tự.
Bột màu vàng lục, không mùi, không vị. Soi dưới kính hiển vi quan sát thấy: Mảnh biểu bì mang lỗ khí, mảnh mô mềm lá có các tế bào hình đa giác thành mỏng. Sợi đứng riêng lẻ hay tụ thành bó. Tế bào mô cứng có nhiều hình dạng khác nhau, thành dày, khoang hẹp. Mảnh mạch mạng, mạch xoắn. Tinh thể calci oxalat hình khối.
Định tính
A.Lấy 5 g bột dược liệu vào bình nón, thêm 50 ml ethanol 90 % (TT), đun cách thủy 10 min, lọc nóng, dùng dịch lọc làm các phản ứng sau:
Cho 1 ml dịch lọc vào ống nghiệm, thêm một ít bột magnesi (TT) và 5 giọt acid hydrocloric (TT), lắc đều rồi đặt vào nồi cách thủy nóng, xuất hiện màu đỏ.
Cho 1 ml dịch lọc vào ống nghiệm, thêm 2 giọt đến 3 giọt dung dịch sắt (III) clorid 5 % (TT), xuất hiện màu xanh đen. Nhỏ 1 giọt dịch lọc lên tờ giấy lọc, sấy khô rồi hơ lên miệng lọ amoniac đặc đã mở nút sẽ thấy màu vàng của vết đậm lên. Cho 1 ml dịch lọc vào ống nghiệm, thêm 3 giọt đến 5 giọt dung dịch natri hydroxyd 10% (TT), xuất hiện tủa và màu vàng của dung dịch tăng lên rõ rệt.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel GF254
Dung môi khai triển: Toluen – ethyl acetat – acid formic – nước ( 6 :5 : 1,5: 1).
Dung dịch thử: Lấy 5 g bột dược liệu chiết bằng methanol (TT) trong Soxhlet 2 h. Cất thu hồi dung môi đến cắn, hòa tan cắn bằng nước sôi 3 lần, mỗi lần 8 ml đến 10 ml lọc vào bình gạn. Lắc dịch lọc đã nguội với n-hexan (TT) để loại tạp, sau đó lắc với ethyl acetat (TT) 3 lần, mỗi lần 8 ml, gộp dịch chiết ethyl acetat cô tới khô, hòa tan cắn trong 1 ml methanol (TT) để chấm sắc ký.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 5 g Tầm gửi (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí, phun dung dịch nhôm clorid 3 % trong ethanol (TT). Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 366 nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng giá trị Rf và màu sắc với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Độ ẩm
Không quá 12,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g. 105 °C, 5 h).
Tro toàn phần
Không quá 13,0 % (Phụ lục 9.8).
Tạp chất
Không quá 1 % (Phụ lục 12.11).
Chế biến
Thu hái dược liệu, loại bỏ tạp chất, cắt đoạn 3 cm đến 5 cm, phơi khô trong bóng râm. Khi dùng có thể tẩm ruợu sao qua.
Bảo quản
Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mốc mọt.
Tính vị, quy kinh
Khổ, bình, Vào kinh can, thận.
Công năng, chủ trị
Khu phong trừ thấp, bổ can thận, mạnh gân xương, an thai, lợi sữa.
Chủ trị: Đau lưng, tê đau gân côt, viêm thận mạn tính, động thai, phụ nữ sau khi đẻ ít sữa.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng từ 12 g đến 20 g, dạng thuốc sắc. Thường phối hợp với các loại thuốc khác.