banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 1DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 2DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM BẢN BỔ SUNG

Thanh Bì (Pericarpium Citri reticulatae viride) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
thanh bì

Vỏ quả non hoặc vỏ quả chưa chín, phơi hay sấy khô của cây Quýt (Citrus reticulata Blanco), họ Cam (Rutaceae).
Có 2 loại Thanh bì: Tử hoa thanh bì và Cá thanh bì.

Mô tả

Tử hoa thanh bì: Vỏ quả được bổ thành 4 miếng đến đáy gốc, 4 mảnh này hình dạng không giống nhau, phần lớn cong vào phía trong, vỏ mỏng, hình bầu dục dài, chiều dài miếng 4 cm đến 6 cm, dày 0,1 cm đến 0,2 cm. Mặt ngoài màu lục xám hoặc màu lục đen, hơi ráp, có nhiều túi tiết, mặt trong màu trắng hoặc trắng vàng, ráp, có các gân trắng ngà hoặc nâu vàng nhạt. Chất hơi cứng, dễ bẻ gẫy, mặt cắt có 1 hàng đến 2 hàng túi tiết ở phần ngoài. Mùi thơm ngát,  vị đắng, cay. Vỏ màu lục đen, mặt trong trắng nhiều tinh dầu là tốt.
Cá thanh bì: Gần hình cầu, đường kính 0,5 cm đến 2,0 cm. Mặt ngoài lục xám hay lục đen, hơi ráp, có nhiều túi tiết nhỏ và chìm. Ở đỉnh quả có vòi nhụy hơi nhô lên, ở gốc quả có vết sẹo tròn của cuống quả. Chất cứng, mặt cắt màu trắng ngà hoặc màu nâu vàng nhạt, dày 1 cm đến 2 cm, có 1 hàng đến 2 hàng túi tiết ở phần ngoài. Mùi thơm ngát, vị đắng cay.

Bột

Tử hoa thanh bì: Bột màu lục xám hoặc nâu xám, nhiều tế bào mô mềm không đều nhau, thành hơi dày, một số dạng chuỗi hạt. Tế bào biểu bì vỏ quả hình đa giác hoặc hình gần vuông khi nhìn trên bề mặt, thành dày lồi lên. Tinh thể calci oxalat hình lăng trụ có trong tế bào mô mềm gần biểu bì, tế bào hình nhiều cạnh, hình thoi, hoặc vuông, đường kính 8 µm đến 28 µm, dài 24 µm đến 32 µm. Tinh thể hesperidin vàng nâu nhạt, hình bán cầu, tròn hoặc khối không đều. Mảnh mạch vòng, mạch xoắn.
Cá thanh bì: Tế bào biểu bì của múi cơm quả dài, hẹp, thành mỏng, một số hơi uốn lượn, có chứa tinh thể calci oxalat hình lăng trụ kích thước tương tự như ở vỏ quả; cùng có tinh thể hesperidin.

Xem thêm: Đương Quy Di Thực (Rễ) (Radix Angelicae acutilobae) – Dược Điển Việt Nam 5

Định tính

A. Lấy 0,3 g bột dược liệu, thêm 10 ml methanol (TT), đun hồi lưu trên cách thủy 20 min. Lọc lấy dịch lọc và làm các phản ứng sau:
Lấy 1 ml dịch lọc, thêm một ít bột magnesi (TT) và vài giọt acid hydrodoric. (TT), màu đỏ anh đào sẽ hiện dần ra.

Lấy 1 ml dịch lọc, thêm vài giọt dung dịch natri hydroxyd 5 % (TT), xuất hiện kết tủa màu vàng, tiếp tục thêm 1 ml nước cất, tủa sẽ tan ra.

Lấy 1 ml dịch lọc, thêm vài giọt dung dịch sắt (III) clorid 5 % (TT), xuất hiện màu xanh đen.
B. Phương pháp sắc ký lóp mỏng (Phụ lục 5.4)
Bản mỏng: Silica gel G đã hoạt hoá ở 110 °C trong 30 min.
Dung môi khai triển: Chroform – methanol – acid acetic ng – butanol (13 : 0,4 : 0,1 : 0,1).
Dung dịch thử: Dùng 5 ml dịch lọc ở mục Định tính A, cô trên cách thủy còn 1 ml.
Dung dịch đối chiếu: Dung dịch hesperidin bão hòa trong methanol (TT). Nếu không có hesperidin, lấy 0,3 g bột Thanh bì (mẫu chuẩn) rồi tiến hành chiết như mục Định tính A và cô 5 ml dịch lọc trên cách thủy còn 1 ml.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 µl mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký xong, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch nhôm clorid 3 % trong ethanol (TT). Quan sát dưới ánh sáng từ ngoại ở bước sóng 366 nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải cho các vết có cùng màu và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm

Không được quá 12,0 % (Phụ lục 12.13).

Định lượng

Cân chính xác khoảng 1 g bột dược liệu (qua rây có cỡ mắt rây 1,25 mm), cho vào bình Soxhlet thêm 100 ml ether dầu hỏa (60 °C đến 90 °C) (TT) đun hồi lưu trên cách thủy trong 1 h và loại bỏ dịch ether dầu hoả. Sau đó chuyển dược liệu sang bình nón 250 ml và đun hồi lưu trên cách thủy với methanol (TT) cho tới khi hết màu vàng (50 ml X 4 lần). Gộp các dịch chiết và cất thu hồi dung môi cho đến cắn. Thêm vào cắn 5 ml nước, khuấy và để yên 10 min, lọc qua phễu lọc xốp, tiếp tục rửa bằng nước (5 ml x 4 lần) và loại bỏ nước rửa. Hòa tan cắn trên phễu bằng những lượng nhỏ dung dịch natri hydroxyd 0,2 % trong ethanol 70 % (TT) đến khi dịch lọc hết màu vàng. Gộp các dịch lọc vào bình định mức 100 ml, thêm dung dịch natri hydroxyd 0,2 % trong ethanol 70 % (TT) đến vạch (dung dịch A). Lắc kỹ, lấy chính xác 1 ml dung dịch A, pha loãng thành 25 ml bằng dung dịch natri hydroxyd 0,2 % trong ethanol 70 % (TT), đo độ hấp thụ (Phụ lục 4.1) ở bước sóng 361 nm. Tính hàm lượng hesperidin (C28H34O5) theo A (1 %, 1 cm), lấy 160 là giá trị của A (1 %, 1 cm) ở 361 nm.
Hàm lượng hesperiđin trong vỏ quả không được ít hơn 5,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.

Xem thêm: Đương Quy (Rễ) (Radix Angelicae sinensis) – Dược Điển Việt Nam 5

Chế biến

Thu hoạch vào thảng 5 -6. Thu thập các quả quýt non tự rơi rụng, rửa sạch, phơi khô (thường gọi là Cá thanh bì). Thu hái quả chưa chín vào tháng 7 – 8, rửa sạch, bổ dọc thành 4 mảnh vỏ dính nhau ở đáy quả, loại bỏ hoàn toàn ruột, phơi khô (thường gọi là Tứ hoa thanh bì).

Bào chế

Lấy thanh bì. loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái lát dày hoặc thành sợi, phơi khô.
Thổ thanh bì (chế dấm): Trộn đều miếng hoặc sợi Thanh bì với dấm, cho vào nồi, sao nhỏ lửa đến có màu hơi vàng, lấy ra phơi khô. Cứ 100 kg Thanh bì dùng 15 L dấm.

Bảo quản

Bảo quản ở nơi khô mát, trong bao bì kín.

Tính vị, quy kinh

Khổ, tân, ôn. Vào các kinh can, đởm. vị.

Công năng, chủ trị

Sơ can, phá khí, tiêu tích, hoá trệ.

Chủ trị: Ngực, sườn đau trướng, sán khí, hạch vú, nhọt vú, thực tích đau bụng.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 6 g đến 9 g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ

Người can huyết hư không có khí trệ thì kiêng dùng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *