Vừng đen (Hạt) hay Mè đen
Hạt già phơi khô của cây Vừng đen (Sesanum indicum DC.), họ Vừng (Pedaliaceae).
Mô tả
Hạt dẹt, hình trứng dài, 1 đầu nhọn, 1 đầu tròn, dài chừng 3 mm (có khi tới 5 mm), rộng 2 mm. Mặt ngoài màu đen, nhẵn bóng hoặc hơi có vân lưới. Có hạt noãn màu nâu ở đỉnh quả (đầu nhọn). Vỏ hạt mỏng, 2 lá mầm màu trắng có dầu. Mùi thơm, vị hơi ngọt.
Bột
Bột màu nâu xám hoặc đen nâu, có mùi thơm, vị hơi ngọt, miết lên tay thấy nhờn, bết dính.
Soi kính hiển vi thấy: Mảnh mô mềm gồm các tế bào hình đa giác, thành mỏng, chứa đầy tinh bột và những giọt dầu; Nhiều hạt tinh bột dính nhau thành đám hoặc nằm riêng rẽ, kích thước thay đồi, hình đa giác hoặc bầu dục, rốn hạt rõ. Tinh thể calci oxalat hình cầu hoặc gần cầu rải rác hoặc nằm trong tế bào biểu bì vỏ quả, đường kính 14 µm đến 38 µm. Tinh thể calci oxalat hình trụ rải rác, đường kính 2 µm đến 12 µm, dài 24 µm.
Định tính
A. Lấy 1 g dược liệu đã giã dập, thêm 10 ml ether dầu hỏa (60 °C đến 90 °C) (TT), ngâm trong 1 h. Gạn lớp chất lỏng vào một ống nghiệm, thêm 10 ml acid hydrocloric (TT) có chứa 0,1 g đường trắng (TT), lắc trong 30 s, màu hồng xuất hiện trong lớp acid và dần dần chuyển sang màu đỏ khi để yên.
B. Phương pháp sắc kỷ lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Cyclohexan – ether – ethyl acetat (20 : 5,5 : 2,5).
Dung dịch thử: Tán nhỏ 0,5 g dược liệu, thêm 20 ml ethanol (TT), lắc siêu âm 20 min, lọc, bay hơi dịch lọc trên cách thủy tới khô. Hòa tan cắn trong 1 ml ethanol (TT), để yên, dùng lớp dung dịch ở phía trên làm dung dịch chấm sắc ký.
Dung dịch đối chiếu: Dùng 0,5 g hạt Vừng đen (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí, phun dung dịch acid sulfuric 10 % trong ethanol (TT), sấy bản mỏng ở 100 °C đến 105 °C cho đến khi các vết hiện rõ. Quan sát dưới ánh sáng thường. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Xem thêm: VÔNG NEM (Lá) (Folium Erythrinae variegatae) – Dược Điển Việt Nam 5
Độ ẩm
Không được quá 7,0 % (Phụ lục 12.13).
Tạp chất
Không được quá 3 % (Phụ lục 12.11).
Tro toàn phần
Không được quá 8,0 % (Phụ lục 9.8).
Dùng 1,0 g dược liệu.
Tro không tan trong acid
Không được quả 1,0 % (Phụ lục 9.7).
Hàm lượng chất béo
Không ít hơn 30,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.
Cân chính xác khoảng 10 g dược liệu (bột nửa thô), đặt vào dụng cụ Soxhlel, thêm 100 ml ether ethylic (TT), đun trên cách thủy sôi 5 h. Chuyển dịch chiết vào bình thủy tinh đã cân bì trước, cô trên cách thủy đến cạn. Sấy cạn ở 105 °C trong 3 h, lấy ra để nguội trong bình hút ẩm 60 min, cân xác định khối lượng cắn.
Tính phần trăm lượng cắn thu được theo dược liệu khô kiệt.
Chế biến
Thu hoạch vào mùa thu. Khi quả chín, cắt cả cây đem phơi khô đập lấy hạt, loại bỏ tạp chất, phơi khô.
Bảo quản
Trong bao bì kín, để nơi khô ráo. Tránh mọt.
Bào chế
Khi dùng, đem hạt vừng sao nhỏ lửa tới khi hạt nổ lách tách, phồng đều, mùi thơm đặc trưng, lấy ra, tãi mỏng cho nguội.
Xem thêm: VỐI (Nụ hoa) (Flos Cleistocalysis operculati) – Dược Điển Việt Nam 5
Tính vị, quy kinh
Vị ngọt, tính bình, không độc. Vào các kinh tỳ, can, thận.
Công năng, chủ trị
Công năng: Bổ can thận, đường huyết, chỉ huyết, nhuận tràng thông tiện, lợi sữa.
Chủ trị: Thiếu máu do huyết hư, tóc bạc sớm, xuất huyết do giảm tiểu cầu, táo bón, sau đẻ ít sữa.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 12 g đến 60 g. Dạng bột hoặc nấu cháo.
Kiêng kỵ
Tỳ vị hư hàn, ỉa chảy không dùng.