Hạt đã phơi khô của cây Đậu đen [ Vigna cylindrica (L.) Skeels], họ Đậu (Fabaceae).
Mô tả
Hạt hình thận, vỏ màu đen bóng có chiều dài 6 mm đến 9 mm, chiều ngang từ 5 mm đến 7 mm, chiều dẹt 3,5 mm đến 6 mm. Rốn hạt màu sáng trắng. Trọng lượng hạt từ 106 mg đến 115 mg. Hạt dễ vỡ thành 2 mảnh lá mầm. Đầu của 2 mảnh hạt có chứa 2 lá chồi, 1 trụ mầm.
Bột
Mảnh mô mềm chứa các hạt tinh bột, thành tế bào màu đen. Hạt tinh bột hình thận dài 15 µm đến 30 µm, rộng 10 µm đến 18 µm, rốn một vạch hay phân nhánh, có vân tăng trưởng mờ. Mảnh vỏ gồm các tế bào nhỏ màu đen. Rải rác có các mảnh mạch nhỏ.
Định tính
Lấy khoảng 1 g dược liệu, thêm 10 ml nước, đun sôi cách thủy trong 10 min. Để nguội, lọc. Lấy 5 ml dịch lọc cho vào ống nghiệm. Thêm 1 ml dung dịch acid hydrocloric 10 % (TT), dung dịch chuyển sang màu đỏ. Tiếp tục thêm 1 ml dung dịch natri hydroxyd 10 % (TT), dung dịch chuyển sang màu xanh đen.
Protein toàn phần
Cân chính xác 0,2 g bột dược liệu đã xác định độ ẩm cho vào bình Kjeldahl rồi tiến hành theo phương pháp Định lượng nitrogen trong hợp chất hữu cơ (Phụ lục 10.9, phương pháp 1) nhưng dùng dung dịch acid sulfuric 0,1 N (CĐ) để cho vào bình hứng và dùng dung dịch natri hydroxyd 0,1 N (CĐ) để chuẩn độ acid sulfuric thừa trong dung dịch cất được.
Song song tiến hành làm mẫu trắng.
Hàm lượng protein toàn phần được xác định theo công thức:
X(%)= (a-b) x 0,0014 x 5,07 x 100 x 100 / (m(100-d))
Trong đó:
a là thể tích dung dịch natri hydroxyd 0.1 N (CĐ) dùng để chuẩn độ mẫu trắng (ml);
b là thể tích dung dịch natri hydroxyd 0,1 N (CĐ) dùng để chuẩn độ mẫu thử (ml);
m là khối lượng mẫu thử tính bằng g;
d là độ ẩm của mẫu thử (%);
0,0014 là hệ số tinh chuyển lượng nitrogen tương ứng 1 ml dung dịch acid sulfuric 0,1N;
5,07 là hệ số chuyển đổi nitrogen ra protein.
Dược liệu phải có hàm lượng protein không ít hơn 25,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.
Xem thêm: Đương qui (Rễ) – Dược Điển Việt Nam 5
Độ ẩm
Không quá 10 % (Phụ lục 9.6, Ig, 105 °c, 5 h).
Kích thước hạt
Toàn bộ hạt đậu đen qua rây số 7000 (đường kính lỗ mắt rây 7 mm). Số lượng hạt đậu đen qua rây 5000 không vượt quá 25 % (đường kính lỗ mắt rây 5 mm). Tất cả các hạt đậu đen không qua rây số 4000 (đường kính lỗ mắt rây 4 mm).
Tro toàn phần
Không quá 4,0 % (Phụ lục 9.8).
Tro không tan trong acid
Không quá 0,15 % ( Phụ lục 9.7).
Tạp chất
Không quá 0,1 % (Phụ lục 12.11).
Độ sượng
Cân 50 g dược liệu cho vào cốc có dung tích 250 ml, đổ ngập nước, đun sôi cách thủy trong 60 min. Lấy 100 hạt bất kỳ rồi bóp trên 2 đầu ngón tay, đếm số hạt không bóp được. Độ sượng (là phần trăm hạt không bóp được) không được vượt quá 8 % (hạt/hạt).
Xác định độ nhiễm côn trùng
Cân khoảng 65 g dược liệu cho lên mặt sàng, nhúng cả sàng vào dung dịch chứa 10 g kali iodid (TT) và 5 g iod (TT) vừa đủ trong 500 ml nước. Tiếp đó nhúng cả sàng vào dung dịch kali hydroxyd 0,5 % (TT). Lấy dược liệu ra khỏi sàng và rửa bằng nước lạnh trong 20 s. Không được thấy vết đen hoặc lỗ đen trên bề mặt hạt (không được nhiễm côn trùng).
Chế biến
Thu hoạch vào tháng 6 hoặc tháng 7, chọn những quả già vỏ đã ngả màu đen, đem phơi khô và đập tách lấy riêng hạt. Tiếp tục phơi khô hạt đến độ ẩm qui định.
Bào chế
Đạm đậu sị: Lấy đậu đen vo sạch, ngâm nước 1 đêm. Để cho ráo nước, đồ chín. Trải đều trên nong nia hoặc trên chiếc chiếu sạch, đợi ráo lấy lá chuối khô sạch ủ kín 3 ngày, khi thấy lên meo vàng đem phơi khô ráo, tưới nước cho đủ ẩm, cho vào thùng ủ kín bằng lá dâu. Khi lên meo vàng thì lấy ra phơi 1 h lại tưới nước và ủ như trên. Làm như vậy cho đủ 5 đến 7 lần. Cuối cùng đem chưng rồi phơi khô và cho vào bình đậy kín để dùng trong các bài thuốc.
Bảo quản
Đóng trong thùng kín, để nơi khô mát tránh mốc mọt, côn trùng,
Tính vị, quy kinh
Cam bình. Qui vào kinh thận.
Công năng, chủ trị
Trừ phong, thanh thấp nhiệt, lương huyết, giải độc, lợi tiểu tiện, tư âm, đùng bổ thận, sáng mắt, trừ phù thũng do nhiệt độc, giải độc.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng từ 20 g đến 40 g, có thể hơn.
Dùng để chế Đạm đậu si và làm phụ liệu.
Kiêng kỵ
Tỳ vị hư hàn mà không nhiệt độc không dùng. Ghét Long đởm, kỵ Hậu phác.