banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 1DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 2DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM BẢN BỔ SUNG

Hương Nhu Tía (Herba Ocimi tenuiflori) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
Hương nhu tía

Tên khác: É tía

Đoạn đầu cành có hoặc không có hoa được phơi trong bóng râm hoặc sấy nhẹ cho đến khô của cây Hương nhu tía (Ocimum tenuiflorum L. hay O. sanctum L.), họ Bạc hà (Lamiaceae).

Mô tả

Đoạn đầu thân và cành có thiết diện vuông, mặt ngoài màu nâu tím, có nhiều lông, Lá mọc đối chéo chữ thập, cuống dài 1 cm đến 2 cm. Phiến lá hình trứng, đầu thuôn nhọn, dài 2 cm đến 4 cm, rộng 1,5 cm đến 3,5 cm, mép có răng cưa màu xanh lục ở mặt trên, tím đậm hoặc phớt tím ở mặt dưới, có lông. Hoa là xim co ở đầu cành, xếp thành từng vòng 6 đến 8 hoa. Dược liệu khô thường có một số lá và hoa đã rụng, để lại cuống ở trên cành. Quả bế, với bốn phân quả đựng trong đài tồn tại. Quả khô, ngâm vào nước sẽ trương nở một lớp chất nhầy màu trắng bao bọc chung quanh. Toàn cây có mùi thơm đặc trưng, vị hơi cay, tê.

Vi phẫu

Lá: Biểu bì trên và biểu bì dưới có mang lông che chở đa bào gồm 2 tế bào đến 10 tế bào xếp thành dãy dài. Tế bào của lông có thành khá dày, chỗ chân lông dính vào biểu bì các tế bào nhô cao tạo thành u lồi. Lông tiết có chân gồm 1 tế bào đến 2 tế bào ngắn, đầu thường có 2 tế bào đến 4 tế bào chứa tinh dầu màu vàng. Ở vùng gân chính có mô dày nằm sát biểu bì trên và biểu bì dưới. Cung libe-gỗ thường chia làm hai, phần trên có hai bó libe-gỗ nhỏ quay xuống đối diện với hai cung libe-gỗ to. Cung mô dày dính kèm theo phía dưới của cung libe. Phần phiến lá có một lớp mô dậu ở sát biểu bì trên, kế đến là mô khuyết.

Bột

Bột màu xanh nâu, mùi thơm, vị hơi cay. Dưới kính hiển vi thấy: Lông che chở đa bào có nhiều đoạn thắt, bề mặt lấm tấm. Lông tiết chân 1 đến 2 tế bào ngắn, đầu có 2 đến 4 tế bào chứa tinh dầu màu vàng. Mảnh biểu bì lá có lỗ khí (kiểu trực bào). Mảnh mạch vạch, mạch xoắn, mạch mạng, mạch chấm. Hạt phấn hoa hình cầu đường kính 35 đến 39 μm, có 6 rãnh, bề mặt có dạng mạng lưới. Mảnh cánh hoa có tế bào màng ngoằn ngoèo, mang nhiều lông tiết. Sợi đứng riêng lẻ hay chụm thành từng đám. Tế bào mô cứng thành dày và có ống trao đổi rõ.

Xem thêm: Đậu Xanh (Hạt) (Semen Vignae radiatae) – Dược Điển Việt Nam 5

Định tính

A. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Cyclohexan – ethyl acetat (9 : 1).
Dung dịch thử: Lấy tinh dầu đã thu được ở phần Định lượng, pha loãng trong xylen (TT) theo tỷ lệ 1 : 1.
Dung dịch đối chiếu: Hòa tan 5 giọt eugenol chuẩn trong 1 ml xylen (TT).
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng khoảng 20 μl các dung dịch trên. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được khoảng 12 cm, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí, phun dung dịch vanilin 1 % trang acid sulfuric (TT), sấy bản mỏng ở 110 °C trong 5 min. Quan sát dưới ánh sáng thường. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có vết cùng màu và giá trị Rf với vết của eugenol trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu {trên sắc ký đồ của dung dịch thử, theo thứ tự từ vạch chấm sắc ký, các vết có màu sắc như sau: vết màu tím, vết màu vàng cam (eugenol), vết màu xanh tím}.

Có thể phun dung dịch sắt (III) clorid 1 % trong ethanol (TT) lên bản mỏng khác sau khi khai triển ở hệ dung môi trên để phát hiện riêng vết eugenol có màu vàng nâu.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Cloroform – methanol (9 : 1).
Dung dịch thử: Lấy khoảng 1 g bột dược liệu, thêm 30 ml methanol (TT), siêu âm 10 min, lọc. Lấy dịch lọc cất thu hồi dung môi tới còn khoảng 1 ml dùng làm dung dịch chấm sắc ký.
Dung dịch đối chiếu: Hòa tan acid ursolic chuẩn trong methanol (TT) để được dung dịch có nồng độ khoảng 0,2 mg/ml.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng khoảng 10 μl dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được 12 cm đến 13 cm, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí, phun lên bản mỏng dung dịch acid sulfuric 10 % trong ethanol (TT), sấy bản mỏng ờ 105 °C đến khi các vết hiện rõ. Quan sát dưới ánh sáng thường, trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có vết cùng màu tím đỏ và cùng giá trị Rf với vết của acid ursolic trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Xem thêm: Đậu Ván Trắng (Hạt) (Semen Lablab) – Dược Điển Việt Nam 5

Độ ẩm

Không được quá 13,0 % (Phụ lục 12.13).
Dùng 10 g dược liệu đã cắt nhỏ.

Tro toàn phần

Không được quá 16,0 % (Phụ lục 9.8).

Tro không tan trong acid

Không được quá 3,0 % (Phụ lục 9.7).

Tạp chất

Không được quá 1,0 % (Phụ lục 12.11).

Định lượng

Định lượng tinh dầu trong dược liệu (Phụ lục 12.7).
Cho 40 g dược liệu khô đã cắt nhỏ vào bình cầu dung tích 500 ml của bộ dụng cụ định lượng tinh dầu trong dược liệu, thêm 300 ml nước, 0,5 ml xylen (TT) vào ống hứng tinh dầu có khắc vạch, tiến hành cất trong 4 h.
Dược liệu phải chứa ít nhất 0,5 % tinh dầu tính theo dược liệu khô kiệt.

Chế biến

Thu hái khi cây ra hoa, rửa sạch, để nguyên hoặc cắt thành từng đoạn 2-3 cm, phơi âm can đến khô.

Bảo quản

Dược liệu để nơi khô mát, tránh làm mất tinh dầu.

Tính vị, quy kinh

Tân, ôn. Vào hai kinh phế, vị.

Công năng, chủ trị

Phát hãn, thanh thử, tán thấp hành thủy.

Chủ trị: Cảm nắng, cảm hàn, sốt nóng sợ rét, nhức đầu, đau bụng đi ngoài, tức ngực, nôn mửa, chuột rút, cước khí, thủy thũng.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 6 g đến 12 g dược liệu khô. dạng thuốc sắc hay thuốc hãm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *