banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 1DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 2DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM BẢN BỔ SUNG

Hương Phụ (Thân rễ) (Rhizoma Cyperi) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
Hương phụ

Tên khác: Củ gấu, Củ gấu biển, Củ gấu vườn

Thân rễ đã loại bỏ rễ con và lông, phơi hay sấy khô của cây Hương phụ vườn (Cyperus rotundus L.), hoặc cây Hương phụ biển (Cyperus stoloniferus Retz.), họ Cói (Cypceraceae).

Mô tả

Hương phụ vườn: Thân rễ (thường gọi là củ) hình thoi, thể chất chắc, dài 1 cm đến 3 cm, đường kính 0,4 cm đến 1 cm. Mặt ngoài màu xám đen, có nhiều nếp nhăn dọc và đốt ngang (mỗi đốt cách nhau 0,1 cm đến 0,6 cm); trên mỗi đốt có lông cứng mọc thẳng góc với củ, màu xám đen và có nhiều vết tích của rễ con. Vết cắt ngang có sợi, mặt nhẵn bóng, phần vỏ có màu xám nhạt, trụ giữa màu nâu sẫm. Mùi thơm, vị hơi đắng ngọt, sau đó có vị cay.
Hương phụ biển: Thân rễ hình thoi, thể chất chắc, kích thước củ không đều nhau, kích thước trung bình 1 cm đến 5 cm, đường kính 0,5 cm đến 1,5 cm, mặt ngoài có màu nâu hay nâu sẫm; có nhiều nếp nhăn dọc và đốt ngang củ (mỗi đốt cách nhau 0,1 cm đến 0,6 cm); trên mỗi đốt có lông cứng mọc nghiêng theo chiều dọc, về phía đầu củ, màu nâu hay nâu sẫm và có nhiều vết tích của rễ con. Vết cắt ngang có sợi, mặt nhẵn bóng, phần vỏ màu hồng nhạt, trụ giữa màu nâu sẫm. Mùi thơm, vị hơi đắng ngọt, sau đó có vị cay.

Xem thêm: Đăng Tâm Thảo (Medulla Junci effusi) – Dược Điển Việt Nam 5

Vi phẫu

Vi phẫu Hương phụ vườn và Hương phụ biển giống nhau. Biểu bì gồm một hàng tế bào hình trái xoan, to nhỏ không đều. Hạ bì gồm 2 đến 3 hàng tế bào thành dày hình vuông hay chữ nhật, rải rác có các đám sợi hóa gỗ. Mô mềm vỏ khoảng hai mươi đến ba mươi hàng tế bào thành mỏng, hình hơi tròn hay trái xoan, xếp lộn xộn, trong đó có nhiều hạt tinh bột và tế bào tiết hình tròn hoặc teo lại thành nhiều cạnh. Trong mô mềm vỏ còn có các đám libe-gỗ, mỗi đám gồm mạch gỗ bao quanh libe. Nội bì gồm một vòng tế bào hình vuông nhỏ, thành hơi dày. Trụ bì gồm một hàng tế bào hình chữ nhật, thành mỏng, xếp sát nội bì. Mô mềm ruột gồm những tế bào hình tròn to, thành mỏng, trong đó có chứa tinh bột và các đám libe-gỗ.

Bột

Bột của Hương phụ vườn màu hồng nhạt và của Hương phụ biển màu trắng xám. Soi dưới kính hiển vi thấy: Tế bào mô cứng hình chữ nhật hay nhiều cạnh, màu vàng nhạt, thành dày, có ống trao đổi rõ. Tế bào tiết hình tròn hay bầu dục, trong đó có chất tiết màu vàng, xung quanh có 5 tế bào đến 8 tế bào xếp tỏa ra rất đặc biệt. Hạt tinh bột hình tròn haỵ bầu dục, rộng 4 μm đến 25 μm, rốn và vân không rõ. Tế bào nội bì màu vàng, hình chữ nhật, thành dày. Mảnh mạch vạch, mạch mạng.

Định tính

A. Lấy 10 g bột dược liệu, làm ẩm bằng 20 ml amoniac (TT), lắc kỹ với 60 ml cloroform (TT). Gạn lấy lớp cloroform, bốc hơi trên cách thủy tới cắn. Hòa cắn bằng 15 ml dung dịch acid hydrocloric 1 % (TT). Lọc, lấy dịch lọc chia đều vào 3 ống nghiệm để làm các phản ứng sau;
Ống 1: Thêm 1 giọt đến 2 giọt thuốc thử Mayer (TT), xuất hiện tủa trắng đục.
Ống 2: Thêm 1 giọt đến 2 giọt thuốc thử Bouchardat (TT), xuất hiện tủa nâu.
Ống 3: Thêm 1 giọt đến 2 giọt thuốc thử Dragendorff (TT), xuất hiện tủa vàng cam.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel GF254
Dung môi khai triển: Dicloromethan – ethyl acetat – acid acetic băng (80 : 1 : 1).
Dung dịch thử: Lấy 1,0 g bột dược liệu, thêm 5 ml ether (TT), ngâm trong 1 h, thỉnh thoảng lắc, lọc và để dịch lọc bay hơi tự nhiên đến cắn. Hòa tan cắn trong 0,5 ml ethyl acetat (TT) được dung dịch chấm sắc ký.
Dung dịch chất đối chiếu: Hoà tan α-cyperon chuẩn trong ethyl acetat (TT) để được dung dịch có nồng độ khoảng 1 mg/ml.
Dung dịch dược liệu đối chiếu: Nếu không có α-cyperon chuẩn, lấy 1,0 g bột Hương phụ (mẫu chuẩn) tương ứng, chiết như dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 μl mỗi dung dịch thử và dung dịch dược liệu đối chiếu, 2 μl dung dịch α-cyperon đối chiếu. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại bước sóng 254 nm. Các vết thu được trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết thu được trên sắc ký đồ của dung dịch dược liệu đối chiếu hoặc có vết cùng màu lam thẫm và cùng giá trị Rf với với vết α-cyperon thu được trên sắc ký đồ của dung dịch chất đối chiếu.
Tiếp tục phun lên bản mỏng dung dịch 2,4-dinitrophenyl hydrazin, các vết trên sắc ký đồ phải dần dần chuyển sang màu đỏ cam.
Cách pha dung dịch 2,4-dinitrophennyl hydrazin: Lấy 1,5 g 2,4-dinitrophenyl hydrazin (TT), hòa tan trong 20 ml dung dịch acid sulfuric 50% (TT), chuyển dung dịch thu được vào bình định mức 100 ml, thêm nước đến vạch, trộn đều, lọc.

Xem thêm: Đào (Hạt) (Semen Pruni) – Dược Điển Việt Nam 5

Độ ẩm

Không quá 13,0 % (Phụ lục 12.13).
Dùng 10 g dược liệu đã tán nhỏ.

Tro toàn phần

Không quá 3,5 % (Phụ lục 9.8).

Tro không tan trong acid

Không quá 1,0 % (Phụ lục 9.7).

Tạp chất (Phụ lục 12.11)

Tỷ lệ dược liệu còn lông và phần gốc thân còn gắn vào củ (dài quá 0,5 cm đến 1 cm): Không quá 8,0 %.
Tỷ lệ dược liệu cháy đen: Không quá 1,0 %,
Tạp chât khác: Không quá 0,5 %.

Kim loại nặng

Không được quá 20 phần triệu.
Dùng 1 g dược liệu, tiến hành thử theo phương pháp 3, Phụ lục 9.4.8. Sử dụng 2 ml dung dịch chì mẫu 10 phần triệu Pb (TT) để chuẩn bị dung dịch đối chiếu.

Chất chiết được trong dược liệu

Không ít hơn 15,0 % đối với Hương phụ (nguyên củ hoặc đã nghiền vụn, thái lát) tính theo dược liệu khô kiệt.
Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10), dùng ethanol 50 % (TT) làm dung môi.

Định lượng

Tiến hành theo phương pháp “Định lượng tinh dầu trong dược liệu” (Phụ lục 12.7). Dùng 50 g dược liệu thô, thêm 300 ml nước, 50 ml glycerin (TT), cất tinh dầu trong 5 h.

Hàm lượng tinh dầu không được ít hơn 0,5 % đối với Hương phụ (nguyên củ hoặc đã đập vụn, thái lát) tính theo dược liệu khô kiệt.

Chế biến

Thu hoạch vào mùa thu, lấy dược liệu về, phơi khô, đốt cháy hết thân lá, lông và rễ con, sau đó rửa sạch phơi khô.

Bào chế

Hương phụ: Lấy Hương phụ đã được chế biến ở trên, đập vụn hoặc làm ẩm và ủ một đêm cho mềm rồi thái lát mỏng, sấy khô. Dược liệu là những mảnh vụn, hoặc lát có mặt vỡ hoặc mặt cắt màu nâu vàng hay trắng, mùi thơm, vị đắng.
Hương phụ chế: Lấy Hương phụ chia đều làm 4 phần: Tẩm 1 phần bằng nước muối 5 %, 1 phần bằng nước gừng 5 %, 1 phần bằng giấm và 1 phần bằng rượu. Tẩm đủ ướt hoặc theo tỷ lệ cứ 10 kg hương phụ dùng 2 L nước muối 5 % hoặc 2 L nước gừng 5 % hoặc 2 L giấm hoặc 2 L rượu, ủ riêng mỗi phần trong 12 h rồi sao vàng đến khi có mùi thơm. Riêng phần tẩm rượu nên sao xong mới tẩm. Khi dùng trộn đều 4 phần với nhau.

Bảo quản

Để nơi khô, mát, tránh mốc, mọt. tránh làm bay tinh dầu.

Tính vị, quy kinh

Vị hơi cay. hơi đắng, tính bình. Quy kinh can, tỳ, tam tiêu.

Công năng, chủ trị

Hành khí chỉ thống, giải uất điều kinh, kiện vị tiêu thực.

Chủ trị: Đau dạ dày, tiêu hóa kém, đau cơ, đau ngực sườn, đau dây thần kinh ngoại biên, đau đầu, đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng từ 6 g đến 9 g, dạng thuốc sắc.

Kiêng kỵ

Âm hư huyết nhiệt không nên dùng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *