banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 1DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 2DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM BẢN BỔ SUNG

Cỏ Mần Trầu (Herba Eleusinis indicae) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
Cỏ mần trầu

Toàn cây mang hoa đã rửa sạch, phơi hay sấy khô của cây Cỏ mần trầu [Eleusine indica (L.) Gacrtn.], họ Lúa (Poaceae).

Mô tả

Dược liệu được cắt thành đoạn dài 4 cm đến 6 cm, màu lục vàng nhạt, mùi thơm nhẹ; bao gồm đoạn trục mang cụm hoa, đoạn lá, thân, đốt thân mang lá, cụm thân và lá, cụm gốc thân và rễ.

Cụm hoa gié xếp 2 dãy so le thành 5 đến 7 gié, dài 7 cm đến 9 cm đính ở đỉnh trục phát hoa ở ngọn thân, thường có 1 gié đính ở mức thấp hơn. Các gié ở ngọn, gié già hơn ở gốc. Trục phát hoa hình trụ hơi dẹp, nhẵn bóng, có nhiều sọc dọc nổi lên. Gié dài 4 mm, có 3 đến 5 hoa. Hoa ở gốc già hơn. Gié có 2 dĩnh, dĩnh dưới nhỏ hơn dĩnh trên. Dĩnh trên hình mũi mác, thuôn mềm, đầu nhọn, dài 2,5 mm đến 3 mm, rộng khoảng 0,5 mm, màu trong, có lườn, có 4 đến 7 gân màu xanh, mặt lưng có răng cưa nhọn. Dĩnh dưới tương tự, dài 1,5 mm đến 2,0 mm, rộng 0,1 mm đến 1,5 mm, có 1 gân màu xanh, mặt lưng có răng cưa nhọn dài hơn dĩnh trên. Hoa dài 3 mm đến 4 mm có 2 trấu. Trấu dưới hình mũi mác, trong, thuôn nhọn, có 2 đến 4 gân, dài 2.5 mm đến 3,0 rộng 0,5 mm đến 0,75 mm, mặt lưng có răng cưa nhọn. Trấu trên giống trấu dưới, dài 1,5 mm đến 2,0 mm, rộng 0,2 mm đến 0,4 mm, có 1 gân.

Quả hình trứng hoặc bầu dục, màu xanh bóng hoặc đen dài 1,2 mm đến 1,5 mm.

Đoạn thân nhẵn bóng, hơi dẹt, có nhiều sọc dọc nhô lên. Có đoạn mang đốt, tại mỗi đốt chia thành 2 đến 5 nhánh nhó xếp so le, mỗi nhánh có bẹ lá ôm phía ngoài, đôi khi có mang rễ phụ nhỏ.

Cụm gốc thân mang rễ chùm: Gồm 3 đến trên 10 gốc thân nhỏ mang rễ chùm xếp sít nhau. Phần gốc mang các rễ chùm nhỏ màu nâu vàng, đường kính khoảng 0,1 mm đến 0,5 mm.

Vi phẫu

Rễ: Cắt ngang rễ qua vùng lông hút cho thấy rễ có tiết diện tròn, cấu tạo đối xứng qua trục, gồm hai vùng: vùng vỏ và trung trụ.

Vùng vỏ: Chiếm khoảng 1/2 đường kính vi phẫu rễ. Tầng lông hút cấu tạo bởi một lớp tế bào có vách mỏng bằng celulose, mọc dài ra thành lông hút. Tầng suberoid gồm 2 đến 4 lớp tế bào hình đa giác vách tẩm suberin. sắp xếp lộn xộn, kích thước không đều nhau, tế bào các lớp phía trong có kích thước nhỏ hơn, khoảng 1/3 đến 1/4 kích thước các tế bào ở lớp ngoài. Mô mềm vỏ gồm những tế bào có vách mỏng bằng celulose, chia thành hai vùng: mô mềm vỏ ngoài có cấu tạo bởi những tế bào hình đa giác gần tròn, sắp xếp lộn xộn chứa những khuyết lớn; mô mềm vỏ trong có cấu tạo bởi những tế bào hình chữ nhật sắp xếp thành dãy xuyên tâm và vòng đồng tâm, để hở những khe nhỏ ở góc tế bào, 1 đến 2 lớp tế bào mô mềm vỏ sát lớp nội bì kích thước nhỏ hơn. Nội bì hình chữ U gồm 1 lớp tế bào hình chữ nhật xếp khít nhau, kích thước bằng các tế bào mô mềm vỏ trong cùng.

Trung trụ: Bó dẫn gồm libe xếp xen kẽ với gỗ trên một vòng theo hướng xuyên tâm, số lượng nhiều (18 đến 22 bó). Quanh tủy còn rải rác 5 đến 7 mạch gỗ cấp I hình đa giác gần tròn, kích thước lớn hơn hẳn gỗ cấp II. Lớp mô mềm tủy hẹp, một phần hóa mô cứng để lại một khối hình sao ở giữa rễ gồm các tế bào mô mềm với vách cellulose.

Thân: Vi phẫu hình bầu dục không đối xứng. Từ ngoài vào trong gồm: Biểu bì gồm 1 lớp tế bào hình chữ nhật, kích thước rất nhỏ, lớp cutin khá dày. Mô mềm vỏ cấu tạo bởi 3 đến 4 lớp tế bào hình đa giác gần tròn, vách cellulose. Trong vùng mô mềm vỏ rải rác có các cụm mô cứng. Vòng mô cứng gồm 5 đến 7 lớp tế bào hình đa giác vách dày, kích thước nhỏ. Nhiều bó libe-gỗ xếp lộn xộn từ vòng mô cứng vào trong, càng vào trong kích thước các bó càng lớn. Mỗi bó gồm một cụm nhỏ libe có tế bào hình đa giác, vách hơi uốn lượn, 1 đến 3 mạch hậu mộc to, hình tròn hoặc bầu dục; 1 đến 2 mạch tiền mộc hình tròn nằm trong vùng mô mềm vách celulose, một số bó có mạch tiền mộc bị hủy để lại một khuyết. Bao bên ngoài mỗi bó dẫn là 1 đến 2 lớp tế bào mô cứng hình đa giác. Mô mềm tủy gồm các tế bào hình đa giác gần tròn, kích thước không đều, sắp xếp chừa các khe nhỏ. Tủy bị hủy tạo khuyết.

Lá:

Gân giữa: Biểu bì trên gồm các tế bào hình chữ nhật, kích thước khá đều nhau; biểu bì dưới hóa mô cứng, tế bào hình chữ nhật nhỏ hơn biểu bì trên, sát biểu bì dưới là cụm mô cứng gồm 2 đến 4 lớp tế bào rất nhỏ hình đa giác, khoang hẹp. Mô mềm gồm nhiều lớp tế bào hình đa giác gần tròn, kích thước rất lớn. Các bó dẫn kích thước khác nhau xếp thành hàng dọc theo biểu bì dưới, có một bó lớn ở chính giữa gân. Mỗi bó gồm gỗ ờ trên, libe ở dưới; tế bào libe hình đa giác, thành uốn lượn; gỗ có mạch hậu mộc to, hình tròn, 1 đến 2 mạch tiền mộc trong vùng mô mềm vách cellulose. Bao bên ngoài bó libe-gỗ là 2 vòng mô, vòng mô cứng bên trong gồm 1 đến 2 lớp tế bào hình đa giác, vòng mô mềm bên ngoài gồm 1 lớp tế bào hình đa giác to, bên ngoài vòng này có 1 đến 2 lớp tế bào mô mềm hình thuôn dài, kích thước không đều.

Phiến lá: Biểu bì trên lồi nhiều ờ các vị trí có bó libe-gỗ, lõm ở các vị trí tế bào bọt. Tế bào biểu bì trên và biểu bì dưới hình chữ nhật hóa mô cứng, tế bào biểu bì dưới lớn hơn biểu bì trên, lỗ khí rải rác ở cả hai biểu bì. Trên lớp biểu bì trên có các tế bào bọt, hình đa giác hoặc gần tròn kích thước lớn. Mô cứng tạo thành cụm phía trên và dưới bó libe-gỗ. gồm các tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ. Nhiều bó dẫn kích thước không đều xếp xen kẽ với các vị trí tế bào bọt. cấu tạo bó dẫn giống như bó dẫn ở gân giữa. Mô mềm gồm các tế bào hình đa giác xen giữa các các bó dẫn.

Xem thêm: Cúc hoa vàng (Cụm hoa) – Dược Điển Việt Nam 5

Bột

Bột màu vàng xanh, không mùi, khô tơi, có nhiều sợi. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh biểu bì gồm các tế bào hình chữ nhật, thành uốn lượn, mang lỗ khí; mảnh mô mềm gồm các tế bào hình đa giác hoặc hình chữ nhật, thành mỏng; mảnh mạch xoắn, mạch mạng, mạch vòng; sợi có 2 loại: loại thành dày khoang rộng và loại thành dày khoang hẹp. ống trao đổi rõ; khối nhựa màu nâu đỏ.

Định tính

A. Lấy 2 g bột dược liệu, thêm 20 ml ether (TT). Ngâm 30 min, thỉnh thoảng lắc, lọc. Lấy 10 ml dịch lọc cho vào chén sứ, bốc hơi đến cắn. Hòa tan cắn với 0,5 ml anhydrid acetic (TT), thêm 0,5 ml cloroform (TT). Chuyển dung dịch vào một ống nghiệm nhỏ, khô. Dùng pipet thêm cẩn thận 1 – 2 ml acid sulfuric (TT) theo thành ống nghiệm để nghiêng cho acid chảy xuống đáy ống nghiệm. Nơi tiếp xúc giữa hai lớp dung dịch có màu đỏ nâu, lớp dung dịch phía trên dần dần chuyển thành màu xanh lục.

B. Lấy 5 g bột dược liệu cho vào bình nón nút mài, thêm 50 ml ethanol 96 % (TT), đun hồi lưu trên cách thủy trong 30 min, lọc, được dịch lọc A.

Lấy 5 ml dịch lọc A cho vào chén sứ, bốc hơi còn khoảng 2 ml và gạn dịch ethanol vào 1 ống nghiệm nhỏ. Thêm vào dung dịch một ít bột magnesi (TT) và 1 đến 2 giọt acid hydrocloric (TT), dung dịch có màu hồng đến đỏ.

Lấy 5 ml dịch lọc A cho vào ống nghiệm. Thêm 2 ml dung dịch acid hydrocloric 10 % (TT) và đun trên cách thủy 10 min, dung dịch có màu hồng tới đỏ.

Lấy 2 ml dịch lọc A, thêm vào vài giọt dung dịch sắt (III) clorid 1 % (TT), xuất hiện màu xanh đen.

C. Đun sôi 2 g dược liệu đã cắt nhỏ với 50 ml nước trong 10 min, lọc. Lấy 3 ml dịch lọc, thêm 0,5 ml dung dịch Fehling A (TT) và 0,5 ml dung dịch Fehling B (TT). Đun cách thủy 5 min, có kết tủa đỏ gạch dưới đáy ống nghiệm.

D. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).

Bản mỏng: Silica gel GF254.

Dung môi khai triển: Cloroform – methanol (7 : 3).

Dung dịch thử: Lấy 5 ml dịch lọc A, bốc hơi trên cách thủy còn khoảng 1 ml, được dung dịch thử.

Dung dịch đối chiếu: Lấy 5 g bột Cỏ mần trầu (mẫu chuẩn), chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch vanilin 1% trong acid sulfuric (TT), sấy bản mỏng ở 120°C đến khi các vết hiện rõ. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại tại bước sóng 366 nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết có cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Xem thêm: Cỏ tranh (Thân rễ) – Dược Điển Việt Nam 5

Độ ẩm

Không được quá 10,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 100°C, 4 b).

Tro toàn phần

Không đuợc quá 9,0 % (Phụ lục 9.8).

Tro không tan trong acid

Không được quá 3,0 % (Phụ lục 9.7).

Chất chiết được trong dược liệu

Không ít hơn 4,5 % tính theo dược liệu khô kiệt.

Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10), dùng ethanol 96 % (TT) làm dung môi.

Chế biến

Thu hái quanh năm, tốt nhất là cuối mùa xuân. Nhổ lấy cả cây, rửa sạch đất cát, phơi khô se, cắt đoạn 4 cm dến 6 cm. Có thể dùng tươi hoặc phơi khô để dùng trong năm.

Bảo quản

Trong bao bì kín, để nơi khô, tránh nấm mốc, sâu mọt.

Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, tính mát. Vào kinh can, tâm, bàng quang.

Công năng, chủ trị

Thanh nhiệt, phát hãn, hạ sốt, giải độc mát gan. lợi tiểu.

Chủ trị: Sốt cao, sốt do cảm nắng, đau đầu, viêm gan hoàng đản, sốt rét, cao huyết áp, mụn nhọt lở ngứa, tiểu tiện vàng, đỏ, bí, dắt.

Cách dùng, liều lượng

Ngày 80 g đến 120 g (cây tươi); 16 g đến 20 g (khô). Dạng thuốc sắc.

Kiêng kỵ

Không có thực nhiệt không dùng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *