Tên khác: Khổ qua
Quả xanh còn tươi hoặc quả xanh đã phơi hay sấy khô của cây Mướp đắng (Momordica charantia L.), Họ Bí (Cucurbitaceae).
Mô tả
Quả hình thoi dài 12 cm đến 18 cm, đường kính 3 cm đến 5 cm, gốc và đầu quả thuôn nhọn, mặt ngoài màu xanh có nhiều gai tù, thịt quả dày, vị đắng, trong quả chứa nhiều hạt dẹt dài 13 mm đến 15 mm, rộng 4 mm đến 8 mm, có màng bao quanh hạt.
Sau khi chế biến, dược liệu đã phơi hay sấy khô là những phiến mỏng hình lưỡi liềm, hình gần tròn, thường rỗng ở giữa, có viền màu vàng nâu bên ngoài của vỏ quả, màu trắng hơi vàng bên trong (thịt quả), phiến dày từ 3 mm đến 5 mm, rộng từ 0,7 cm đến 1,5 cm, dài từ 5 cm đến 8 cm. Mùi thơm nhẹ.
Bột
Thịt quả phơi sấy khô, tán thành bột mịn, quan sát dưới kính hiển vi thấy: Nhiều hạt tinh bột hình tròn, bầu dục to nhỏ không đều; bó sợi, mô mềm, mạch xoắn, mạch vạch.
Xem thêm: Cốt Khí (Rễ) (Radix Polygoni cuspidati) – Dược Điển Việt Nam 5
Định tính
A.Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silicagel GF254.
Dung môi khai triển: Cloroform – methanol (10 : 1).
Dung dịch thử: Cho 5 g bột thịt quả đã sấy khô tán nhỏ vào bình nón có dung tích 100 ml, thêm 50 ml ethanol 20 % (TT), trộn đều rồi để qua đêm. Lọc, thêm 10 ml dung dịch chì acetat 10 % (TT) vào dịch lọc. lắc đều, lọc. Loại chì thừa trong dịch lọc hằng cách thêm 3 ml dung dịch natri sulfat bão hòa (TT), lắc kỹ, lọc bỏ tủa, chuyển dịch lọc vào bình gạn, lắc dịch lọc 3 lần, mỗi lần với 10 ml hỗn hợp ethanol – cloroform (1 ; 3), gạn lấy lớp dưới, loại nước bằng natri sulfat khan (TT), bốc hơi dịch chiết trên cách thủy đến khô, hòa tan cắn bằng 2 ml ethanol 90 % (TT) được dung dịch thử (dung dịch A).
Dung dịch đối chiếu: Lấy 5 g bột thịt quả Mướp đắng (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.
Cách tiến hành. Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi khai triển, lấy bản mỏng ra để khô ở nhiệt độ phòng. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 366 nm, có các vết phát quang màu xanh lơ. Tiếp tục phun dung dịch vanilin 1 % trong acid phosphoric (TT), sấy bản mỏng ở 100 °C đến khi xuất hiện các vết. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu,
B. Lấy 1 ml dung dịch A cho vào ông nghiệm nhỏ, thêm 2 giọt dung dịch thymol 20 % trong ethanol (TT) và thêm 1 ml acid sulfuric (TT), xuất hiện màu đỏ.
Độ ẩm (đối với dược liệu khô)
Không quá 10 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 85 °C, 5 h).
Tro toàn phần
Không được quá 8,0 % (Phụ lục 9.8). Dùng 1,0 g dược liệu khô.
Tạp chất (đối với dược liệu khô)
Không được quá 1 % (Phụ lục 12.11).
Xem thêm: Côn Bố (Laminariue Thallus) – Dược Điển Việt Nam 5
Chất chiết được trong dược liệu
Không ít hơn 20,0 %, tính theo dược liệu khô kiệt.
Tiến hành phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10), dùng ethanol 90 % (TT) làm dung môi.
Sử dụng 10 g dược liệu khô đã được tán thành bột thô.
Chế biến
Thu hái quả trưởng thành, còn xanh, loại bỏ chỗ sâu, rửa sạch đổ ráo nước, bổ đôi và bỏ hạt, có thể dùng tươi hay thái lát mỏng theo chiều vuông góc với quả, dày 3 mm đến 5 mm, phơi hoặc sấy khô.
Bào chế
Sao nhỏ lửa đen khi toàn bộ bề mặt phiến thuốc có màu hơi vàng, mùi thơm.
Bảo quản
Trong bao bì kín, để nơi khô mát, tránh mốc mọt.
Tính vị, quy kinh
Đắng, tính hàn. Vào các kinh tỳ, phế, thận.
Công năng, chủ trị
Thanh nhiệt, nhuận tràng, giải háo khát, lợi tiểu.
Chủ trị; Ho do tính nhiệt, sốt, táo bón, tiểu buốt, dắt, tiểu đường. Dùng ngoài tắm, rửa khi bị mụn nhọt, lở ngứa.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 12 g đến 16 g (dược liệu khô). Dạng thuốc sắc, hãm. Dùng ngoài với lượng thích hợp.
Kiêng kỵ
Tỳ vị hư hàn, đau bụng, ỉa chảy không dùng