banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 1DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 2DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM BẢN BỔ SUNG

Bồ Kết (Gai) (Spina Gleditsiae australis) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
Bồ Kết (Gai)

Tên khác: Tạo giác thích

Gai ở thân và cành đã phơi hay sấy khô của cây Bồ kết (Gleditsia australis Hemsl.), họ Đậu (Fabaceae).

Mô tả

Gai phân nhánh, các gai chính to hơn và thường mang 1 đến 2 nhánh gai nhỏ. Gai chính hình nón thuôn dài, chiều dài từ 3 cm đến 15 cm, đường kính từ 0,3 cm đến 1 cm; gai nhánh dài từ 1 cm đến 6 cm, đinh nhọn. Mặt ngoài màu nâu đến nâu tía. Chất cứng, khó bẻ gãy. Mùi nhẹ, vị nhạt.
Dược liệu đã thái lát: Các lát thường thon về phía đỉnh (ngọn) bên trong có phần gỗ màu trắng hơi vàng, phần tủy màu hơi nâu đỏ; chất giòn, dễ bẻ gãy.

Vi phẫu

Biểu bì gồm 1 hàng tế bào được phủ cutin, đôi khi có lông che chở đơn bào. Mô mềm vỏ gồm 2 đến 3 hàng tế bào, rải rác có tế bào chứa chất màu đỏ nâu. Bó sợi trụ bì xếp thành vòng không liên tục, được bao quanh bởi các tế bào mô mềm thành mỏng chứa tinh thể calci oxalat hình lăng trụ, thường kèm 1 hoặc 1 – 3 nhóm tế bào đá. Libe hẹp. Tầng phát sinh libe-gỗ thành vòng không liên tục. Gỗ thành vòng, tia gỗ có 1 – 2 tế bào. Ruột rộng, tế bào mô mềm ruột có chứa các hạt tinh bột.

Bột

Bột màu nâu, có nhiều sợi. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh biểu bì màu nâu nhạt, gồm các tế bào nhiều cạnh, thành dày, chứa tinh thể calci oxalat hình lăng trụ và chất màu đỏ nâu. Mảnh mô mềm gồm các tế bào nhiều cạnh thành mỏng. Sợi gồm nhiều loại, có loại màu vàng nhạt, dài, thành dày, khoang không rõ, đôi khi kèm theo các tế bào thành mỏng chứa tinh thể calci oxalat hình lăng trụ và chất màu đỏ nâu. Có loại sợi gỗ dài, thành dày, khoang rộng, đứng riêng lẻ hay kèm theo mảnh mạch. Đám tế bào mô cứng thành dày, khoang rộng, có ống trao đổi rõ. Mảnh mạch mạng, mạch chấm.

Xem thêm: MỘC HOA TRẮNG – Dược Điển Việt Nam V

Định tính

A. Lấy khoảng 1 g bột dược liệu, ngâm với 5 ml nước trong 1 h, lọc. Cho dịch lọc vào ống nghiệm, lắc, có nhiều bọt bên trong 15 min.
B. Lấy khoảng 1 g bột dựơc liệu, thêm 10 ml ethanol 90 % (TT), đun sôi trên cách thủy 10 min, lắc, lọc. Lấy 1 ml dịch lọc, thêm 0,5 ml anhydrid acetic (TT), thêm từ từ 0,5 ml acid sulfuric (TT) xuống đáy ống nghiệm, tại lớp phân cách giữa 2 dung dịch có màu nâu đỏ.
C. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Lớp dưới của hỗn hợp dung môi gồm dicloroethan- methanol- amoniac (9:1: 0,2).
Dung dịch thử: Lấy khoảng 1 g bột dược liệu, thêm 10 ml methanol (TT), lắc siêu âm trong 30 min, lọc. Bay hơi dịch lọc tới cắn khô, hòa cắn trong 10 ml nước, chiết với 10 ml ethyl acetat (TT), tách lớp dịch chiết ethyl acetat và để bay hơi đến cắn khô, hòa cắn trong 1 ml methanol (TT) được dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu:Lấy khoảng 1 g bột gai Bồ kết (mẫu chuẩn), chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra để khô trong không khí, quan sát dưới ánh đèn tử ngoại ở bước sóng 366 nm. Những vết phát huỳnh quang thu được trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có cùng màu và cùng giá trị Rf với các vết phát huỳnh quang thu được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu. Tiếp tục phun dung dịch vanilin – acid sulfuric (TT), sấy bản mỏng ở 100 °C cho đến khi hiện rõ vết. Quan sát dưới ánh sáng thường. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm

Không quá 12,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 105°C, 4 h).

Tạp chất

Không quả 1 % (Phụ lục 12.11).

Chế biến

Gai bồ kết thu hái quanh năm, phơi khô hoặc thái lát rồi mới phơi hay sấy khô.

Bào chế

Loại bỏ tạp chất; gai chưa thái lát thì ngâm qua nước cho mềm, thái lát dày 0,1 cm đến 0,3 cm, phơi khô.

Xem thêm: MỎ QUẠ (Lá) – Dược Điển Việt Nam V

Bảo quản

Để nơi khô, định kỳ phơi sấy, tránh ẩm, tránh mọt.

Tính vị, quy kinh

Tân, ôn. Vào các kinh can, vị.

Công năng, chủ trị

Tiêu thũng, trừ độc, trừ mủ, sát trùng.

Chủ trị: Nhọt độc sơ khởi hoặc làm mủ không vỡ. Dùng ngoài điều trị ngứa, lở, hủi.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 3 g đến 9 g, dạng thuốc sắc. Thường dùng phối hợp với một số vị thuốc khác. Dùng ngoài lượng thích hợp, có thể chưng giấm, lấy dịch chiết để bôi, đắp nơi đau.

Kiêng kỵ

Phụ nữ có thai không nên dùng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *