Kháng nguyên HBsAg trên bề mặt virus viêm gan B
Viêm gan B là bệnh phổ biến trên gan. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là cách tốt nhất để phòng ngừa biến chứng ung thư gan. Xét nghiệm chỉ số HBsAg giúp chẩn đoán sớm viêm gan siêu vi B. Hãy cùng tìm hiểu về ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của chỉ số này qua bài viết dưới đây.
I. Chỉ số HBsAg là gì?
HBsAg là kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B được tìm thấy trong huyết thanh bệnh nhân, có tên đầy đủ là Hepatitis B surface Antigen. Xét nghiệm đo lường chỉ số HBsAg có nghĩa quan trọng để sàng lọc, xác định đối tượng bệnh nhân có bị nhiễm viêm gan B hay không.
II. Tại sao cần xét nghiệm HBsAg?
Gan là cơ quan đầu tiên tiếp xúc với các chất độc khi xâm nhập vào cơ thể và cũng là bộ phận giữ vai trò chủ yếu trong việc chuyển hóa, đào thải các chất độc ra ngoài. Chính vì thế đây cũng là cơ quan dễ chịu thương tổn từ nhiều bệnh lý và các chất độc hại dẫn đến biến chứng nguy hiểm là ung thư gan. Việc phát hiện sớm các nguyên nhân ban đầu gây bệnh sẽ là cơ sở quan trọng để các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị, ngăn ngừa nguy cơ biến chứng nguy hiểm của gan.
Gan bị thương tổn bởi các tác nhân bên ngoài
Theo báo cáo, tỷ lệ người nhiễm viêm gan B là 1:7 tức là cứ 7 người thì có 1 người bị và với dân số Việt Nam ước tính hiện nay là 100 triệu người thì đang có 15 triệu người mắc bệnh viêm gan B ngoài cộng đồng. Điều nguy hiểm là bệnh có diễn biến âm thầm với các triệu chứng bệnh trên lâm sàng khá kín đáo, nên sẽ khó phát hiện ra nếu không làm xét nghiệm.
Chỉ số HBsAg là xét nghiệm quan trọng để xác định sự có mặt của virus viêm gan B trong cơ thể người nghi nhiễm, từ đó sẽ giúp điều trị tránh các tổn thương gan gây biến chứng ung thư.
Xét nghiệm HBsAg giúp sớm nhận diện virus viêm gan B gây tổn thương gan
III. Ý nghĩa từ kết quả định lượng chỉ số HBsAg
1. Kết quả dương tính (+)
Với kết quả dương tính có nghĩa là tìm thấy kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B trong huyết thanh người bệnh, điều này chứng tỏ bạn đã từng nhiễm bệnh hoặc đang nhiễm virus viêm gan B, thường thì sẽ đang ở giai đoạn cấp của viêm gan B. Tiến triển của bệnh sẽ có 10-15% người bệnh chuyển từ cấp tính sang mạn tính rồi sang các bệnh lý thương tổn gan khác như xơ gan và ung thư gan nguyên phát.
Đối với xét nghiệm HBsAg miễn dịch tự động, khi chỉ số HBsAg lớn hơn 1.0 COI hoặc SO nghĩa là cao (tức là dương tính) và HBsAg dưới 1.0 là an toàn.
2. Phải làm gì khi xét nghiệm chỉ số HBsAg cho kết quả dương tính?
Trong trường hợp này, bạn cũng không nên quá lo lắng, hãy tin và làm theo các hướng dẫn điều trị của bác sĩ, đừng suy sụp, hoảng loạn tinh thần. Trên thực tế có rất nhiều người bị viêm gan B vẫn khỏe mạnh và “chung sống” suốt đời cùng virus. Cũng có rất nhiều trường hợp bệnh đã khỏi khi thực hiện đúng phác đồ của bác sĩ yêu cầu.
Chú ý tuyệt đối không nghe và làm theo các bài thuốc lạ gắn tên “gia truyền” khi chưa được các Bộ y tế kiểm chứng vì sẽ làm phức tạp thêm tình hình bệnh do có thể chứa các chất độc gây tổn hại thêm cho gan.
Không sử dụng các “Thuốc gia truyền” không rõ nguồn gốc xuất xứ
Thay đổi lối sống cũng như chế độ ăn uống để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Thêm vào khẩu phần ăn các thực phẩm có thể cải thiện chức năng của gan như trứng, sữa, thịt nạc, các loại rau quả giàu vitamin C… tuyệt đối không dùng rượu, bia và các chất kích thích, giảm căng thẳng, stress, thức khuya. Thường xuyên tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút đi bộ nhanh mỗi ngày.
Thực phẩm nên ăn khi có HBsAg dương tính
Để tìm hiểu những lạo thực phẩm tốt cho người bị viêm gan B có thể tham khảo thêm tại bài viết: Chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho người viêm gan B.
3. Kết quả âm tính (-)
Các test không tìm thấy kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B, có nghĩa là người này chưa bị lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa người đó được phép chủ quan mà phải nhanh chóng tiêm phòng vacxin để phòng ngừa các nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Chú ý: Hiện nay có nhiều phương pháp để làm xét nghiệm trong đó có phương pháp xét nghiệm nhanh chỉ cho kết quả âm tính hoặc dương tính nên có thể có sai sót. Cần phải theo dõi thêm các trường hợp men gan tăng không rõ nguyên nhân và tiến hành làm thêm các xét nghiệm khác để có chẩn đoán chính xác nhất.
Kết quả xét nghiệm HBsAg
4. Xét nghiệm chỉ số HBsAg âm tính có cần điều trị không?
HBsAg âm tính đồng nghĩa với việc bạn không bị viêm gan B và có thể yên tâm về nó. Tuy nhiên đừng vôi chủ quan bởi vì kết quả âm tính giả trong xét nghiệm có thể xảy ra. Đó có thể đến từ những nguyên nhân khác nhau như:
– Lỗi kỹ thuật của máy, hoặc thao tác sai của nhân viên xét nghiệm (tuy điều này là không phổ biến, nhưng bạn cũng nên kiểm tra lại định kỳ khi có các dấu hiệu nghi nhiễm viêm gan B).
– Xét nghiệm sử dụng các test có độ nhạy thấp, dẫn đến sự hạn chế trong việc phát hiện sự có mặt của virus viêm gan B do nồng độ thấp.
– Người bệnh bị nhiễm viêm gan B ở “thể ngủ” trạng thái virus không sinh trưởng, phát triển. Điều này có nghĩa tuy kết quả là âm tính nhưng không có nghĩa người đó không có virus viêm gan B trong người.
Vì vậy, việc xét nghiệm HBsAg có cho kết quả âm tính thì vẫn có thể nghi ngờ bệnh. Để chắc chắn người bệnh có thể làm thêm các xét nghiệm khác, đi khám định kỳ. Bên cạnh đó cần duy trì lối sống an toàn, lành mạnh.
IV. Khi nào thì nên đi kiểm tra chỉ số HBsAg
Vì bệnh viêm gan B có diễn biến âm thầm và các triệu chứng không rõ ràng nên tốt nhất nên đi khám tổng thể định kỳ 6 tháng 1 lần. Ngoài ra, khi có một số bất thường như đau vùng hạ sườn phải (góc phần tư phía trên bên phải của bụng), chán ăn, vàng da, vàng mắt…thì gan của bạn đang bị tổn thương và việc đi kiểm tra chức năng gan, trong đó có chỉ số HBsAg là cần thiết.
Hoặc khi bạn có nghi nhiễm lây từ người bị viêm gan B cũng cần phải thực hiện xét nghiệm HBsAg:
– Đường máu: Dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, bấm móng tay hay các đồ dùng có thể gây tổn thương chảy máu khác.
– Đường tình dục: Không sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ với người có chẩn đoán viêm gan B.
Nhiều người nhầm tưởng viêm gan B có thể lây qua đường ăn uống, để hiểu rõ vấn đề này mời bạn tham khảo bài viết: Quan niệm sai lầm về viêm gan B
Đi xét nghiệm HBsAg ngay khi có triệu chứng vàng da, vàng mắt
V. Một số thắc mắc về xét nghiệm chỉ số HBsAg
– Khi định lượng chỉ số HBsAg có cần nhịn ăn không?
Kết quả của xét nghiệm HBsAg không phụ thuộc hay chịu ảnh hưởng bởi thức ăn, nên bạn không cần phải nhịn ăn khi muốn làm xét nghiệm.
– Phụ nữ mang thai có nên làm xét nghiệm HBsAg không?
Phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cao trong truyền nhiễm viêm gan B do virus có thể lây truyền từ mẹ sang con (đặc biệt ở lúc chuyển dạ đẻ), nếu mẹ có chỉ số HBsAg dương tính thì trẻ sinh ra có tỉ lệ nhiễm bệnh là 95%. Vì vậy việc xét nghiệm sàng lọc là cực kỳ cần thiết để có thể tầm soát sự lây nhiễm này.
– Nên làm xét nghiệm HBsAg ở đâu?
Hiện nay có nhiều cơ sở từ các tuyến bệnh viện nhà nước cho đến phòng khám tư nhân đã đủ khả năng xét nghiệm được chỉ số HBsAg. Nhưng việc lựa chọn địa điểm là hết sức quan trọng, không nên lựa chọn các cơ sở không uy tín, năng lực chuyên môn của kỹ thuật viên chưa được đảm bảo vì có thể sẽ gây ra các kết quả sai lệch.
– Các chỉ số xét nghiệm viêm gan B khác.
Ngoài chỉ số HBsAg thì để có thể chắc chắn hơn trong việc đưa ra kết luận, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm khác như Anti-HBs, HbeAg, Anti-Hbe, Anti-HBc, Anti-HBc IgM.
Xét nghiệm HBsAg ở đâu là tốt?
Hy vọng qua bài viết trên đã mang đến các thông tin hữu ích giúp mọi người hiểu hơn về chỉ số HBsAg. Viêm gan B là bệnh cộng đồng, việc xét nghiệm HBsAg là cách tốt nhất để phát hiện sớm bệnh, từ đó kịp thời điều trị và tránh lây lan ra cộng đồng. Hãy đến các cơ sở y tế để được khám và làm xét nghiệm định kỳ, cùng chung tay bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.