Việt Nam là nước có tỷ lệ người mắc viêm gan B cao với hơn 10 triệu người nhiễm bệnh. Đây là căn bệnh nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan và thậm chí là tử vong. Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu những quan niệm sai lầm về viêm gan B để phòng và điều trị bệnh hiệu quả hơn.
1. Bệnh viêm gan B là bệnh di truyền?
Viêm gan B có di truyền không? Thực tế, viêm gan B là bệnh truyền nhiễm, không di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vậy tại sao những người trong cùng gia đình thường mắc bệnh hơn:
– Những người trong gia đình có nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc với máu của người bệnh từ các vật dụng hàng ngày như dao cạo râu, bàn chải đánh răng…
– Mặt khác, nếu mẹ bị mắc viêm gan B nhưng khi mang thai không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả thì nguy cơ lây từ mẹ sang con là rất cao. Do đó mọi người có thể nhầm lẫn tính di truyền của bệnh trong trường hợp này.
Phụ nữ bị viêm gan B muốn mang thai khỏe mạnh và không lây nhiễm sang thai nhi cần thăm khám bác sĩ và chuẩn bị kỹ trước khi mang thai và tiêm vaccine cho trẻ ngay sau khi sinh để giảm nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con.
Xem thêm: Viêm gan B khi mang thai nguy hiểm như thế nào?
2. Viêm gan virus mạn tính phải có các dấu hiệu: Đau vùng gan, chán ăn, giảm cân, vàng da?
Viêm gan B không có biểu hiện rõ ràng, do đó người bệnh rất khó nhận biết mình mắc bệnh hay không. Hầu hết người bị viêm gan virus B mạn tính không có triệu chứng mặc dù bệnh vẫn tiến triển âm thầm, gây tổn hại nặng tới gan, dẫn tới xơ gan và ung thư gan.
Chỉ khi viêm gan B ở thể hoạt động, các virus viêm gan B hoạt động mạnh mới gây ra các triệu chứng như :
+ Sốt nhẹ, vàng da, mệt mỏi, chán ăn.
+ Đau vùng bụng, nặng hơn là rối loạn đông máu gây xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết dưới da…
Viêm gan B thể hoạt động mới có triệu chứng
Các triệu chứng thường kéo dài trong 1-2 tháng. Một số bệnh nhân có thể bị vàng da kéo dài nhưng không quá 6 tháng.
Xem thêm: Viêm gan B có nguy hiểm không? Sống được bao lâu?
3. Tất cả người viêm gan B đều sẽ chết vì xơ gan và ung thư gan?
Xơ gan và ung thư gan là những bệnh lý đặc biệt nguy hiểm ở gan và có nguy cơ tử vong cao nếu mắc phải. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xơ gan, ung thư gan, trong đó có viêm gan B.
Viêm gan B tồn tại trong cơ thể, gây phá hủy các tế bào gan, lâu ngày khi bệnh nặng, càng nhiều tế bào gan bị phá hủy, hình thành sẹo và các mô xơ, tạo thành xơ gan. Có đến 80% người bị xơ gan chuyển thành ung thư gan và có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân viêm gan B bị ung thư gan dù chưa có xơ gan.
Không phải ai cũng bị xơ gan, ung thư gan khi nhiễm HBV
Xơ gan, ung thư gan có thể được xem là “án tử” với người bị viêm gan B. Tuy nhiên, nếu khi phát hiện virus HBV, người bệnh tích cực điều trị theo chỉ định của bác sĩ, kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý thì hoàn toàn có thể chung sống với căn bệnh này mà sức khỏe vẫn ổn định bình thường. Chỉ khi không theo dõi tình trạng bệnh thì mới có nguy cơ dẫn đến xơ gan, ung thư gan.
4. Viêm gan B thể ngủ không chuyển sang thể hoạt động
Viêm gan B có thể phân chia thành 2 loại: Thể ngủ và thể hoạt động. Viêm gan thể ngủ (thể lành tính) là sự tồn tại virus HBV trong cơ thể nhưng chưa phá hủy tế bào gan, các xét nghiệm men gan cho kết quả âm tính. Ở giai đoạn này, chúng không nhân lên, cũng không có dấu hiệu nào biểu hiện mắc bệnh, tuy nhiên ngay cả thể ngủ vẫn có nguy cơ lây nhiễm qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con.
Viêm gan B thể lành tính không làm ảnh hưởng đến chức năng gan, không cần sử dụng thuốc điều trị. Nhiều người cho rằng, viêm gan B thể ngủ không chuyển sang thể hoạt động. Tuy nhiên, đây là một suy nghĩ sai lầm dẫn đến nhiều người bị nhiễm viêm gan B thể ngủ có tâm lý chủ quan, có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ virus hoạt động trở lại mạnh mẽ, gây tổn thương gan.
Viêm gan B thể hoạt động gây tổn thương nặng cho gan
Virus viêm gan B có thể hoạt động bất cứ lúc nào. Một số nguyên nhân có thể khiến chúng hoạt động bao gồm:
– Sức đề kháng của cơ thể suy giảm.
– Chế độ ăn uống không lành mạnh, dùng nhiều rượu bia và các chất kích thích.
– Uống thuốc bừa bãi, không theo chỉ định của bác sĩ.
Người bệnh nên kiểm tra sức khỏe định kỳ tối thiểu 6 tháng/lần để kiểm soát bệnh hiệu quả, giảm nguy cơ thương tổn gan.
5. Viêm gan B lây truyền khi ăn uống chung hoặc tiếp xúc với người bệnh
Như đã biết, viêm gan B là bệnh truyền nhiễm, lây qua đường máu, đường tình dục và có thể nhiễm từ mẹ sang con. Thế nhưng không thể nhiễm viêm gan B qua con đường ăn uống chung như viêm gan A, viêm gan E cùng một số con đường khác như:
– Ôm, hôn, bắt tay, chạm phải nước mắt của người bệnh hoặc hắt hơi.
– Dùng chung cốc, đĩa, quần áo, nhà tắm, nhà vệ sinh.
– Muỗi đốt.
– Ăn đồ ăn do người bị viêm gan B chế biến.
Do đó, việc ăn uống, sinh hoạt riêng với người mắc viêm gan B là không cần thiết. Các hành động này sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy bị kỳ thị và tự ti, khó hòa nhập với cộng đồng.
Xem thêm: Viêm gan B nên ăn gì và kiêng gì?
6. Chữa viêm gan B bằng thảo dược có thể khỏi hoàn toàn
Theo các báo cáo cho thấy, khoảng 90% bệnh nhân bị viêm gan B cấp (viêm gan B thể hoạt động) không cần điều trị đặc biệt thì sau 6 tháng vẫn có thể hoàn toàn hồi phục. Chưa có một loại thảo dược nào chữa khỏi viêm gan B.
Hiện nay có nhiều thực phẩm chức năng được chiết xuất từ các thảo dược giúp hỗ trợ cải thiện tình trạng bệnh như diệp hạ châu, cà gai leo, kế sữa… Tuy nhiên, chúng chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Thảo dược chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, cải thiện các triệu chứng của bệnh
Một số sản phẩm từ thảo dược còn gây ảnh hưởng tới các thuốc kháng virus dùng trong điều trị viêm gan B, không những thế, chúng còn có nguy cơ làm tăng các tổn thương gan, khiến bệnh nặng hơn.
7. Tiêm vaccine phòng viêm gan B thì không bị mắc bệnh
Tiêm phòng vaccine không giúp ngăn ngừa hoàn toàn 100% viêm gan B. Hiện nay vaccine phòng HBV chỉ có tác dụng ở người không mang virus viêm gan B trong cơ thể và sau khi tiêm phòng, nồng độ kháng thể Anti-HBs phải trên 10 IU/l thì mới có hiệu quả phòng bệnh. Vaccine không có hiệu quả ở người đã mắc viêm gan B.
Hơn 95% trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên khi tiêm vaccine sẽ phát triển hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể không nhiễm virus viêm gan B, hiệu quả kéo dài ít nhất 20 năm và có thể là cả đời.
Với người trên 18 tuổi, vaccine ngừa viêm gan B có hiệu quả 10-20 năm. Tuy nhiên, lượng kháng thể kháng HBV sẽ giảm dần theo thời gian. Để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh, mỗi người nên tiêm nhắc lại vaccine phòng viêm gan B sau 5-10 năm kể từ khi tiêm trước đó.
Tiêm phòng vaccine để làm giảm nguy cơ lây nhiễm
Vaccine phòng HBV mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên vẫn có 2,5% – 5% người sau khi tiêm phòng vẫn bị nhiễm bệnh do các nguyên nhân như:
– Khả năng miễn dịch của người bệnh kém.
– Vaccine không đạt chất lượng do bảo quản kém, hết hạn sử dụng.
– Quá trình tiêm chủng không đầy đủ: Tiêm thiếu mũi, không đúng lịch, không tiêm nhắc lại theo khuyến cáo, không khám sàng lọc trước tiêm, theo dõi sức khỏe sau tiêm…
8. HIV có nguy cơ lây nhiễm cao hơn so với nhiễm viêm gan B
Theo các nghiên cứu cho thấy, khả năng lây nhiễm của HBV cao gấp 50 -100 lần so với HIV. HBV có thể tồn tại ngoài môi trường tối thiểu 7 ngày. Nếu trong thời gian đó, virus xâm nhập vào cơ thể của một người chưa bị mắc bệnh qua vết thương và tổn thương da thì nguy cơ bị viêm gan B là rất cao.
Nếu bị kim tiêm dính máu người bệnh đâm phải, nguy cơ nhiễm HIV chỉ khoảng 0,3%, nhưng nguy cơ nhiễm viêm gan B lên tới 30% (cao hơn 100 lần).
Chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu viêm gan B. Tuy nhiên, người bệnh có thể dùng các thuốc kháng virus để kiểm soát và ức chế sự phát triển của virus HBV. Trên đây là những quan điểm sai lầm về viêm gan B, mong rằng qua những thông tin từ bài viết này, mọi người có cái nhìn chính xác hơn về bệnh để nâng cao hiệu quả phòng và điều trị viêm gan B, tránh để bệnh ngày càng nặng hơn.