Chậm kinh là một hiện tượng không ít chị em gặp phải. Rất nhiều người lo lắng, liệu có phải đang mang thai hay mắc phải bệnh gì? Vậy những nguyên nhân nào gây chậm kinh? Chậm kinh có nguy hiểm hay không? Hãy cùng tìm hiểu ngay với chúng tôi qua bài viết sau!
1. Chậm kinh là gì?
Chậm kinh (còn được gọi là trễ kinh) là hiện tượng bất thường của chu kỳ kinh nguyệt, khi đến kỳ hành kinh nhưng vẫn chưa có kinh nguyệt.
Chu kỳ kinh nguyệt trung bình từ 28-32 ngày. Thông thường, nếu trên 35 ngày kể từ ngày đầu tiên của kỳ kinh trước mà vẫn chưa có kinh lại thì gọi là chậm kinh. Nếu không có kinh nguyệt 3 kỳ liên tiếp thì được xem là mất kinh.
2. Nguyên nhân gây chậm kinh
Chậm kinh là tình trạng gặp phải ở không ít các chị em phụ nữ, tuy nhiên họ chỉ biết những nguyên nhân đơn giản như mang thai, tiền mãn kinh, stress… mà không biết rằng, chậm kinh cũng là biểu hiện của nhiều bệnh nguy hiểm. Theo các nghiên cứu cho thấy, chậm kinh có thể do những nguyên nhân sau:
2.1 Mang thai
Mang thai chính là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây nên hiện tương này. Theo sinh lý bình thường của phụ nữ, trong một chu kỳ kinh nguyệt, lớp niêm mạc dần dần dày lên để chuẩn bị cho trứng thụ tinh vào làm tổ. Nếu không có sự kết hợp của trứng và tinh trùng hình thành hợp tử, cơ thể sẽ tự loại bỏ lớp niêm mạc này, gây ra sự chảy máu (hành kinh).
Trong suốt thời gian mang thai sẽ không xuất hiện kinh nguyệt. Như vậy, rất có thể chậm kinh là dấu hiệu sớm báo hiệu bạn đã mang thai.
Mang thai là nguyên nhân phổ biến gây chậm kinh
2.2 Cân nặng thay đổi đột ngột
Nếu bạn đang trong quá trình ăn kiêng, giảm cân, có thể bị trễ kinh hoặc thậm chí là mất kinh nếu giảm cân quá đột ngột.
Trong một chu kỳ kinh, cơ thể cần 1 lượng Estrogen nhất định để kích thích hình thành lớp niêm mạc tử cung. Giảm cân quá mức và giảm bổ sung calo gây ảnh hưởng vùng dưới đồi, cơ quan có chức năng điều hòa các hoạt động trong cơ thể bao gồm chu kỳ kinh nguyệt. Do đó, cơ thể không sản xuất đủ Estrogen cần thiết, gây ra chậm kinh. Trường hợp cân nặng giảm quá nhanh có thể làm mất kinh.
Tăng cân quá nhanh cũng là nguyên nhân dẫn đến chậm kinh. Cân nặng tăng đột ngột kích thích cơ thể sản xuất quá nhiều Estrogen trong thời gian ngắn, nội mạc tử cung phát triển quá mức và không ổn định.
Như vậy, cần phải có chế độ ăn uống an toàn, khoa học để phòng tránh chậm kinh.
2.3 Tuổi dậy thì
Trong giai đoạn dậy thì, kinh nguyệt thường xuyên bị rối loạn. Trung bình, kỳ kinh nguyệt thứ hai sẽ đến sau 35 – 40 ngày kể từ ngày đầu tiên có kinh.
Lúc này, cơ thể vẫn đang trong giai đoạn phát triển, có nhiều sự thay đổi về hormon trong cơ thể. Vì vậy, kinh nguyệt không đều ở lứa tuổi dậy thì là điều bình thường.
Bậc phụ huynh, đặc biệt là các bà mẹ cần trấn an tâm lý của trẻ lúc này, trang bị cho trẻ kiến thức về tuổi mới lớn để trẻ không bị lo lắng, sợ hãi khi kinh nguyệt không đều.
2.4 Vận động quá sức
Tập thể dục, rèn luyện sức khỏe giúp ổn định chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, vì lý do nào đó, cần phải lấy lại vóc dáng nhanh nhất hay yêu cầu của công việc, phải vận động với cường độ lớn khiến cơ thể không thích nghi nhanh chóng được. Điều này ảnh hưởng tới sự sản xuất Estrogen của cơ thể và gây ra trễ kinh. Vận động với cường độ vừa phải sẽ giúp cho cơ thể trở lại đúng hướng.
Tập thể dục giúp ổn định chu kỳ kinh nguyệt
Do đó, các vận động viên thể thao thường bị chậm kinh do luyện tập với cường độ mạnh. Những người thường xuyên di chuyển đến vùng khác, hay thời gian làm việc thay đổi do làm việc theo ca cũng có thể gây chậm kinh do phá vỡ nhịp sinh học cơ thể.
2.5 Căng thẳng
Bất kỳ lý do gì đó khiến bạn căng thẳng cũng có thể làm rối loạn kinh nguyệt. Khi stress kéo dài thì sự cân bằng nội tiết bị phá vỡ. Tinh thần không tốt, lo âu, căng thẳng sẽ tác động đến vùng dưới đồi, làm tăng tiết cortisol. Dẫn đến các tác động sau:
– Giảm sản xuất Progesterone, gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, khó mang thai.
– Trì hoãn quá trình rụng trứng, làm chậm kinh nguyệt.
– Làm mất cân bằng nội tiết tố, kinh nguyệt tiết ra ít hơn, có thể còn thay đổi màu sắc so với bình thường.
Ăn uống khoa học, lành mạnh, vui vẻ, lạc quan, suy nghĩ tích cực để cải thiện stress, từ đó chu kỳ kinh nguyệt cũng dần trở lại bình thường.
2.6 Tác dụng phụ của thuốc
Một số thuốc có khả năng sẽ gây chậm kinh như: thuốc chống trầm cảm, thuốc tránh thai khẩn cấp, corticosteroids, thuốc nội tiết tố, thuốc chống loạn thần…
Nếu gặp phải tình trạng chậm kinh, cần trao đổi ngay với bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn để xác định chính xác nguyên nhân.
Thuốc tránh thai có thể gây chậm kinh
2.7 Mãn kinh
Sau tuổi 42, cơ thể bắt đầu ít sản sinh Estrogen hơn, ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Giai đoạn này, kinh nguyệt sẽ ít dần, 1 vài tháng mới có kinh một lần rồi mất hẳn.
Một số thủ thuật y khoa như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị… có thể làm giai đoạn mãn kinh đến nhanh hơn.
2.8 Sử dụng chất kích thích
Uống rượu bia, hút thuốc lá cũng có thể khiến kinh nguyệt “trễ hẹn”. Hút thuốc lâu ngày ảnh hưởng tới các ống dẫn trứng, làm giảm chất lượng cũng như số lượng trứng. Nguy hiểm hơn có thể gây vô sinh, dị tật thai nhi.
Các chất kích thích có thể gây trễ kinh
2.9 Buồng trứng đa nang
Rối loạn nội tiết tố ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, có nhiều nang nhỏ trong buồng trứng, làm cản trở quá trình rụng trứng xảy ra được gọi là buồng trứng đa nang. Tình trạng này ảnh hưởng đến sự “rụng” trứng, có thể khiến 1-2 tháng, thậm chí là nửa năm mới có kinh.
Kinh nguyệt không đều do buồng trứng đa nang cần được điều trị sớm. Nếu không kịp thời điều trị, có thể bị mất cân bằng hormone, nguy cơ vô sinh ở nữ giới.
Buồng trứng đa nang có thể gây trễ kinh
2.10 Bệnh phụ khoa
Một số bệnh phụ khoa như u xơ tử cung, viêm lộ tuyến tử cung, suy buồng trứng, viêm buồng trứng,… cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến kinh nguyệt.
Nếu nhận thấy có những biểu hiện bất thường như: Máu kinh bị vón cục, mùi khó chịu hay có màu sắc lạ, dịch tiết âm đạo bất thường, vùng kín có mùi hôi… cần phải thăm khám ngay và có biện pháp điều trị kịp thời.
2.11 Ảnh hưởng của tuyến giáp
Tuyến giáp giúp đảm bảo các hoạt động trao đổi chất của cơ thể diễn ra một cách cân bằng và đúng nhịp. Tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp, nhược giáp) hoặc cường giáp đều có khả năng gây ra rối loạn kinh nguyệt, dẫn đến sự thay đổi thất thường của kỳ kinh.
2.12 Phụ nữ sau sinh hoặc nạo phá thai
Sau sinh hoặc sau phá thai, sảy thai, kinh nguyệt có thể có lại sau 1-6 tháng. Trường hợp chậm kinh lâu hơn, cần đến gặp bác sĩ để khám và điều trị.
3. Điều trị chậm kinh
Để chẩn đoán tình trạng trễ kinh, bác sĩ sẽ thực hiện khám phụ khoa để kiểm tra các vấn đề có thể xảy ra ở cơ quan sinh sản. Chậm kinh có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm. Để tìm ra nguyên nhân, có thể phải tiến hành một số xét nghiệm như:
– Thử thai: cần thực hiện xét nghiệm này đầu tiên để loại trừ hay xác nhận khả năng mang thai.
– Kiểm tra chức năng tuyến giáp.
– Kiểm tra chức năng buồng trứng.
– Xét nghiệm prolactin để tìm khối u.
– Siêu âm: tìm bất thường ở cơ quan sinh sản.
– Chụp cắt lớp vi tính (CT): kiểm tra tử cung, buồng trứng và thận.
Cần thực hiện các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân trễ kinh
Hiện tượng chậm kinh có thể khiến chị em gặp những vấn đề nguy hiểm về sức khỏe, không nên chủ quan mà bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo của cơ thể. Vì vậy, nên ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi điều độ, hạn chế sử dụng các chất kích thích. Ngoài ra, nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những bất thường về sức khỏe và có phương pháp điều trị kịp thời.