Tiêm phòng viêm gan B có còn nguy cơ bị nhiễm viêm gan B không?

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây

Tiêm phòng viêm gan B có lo bị nhiễm bệnh nữa không

Tiêm phòng viêm gan B có lo bị nhiễm bệnh nữa không?

Viêm gan B là một bệnh viêm gan nguy hiểm gây ra do virus HBV, có thể gây viêm gan mạn tính và nguy cơ tử vong cao do xơ ganung thư gan. Đây là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan cao. Hiện đã có vacxin an toàn và hiệu quả giúp bảo vệ 98-100% đối với bệnh viêm gan B. Việc tiêm chủng là cần thiết và vô cùng quan trọng đối với tất cả các đối tượng và được bộ y tế khuyến cáo tiêm phòng ngay cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh.

I. Vacxin phòng ngừa viêm gan B tác dụng trong bao lâu?

Các nghiên cứu cho thấy, tiêm phòng vacxin viêm gan B sẽ giúp tạo ra kháng thể để phòng bệnh trong khoảng 10-20 năm. Lượng kháng thể này sẽ giảm dần theo thời gian. Vì vậy cần tiêm nhắc lại một mũi sau 5-10 năm kể từ đợt tiêm phòng theo phác đồ trước đó để đảm bảo nồng độ kháng thể đủ để phòng bệnh. 

Những người đã tiêm vacxin nhưng không đầy đủ theo phác đồ hoặc quên liều thì cần được xét nghiệm kháng thể anti HBs và tiêm bổ sung mũi quên theo chỉ định của bác sĩ.

Hoặc nếu cơ thể không còn kháng thể để phòng bệnh thì phải tiêm lại từ mũi đầu tiên theo phác đồ.

Vac-xin phòng viêm gan B chỉ có tác dụng với những người chưa từng mắc bệnh. Nếu xét nghiệm máu phát hiện HBsAg dương tính tức đang nhiễm virus viêm gan B, cần thực hiện theo dõi tình trạng bệnh để điều trị. Tiêm vacxin khi này không còn hiệu quả.

II. Tiêm phòng viêm gan B có đạt hiệu quả phòng bệnh 100% không?

Nhiều người thắc mắc: Tại sao tiêm vắc xin rồi mà lại vẫn bị nhiễm viêm gan B?

Đối với người chưa bị mắc bệnh, tiêm phòng viêm gan B mang lại hiệu quả, công dụng rất cao nhưng không đảm bảo được hiệu quả phòng bệnh 100%. Vẫn có khoảng 2,5 – 5% người mắc viêm gan B sau khi tiêm phòng. 

Nguyên nhân đã tiêm phòng viêm gan B nhưng vẫn bị nhiễm bệnh gồm:

– Không tiêm đủ, đúng thời gian các mũi tiêm theo phác đồ.

– Không tiêm mũi nhắc lại sau thời gian được khuyến cáo.

– Vac-xin không đạt chất lượng do hết hạn hoặc bảo quản không đúng.

– Bệnh nhân có khả năng đáp ứng miễn dịch kém như người già, người suy giảm miễn dịch…

– Mới tiêm vaccin, cơ thẻ chưa kịp tạo ra miễn dịch đã tiếp xúc với nguồn bệnh.

– Hiện tượng âm tính giả trước khi tiêm phòng viêm B (điển hình là có mẹ bị viêm gan B nhưng không biết). Do đó virus đã tồn tại trước đó không cơ thể nhưng không được phát hiện.

Vì vậy, để việc tiêm phòng viêm gan B đạt hiệu quả cao, cần tuân thủ theo đúng phác đồ mà bác sĩ đề ra. Không bỏ liều, quên liều kể cả liều nhắc lại. Lựa chọn cơ sở uy tín để việc tiêm phòng được an toàn và hiệu quả.

Vậy, làm sao để biết mình có đang tiêm phòng đúng theo phác đồ hay không?

III. Quy trình tiêm phòng viêm gan B?

Tùy thuộc vào đối tượng, loại vacxin mà có quy trình tiêm chủng phù hợp nhất. 

1. Đối với trẻ sơ sinh

Quy trình tiêm phòng viêm gan B chuẩn cho trẻ

Quy trình tiêm phòng viêm gan B chuẩn cho trẻ

Trong vòng 24 giờ đầu sau sinh nên tiêm một mũi vacxin phòng ngừa viêm gan B. Riêng đối với trẻ sơ sinh mà mẹ bị nhiễm viêm gan B, cần bổ sung thêm một mũi huyết thanh kháng viêm gan B trong vòng 12-24 giờ đầu sau sinh. Việc tiêm chủng hai mũi này giúp tạo miễn dịch thụ động và chủ động cho trẻ.

Sau mũi tiêm đầu tiên, trẻ cần được tiếp tục tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng mở rộng gồm các mũi theo lộ trình sau:

Mũi 2: Cách mũi đầu tiên một tháng.

Mũi 3: Cách mũi 2 một tháng.

Mũi 4: Cách mũi thứ ba 1 năm.

Vậy thông thường tổng có 4 mũi tiêm viêm gan B đối với trẻ mẹ không bị nhiễm viêm gan B và có 5 mũi viêm gan B đối với với trẻ có mẹ mắc viêm gan B.

Cần xét nghiệm kiểm tra lại cho trẻ sau 15-18 tháng để chắc chắn rằng trẻ không bị lây nhiễm viêm gan B từ mẹ.

2. Đối với người lớn và trẻ em

Quy trình tiêm phòng viêm gan B cho người lớn

Quy trình tiêm phòng viêm gan B cho người lớn

Trước khi tiêm phòng cần thực hiện xét nghiệm để phân loại đối tượng và để biết có đủ điều kiện tiêm phòng hay không.

– Nếu đã nhiễm virus viêm gan B thì không thể tiêm phòng được nữa.

– Nếu cơ thể đã có kháng thể kháng virus viêm gan B thì không cần thiết phải tiêm phòng nữa.

– Nếu cơ thể chưa có kháng thể kháng virus viêm gan B và cũng chưa bị nhiễm virus thì nên tiêm chủng ngay.

Phác đồ tiêm: 

– Phác đồ 0-1-6: Mũi thứ 2 cách mũi đầu tiên 1 tháng; mũi thứ 3 cách mũi thứ hai 5 tháng.

– Phác đồ 0-1-2-12: Mũi thứ hai cách mũi đầu tiên 1 tháng; mũi thứ ba cách mũi thứ hai 1 tháng và mũi thứ tư cách mũi thứ ba 12 tháng.

Xét nghiệm HbsAb lại sau mỗi 5 năm và nếu xét nghiệm HBsAb < 10 mUI/ml thì nhắc lại 1 liều vắc-xin.

IV. Tác dụng phụ có thể gặp phải khi tiêm vắc xin viêm gan B

Vacxin viêm gan B khá an toàn nhưng đôi khi cũng có thể gặp phải một số phản ứng phụ như sau.

Thường gặp:

– Tại vị trí tiêm: Có thể xuất hiện đau thoáng qua, chai cứng da hoặc nổi mẩn.

Hiếm gặp:

– Toàn thân: Có thể xuất hiện trạng thái mệt mỏi, sốt nhẹ hoặc nổi mẩn.

– Trên hệ thần kinh trung ương: Chóng mặt, nhức đầu.

– Trên hệ tiêu hóa: Tiêu chảy, buồn nôn, nôn có thể gặp phải.

– Trên hệ cơ xương khớp: Đau cơ, đau khớp.

– Trên da: Ngứa, nổi mề đay, phát ban.

Rất hiếm gặp:

– Trên tim mạch: Hạ huyết áp.

– Trên hệ thần kinh trung ương và ngoại biên: Viêm não, bệnh thần kinh, viêm thần kinh, bệnh não.

– Bệnh hạch bạch huyết.

Nếu gặp bất cứ bất thường nào sau khi tiêm nên đến ngay cơ sở y tế và thông báo với bác sĩ để được theo dõi và xử lý kịp thời.

V. Lưu ý khi tiêm vacxin phòng viêm gan B

Mặc dù khá an toàn nhưng một số đối tượng và trường hợp đặc biệt cần thận trọng khi tiêm vacxin viêm gan B. Không áp dụng tiêm chủng trong các trường hợp sau:

– Người bị sốt hoặc nhiễm trùng cấp tính nên tạm dừng tiêm vacxin.

– Người đang trong thời kỳ ủ bệnh viêm gan B khi tiêm sẽ không đạt hiệu quả phòng bệnh.

Sự đáp ứng miễn dịch tốt hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

– Độ tuổi: Đáp ứng miễn dịch kém hơn khi trên 40 tuổi.

– Người bị béo phì.

– Người mắc bệnh đái tháo đường.

– Người hay hút thuốc lá.

– Người nhiễm HIV/AIDS.

Cần cân nhắc việc tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại nếu thuộc các trường hợp trên.

– Đối với phụ nữ có thai: Viêm gan B có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Do đó việc tiêm phòng trước khi mang thai là điều cần thiết. Tuy nhiên nếu bạn đã bỏ qua giai đoạn này và đang mang thai thì vacxin viêm gan B không được khuyến cáo sử dụng. Chỉ với phụ nữ có thai mà có nguy cơ cao bị nhiễm virus viêm gan B thì có thể cân nhắc tiêm được nhưng nhất định phải được tư vấn và chỉ định của bác sĩ. 

– Đối với phụ nữ cho con bú: Vacxin viêm gan B không bị chống chỉ định trên đối tượng này. Có thể tiêm trên đối tượng này nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn nhất.

Nhiều người thắc mắc: Tiêm phòng viêm gan B có phải kiêng gì không? Các chuyên gia chỉ khuyên rằng không nên nhịn đói hoặc ăn quá no khi tiêm chủng vì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sinh miễn dịch của thuốc. Không có một khuyến cáo đặc biệt về kiêng cữ nào dành cho vaccin viêm gan B.

Tiêm phòng viêm gan B vẫn có nguy cơ bị nhiễm viêm gan B. Tuy nhiên tỷ lệ rất thấp. Cần tuân thủ theo phác đồ và lịch tiêm chủng để đạt được hiệu quả phòng bệnh cao nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *