Hiện nay, viêm gan B vẫn là mối đe dọa đến sức khỏe toàn cầu, đặc biệt là Việt Nam khi tỷ lệ mắc viêm gan B lên đến 10 triệu người. Căn bệnh này vô cùng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Viêm gan B khi mang thai nguy hiểm như thế nào? Ảnh hưởng tới mẹ và thai nhi ra sao?
Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu các vấn đề này qua bài viết sau đây.
1. Nguy cơ bé bị lây nhiễm viêm gan B từ mẹ
Viêm gan B không phải là căn bệnh có tính di truyền, tuy nhiên nếu mẹ bầu bị viêm gan B thì nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con là rất lớn.
– Mẹ bị nhiễm viêm gan B trong 3 tháng đầu thì tỷ lệ truyền cho thai nhi thấp (1%).
– Mẹ bị nhiễm ở 3 tháng giữa thì khả năng truyền sang thai nhi là 10%.
– Nếu bị nhiễm ở 3 tháng cuối thì nguy cơ truyền từ mẹ sang con có thể lên đến 60-70%.
– Mẹ nhiễm HBV nhưng không biết, không có biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm trong và sau khi sinh thì nguy cơ con nhiễm bệnh cao (lên đến 90%).
Viêm gan B nếu không phòng ngừa kỹ càng có thể lây từ mẹ sang con
– Trường hợp phụ nữ bị viêm gan B nhưng có dự định mang thai, đã điều trị ổn định, virus dưới mức hoạt động (viêm gan B thể lành tính hay còn gọi viêm gan B thể ngủ) thì thai nhi hầu như không bị nhiễm HBV. Tuy nhiên, nếu điều trị không dứt điểm hoặc vì một lí do nào đó mà HBV hoạt động mạnh vào cuối thai kỳ thì cũng có nguy cơ cao trẻ sinh ra mắc viêm gan B.
2. Ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ
Viêm gan B không thể xâm nhập qua hàng rào nhau thai, do đó không ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Vì vậy, virus viêm gan B không phải là nguyên nhân gây quái thai, dị tật thai nhi.
Khi mẹ có sự chuẩn bị kỹ từ trước khi mang thai thì khả năng nhiễm HBV ở trẻ sơ sinh là rất thấp. Tuy nhiên, nếu trong 3 tháng cuối thai kỳ, viêm gan B hoạt động mạnh mẽ, không kiểm soát được thì mẹ bầu có nguy cơ sinh non.
Có nguy cơ sinh non khi HBV hoạt động mạnh ở 3 tháng cuối thai kỳ
Trẻ sơ sinh nhiễm virus HBV có thể truyền virus cho người khác. Khoảng 25% trẻ sơ sinh mắc viêm gan B khi trưởng thành sẽ phát triển thành xơ gan, ung thư gan và có nguy cơ tử vong cao.
Viêm gan B tác động đến trẻ như vậy thì liệu có nên mang thai khi mẹ bầu bị viêm gan B, bạn có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này qua bài viết tại đây nhé!
3. Viêm gan B và bà bầu
Phụ nữ mang thai có thể nhiễm virus HBV trước hoặc sau khi mang thai, nhưng hầu hết là từ trước khi mang thai.
Viêm gan B không ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi, tuy nhiên, bà mẹ nhiễm HBV thường có sức đề kháng yếu hơn, do đó dễ bị mệt mỏi và tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, sinh non, trẻ sơ sinh thiếu cân.
Nên sinh thường hay sinh mổ cũng là một vấn đề được nhiều mẹ bầu nhiễm HBV quan tâm. Thực tế, sinh mổ hay sinh thường đều có nguy cơ lây nhiễm như nhau, không có chỉ định bắt buộc sinh mổ cho phụ nữ mang thai bị nhiễm viêm gan B.
Sinh thường hay sinh mổ đều có nguy cơ lây nhiễm viêm gan B như nhau
4. Viêm gan B khi mang thai cần làm gì?
Dù nhiễm HBV trước hay trong khi mang thai, bà bầu cũng cần báo cho bác sĩ chuyên khoa các thông tin như: Thời gian mắc bệnh, các thuốc đang dùng điều trị… để được theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh của mẹ, đồng thời có biện pháp xử trí phù hợp.
Trong thời gian mang bầu, thai phụ cần chú ý đến một số vấn đề sau:
– Thiết lập chế độ dinh dưỡng phù hợp để bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể.
– Tránh làm việc và lao động căng thẳng hay áp lực.
– Trong vòng 24 giờ sau khi sinh con, cần cho trẻ tiêm vaccine phòng viêm gan B và globulin miễn dịch viêm gan B. Chú ý mang trẻ đi tiêm đủ liều lượng trong vòng 6 tháng kế tiếp để phòng ngừa lây nhiễm.
Mong rằng, qua những thông tin trong bài viết này, phụ nữ mắc viêm gan B khi có dự định mang thai sẽ có được cái nhìn tổng quan nhất về những ảnh hưởng của viêm gan B tới thai nhi để quyết định có mang thai hay không. Tuy nhiên, để nhận được tư vấn tốt hơn và có biện pháp hỗ trợ phù hợp, cần thăm khám tại các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa uy tín để có các chỉ định phù hợp.