Nhiều người cho rằng, khi bị bệnh Gout nên tránh vận động nhiều để giảm đau. Tuy nhiên, đây là quan điểm không chính xác, vận động và tập thể dục thường xuyên rất tốt cho sức khỏe kể cả người bệnh Gout. Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu ngay các bài tập cho người bị bệnh Gout qua bài viết dưới đây.
I. Người bị gout có nên tập thể dục?
Đối với người bệnh Gout hoặc nồng độ Acid uric cao, việc hạ Acid uric là ưu tiên hàng đầu. Có thể dùng thuốc điều trị hoặc các biện pháp khác như uống nhiều nước, chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục…
Tuy nhiên, tập thể dục không đúng cách sẽ mang lại nhiều tác hại nguy hiểm. Nếu vận động ít và chuyển hóa Acid uric chậm làm tăng tích lũy chúng ở khớp và các mô, khiến bệnh nặng hơn. Ngược lại, vận động quá sức có thể làm nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm của bệnh Gout như đau ngực do gắng sức, tăng/hạ đường huyết quá mức, tổn thương cơ, xương khớp.
Tập thể dục không đủ hoặc quá sức cũng là nguyên nhân khiến bệnh tái phát và nặng hơn. Vì vậy, các bài tập vừa sức, phù hợp là vô cùng quan trọng với người bệnh Gout.
II. Tác dụng của tập thể dục với bệnh Gout
Đối với người chưa mắc bệnh Gout, tập thể dục hàng ngày giúp cơ thể tăng chuyển hóa các chất, tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh. Ở người bị Gout, các bài tập vừa sức cũng mang lại nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như:
– Giảm Acid uric máu và nguy cơ tái phát cơn Gout cấp.
– Tăng cường đào thải Acid uric.
– Hỗ trợ bảo vệ xương khớp, ngăn ngừa thoái hóa, biến dạng khớp.
– Nâng cao sức khỏe, duy trì khả năng vận động, di chuyển bình thường của các khớp.
Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể
– Tăng độ dẻo dai và sức mạnh của cơ.
– Giảm cân, từ đó giảm gánh nặng lên các khớp.
– Tăng cường sức khỏe tim mạch.
Trước khi bắt đầu tập luyện, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về các bài tập phù hợp, không tự ý tập luyện các bài tập quá sức, khiến bệnh trở nên nặng hơn
III. Các bài tập cho người bệnh Gout
Tập thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người sẽ giúp tăng đào thải Acid uric, ngăn cản sự tích lũy Acid uric ở các khớp. Người bệnh có thể tham khảo các bài tập sau đây:
1. Giãn cơ
Bài tập nhằm làm giảm tích tụ Acid uric trong cơ thể, làm tăng sự linh hoạt và khả năng hoạt động của các cơ.
– Giãn cơ tay: Đan xen ngón tay vào nhau, đưa hai tay lên trên đầu, đẩy bàn tay hướng lên trên và giữ lại.
– Giãn cơ tay + vai + ngực:
+ Hai tay để thẳng song song với nhau, đưa từ từ ra phía sau.
+ Nắm hai tay lại, kéo mạnh ra sau cho đến khi vai căng ra.
+ Giữ chặt khoảng 30s rồi đưa tay về vị trí ban đầu.
+ Thực hiện lặp lại 5 lần.
– Giãn cơ liên sườn: Nắm chặt khuỷu tay với bàn tay đối diện, kéo nghiêng sang một bên.
Bài tập giãn cơ giúp tăng sự dẻo dai cho các khớp
– Giãn cơ vai: Dang rộng 2 tay và hướng ra ngoài, kéo cánh tay ra sau tới mức tối đa.
– Giãn cơ đùi sau và bắp chân: Ngồi với tư thế hai chân duỗi thẳng, chống hai tay sát hông, từ từ gập thân trên sao cho đầu tiến sát tới đầu gối.
– Cổ tay:
+ Hai tay dang ngang, đứng thẳng người.
+ Nắm chặt hai tay, xoay cổ tay theo chiều kim đồng hồ, giữ khoảng 30s sau đó xoay ngược lại 30s.
– Xoay người:
+ Ngồi đặt hai chân duỗi thẳng.
+ Vắt chân trái qua bên chân phải dựng đứng.
+ Tay phải chống ra sau từ từ quay người sang phải giữ một lúc và thực hiện ngược lại.
2. Yoga
Các động tác yoga tương đối nhẹ nhàng không cần phải gắng sức giúp điều chỉnh nhịp thở, kéo giãn cơ, dẻo dai xương khớp. Người bệnh Gout có thể thực hiện một số động tác như sau:
– Ngồi thiền: Tư thế quen thuộc trong yoga, giúp điều hòa hơi thở, tăng cường tuần hoàn máu và trao đổi chất. Động tác này không đòi hỏi người tập phải vận động nhiều, phù hợp với người thường xuyên gặp các cơn đau nhức ở khớp.
Yoga giúp tăng sự linh hoạt cho các khớp
– Tư thế chiến binh:
+ Tư thế này khiến người tập phải vận động toàn bộ cơ thể, tác động đến xương khớp và cơ bắp, giúp đốt cháy calo, duy trì cân nặng, giảm gánh nặng lên các khớp.
+ Thực hiện trong 10-15 phút:
Chân phải bước về phía sau, chân trái khuỵu xuống một góc 90 độ.
Đưa hai bàn tay ra trước và đưa cao hơn đầu, kéo cơ thể về phía sau, hít thở đều đặn.
Thực hiện tương tự với chân còn lại.
3. Bơi lội
Giúp thúc đẩy lưu thông máu, tăng cường chức năng của tim, phổi. Bơi lội còn giúp cải thiện vóc dáng, giảm béo, cải thiện quá trình trao đổi chất của cơ thể. Đối với người bị gout, không thuận tiện cho việc chạy nhảy, bơi lội là bài tập khá phù hợp để rèn luyện sức khỏe.
Bơi lội làm giảm tích lũy Acid Uric ở các khớp
Ngoài ra, bơi lội còn tăng sự linh hoạt của các chi, tăng sức dẻo dai cho các khớp cột sống, hông, đầu gối.
4. Đạp xe
Bệnh Gout thường tác động lên các khớp chân, ngón chân, mắt cá chân, đầu gối… Khi đạp xe, toàn bộ các khớp xương được hoạt động, giúp loại bỏ mỡ thừa, ngoài ra, phần dịch khớp được tiết ra trong quá trình đạp xe làm tăng khả năng hoạt động, giảm sự đau nhức các khớp
Người bệnh nên tập với cường độ vừa phải, khoảng 30 phút mỗi ngày để giảm đau và ngăn ngừa tái phát.
5. Đi bộ
Đi bộ cũng là một bài tập rất tốt với người bệnh Gout. Đi bộ giúp tăng chuyển hóa các chất, trong đó có Acid uric.
Đi bộ rất tốt cho người bệnh Gout
Đi bộ thường xuyên giúp tăng độ linh hoạt cho các khớp xương và tăng khả năng phục hồi của khớp bị tổn thương. Ngoài ra đi bộ còn rất tốt cho hệ hô hấp và hệ tuần hoàn
6. Aerobic
Căn nguyên chính của bệnh Gout là tích lũy Acid uric. Lười vận động sẽ làm chậm quá trình đào thải Acid uric khiến các cơn đau Gout càng nặng hơn. Các bài tập sẽ giúp kiểm soát bệnh, thúc đẩy quá trình chữa bệnh.
Các bài tập Aerobic 30 – 45 phút mỗi ngày thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể, đặc biệt là tăng đào thải Acid uric, làm giảm nguy cơ hình thành các hạt Tophi.
Hãy bắt đầu với 10 phút mỗi ngày và tăng dần thời gian luyện tập giúp cơ thể linh hoạt hơn, ngăn ngừa các cơn đau Gout cấp.
IV. Lưu ý khi tập thể dục ở người bệnh Gout
Một số lưu ý cho người bệnh Gout khi tập thể dục:
– Không nên tập khi các đang tái phát cơn Gout cấp, điều này có thể khiến cơn đau nặng hơn.
– Duy trì các bài tập hàng ngày để tăng đào thải axit uric, ngăn ngừa bệnh Gout tái phát.
– Không nên cố tập quá sức, có thời gian tập luyện, nghỉ ngơi phù hợp.
– Chú ý bổ sung nước kịp thời, vận động vừa phải, tránh chấn thương do vận động thể thao.
Ngoài ra, người bệnh nên bổ sung thêm các thực phẩm bổ dưỡng cho cơ thể, giúp tăng sức đề kháng, tránh các sản phẩm chứa nhiều Purin, xem thêm: Ăn gì để phòng bệnh Gout?