Gout – Có sự lắng đọng Acid Uric
Bệnh Gout là một dạng viêm khớp phổ biến và phức tạp, thuộc nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa. Các triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện và nhanh chóng hết. Hãy cũng chúng tôi tìm hiểu để biết thêm về bệnh Gout cũng như cách kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa tái phát.
I. Bệnh gout (Gút) là gì?
Bệnh Gout là bệnh viêm khớp do vi tinh thể, biểu hiện bởi những đợt viêm khớp cấp, có lắng đọng tinh thể muối Urat Natri do tăng acid Uric trong máu. Đây là bệnh thuộc nhóm rối loạn chuyển hóa.
Bệnh Gout được chia thành các loại sau:
– Gout cấp tính.
– Gout mạn tính.
– Thời gian ổn định giữa các cơn Gout cấp.
II. Nguyên nhân gây bệnh Gout
1. Nguyên nhân nguyênphát
Chưa rõ nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, chế độ ăn có chứa nhiều purin như: tôm, cua, lòng đỏ trứng… được cho là các yếu tố làm bệnh trầm trọng thêm. Nghiên cứu cho thấy, bệnh Gút thường gặp ở nam giới, độ tuổi từ 30-60 tuổi, chiếm tới 95%.
2. Nguyên nhân thứ phát
Các rối loạn về gen (nguyên nhân di truyền), tăng sản xuất Acid Uric hoặc giảm đào thải Acid Uric có thể dẫn đến Gout, bao gồm:
– Suy thận, các bệnh làm giảm độ thanh lọc Acid Uric của cầu thận.
– Thuốc lợi tiểu như Furosemid, Acetazolamid…
– Thuốc ức chế tế bào, thuốc chống lao.
– Người mắc bệnh bạch cầu cấp.
– Các yếu tố nguy cơ: tăng huyết áp, béo phì, uống nhiều rượu…
Một số nguyên nhân gây bệnh gout
III. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh Gout
Những người mắc bệnh thường ăn nhiều, thừa cân và thừa chất, đặc biệt là các đối tượng sau:
– Nam giới sau 40 tuổi.
– Phụ nữ sau sinh.
– Phụ nữ tiền mãn kinh.
– Người thừa cân, béo phì.
– Ăn uống thiếu khoa học.
IV. Triệu chứng của bệnh Gout
Bệnh Gout thường xảy ra đột ngột vào ban đêm với các biểu hiện sau:
– Đau khớp dữ dội: Bệnh thường ảnh hưởng đến các khớp như đầu gối, mắt cá chân, khuỷu tay, cổ tay… Cơn đau có thể kéo dài 4 đến 12 giờ.
– Sau khi cơn đau giảm bớt, một số khó chịu ở khớp có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Các cơn đau tái phát sau này có khả năng kéo dài hơn và gây đau nhiều khớp hơn.
– Viêm và tấy đỏ tại các khớp.
– Khó cử động: Khi bệnh gút tiến triển, các khớp khó cử động, không linh hoạt như bình thường.
Người bệnh Gout thường xuất hiện viêm, tấy đỏ ở khớp
V. Biến chứng của bệnh Gout
– Thông thường bệnh nhân sẽ có 1 – 2 cơn đau mỗi năm. 10 – 20 năm sau khi phát bệnh, xuất hiện các tophi (cục u nhỏ màu trắng ở dưới da) và khiến các vận động trở nên khó khăn.
– Bệnh nhân có thể tử vong do suy thận hoặc tai biến.
– Một số trường hợp nhẹ, cơn đau ít xảy ra, không có Tophi. Tuy nhiên, cũng có bệnh nhân bị nặng hơn, cơn đau xuất hiện liên tiếp, Tophi và bệnh khớp cũng xuất hiện sớm, dưới 30 tuổi đã có biến chứng nguy hiểm.
Tìm hiểu kỹ hơn về các biến chứng nguy hiểm này qua bài viết sau: Biến chứng của bệnh Gout
VI. Chẩn đoán người mắc bệnh Gout
1. Dâu hiêu lâm sàng
Cơn đau khớp cấp tính đầu tiên thường xảy ra ở tuổi 35 – 55, ít khi xuất hiện trước 25 hoặc sau 65 tuổi. Ở nữ thường gặp sau tuổi mãn kinh. Ở nam giới, mắc bệnh càng sớm thì về già bệnh càng nặng.
Sau bữa ăn có nhiều thịt, rượu, sau các chấn thương kể cả chấn thương nhẹ, sau nhiễm khuẩn, sử dụng các thuốc lợi tiểu…có thể xuất hiện tình trạng đau khớp. Các dấu hiệu như là lời cảnh báo về nguy cơ cao bạn đã mắc bệnh Gout.
Cơn Gout cấp:
– Xảy ra đột ngột vào ban đêm, bệnh nhân tỉnh giấc vì đau khớp (60 – 70% là ở vị trí khớp bàn – ngón chân cái): khớp sưng to, đỏ, phù nề, căng bóng, đau dữ dội, va chạm nhẹ cũng rất đau.
– Các dấu hiệu viêm kéo 5-7 ngày rồi giảm dần.
– Có thể sốt vừa hoặc nhẹ, tốc độ lắng hồng cầu tăng, dưới kính hiển vi thấy nhiều tinh thể urat.
– Túi thanh dịch, gân, bao khớp bị thương tổn.
– Dễ tái phát lại nhưng cũng có thể hơn 10 năm mới tái phát.
– Khớp viêm sưng đau dữ dội nhưng cũng có trường hợp nhẹ, đau ít dễ bị bỏ qua.
Lắng đọng Urat:
Dẫn đến hình thành các tophi dưới da và gây ra bệnh khớp mạn tính.
– Tophi: thường biểu hiện chậm, khi đã xuất hiện thì số lượng và khối lượng tăng nhanh. Có thể gây loét.
– Bệnh khớp do urat: xuất hiện chậm. Khớp cứng, đau khi vận động.
– Chụp X-quang cho hình ảnh hẹp khớp, khuyết hình hốc ở đầu xương.
Biểu hiện trên thận:
– Sỏi thận chiếm 10 – 20%, lắng đọng ở kẽ thận, bể thận và niệu quản. Sỏi urat thường nhỏ và không cản quang.
– Tổn thương thận: ban đầu chỉ có protein niệu, có thể kèm theo hồng cầu, bạch cầu vi thể, sau đó là suy thận.
2. Cận lâm sàng
Các xét nghiệm dùng để chẩn đoán bệnh Gout gồm có:
− Nồng độ Acid uric máu: Nếu chỉ số tăng > 420 µmol/l thì nguy cơ cao bệnh nhân mắc bệnh Gout.
− Định lượng acid uric niệu 24 giờ: Nếu chỉ số này tăng dễ gây sỏi thận và không dùng nhóm thuốc tăng đào thải acid uric.
− Dịch khớp: Phát hiện tinh thể urat trong dịch khớp.
− Tốc độ lắng máu tăng.
− X-quang khớp: giai đoạn đầu bình thường, sau đó, có thể thấy các khuyết hình hốc ở đầu xương, hẹp khe khớp, gai xương…
3. Chẩn đoán xác định
Hiện nay có 2 tiêu chuẩn được sử dụng để chẩn đoán xác định bệnh Gout:
Tiêu chuẩn Bennet và Wood (1968):
Là phương pháp sử dụng phổ biến ở Việt Nam có độ nhạy 70% và độ đặc hiệu 82,7%. Xác định bệnh Gout nhờ 1 trong 2 điều kiện sau đây:
– Soi thấy tinh thể Natri urat trong dịch khớp hoặc trong các hạt tophi.
– Có nhiều hơn 2 trong các yếu tố sau đây:
+ Có ít nhất 2 đợt sưng đau khớp, khởi phát đột ngột, đau dữ dội, và hết hoàn toàn trong 2 tuần.
+ Sưng đau khớp bàn ngón chân cái với các biểu hiện trên.
+ Có hạt tophi.
+ Giảm viêm, giảm đau nhanh trong 48 giờ khi dùng Colchicin.
Triệu chứng đặc trưng của bệnh Gout là đau khớp dữ dội
Tiêu chuẩn của ILAR và Omeract năm 2000:
– Độ nhạy 70%, đặc hiệu 78,8%.
– Soi thấy tinh thể urat trong dịch khớp.
– Hạt tophi có chứa tinh thể urat.
– Có 6 trong số 12 biểu hiện sau:
+ Viêm tiến triển nhanh trong vòng một ngày.
+ Viêm khớp ở một khớp.
+ Sưng, đau khớp bàn ngón chân cái.
+ Viêm khớp cổ chân một bên.
+ Tăng Acid Uric máu (nam ≥ 420 µmol/l, nữ ≥ 360µmol/l).
+ Tophi nhìn thấy được.
+ Viêm khớp bàn ngón chân cái ở một bên.
+ Sưng đau khớp không đối xứng.
+ Tấy đỏ vùng khớp.
+ Nang dưới vỏ xương, không có hình khuyết xương trên Xquang.
+ Xuất hiện nhiều hơn một cơn viêm khớp cấp.
+ Cấy vi khuẩn âm tính.
VII. Phương pháp điều trị bệnh Gout
Nguyên tắc chung trong điều trị bệnh Gout:
– Điều trị viêm khớp trong cơn cấp.
– Dự phòng tái phát, lắng đọng Urat trong các mô.
– Phòng tránh biến chứng và phục hồi chức năng.
1. Thuốc điều trị bệnh Gout
Phác dồ điều trị bệnh Gout là làm giảm tình trạng đau của bệnh nhân và làm giảm nồng độ acid uric cao trong máu. Do đó các nhóm thuốc được chỉ định là:
– Thuốc giảm đau, chống viêm: Colchicin, thuốc kháng viêm không steroid, Corticoid…
– Thuốc giảm acid uric máu:
+ Nhóm thuốc ức chế tổng hợp acid uric.
+ Nhóm thuốc tăng thải acid uric như Probenecid, Sulfinpyrazon, Benziodaron, Benzbromaron…
Dùng thuốc điều trị Gout theo chỉ định của bác sĩ
Cần phải tuân thủ phác đồ điều trị và sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để đạt hiêu quả tốt và giảm các tác dụng phụ nếu có của thuốc.
2. Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật cắt bỏ hạt tophi dược chỉ định trong các trường hợp có biến chứng loét, bội nhiễm hạt tophi hoặc hạt lớn, ảnh hưởng đến khả năng vận động của cơ thể hoặc thẩm mỹ.
Khi phẫu thuật, nên dùng Colchicin nhằm tránh xuất hiện cơn gút cấp và kết hợp với thuốc hạ Acid uric máu.
3. Chữa Gout theo kinh nghiệm dân gian
Các loại thảo dược trong thiên nhiên từ lâu đã được nhân dân ta tìm ra và sử dụng làm thuốc chữa bệnh Gout. Nhờ vào hiệu quả mà chúng mang lại, cho đến ngày nay các loại thảo dược này vẫn được nhiều người sử dụng. Một số mẹo dân gian cũng được mọi người sử dụng và mang lại những thay đổi tích cực đối với tình trạng bệnh, một số ví dụ có thể kể đến như:
– Đậu xanh: Giàu chất xơ, làm chậm quá trình hấp thu chất đạm, có tác dụng kháng viêm cao.
– Đậu đen: Chứa nhiều chất oxy hóa cao, tính kháng viêm cao, các thành phần trong đậu đen có tác dụng làm giảm Acid Uric và làm giảm sự lắng đọng chất này trong thận, khớp.
– Lá tía tô:
+ Tía tô đã được sử dụng trong các bài thuốc dân gian, giúp giảm các triệu chứng đau nhức, sưng tấy ở các khớp của bệnh Gout.
+ Nghiên cứu cho thấy, trong lá cây có chứa tinh dầu và các thành phần có tính kháng viêm, giảm đau, ức chế các enzym Xanthine oxidase – thúc đẩy sự hình thành acid uric, giúp nồng độ axit uric ở mức bình thường.
Ngoài ra có thể sử dụng các sản phẩm hỗ trợ nguồn gốc thảo dược như Hoàng thống phong, viên gout Tâm Bình,…
Nhiều người thắc mắc: Bệnh gout có chữa dứt điểm không? Để được giải đáp cụ thể, mọi người hãy tham khảo bài viết: [GÓC GIẢI ĐÁP] Bệnh gout có chữa dứt điểm được không?
VIII. Chế độ ăn uống – sinh hoạt cho người bệnh Gout
Bên cạnh các thuốc điều trị thì chế độ ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng, một số thay đổi trong chế độ ăn như:
– Tránh các chất có nhiều purin như nội tạng, thịt, cá, tôm, cua… Có thể ăn trứng, hoa quả, thịt nhưng không quá 150g/ngày.
– Không uống rượu, bia.
Ăn nhiều hoa quả để giảm các triệu chứng của bệnh
– Nên giảm cân, rèn luyện thể thao thường xuyên…
– Uống nhiều nước, 2-4 lít/ngày, làm tăng lượng nước tiểu, giúp hạn chế Urat trong đường tiết niệu.
– Tránh các thuốc làm tăng nồng độ Acid Uric.
– Giữ tâm trạng bình tĩnh, tránh stress, chấn thương…
IX. Phòng ngừa bệnh Gout hiệu quả
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, một số cách phòng ngừa có thể kể đến như:
− Chế độ ăn uống – rèn luyện hợp lý, giảm ăn các chất giàu purin, chất béo…
− Điều trị tốt các bệnh lý như suy thận, các bệnh lý chuyển hóa… nguyên nhân thứ phát gây bệnh.
Để tìm hiểu kỹ về các phương pháp phòng ngừa, mời bạn đọc tham khảo ở bài viết: Bệnh gout có phòng ngừa được không?
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về bệnh Gout. Nên xây dựng chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý để phòng ngừa và giảm các biến chứng của bệnh. Khi tình trạng đau đớn cảu bệnh nhân ngày càng nặng cần nhập viện để có cách xử lý kịp thời. Hãy chủ động tìm hiểu thông tin để tránh những quan niệm sai lầm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bệnh.