Cùng với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, bệnh Gout cũng đang ngày càng trở nên phổ biến, để lại những cơn đau khớp nặng nề, ảnh hưởng mạnh mẽ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu đúng và điều trị đúng, một số sai lầm thường gặp khiến bệnh tình ngày càng nghiêm trọng, khiến bệnh nhân phải trả giá đắt. Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu 16 sai lầm thường gặp qua bài viết dưới đây.
I. 16 sai lầm khi điều trị Gout
1. Hết sưng đau các khớp là khỏi bệnh Gout
Khi uống thuốc và hết đau thì chỉ mới tạm thời giải quyết được tình trạng viêm của khớp hay gân. Gout là căn bệnh mạn tính, kéo dài trong nhiều năm. Nếu bệnh ổn định, không tái phát cơn đau cấp, nồng độ Acid uric trở về bình thường thì người bệnh vẫn nên tiếp tục điều trị thêm 3 – 6 tháng để dự phòng tái phát cơn Gout cấp.
2. Ăn kiêng triệt để sẽ không tái phát gout
Axit uric không chỉ có trong thực phẩm mà còn do cơ thể sản sinh ra. Thực hiện chế độ ăn kiêng chỉ làm giảm lượng Axit uric được chuyển hóa từ thức ăn. Tuy nhiên, người bệnh cũng nên hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa nhiều Purin như hải sản, nội tạng động vật, rượu, bia…
Ăn kiêng triệt để không có khả năng ngăn cản hoàn toàn bệnh Gout tái phát, tuy nhiên điều này sẽ hỗ trợ quá trình điều trị.
Xem thêm: Chế độ ăn cho người bệnh Gout.
3. Nước ngọt có gas an toàn với người bị gout
Trong nước ngọt có chứa Fructose, hoạt chất này có thể làm tăng nồng độ Acid uric trong máu. Nghiên cứu cho thấy, nguy cơ mắc bệnh Gout cao hơn ở người uống 5 – 6 lon nước ngọt có đường mỗi tuần.
Nước ngọt làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout và các biến chứng nguy hiểm
Nước ngọt không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh Gout, nó còn có thể dẫn đến các bệnh khác như tim mạch, béo phì, suy giảm chức năng thận… Các bệnh này cũng là nguyên nhân thứ phát gây bệnh Gout.
Do đó, người bị bệnh gout không nên dùng nước ngọt có gas nếu không muốn bệnh trở nên nghiêm trọng, tăng tỉ lệ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm khác.
4. Bệnh gout không nguy hiểm đến tính mạng
Theo một nghiên cứu tại Anh Quốc, người bệnh Gút có thể tử vong sớm hơn 25% so với người không mắc bệnh.
Trên thực tế, bệnh không gây tử vong nhưng các biến chứng mà chúng gây ra như tổn thương xương, khớp, suy thận, suy tim, huyết áp cao cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác làm suy giảm tuổi thọ.
Do vậy, cần điều trị nhanh chóng, kịp thời, tránh để bệnh nặng hơn và gây ra các hậu quả nguy hiểm không thể lường trước được.
5. Chỉ có nam giới tuổi trung niên là mắc bệnh gout
Mặc dù tỷ lệ bệnh Gout thường gặp nhất ở đàn ông trung niên 30-50 tuổi, tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, bệnh Gout có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi đối tượng.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới là 0,7-1,4% và tỷ lệ nữ giới 0,5 – 0,6%. Đặc biệt, phụ nữ sau mãn kinh do nội tiết tố thay đổi cần chú ý thói quen sinh hoạt để phòng ngừa bệnh gout.
6. Ăn nhiều đạm mới bị gout
Nhiều ý kiến cho răng, Gout là bệnh nhà giàu, ăn uống toàn cao lương mỹ vị mới dẫn đến Gout. Thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy người nghèo cũng có tỷ lệ bệnh Gout cao. Căn bệnh này không phân biệt giàu – nghèo.
Sử dụng thực phẩm nhiều đạm làm tăng nguy cơ bệnh Gout
Gout là bệnh do rối loạn chuyển hoá liên quan đến Acid uric. Các thực phẩm chứa nhiều chất đạm chỉ là một trong các yếu tố nguy cơ, không phải là nguyên nhân chính của bệnh gout
Do đó, kể cả ở người ăn chay trường hoặc ít ăn thịt cá vẫn có thể mắc bệnh nếu người bệnh bị rối loạn chuyển hoá Purine.
7. Nồng độ Acid uric-máu cao là bệnh Gout
Người bệnh Gout khi xét nghiệm sẽ cho kết quả nồng độ Acid uric cao. Tuy nhiên, không phải cứ nồng độ Acid uric cao là bệnh gout.
Không chỉ bệnh Gout, có nhiều bệnh cũng làm tăng sản xuất Acid uric như ung thư, u Lympho, thiếu máu tan máu, ăn nhiều thực phẩm chứa Purin như hải sản, nội tạng động vật, rượu bia… Ngoài ra, nhiễm độc thai nghén, ngộ độc chì, suy giáp… cũng gây tăng Acid uric.
Chỉ khi nồng độ Acid uric cao, cùng với đó là sự lắng đọng chúng tại các khớp, gây ra các tổn thương như sưng khớp, viêm khớp… thì mới kết luận là bệnh Gout.
8. Các kháng sinh giúp điều trị Gout
Kháng sinh là thuốc có khả năng kìm khuẩn, diệt khuẩn, ngăn ngừa nhiễm khuẩn, điều trị các bệnh do vi khuẩn nhạy cảm gây ra.
Kháng sinh không có tác dụng điều trị Gout
Các kháng sinh không có tác dụng điều trị rối loạn chuyển hóa Acid uric. Cần sử dụng các thuốc có tác động tới sự chuyển hóa Acid uric, giúp ổn định nồng độ Acid uric trong cơ thể về mức bình thường mới là biện pháp điều trị.
9. Điều trị Gout chỉ cần trong thời kỳ ngắn
Đây là quan niệm hoàn toàn sai. Bệnh Gout là một căn bệnh mãn tính, điều trị ngắn hạn chỉ giúp cải thiện các triệu chứng và theo thời gian bệnh sẽ tái phát là điều không thể tránh khỏi.
Do đó, điều trị Gout cần phải thực hiện lâu dài, tuân theo chỉ định của bác sĩ, không chỉ áp dụng trong 1 – 2 ngày được.
10. Không kiên trì trong điều trị
Khi mắc cơn Gout cấp, các triệu chứng thường rõ rệt như sưng, nóng, đỏ, đau ở các khớp. Sau khi dùng thuốc, các tình trạng này biến mất khiến nhiều người cho rằng đã khỏi bệnh. Có một vài trường hợp còn tự ý ngừng dùng thuốc khi thấy hết đau hoặc tăng liều với mong muốn cho nhanh khỏi bệnh.
Nhiều loại thuốc chỉ có hiệu quả giảm nhanh cơn đau nhưng không điều trị tận gốc căn nguyên của bệnh. Người bệnh cần sử dụng phối hợp các loại thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị, ổn định nồng độ Acid uric máu.
11. Nhầm lẫn với bệnh giả gout
Bệnh Gout hình thành do sự lắng đọng tinh thể Urat tại các khớp, có liên quan tới chế độ ăn chứa nhiều Purin. Cơn đau cấp thường khởi phát từ ngón chân cái, đau dữ dội trong 12 – 24 giờ và có hạt Tophi.
Nhiều người có thể lầm tưởng với “bệnh giả Gout” do các triệu chứng của nó gần giống với bệnh Gout. Người bệnh cần phân biệt 2 bệnh này để việc điều trị bệnh đạt hiệu quả cao. Bệnh giả Gout do sự lắng đọng Calci tại các khớp, gây sưng đau tại gối và đau âm ỉ trong nhiều ngày. Căn bệnh này không liên quan tới chế độ ăn và không xuất hiện các hạt Tophi.
12. Bệnh gout không gây hại cho thận
Có đến 10 – 15% bệnh nhân mắc bệnh Gout bị tổn thương thận. Các tinh thể muối Urat lắng đọng gây tổn thương cầu thận, ống thận, lâu ngày làm suy giảm chức năng thận. Khi tinh thể muối Urat quá nhiều, tạo thành sỏi thận, làm tắc nghẽn, ứ nước tiểu, viêm đường tiết niệu.
Bệnh Gout nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến các tổn thương ở thận
Ngoài ra, điều trị Gout bằng các thuốc kháng viêm NSAIDs, Corticoid dài ngày cũng làm ảnh hưởng tới chức năng thận.
13. Chỉ điều trị khi bệnh trở nặng
Axit uric máu tăng cao kéo dài vượt quá 420 micromol/l ở nam và 360 micromol/l ở nữ dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có bệnh gout với các triệu chứng sưng khớp, biến dạng khớp, xuất hiện các hạt tophi…
Tuy nhiên, do tâm lý giấu bệnh, ngại đi khám bệnh, rất nhiều đối tượng, đặc biệt là người cao tuổi chỉ đi khám khi bệnh trở nặng. Họ không biết rằng giai đoạn bệnh nhẹ, mới phát bệnh là “thời điểm vàng” để chữa trị.
Khi bệnh nặng hơn, chuyển sang giai đoạn biến chứng thì quá trình điều trị khiến người bệnh tốn nhiều thời gian, tiền của, công sức và nhiều tác động xấu. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu sưng, nóng, viêm, đau ở các khớp, người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
14. Dùng thuốc không rõ nguồn gốc để trị bệnh
“Có bệnh thì vái tứ phương”, nhiều người tự ý mua thuốc không rõ nguồn gốc, được bán tràn lan trên thị trường, ở các trang web không uy tín với lời quảng cáo giảm nhanh chóng Acid uric, điều trị hết bệnh Gout…
Hậu quả là tình trạng bệnh còn trầm trọng hơn, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy gan, thận, nặng hơn là nhiễm trùng khớp, nhiễm trùng máu.
Dùng thuốc không rõ nguồn gốc có thể khiến bệnh nặng hơn
Không phải cứ nồng độ Acid uric giảm là khỏi bệnh, thực tế, Acid uric giảm đột ngột có thể do lắng đọng tinh thể Urat ở các khớp và mô xung quanh. Do đó, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Chỉ sử dụng các sản phẩm hỗ trợ điều trị của các thương hiệu uy tín, được cấp phép theo đúng quy định.
15. Lạm dụng thuốc hạ Acid uric
Thuốc cần phải uống đúng liều, nhiều người vẫn uống quá liều cho phép dù được bác sĩ kê đơn, chỉ định rõ ràng vì nghĩ rằng, uống nhiều hơn sẽ sớm khỏi bệnh.
Uống quá liều có thể gây độc tính, tăng nguy cơ xuất hiện các tác dụng phụ hoặc tác động xấu đến các cơ quan trong cơ thể. Nếu tình trạng bệnh không được cải thiện, người bệnh cần tái khám để được bác sĩ điều chỉnh đơn thuốc.
16. Tất cả các hạt tophi đều cần phẫu thuật cắt bỏ
Đây là quan niệm sai lầm trong điều trị bệnh Gout không chỉ ở bệnh nhân mà có nhiều bác sĩ cũng hiểu sai vấn đề này. Người bệnh cần báo cho bác sĩ nếu có sự xuất hiện của các hạt tophi nhưng không phải cứ có hạt tophi là cần phải phẫu thuật.
Không phải hạt Tophi nào cũng cần loại bỏ
Nhiều hạt Tophi có thể teo nhỏ, tiêu biến nếu người bệnh tuân thủ đúng điều trị của bác sĩ, có chế độ ăn uống khoa học. Chỉ phẫu thuật cắt bỏ hạt Tophi khi hạt có kích thước quá lớn, chèn ép mạch máu, cản trở chức năng của các bộ phận hoặc hạt tophi bị vỡ, gây viêm loét, nhiễm khuẩn.
II. Hậu quả của những sai lầm trong điều trị
Những nhận thức sai này đã dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng có thể kể đến như:
– Cơn đau Gout cấp thường xuyên xảy ra, thời gian tái phát giữa các cơn cấp ngắn lại.
– Nồng độ Acid uric không được kiểm soát chặt chẽ do chế độ ăn kiêng không hợp lý, uống nhiều nước ngọt, không kiên trì trong điều trị.
– Nhầm lẫn bệnh Gout với các bệnh đau xương khớp hoặc bệnh tăng Acid uric khác.
– Làm dụng thuốc giảm đau trong điều trị, gây nhờn thuốc, kháng thuốc.
– Bệnh nặng và khó điều trị hơn do dùng thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc để chữa Gút, để bệnh đau nặng mới điều trị.
– Tổn thương chức năng thận, thậm chí là suy thận.
Trên đây là một số sai lầm và hậu quả của chúng khi điều trị bệnh Gout, mong rằng, qua các thông tin này sẽ giúp người bệnh tránh được những sai sót trong điều trị bệnh, giúp nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh.
Xem thêm: Ăn gì để phòng bệnh Gout?