Điều trị gout bằng phương pháp dân gian
Gout (Gút) là một căn bệnh rối loạn chuyển hóa Acid uric, bệnh này rất khó khỏi hẳn và dễ tái phát. Tuy nhiên hoàn toàn có thể được kiểm soát bằng chế độ ăn uống hợp lý hay các bài thuốc dân gian. Dưới đây là một số MẸO dân gian được sử dụng tại nhà để phòng cơn Gout cấp tái phát.
1. Lá vối làm giảm triệu chứng của bệnh gout
Trong lá vối chứa các hoạt chất có khả năng kháng khuẩn, thanh nhiệt, lợi tiểu như Alcaloid, Flavonoid, Tanin… Ngoài ra, lá vối còn có tác dụng kích thích tiêu hóa, phòng ngừa nhiễm khuẩn tiêu hóa.
Một số nghiên cứu đã cho thấy lá vối có tác dụng hỗ trợ đào thải Acid uric, góp phần phòng ngừa và hỗ trợ điều trị Gút hiệu quả. Nếu sử dụng kiên trì trong khoảng 1 tháng, các triệu chứng của bệnh có thể được kiểm soát và cải thiện đáng kể.
Lá vối làm tăng thải trừ Acid uric
Cách làm:
– Rửa sạch lá vối tươi hoặc khô (khoảng 30g), cho vào nồi hoặc ấm sắc thuốc.
– Cho thêm 2 lít nước, đun cho tới khi còn 1,5 lít thì tắt bếp.
– Nên dùng khi còn ấm, uống thay nước lọc. Cũng có thể dùng như một loại canh để ăn với cơm.
Bài thuốc chữa Gout từ lá vối chỉ có tác dụng khi các triệu chứng còn nhẹ. Nếu trường hợp xuất hiện hạt Tophi hoặc có biến chứng nặng hơn, cần thăm khám bác sĩ để có biện pháp điều trị phù hợp.
2. Lá lốt cải thiện bệnh gout
Theo đông y, lá lốt có vị cay, tính ấm, có tác dụng tán hàn, hạ khí, giảm đau. Do đó, vị thuốc này có khả năng làm giảm cơn đau nhức do bệnh Gout gây ra. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy, lá lốt có chứa các hoạt chất giúp kích thích tiêu hóa, hạn chế rối loạn chuyển hóa và kiểm soát nồng độ Acid uric.
Lá lốt có khả năng chống viêm, giảm đau do Gout
Có thể dùng lá lốt theo các cách như sau:
Sắc nước uống
– Lấy khoảng 5-10g lá lốt phơi khô hoặc 15-30g lá lốt tươi, rửa sạch, đem sắc với khoảng 500ml nước, đun còn ½. Uống sau khi dùng bữa tối, liên tục trong 10 ngày.
– Có thể kết hợp Cỏ xước tươi, rễ bưởi bùng, lá lốt, vòi voi, mỗi thứ 30g. Cắt nhỏ dược liệu, sao vàng. Cho khoảng 3 bát nước, sắc còn 1 bát. Chia thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày. Uống liên tục trong 1 tuần.
Ngâm tay chân
– Lấy 30g lá lốt tươi và 1 ít muối, nấu với 1,5-2 lít nước, để nguội, thêm muối và ngâm chân/tay trong khoảng 10 phút.
Kết hợp lá lốt và trầu không, mỗi thứ 15g, đem nấu với 1,5-2 lít nước, để nguội rồi ngâm.
– Dùng liên tục 7-10 ngày giúp giảm đau nhức và cải thiện khả năng vận động.
Chế biến món ăn từ lá lốt
– Khi chế biến món ăn, có thể phối hợp lá lốt với các thực phẩm như cá, thịt trắng, rau xanh…
– Chú ý hạn chế gia vị, dầu mỡ để giảm áp lực lên thận, Acid uric được đào thải nhanh hơn.
3. Lá tía tô hiệu quả trong điều trị bệnh gout
Nghiên cứu cho thấy, lá tía tô có chứa tinh dầu, các Hydrrocarbon, Aldehyd, Xeton… giúp chống oxy hóa, chống viêm, dị ứng.
Do đó, tía tô giúp giảm cơn đau do Gout gây ra, ức chế hình thành Acid uric. Ngoài ra, còn có tác dụng lợi tiểu, giúp đào thải Acid uric ra khỏi cơ thể.
Lá tía tô trị Gout
Đây là vị thuốc dễ kiếm, sử dụng đơn giản. Dưới đây là một số cách sử dụng tía tô chữa bệnh Gout:
– Ăn sống: Lấy khoảng 100g tía tô tươi, rửa sạch, ngâm nước muối loãng, để ráo rồi ăn sống.
– Đun uống: Lấy 50g lá tươi, rửa sạch, đun sôi với 1-2 lít nước trong khoảng 15 phút. Uống khi còn ấm.
– Ngâm chân/tay: Lấy 1 nắm lớn lá tía tô, đun sôi với khoảng 2 lít nước. Để nguội rồi ngâm phần khớp bị đau trong khoảng 30 phút.
– Uống bột tía tô: Lá tía tô rửa sạch, phơi khô, đem giã hoặc xay mịn rồi cho vào lọ kín. Mỗi lần sử dụng, hòa 5-10g bột với nước nóng để uống.
4. Lá trầu không – Giải pháp an toàn trong điều trị bệnh gút
Trong lá trầu không có chứa ?-Phenol là đồng phân của Eugenol, Chavicol cùng nhiều hoạt chất khác.
Trầu không có tác dụng cải thiện rối loạn chuyển hóa, phục hồi các khớp bị hư tổn. Do đó, từ nhiều năm trước, lá trầu không đã được sử dụng điều trị các triệu chứng do Gout và phòng ngừa cơn Gout cấp.
Có thể dùng khoảng 100g trầu không, xắt nhỏ và đem đun sôi trong 10 phút. Lấy nước uống 1-2 lần/ngày, kết hợp làm nước ngâm rửa, xoa bóp vùng khớp sưng do Gút.
Trầu không có hiệu quả trị Gout tuyệt vời
Đặc biệt hơn, khi kết hợp với nước dừa, tác dụng của vị thuốc này được tăng lên đáng kể. Các chuyên gia y tế cho rằng, nước dừa có thể làm giảm sự hình thành Acid lactic, tăng đào thải Acid uric, cải thiện các bất thường về tiết niệu và thận.
Cách thực hiện:
– Lá trầu không rửa sạch, để ráo nước rồi thái nhỏ, đem ngâm vào trong nước dừa khoảng 30 phút. Chắt lấy nước uống.
– Nên uống đều đặn vào buổi sáng trong khoảng 1 tuần và duy trì trong vòng 1 tháng. Không nên ăn trước và sau khi uống khoảng 2 giờ.
5. Đậu xanh hỗ trợ giảm các triệu chứng của bệnh gout
Vỏ đậu xanh chứa nhiều chất xơ, nhờ làm chậm quá trình hấp thu chất đạm, do đó giảm sự hình thành Acid uric. Ngoài ra, loại đỗ này có tác dụng giảm viêm, làm giảm đau do tác dụng của các Flavonoid, chất chống oxy hóa…
Chữa gout bằng đậu xanh ninh nhừ
– Lấy khoảng 150g đậu xanh, rửa sạch rồi ngâm trong nước khoảng 1 giờ.
– Ninh nhừ với lượng nước theo ý muốn, không thêm gia vị.
– Dùng 2 lần/ngày vào sáng tối trong khoảng 1 tháng.
Đậu xanh rang
– Lấy khoảng 1 nắm đậu xanh, rửa sạch, rang khô đến khi vàng và dậy mùi thơm.
– Đổ vào 2 lít nước, đem nấu sôi.
– Uống nước đậu rang mỗi ngày thay nước lọc. Phần bã đậu xanh có thể để lại ăn trực tiếp.
Cháo đậu xanh
– Lấy khoảng 100g đậu xanh nguyên vỏ cùng 1 nắm gạo nhỏ.
– Đem rửa sạch đậu xanh và vo gạo rồi cho vào nồi, thêm nước vừa đủ, ninh nhừ.
– Thêm gia vị cho vừa miệng.
– Ăn 2 bát cháo mỗi ngày vào sáng, chiều trong khoảng 1 tháng.
Duy trì sử dụng đậu xanh mỗi ngày để cải thiện và phòng ngừa bệnh Gout
Sữa đậu xanh
– Ninh nhừ đậu xanh, xay nhuyễn. Cho thêm sữa hoặc nước cốt dừa rồi đun sôi hỗn hợp khoảng 5 phút.
– Có thể thêm một chút đường cho vừa.
Ngũ cốc đậu xanh
– Nếu nhàm chán với các phương pháp trên, có thể đổi khẩu vị bằng ngũ cốc.
– Nguyên liệu: Đậu nành, đậu đỏ, đậu đen, gạo lứt, đậu xanh.
– Rang chín hỗn hợp trên, nghiền thành bột mịn, cho vào lọ kín.
– Pha bột với nước, uống vào sáng và chiều tối. Có thể thêm đường, sữa cho vừa khẩu vị.
6. Cải bẹ xanh giúp hỗ trợ chữa bệnh gout
Cải bẹ xanh có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu. Do đó nó giúp tăng đào thải Acid uric ra khỏi cơ thể, ngăn ngừa bệnh Gút tiến triển.
Trong cải bẹ xanh có chứa lượng lớn vitamin, đặc biệt là vitamin K cùng các chất xơ, chất chống oxy hóa giúp giảm các triệu chứng viêm, đau nhức khớp.
Để điều trị bệnh Gút, có thể luộc cải bẹ lấy nước uống hàng ngày. Ngoài ra có thể bổ sung chúng vào chế độ ăn hàng ngày cho người bệnh Gout, dùng ăn sống, chế biến với các món ăn khác.
7. Đu đủ xanh giúp cải thiện triệu chứng của bệnh xương khớp
Đu đủ xanh thường có mặt trong các bài thuốc nam trị gout, viêm khớp, thấp khớp.
Nhựa đu đủ xanh có thành phần chính là Papain, tác dụng kháng viêm, giảm đau và ức chế hình thành Acid uric. Vỏ đu đủ chứa nhiều chất có khả năng “tiêu diệt” các hạt Tophi. Sau đây là một vài cách chữa bệnh bằng đu đủ xanh mà người bệnh có thể áp dụng ngay tại nhà.
Tuy nhiên, không nên ăn khi đang đói vì dễ gây xót ruột. Phụ nữ mang thai, người có vấn đề về tiêu hóa không trị Gout bằng đu đủ xanh.
Đu đủ xanh có khả năng trung hòa Acid uric
Nộm đu đủ
– Nguyên liệu: 800g đu đủ xanh, 150g cà rốt, 150g lạc rang giã dập, rau thơm, tỏi, đường, chanh, ớt, nước mắm.
– Thực hiện:
+ Đu đủ gọt vỏ, bỏ hạt, rửa sạch, nạo thành sợi, ngâm với nước muối loãng 15 phút.
+ Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, nạo thành sợi.
+ Đổ hết nước ngâm đu đủ, cho cà rốt vào bát.
+ Pha nước trộn theo tỉ lệ 1.5 nước mắm – 2 nước cốt chanh – 2 đường + tỏi + ớt băm.
+ Cho nước trộn vào bát đựng đu đủ, cà rốt, trộn đều và để trong 15 phút.
+ Rau thơm rửa sạch, để ráo nước, cắt nhỏ, cho vào cùng với lạc trước khi ăn.
– Ngoài tác dụng hỗ trợ điều trị, món ăn này còn giúp kích thích vị giác của người bệnh.
Đu đủ xanh và trà xanh
– Rửa sạch 30g trà xanh và 2 quả đu đủ.
– Đu đủ để cả vỏ, thái miếng nhỏ, cho vào 2 lít nước sôi.
– Đến khi nước sôi lại một lần nữa. Cho lá trà vào đun thêm 2 phút.
– Gạn lấy nước uống. Chất chống oxy hóa trong lá trà giúp giảm viêm khớp hiệu quả.
Đu đủ xanh và nước dừa
– Đu đủ rửa sạch, để vỏ, bỏ hạt, cắt miếng nhỏ đem đun sôi khoảng 10 phút.
– Lấy khoảng 300g trà xanh rửa sạch rồi cho vào nồi đu đủ, hãm trong 30 phút.
– Cho nước dừa vào nồi, khuấy đều, chắt lấy nước uống.
8. Gừng hỗ trợ điều trị bệnh gout nhanh chóng
Gừng là một vị thuốc rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Gừng có chứa nhiều hoạt chất có công dụng chống viêm, chống oxy hóa như Gingerols và Shogaols, giúp ức chế sự hình thành tinh thể muối Urat trong máu, ngăn ngừa cơn Gút cấp tái phát.
Khi sử dụng gừng cần hạn chế gọt vỏ gừng và không nên dùng cho người đang mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, rối loạn đông máu, người bị bệnh tim, sỏi mật.
Gừng làm giảm viêm, sưng các khớp
Uống trà gừng: Cho 2-3 lát gừng tươi vào ấm trà, để khoảng 15 phút, uống vài lần cho hết.
Ngâm khớp sưng bằng nước gừng: Giã nát 1 cũ gừng tươi, đem đun với 2 lít nước và 1 thìa muối. Để nước nguội bớt còn khoảng 50 độ thì ngâm khoảng 30 phút. Thực hiện ngày 1 lần trước khi đi ngủ để giảm đau nhức về đêm.
Ngoài ra có thể thêm gừng vào chế độ ăn uống hàng ngày để hỗ trợ điều trị Gout.
8. Hạt cần tây làm giảm biểu hiện ở bệnh gout
Cân tây là loại thảo dược chứa nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe. Trong đó phải kể đến những chất sau, chủ yếu trong hạt:
– Luteolin: tác động vào oxit nitric – chất chuyển hóa từ acid uric. Nó gây phản ứng oxy hóa và viêm nghiêm trọng.
– 3-n-butylthalide: có khả năng chống viêm trong bệnh gout.
– Beta-selinene: chống oxy hóa và chống viêm.
Cách thực hiện: Sử dụng như một loại gia vị cho vào các món ăn hàng ngày. Hoặc pha thành trà uống đều đặn mỗi ngày.
Một số cách chữa bệnh gút khác như:
– Cháo gạo nếp hạt dẻ.
– Rau diếp cá nấu lê.
– Hỗn hợp giấm táo, nghệ và nước chanh.
Bên cạnh sử dụng những thảo dược tự nhiên cần xây dựng chế độ sinh hoạt như sau”
– Tập thể dục thường xuyên.
– Bổ sung đầy đủ nước mỗi ngày.
– Hạn chế thức uống có cồn, chất kích thích như rượu, bia, cà phê…
– Duy trì cân nặng thích hợp.
– Xây dựng chế độ ăn khoa học: bổ sung thực phẩm giàu vitamin C (bắp cải, bông cải xanh, cam…)
Các bài thuốc dân gian này chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, không thể thay thế cho việc dùng thuốc điều trị và các thủ thuật ngoại khoa. Đồng thời, những phương pháp này không đem lại tác dụng tức thì nên người bệnh cần kiên trì. Do đó, khi các triệu chứng trở nên nặng hơn và xuất hiện hạt Tophi, nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Xem thêm: Những sai lầm trong điều trị bệnh Gout.
Các bài viết của Dược Điển Việt Nam chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị.