banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 1DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 2DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM BẢN BỔ SUNG

Bán Hạ (Thân rễ) (Rhizoma Pineliiae) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
Bán hạ

Bán hạ bắc

Thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Bán hạ [Pinellia ternata (Thunb.) Breit.], họ Ráy (Araceae).

Mô tả

Dược liệu có dạng hình cầu hay hình cầu dẹt, đường kính 1 cm đến 1,5 cm. Mặt ngoài trắng hay vàng nhạt. Đỉnh có chỗ lõm là vết sẹo của thân cây, xung quanh có nhiều vết sẹo rễ là các chấm nhỏ. Phía đáy tù và tròn, hơi nhẵn. Chất cứng chắc, mặt cắt trắng và có nhiều bột. Mùi nhẹ, vị hăng, tê và kích ứng.

Bột

Bột màu trắng ngà. Soi kính hiển vi thấy khá nhiều hạt tinh bột, hình tròn, hình bán nguyệt, hay hình nhiều cạnh, đường kính 2 µm đến 20 µm, rốn hình khe, hình chữ V hoặc hình sao, vân không rõ. Hạt tinh bột đơn hay kép từ 2 đến 6 hạt. Tinh thể calci oxalat hình kim, dài 20 µm đến 144 µm, tập trung hoặc rải rác khắp nơi. Mạch xoắn, đường kính 10 µm đến 24 µm.

Xem thêm: NGŨ GIA BÌ HƯƠNG (Vỏ rễ, vỏ thân) – Dược Điển Việt Nam 5

Định tính

A. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: n-Butanol – acid acetic – nước (8:3:1).
Dung dịch thử: Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 10 ml methanol (TT), đun hồi lưu trong 30 min, lọc, bốc hơi dịch lọc đến khi còn khoảng 0,5 ml được dung dịch thử.
Dung dịch chất đối chiếu: Hòa tan arginin, alanin, valin và leucin chuẩn trong methanol 70 % (TT) để được dung dịch có nồng độ mỗi chất chuẩn là 1 mg/ml.
Dung dịch dược liệu đối chiếu: Nếu không có các chất chuẩn đối chiếu như trên, dùng 1 g bột Bán hạ (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 µl dung dịch thừ, 1 µl dung dịch chất đối chiếu hoặc 5 µl dung dịch dược liệu đối chiếu. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng, phun thuốc thử ninhydrin (TT), sấy ở 105°C đến khi rõ vết. Quan sát dưới ánh sáng thường. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu, cùng Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch dược liệu đối chiếu hoặc có các vết cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết của dung dịch chất đối chiếu.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel GF254

Dung môi khai triển: Ether dầu hỏa (30°C đến 60°C) – ethyl acetat – aceton- acid formic (30 : 6 : 4 : 0,5).
Dung dịch thử: Lấy 2 g bột dược liệu, thêm 10 ml ethanol 96 %(TT), đun hồi lưu trên cách thủy 1 h, để nguội, lọc. Bốc hơi dịch lọc đến khô. Hòa cắn trong 1 ml ethanol (TT) được dung dịch chấm sắc ký.
Dung dịch đối chiếu:Lấy 2 g bột Bán hạ (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra để khô ờ nhiệt độ phòng, phun dung dịch acid sulfuric 10 % trong ethanol (TT), sấy ở 105°C đến khi các vệt hiện rõ. Quan sát dưới ánh sáng thường. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu sắc và giá trị Rf với vết thu được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
C. Định tính Pháp bán hạ
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel GF254

Dung môi khai triển: Ether dầu hoả (30°C đến 60°C) – ethyl acetal – aceton – acid formic (30 : 6 : 5 : 0,5).
Dung dịch thử: Lấy 2 g bột Pháp bán hạ, thêm 2 ml acid hydrocloric (TT) ) và 20 ml cloroform (TT), đun hồi lưu trên cách thủy 1 h, để nguội, lọc. Bốc hơi dịch lọc đến khô. Hòa cắn trong 0,5 ml ethanol (TT) được dung dịch thử.
Dung dịch chất đối chiếu: Hòa tan acid glycyrrhetinic chuẩn trong ethanol (TT) để được dung dịch có nồng độ 1 mg/ml.
Dung dịch dược liệu đối chiếu: Lấy 2 g bột Bán hạ (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng, quan sát dưới ánh sáng từ ngoại ở bước sóng 254 nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu sắc và giá trị Rf với vết thu được trên sắc ký đồ của dung dịch dược liệu đối chiếu và có vết cùng màu sắc và giá trị Rf với vết thu được trên sắc ký đồ của dung dịch chất đối chiếu.

Độ ẩm

Không quá 13,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 105°C, 4 h).

Tro toàn phần

Không được quá 4,0 % (Phụ lục 9.8).

Tạp chất

Không quá 1.0 % (Phụ lục 12.11).

Chất chiết được trong dược liệu

Không dưới 9,0 %, tính theo dược liệu khô kiệt.
Tiến hành theo phương pháp chiết lạnh (Phụ lục 12.10).
Dùng nước làm dung môi.

Xem thêm: NGŨ VỊ TỬ – Dược Điển Việt Nam 5

Định lượng

Cân chính xác khoảng 5 g bột dược liệu (qua rây số 250) vào bình nón nút mài, thêm 50 ml ethanol 96 % (TT), đun hồi lưu trên cách thủy 1 h. Để nguội, lọc, lấy bã dược liệu chiết tương tự như trên thêm 2 lần nữa. Gộp các dịch lọc và bay hơi đến cắn khô. Thêm chính xác 10 ml dung dịch natri hydroxyd 0,1 M (CĐ), siêu âm trong 30 min, chuyển toàn bộ dung dịch thu được vào bình định mức 50 ml, dùng nước đun sôi để nguội tráng rửa bát cô, gộp dịch rửa vào bình định mức, thêm nước mới đun sôi để nguội đến vạch, lắc đều. Lấy 25,0 ml dung dịch thu được, chuẩn độ bằng dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (CĐ) với chỉ thị là dung dịch phenolphtalein (TT). Song song tiến hành một mẫu trắng 1 ml dung dịch natri hydroxyd 0,1 M (CĐ) tương đương với 5,904 mg acid butandioic. Tính hàm lượng acid toàn phần có trong dược liệu theo acid butandioic (C4H6O4).
Dược liệu phải chứa không ít hơn 0,25 % acid toàn phần tính theo acid butandioic (C4H6O4) tính theo dược liệu khô kiệt.

Chế biến

Đào lấy thân rễ vào mùa hạ và mùa thu, rửa sạch, gọt bỏ lớp bẩn bên ngoài và rễ con, phơi hay sấy khô. Thái miếng trước khi sử dụng (Bán hạ sống).

Bào chế

Bán hạ tầm phèn chua (Thanh bán hạ): Lấy Bán hạ đã được làm sạch, phân loại to nhỏ, lấy loại có cùng kích thước, ngâm trong dung dịch phèn chua 8 % cho đến khi không còn lõi trắng và vị thuốc gây cảm giác tê nhẹ. Lấy ra, rửa sạch, cắt thành lát mỏng và làm khô, dùng 20 kg phèn chua cho 100 kg Bán hạ. Dược liệu sau khi chế là những miếng nhỏ hình elip, hình thoi hơi tròn hoặc hình chữ nhật, trên bề mặt cỏ màu nâu hoặc nâu nhạt, có một số đốm nhỏ màu trắng và có những đường vạch ngăn, có những vân đỏ tía dưới lớp bần còn lại. Bề mặt nhẵn, chất cứng, dễ gãy. Màu nhạt, vị hơi mặn, se và tê.
Bán hạ tẩm gừng (Khương bán hạ): Lấy Bán hạ đã được làm sạch, phân loại to nhỏ, lấy loại có cùng kích thước, ngâm trong nước cho đến khi không còn lõi trắng. Gừng thái lát, sắc lấy nước đặc, thêm phèn và Bán hạ, đun sôi kỹ, lấy ra, để ngoài không khí đến khô được một nửa thì đem cắt thành những lát mỏng và phơi khô. 100 kg Bán hạ dùng 25 kg Gừng và 12,5 kg phèn. Dược liệu sau khi chế là những miếng nhỏ hình chữ nhật hoặc hơi tròn. Bên ngoài màu nâu đến nâu đen. Bề mặt cứng, nhẵn và bóng láng, bên trong màu nâu vàng nhạt. Mùi thơm nhẹ, có vị tê nhẹ, có chất nhày khi nhai.
Pháp bán hạ: Lấy Bán hạ đã được làm sạch, phân loại to nhỏ, lấy loại có cùng kích thước, ngâm nước cho đến khi không còn lõi trắng, bỏ nước.
Lấy Cam thảo, thêm nước thích hợp, sắc 2 lần, lấy dịch chiết.
Lấy vôi sống, thêm nước thích hợp, khuấy đều, gạn lấy nước vôi.
Trộn đều dịch chiết Cam thảo và nước vôi.

Thêm Bán hạ đã ngâm ở trên vào hỗn hợp dịch chiết cam thảo và nước vôi đã chuẩn bị ở trên, ngâm tẩm, mỗi ngày khuấy 1 – 2 lần/ngày và duy trì pH của dung dịch ngâm ở pH>12 đến khi nếm vị thuốc gây cảm giác hơi tê lưỡi, mặt cắt có màu vàng đều là được. Lấy ra rửa sạch, phơi âm can hoặc sao khô. 100 kg Bán hạ dùng 15 kg Cam thảo, 10 kg vôi sống. Dược liệu sau khi chế gần hình cầu hoặc bị vỡ thành các khối không đều. Bên ngoài có màu vàng nhạt, vàng hoặc vàng nâu. Bề mặt nhẵn cứng, bên trong có màu vàng đến vàng xám, vị hơi ngọt, hơi se.

Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng gió, tránh mọt.

Tính vị, quy kinh

Tân, ôn, có độc. Vào hai kinh tỳ, vị.

Công năng, chủ trị

Giáng nghịch cầm nôn, tiêu đờm hóa thấp, tán kết tiêu bĩ.
Chủ trị: Ho có đờm, nôn mửa, chóng mặt đau đầu do đờm thấp, đờm hạch, đờm kết với khí gây mai hạch khí.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng từ 3 g đến 9 g (sau khi chế biến theo yêu cầu chữa bệnh), dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Dùng ngoài tán nhỏ, làm bột trộn với rượu đắp nơi đau.

Chế gừng: Dùng trong trường hợp bị nôn, bị ho.
Tẩm phèn chua: Dùng trong trường hợp có đờm.
Pháp bán hạ: Dùng trong trường hợp nhiều đờm.
Bán hạ sống: Dùng ngoài để đắp mụn nhọt sưng đau.

Kiêng kỵ

Âm huyết hư, tân dịch kém và người có thai không nên dùng. Không kết hợp với các thuốc loại Ô đầu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *