banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM V TẢI PDF MIỄN PHÍ

Dây Thìa Canh (Caulis et folium Gymnemae sylvestris) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
Dây thìa canh

Cành và lá phơi hay sấy khô của cây Dây thìa canh (Gymnema sylvestre (Retz.) R. Br. ex Schult.], họ Thiên lý (Asclepiadaceae).

Mô tả

Dược liệu chưa cắt đoạn có dạng dây leo, dài tới 6 m, đường kính tới 3 mm. Thường cắt đoạn dài 1,5 cm đến 3 cm. Khi khô có màu xanh lục. Lá có phiến bầu dục hoặc xoan ngược thon dài 6 cm đến 7 cm, rộng 2,5 cm đến 5 cm, đầu nhọn có mũi, gân phụ 4 đến 6 cặp, rõ ở mặt dưới, nhăn lúc khô; cuống dài 5 cm đến 8 cm.

Vi phẫu

Lá:
Phần gân lá: Hơi lồi ở mặt trên, từ dưới lên trên bao gồm: biểu bì dưới, gồm một lớp tế bào hình tròn, đôi lúc có lông che chở đa bào; sát với biểu bì là 3 lớp đến 5 lớp mô dày dưới, có thành dày; bó libe-gỗ gồm có các mạch gỗ phía trong, cung libe ở ngoài bao quanh tùy ở giữa gân chính; mô mềm gồm các tế bào hình trứng thành mỏng, rải rác trong gân lá có tinh thể calci oxalat hình cầu gai; mô dày trên gồm 3 đến 4 lớp tế bào có cấu tạo tương tự như mô dày dưới; biểu bì trên gồm một lớp tế bào hình chữ nhật.
Phần phiến lá: Biểu bì trên và dưới gồm một lớp tế bào hình chữ nhật, xếp đều đặn, có mang lông che chở đa bào. Mô dậu cấu tạo bởi 2 đến 3 hàng tế bào hình chữ nhật xếp vuông góc biểu bì trên, chiếm một phần năm bề dày phiến lá. Mô khuyết nằm ở phần thịt lá, cấu tạo bởi những tế bào tròn xếp lộn xộn, để hở những khuyết nhỏ. Tiếp giáp giữa mô khuyết và mô giậu là các bó libe-gỗ của gân phụ và các mạch.
Thân: Mặt cắt thân hình tròn, từ ngoài vào trong bao gồm: lớp bần, gồm 2 đến 3 hàng tế bào hình chữ nhật xếp thành hệ đồng tâm, có nhiều lỗ vỏ lớn. Ở thân non là lớp biểu bì gồm 1 lớp tế bào hình chữ nhật, xếp đều đặn thành hàng, có nhiều lông che chở đa bào; mô mềm vỏ gồm nhiều lớp tế bào hình trứng, thành mỏng; các bó sợi liền nhau hoặc tạo thành đám; libe-gỗ gồm có libe quanh tủy, bao xung quanh mạch gỗ phía trong; gỗ cấp hai xếp thành vòng tròn để hở các tia ruột rất nhỏ; trong cùng là lớp mô mềm ruột.

Xem thêm: Hương gia bì (Vỏ rễ) – Dược Điển Việt Nam 5

Bột

Màu xanh, mùi thơm nhẹ. Soi dưới kính hiển vi thấy: Lông che chở đa bào, mảnh mô mềm, mảnh biểu bì mang lỗ khí; tế bào lỗ khí; mảnh bần gồm các tế bào thành mỏng, tinh thể calci oxalat hình cầu gai, mạch xoắn, mạch vạch, mạch đồng tiền, sợi và bó sợi.

Định tính

A. Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 5 ml nước, đun sôi nhẹ, lọc nóng. Dịch lọc cho vào ống nghiệm to, thêm 10 ml nước. Lắc mạnh trong vòng 2 min theo chiều dọc của ống nghiệm. Xuất hiện cột bọt cao khoảng 4 cm, bên trong 15 min.
B. Lấy 2 g bột dược liệu, thêm 10 ml ethanol 96 % (TT), đun nóng khoảng 80 °c trong 10 min, lọc nóng. Bốc hơi dịch lọc tới cắn. Thêm 1 ml cloroform (TT), lắc cho tan cắn. Thêm 1 ml acid sulfuric (TT), lắc đều. Xuất hiện màu đỏ.

Độ ẩm

Không quá 13,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 85 °c, 3 h).

Tro toàn phần

Không quá 10,0 % (Phụ lục 9.8).

Tạp chất

Không quá 1 % (Phụ lục 12.11).

Xem thêm: Huyết giác (Lõi gỗ) – Dược Điển Việt Nam 5

Chất chiết được trong dược liệu

Không dưới 25,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.

Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10), dùng nước làm dung môi.

Chế biến

Thu hái quanh năm, phơi hoặc sấy khô, thái đoạn 1,5 cm đến 3 cm, khi dùng sao vàng.

Bảo quản

Để nơi khô, tránh ẩm.

Tính vị, quy kinh

Vị đắng, tính hàn. Vào kinh phế, tỳ, thận.

Công năng, chủ trị

Lợi tiểu, nhuận tràng, hạ đường huyết.

Chủ trị: Tiểu tiện bí dắt, tiểu vàng đỏ, tiểu đường, táo bón do nhiệt.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 10 g đến 12 g, dưới dạng thuốc sắc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *