Triệu chứng hậu Covid trẻ em
Cơn bão Covid đã tạm lắng xuống nhưng di chứng hậu Covid đối với người bệnh vẫn dai dẳng kéo dài và trẻ em cũng không phải là ngoại lệ. Mặc dù, trẻ bị Covid chỉ có triệu chứng nhẹ, nhanh khỏi nhưng vẫn để lại di chứng kéo dài sau khi hết Covid.
I. Trẻ em có dễ mắc covid không?
Theo báo cáo thống kê của Bộ y tế, tỷ lệ trẻ em dưới 18 tuổi mắc Covid từ lúc dịch bùng phát cho đến nay là 19,2% tương ứng với 490.000 trẻ. Trong đó:
– Trẻ từ 13-17 tuổi chiếm 4,8%.
– Trẻ 6-12 tuổi chiếm 8%.
– Trẻ từ 3-5 tuổi chiếm 2,8%.
– Trẻ dưới 2 tuổi chiếm 3,6%.
Thứ trưởng Bộ y tế PGS.TS Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm: Mặc dù trường hợp trẻ mắc Covid 19 viêm đa hệ tuy hiếm gặp nhưng đã được ghi nhận xảy ra trên thế giới. Với tốc độ lây lan của biến chủng mới Omicron khiến cho việc lây nhiễm Covid-19 ở trẻ em ngày càng gia tăng, đặc biệt là đối với những trẻ chưa được tiêm phòng vaccine.
II. Hậu Covid ở trẻ em có nguy hiểm không?
Hậu Covid ở trẻ em có nguy hiểm không?
Thời gian vừa qua, tại Bệnh viện Nhi Trung Ương đã ghi nhận những trường hợp trẻ nhỏ đến khám hậu Covid. Hầu hết những bé đến khám sau khi khỏi Covid vẫn thấy tình trạng ho dai dẳng kéo dài. Nếu để tình trạng này cứ tiếp diễn, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng các bệnh về đường hô hấp sau này.
Từ đầu tháng 2, bệnh viện đã liên tục tiếp nhận nhiều trẻ mắc di chứng hậu Covid từ nhẹ đến nặng. Có những trẻ tiên lượng rất nặng phải thở máy và lọc máu.
Tuy vậy, các bậc phụ huynh cũng không nên quá lo lắng vì di chứng hậu Covid-19 ở trẻ em có tỷ lệ mắc còn thấp và nếu có biện pháp điều trị kịp thời sẽ phục hồi lại sức khỏe của trẻ như bình thường. Nhưng cũng không nên chủ quan mà bỏ qua bước theo dõi và điều trị cho trẻ sau khi khỏi Covid. Bởi vì việc điều trị phục hồi sau Covid là công việc rất cần thiết để đảm bảo trẻ phát triển khỏe mạnh.
III. Triệu chứng hậu Covid ở trẻ em
Theo tổ chức y tế thế giới, hậu Covid có thể xảy ra đối với bất kỳ trẻ nào, kể cả những trẻ không có biểu hiện triệu chứng trước đó. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đã ghi nhận một số di chứng để lại sau khi chữa khỏi Covid ở trẻ em như sau:
1. Hệ hô hấp
Covid 19 là căn bệnh viêm đường hô hấp và một trong những cơ quan mà virus Sars-Cov-2 thích tấn công nhất đó chính là phổi. Chính vì vậy, sau khi điều trị, đây là cơ quan chịu tổn thương nặng nề nhất và các triệu chứng diễn ra khá kéo dài.
Sau khi điều trị Covid, trong phổi của bệnh nhân còn chứa rất nhiều xác của vi khuẩn, virus. Do đó, cơ thể của trẻ diễn ra phản xạ ho nhằm tống xác vi khuẩn, virus ra ngoài để làm sạch đường hô hấp. Điển hình là ho nhiều, ho kéo dài. Các triệu chứng: Đau ngực, khó thở, hơi thở ngắn cũng đã được ghi nhận là hệ lụy của hậu covid do tổn thương phổi quá nhiều. Các triệu chứng này có thể kéo dài đến 3 tháng hoặc thậm chí còn lâu hơn.
Ho kéo dài ở trẻ hậu covid
2. Hệ tim mạch
Tim và phổi và hai cơ quan gần nhau và liên kết với nhau bởi động mạch phổi nên cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự tấn công của virus Sars-Cov-2. Một số triệu chứng đã được báo cáo như:
– Viêm cơ tim.
– Tức ngực, khó thở.
– Nhịp tim không đều, mệt mỏi.
3. Khứu giác và vị giác
Theo thống kê, có khoảng 25% trẻ em từ 9-10 tuổi bị thay đổi mùi và vị giác. Điều này, làm thay đổi thói quen ăn uống hằng ngày, thậm chí còn khiến trẻ không còn thích những món ăn trước đó nữa. Đặc biệt, trẻ có thể không nhận ra được một số mùi đốt cháy nguy hiểm như: Mùi khói, khét do cháy, chập điện,… Điều này rất nguy hiểm khi nhà xảy ra sự cố mà bé không biết để chạy đi tránh nạn hoặc nhờ sự giúp đỡ.
4. Hệ thần kinh
Trẻ em sau khi mắc Covid có thể gặp phải những di chứng ảnh hưởng tới hệ thần kinh với các biểu hiện như:
– Đau đầu là một trong những triệu chứng phổ biến nhất.
– Giảm trí nhớ và khả năng tập trung.
– Mắc chứng khó đọc, đọc ngắt quãng, lặp lại nhiều lần, tốc độ viết chậm hơn.
– Căng thẳng, khó ngủ, ngủ không đủ giấc.
– Một số trường hợp đặc biệt có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ, viêm não nhưng các triệu chứng này rất hiếm gặp.
5. Tâm thần và hành vi
Sau hậu Covid 19, trẻ có thể gặp phải những bất ổn đối với sức khỏe tâm thần và hành vi. Trẻ có thể dễ bị kích động hoặc lo âu, căng thẳng, thay đổi hành vi thường ngày,… Đặc biệt là việc phải nghỉ học, nhập viện, cách ly một mình,… có thể khiến các triệu chứng này trở lên nghiêm trọng hơn.
6. Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C)
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố điều trị một trẻ bị viêm đa hệ thống hậu Covid
Đây là triệu chứng hiếm gặp, gây tổn thương đến nhiều cơ quan trong cơ thể (tim, phổi, thận, não, mắt,…). Dấu hiệu nhận biết hội chứng này là tình trạng sốt kéo dài hơn 3 ngày và có kèm theo :
– Trên da: Nổi ban, mắt đỏ, lưỡi đỏ như quả dâu tây, phù bàn chân, bàn tay.
– Đường tiêu hóa: Đau bụng, tiêu chảy, nôn.
– Suy tim: Mệt mỏi, da nhợt nhạt, xanh tái, chân tay lạnh.
Triệu chứng này rất nguy hiểm, nếu không được chẩn đoán kịp thời có thể là nguyên nhân dẫn đến tử vong ở trẻ.
7. Đái tháo đường
Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường đã được báo cáo có thể xảy ra ở một số trẻ mắc Covid với các biểu hiện: Đi tiểu nhiều lần, khát nước, gầy sút cân, nhanh đói, cơ thể mệt mỏi, buồn nôn, nôn.
Rất khó đến dự đoán hậu Covid bao lâu thì khỏi bởi vì điều này còn tùy thuộc vào cơ địa của từng trẻ.
IV. Hậu Covid 19 ở trẻ em – Khi nào cần đi khám?
Không phải tất cả trẻ em cần đi khám hậu Covid nhưng nếu các trẻ còn các triệu chứng kéo dài, dai dẳng 2-6 tuần và có thêm những triệu chứng mới cần đi khám ngay.
Di chứng nguy hiểm nhất ở trẻ là hội chứng viêm đa hệ thống. Nếu thấy cơ thể bé xuất hiện những vết ban đỏ, khó thở, mệt mỏi cần cho đến các cơ sở y tế để thăm khám xem có mắc hội chứng này không.
Hậu covid ở trẻ em – Khi nào cần đi khám?
Covid đáng sợ nhưng hậu covid còn đáng sợ hơn bởi những biến chứng kéo dài âm ỉ, ảnh hưởng không chỉ đối với thể chất mà còn cả tinh thần của người bệnh. Do đó, các bậc phụ huynh cần có những biện pháp chủ động nâng cao sức khỏe cho con, thường xuyên theo dõi và đưa đi khám kịp thời nếu thấy những dấu hiệu bất thường.
V. Tăng cường miễn dịch để chiến thắng hậu Covid
Sau khi khỏi Covid, sức khỏe của trẻ sẽ phục hồi lại bình thường sau 3-6 tháng bởi vì khả năng tự chữa lành của trẻ rất cao. Điều quan trọng nhất điều trị sau hậu Covid, đó chính là giữ cho bé tinh thần lạc quan, thoải mái.
Bác sĩ Mạnh Cường, Bệnh viện Quân y 103 có chia sẻ: Tăng cường sức đề kháng cho trẻ là chìa khóa vàng giúp chiến thắng Covid và hậu Covid.
Bổ sung chất dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho trẻ
Do đó, các bậc phụ huynh cần tăng cường bổ sung cho trẻ nhiều chất dinh dưỡng qua chế độ ăn. Bên cạnh đó, có thể xin thêm lời khuyên của các chuyên gia y tế về các loại thuốc hỗ trợ giảm ho và tăng cường miễn dịch nhắm điều trị triệu chứng cho trẻ. Đồng thời, trẻ cũng cần có chế độ ngủ nghỉ và luyện tập thể dục thể thao hợp lý. Các mẹ nhớ nhắc con đi ngủ đúng giờ, không thức muộn. Trong trường hợp bé mất ngủ, có thể cho trẻ nghe nhạc không lời để dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Một trong những cách biện pháp tăng cường sức đề kháng chủ động cho trẻ nữa, đó chính là cho bé tiêm phòng đầy đủ các mũi vacxin phòng Covid 19 khi đã đủ tuổi. Đừng e ngại mà chưa cho trẻ đi tiêm phòng. Bởi vì chúng ta không thể nào biết chắc chắn được bao giờ đại dịch chấm dứt. Và mặc dù ở giai đoạn này, trẻ mắc Covid chỉ có triệu chứng nhẹ nhưng không có nghĩa giai đoạn sau trẻ vẫn an toàn bởi vì tuyến phòng ngự miễn dịch của chúng ta đã một lần bị xuyên thủng.
Hậu Covid ở trẻ cũng không quá đáng sợ như chúng ta tưởng, nhưng cũng đừng vì thế mà chủ quan. Hãy cho trẻ thăm khám bác sĩ khi có các dấu hiệu bất thường hoặc kéo dài không khỏi. Đặc biệt, cần nâng cao sức đề kháng của trẻ vì miễn dịch là lá chắn bảo vệ tốt nhất trước các tác nhân gây bệnh.