Tên khác: Thiền liền, Lương khương
Thân rễ đã thái phiến phơi hay sấy khô của cây Địa liền (Kaempferia galanga L.), họ Gừng (Zingiberaceae).
Mô tả
Phiến dày khoảng 2 mm đến 5 mm, đường kính 0.6 cm trở lên, hơi cong lên. Mặt cắt màu trắng ngà có khi hơi ngà vàng. Xung quanh là vỏ ngoài màu vàng nâu hoặc màu tro nhạt, nhăn nheo, có khi còn sót lại rễ con hoặc vết tích rễ con. Thể chất giòn dễ bẻ, có bột. Mùi thơm đặc trưng, vị cay.
Vi phẫu
Lớp bần gồm 8 đến 15 hàng tế bào hình chữ nhật. Mô mềm vỏ gồm những tế bào hình nón hay nhiều cạnh, thành mỏng, chứa hạt tinh bột, rải rác có các bó libe-gỗ nhỏ. Vòng nội bì khung caspari liền với vòng trụ bì. Mô mềm ruột gồm tế bào thành hơi dày chứa nhiều hạt tinh bột và rải rác có các bó libe-gỗ. Tế bào chứa tinh dầu có cả ở mô mềm vỏ và mô mềm ruột.
Bột
Bột màu trắng ngà. Soi dưới kính hiển vi thấy: Nhiều hạt tinh bột hình gần như ba cạnh, hình trứng hay hình tròn, đường kính 5 µm đến 30 µm, có rốn và vân mờ. Mảnh mô mềm có tế bào chứa tinh bột, hoặc kèm theo tế bào chứa tinh dầu màu vàng. Mảnh bần màu nâu nhạt, mảnh mạch vạch.
Xem thêm: Cát Sâm (Rễ) (Radix Millettiae speciosae) – Dược Điển Việt Nam 5
Định tính
A. Ngâm 1 g bột dược liệu với 5 ml ether ethylic (TT) trong 15 min, thỉnh thoảng lắc, lọc. Bay hơi dịch lọc đến cắn. Thêm 1 giọt đến 2 giọt dung dịch vanillin 1 % trong acid sulfuric (TT), xuất hiện màu nâu đỏ đến tím.
B. Lấy 2 g bột dược liệu, thêm 10 ml ethanol 90 % (TT). Đun cách thủy 20 min, để nguội và lọc.
Lấy 1 ml dịch lọc cho vào một ống nghiệm, thêm từ từ 1 ml acid sulfuric (TT) xuống đáy ống. Vòng tiếp xúc giữa 2 lớp chất lỏng có màu nâu đỏ, sau chuyển sang nâu tím.
Lấy 1 ml dịch lọc, thêm từ từ 1 ml dung dịch natri carbonat 5 % (TT). Đun trong cách thủy 3 min, để nguội, thêm 1 giọt đến 2 giọt thuốc thử diazo (TT) sẽ có màu đỏ cam.
C. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel GF254
Dung môi khai triển: n-Hexan – ethyl acetat (18: 1).
Dung dịch thử: Lấy 0,25 g dược liệu, thêm 5 ml methanol (TT), siêu âm 10 min, lọc.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 0,25 g Địa liền (mẫu chuẩn), chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên cùng một bản mỏng 5 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 254 nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu và cùng giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Xem thêm: Cát Cánh (Rễ) (Radix Platycodi grandiflori) – Dược Điển Việt Nam 5
Độ ẩm
Không quá 12,0 % (Phụ lục 12.13).
Dùng 10 g dược liệu đã tán nhỏ.
Tro toàn phần
Không quá 7,0 % (Phụ lục 9.8).
Tỷ lệ vụn nát
Qua rây có kích thước mắt rây 4 mm: Không quá 5 % (Phụ lục 12.12).
Tạp chất
Không quá 0,5 % (Phụ lục 12.11).
Định lượng
Tiến hành theo phương pháp “Định lượng tinh dầu trong dược liệu” (Phụ lục 12.7). Lấy 30 g dược liệu, thêm 300 ml nước, cất trong 3 h.
Hàm lượng tinh dầu trong dược liệu không ít hơn 1,4 % tính theo dược liệu khô kiệt.
Chế biến
Đào lấy thân rễ, rửa sạch, thái phiến mỏng, phơi khô. Khi dùng vi sao.
Bảo quản
Để nơi khô mát.
Tính vị, quy kinh
Tân, ôn. Vào hai kinh tỳ, vị.
Công năng, chủ trị
Hành khí, ôn trung, tiêu thực, chỉ thống.
Chủ trị: Tê thấp, đau nhức xương khớp, nhức đầu, răng đau, ngực bụng lạnh đau, tiêu hóa kém.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng từ 6 g đến 9 g, dạng thuốc sắc. bột hoặc viên.
Ngâm rượu trong 5 đến 7 ngày, lượng thích hợp, để xoa bóp. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Kiêng kỵ
Âm hư, thiếu máu hoặc vị có hỏa uất không dùng.