banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM V TẢI PDF MIỄN PHÍ

Dừa Cạn (Rễ) (Radix Catharanthi rosei) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
Dừa cạn rễ

Rễ phơi hay sấy khô của cây Dừa cạn [Catharanthus roseus (L.) G. Don], họ Trúc đào (Apocynaceae).

Mô tả

Rễ cong queo hoặc thẳng, dài 10 cm đến 20 cm, đường kính 1 cm đến 2 cm, phía trên có đoạn gốc thân dài 3 cm đến 5 cm, phía dưới có nhiều rễ con nhỏ. Mặt ngoài hơi nhẵn, có màu nâu vàng, đoạn thân màu xám có vết sẹo của cành con. Rễ cứng khó bẻ, mặt bẻ lởm chởm. Mặt cắt ngang có màu trắng ngà, không mùi, vị đắng.

Vi phẫu

Mặt cắt ngang có hình tròn. Ngoài cùng là lớp bần rất dày, cấu tạo bởi nhiều hàng tế bào hình chữ nhật. Mô mềm vỏ gồm các tế bào thành mỏng, xếp đồng tâm, các tế bào thường bị dồn ép lại. Libe gồm các bó xếp liền nhau tạo thành vòng bao quanh gỗ. Tầng phát sinh libe-gỗ gồm một lớp tế bào. Phần gỗ có nhiều mạch gỗ xếp thành hàng sát nhau.

Bột

Bột có màu vàng nhạt, không mùi, vị đắng. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh bần, sợi đứng riêng lẻ hay xếp thành bó, mảnh mô mềm có chứa tinh bột, mảnh mạch điểm. Các hạt tinh bột đơn hoặc kép đôi, kép ba, đường kính 0,01 mm đến 0,015 mm.

Xem thêm: Hoàng Liên (Thân rễ) – Dược Điển Việt Nam 5

Định tính

A, Lấy 5 g bột dược liệu cho vào bình nón nút mài, làm ẩm bột dược liệu bằng amoniac đậm đặc (TT) trong 30 min, thêm 25 ml cloroform (TT), lắc kỹ trong 30 min, lọc vào bình gạn, chiết 3 lần bằng dung dịch acid hydroclorid 2 % (TT), mỗi lần 5 ml. Lấy dịch chiết acid (dung dịch A) để làm phản ứng sau: Lấy 4 ml dung dịch A cho vào 4 ống nghiệm, mỗi ống 1 ml.
Ống 1: Thêm 2 giọt thuốc thử Mayer (TT), xuất hiện tủa vàng nhạt.
Ống 2: Thêm 2 giọt thuốc thử Dragendorff (TT), xuất hiện tủa đỏ cam.
Ống 3: Thêm 2 giọt thuốc thử Bouchardat (TT), xuất hiện tủa nâu nhạt.
Ống 4: Thêm 2 giọt dung dịch acid picric (TT), xuất hiện tủa vàng.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)
Bản mỏng: Silica gel GF254
Dung môi khai triển: Cloroform – methanol (19 : 1).
Dung dịch thử: Chuvển dung dịch A còn lại ở trên vào bình gạn, kiềm hóa bằng amoniac đậm đặc (TT) tới pH 9 đến 10, lắc với cloroform (TT) 2 lần, mỗi lần 5 ml. Gộp các dịch chiết cloroform, cô trên cách thủy tới còn khoảng 5 ml dùng làm dung dịch thử.

Dung dịch chất đối chiếu: Hòa tan ajmalicin chuẩn trong hỗn hợp dung môi cloroform – methanol (1 : 1) để được dung dịch có nồng độ 0,5 mg/ml.

Dung dịch dược liệu đối chiếu: Nếu không có chất chuẩn thì dùng 5 g bột rễ Dừa cạn (mẫu chuẩn), chiết như mô tả ờ phần Dung dịch thử.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí, phun thuốc thử Dragendorff (TT). Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có vết cùng giá trị Rf và màu sắc với vết ajmalicin trên sắc ký đồ của dung dịch chất đối chiếu hoặc trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng giá trị Rf và màu sắc với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch dược liệu đối chiếu.

Xem thêm: Phòng phong – Dược Điển Việt Nam 5

Độ ẩm

Không quá 12,0 % (Phụ lục 9.6,2 g, 100°C đến 105°C, 5 h).

Tro toàn phần

Không quá 9,0 % (Phụ lục 9.8).

Tạp chất

Không quá 1,0 % (Phụ lục 12.11).

Định lượng

Cân chính xác khoảng 5 g bột dược liệu (qua rây sổ 1000) cho vào bình Soxhlet, thêm 300 ml methanol (TT), chiết liên tục 5 h đến 6 h ở nhiệt độ 70°C đến 80°C cho kiệt alcaloid (Phụ lục 12.3, dùng thuốc thử Dragendorff), cất thu hồi methanol dưới áp suất giảm tới cắn, hòa tan cắn với dung dịch acid sulfuric 2 % (TT) 6 lần, lần đầu 50 ml, 5 lần sau mỗi lần 20 ml. Gộp các dịch chiết acid, lắc với cloroform (TT) 3 lần, mỗi lần 30 ml. Bỏ dịch cloroform. Kiềm hóa phần dịch chiết acid bằng amoniac (TT) tới pH 10, chiết lấy alcaloid toàn phần bằng cách lắc với cloroform (TT) 6 lần, mỗi lần 30 ml. Gộp các dịch chiết cloroform và lọc qua phễu lọc có natri sulfat khan (TT), rửa natri sulfat bằng 5 ml cloroform (TT), gộp dịch lọc và dịch rửa, cất thu hồi cloroform tới cắn, sấy cắn ở 105°C trong 1 h. Hòa tan cắn trong hỗn hợp dung môi gồm 10 ml cloroform khan (TT) và 10 ml acid acetic khan (TT). Thêm 1 giọt đến 2 giọt dung dịch tím tinh thể (TT). Chuẩn độ bằng dung dịch acid percloric 0,01 N (CĐ) đến khi dung dịch có màu xanh lam hết ánh tím. 1 ml dung dịch acid perclorid 0,01 N (CĐ) tương ứng với 3,5242 mg alcaloid toàn phần tính theo ajmalicin.
Hàm lượng alcaloid toàn phần trong dược liệu được tính theo công thức:

X(%)= V x 3,5242 x k x 10 / (a(100-b))

Trong đó:
V là thể tích dung dịch acid perdoric 0,01 N (CĐ) (ml);
k là hệ số điều chỉnh của dung dịch chuẩn độ;
a là lượng bột dược liệu đem định lượng (g);
b là độ ẩm của dược liệu (%);

Dược liệu phải chứa ít nhất 0,7 % alcaloid toàn phần tính theo dược liệu khô kiệt.

Chế biến

Thu lấy rễ, rửa sạch đất cát, phơi hoặc sấy ở 50°C tới khô.

Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mốc mọt.

Tính vị, quy kinh

Vi khổ, lương, có độc. Vào các kinh can, tâm, thận.

Công năng, chủ trị

Hoạt huyết, hạ huyết áp, giải độc, an thần.

Chủ trị; Tăng huyết áp, bệnh bạch cầu, làm nguyên liệu chiết xuất một số alcaloid trị một số bệnh ung thư.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng từ 8 g đến 12 g. Dạng thuốc sắc hoặc hãm.

Kiêng kỵ

Có thai không dùng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *